Những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi trong tỉnh. Vì thế sự nghiệp giáo dục vùng miền núi đã có những chuyển biến đáng kể.
Hàng năm, mỗi khi vào mùa mưa bão thì hệ thống giao thông miền núi ở Quảng Nam bị sạt lở đất đá hay nước lũ băng qua đường, khiến người dân và học sinh đi lại gặp nhiều khó khăn. Nhiều khi để đảm bảo việc học tập không bị gián đoạn, phụ huynh và thầy cô giáo tại miền núi phải cõng các em lội qua sông, suối hoặc băng qua những đoạn đường nguy hiểm để đến lớp học.
Ông Bùi Quang Ngọc - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Trà Leng (huyện Nam Trà My) cho biết, do địa bàn xã ở vùng cao mỗi khi vào mùa mưa bão thường xuyên xảy ra sạt lở đất đá nên công tác dạy học gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là các cháu nhỏ đi lại rất vất vả và nguy hiểm. Tuy nhiên, bằng tình yêu thương và yêu nghề nên các thầy, cô giáo luôn tận tình trong việc đưa đón, dạy học để truyền kiến thức cho các cháu.
Năm học này toàn trường có hơn 390 em học sinh, với 16 lớp học từ lớp 1 đến lớp 5. Để phục tốt công tác dạy học, nhà trường đã được Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) huyện trang bị nhiều máy móc, sách vở và đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng trường học. Nhà trường đã hoàn thành nhà vệ sinh, sửa chữa bàn ghế, bồi dưỡng chuyên môn để đáp ứng yêu cầu dạy và học ở đây.
Tại huyện Phước Sơn, ông Trần Đình Ngộ - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Phước Lộc cho biết, trước đây khi đường chưa bị hư hỏng, các em vẫn học theo hình thức bán trú. Nhưng từ năm 2020, do thiên tai gây sạt lở đất đá, làm hư hỏng nhiều tuyến đường, cầu cống trong xã nên để đảm bảo an toàn cho học sinh, nhà trường đã vận động phụ huynh đưa các em tới trường học, đồng thời chuyển từ hình thức bán trú sang nội trú, nghĩa là ở lại trường từ đầu tuần đến cuối tuần mới về nhà. Như thế, các em sẽ an toàn, được chăm sóc tốt hơn thay vì hàng ngày đi bộ hơn 10km, vừa không an toàn vừa vất vả.
“Phòng GDĐT huyện cũng đã hướng dẫn các trường học tại những xã vùng cao về an toàn cho học sinh khi đi lại vào mùa mưa bão. Nếu thời tiết có diễn biến bất thường, mưa lớn trong dài ngày thì phụ huynh và nhà trường cần phối hợp đưa đón hoặc giữ chân học sinh ở lại trường, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra” - ông Ngộ nói.
Ông Nguyễn Công Thành - Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian qua đơn vị tích cực tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành một số chính sách đặc thù đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh như: Nghị quyết số 39 ngày 8/12/2016 của HĐND tỉnh quy định khoảng cách, địa bàn; mức khoán kinh phí phục vụ nấu ăn cho học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP; Nghị quyết số 22 ngày 19/4/2021 của HĐND tỉnh về quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 17 ngày 22/9/2023 của HĐND tỉnh về hỗ trợ sữa trong bữa ăn học đường cho trẻ em mẫu giáo, học sinh Tiểu học tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc khu vực I, II và III trên địa bàn tỉnh, từ năm học 2023-2024 đến năm học 2025 -2026…
“Các chính sách hỗ trợ đã tác động tích cực đến công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản về giáo dục, y tế; học sinh có điều kiện đến trường, hạn chế thấp nhất học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bỏ học” - ông Thành nói, đồng thời cho biết, Sở GDĐT tỉnh đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện việc tuyển dụng giáo viên và viên chức giáo dục; Sở GDĐT phối hợp với Sở Nội vụ và các địa phương miền núi xây dựng các chế độ, chính sách thu hút giáo viên đến công tác lâu dài tại các huyện miền núi để trình các cấp có thẩm quyền quyết định, có chính sách lâu dài trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên tại chỗ.