“Đi ngang Long An, nhớ ghé ăn khóm Bến Lức” là câu nói truyền tai nhau ở Đồng bằng sông Cửu Long, khẳng định tên tuổi trái khóm nức tiếng trên vùng đất này. Không chỉ là thương hiệu đặc trưng, cây khóm giờ là cây làm giàu của nhiều nông dân địa phương.
Qua nhiều thập kỷ phát triển, nghề trồng khóm (dứa/thơm) ở Bến Lức đối diện không ít khó khăn, có thời điểm thị trường bấp bênh, khóm mất giá, mô hình gần như bị “xóa sổ” tại địa phương.
Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, nhờ sự đồng hành của các cơ quan chức năng, đặc biệt là sự tham gia của các HTX, tổ hợp tác, cùng sự thay đổi trong tư duy sản xuất của người dân, mô hình trồng khóm ngày càng cho thấy hiệu quả cao, mở ra hướng đi bền vững cho nông dân.
Vang danh khóm Bến Lức
Thạnh Lợi là một trong những xã trọng điểm về trồng khóm ở Bến Lức với diện tích hàng trăm ha, thu hút trên 100 hộ canh tác. Những năm qua, để nâng cao hiệu quả, nông dân trên địa bàn xã đã chủ động chuyển đổi sản xuất theo hướng hàng hóa, liên kết chuỗi giá trị.
Đáng chú ý, Thạnh Lợi hiện có 1 HTX và 1 tổ hợp tác trồng khóm theo tiêu chuẩn VietGAP, với quy trình sản xuất khoa học, mang lại giá trị kép về kinh tế và môi trường sinh thái.
Với sự dẫn dắt của các HTX, tổ hợp tác, trong quá trình sản xuất, các hộ trồng khóm được tập huấn kỹ thuật, nắm vững quy trình sản xuất sạch, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, ưu tiên các hợp chất hữu cơ, vi sinh, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường.
Ông Tín, thành viên Tổ hợp tác trồng khóm xã Thạnh Lợi, cho biết trước đây gia đình ông chủ yếu trồng mía và cấy lúa, sau đó chuyển sang trồng chanh nhưng thị trường bấp bênh, hiệu quả không cao. Đến năm 2015, ông Tín quyết định chuyển đổi 8 ha đất sang trồng khóm, trong đó có 2 ha căn đúng vụ thu hoạch vào dịp Tết.
Nhờ sản xuất an toàn, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, đồng thời được hỗ trợ tiêu thụ từ Tổ hợp tác, mô hình trồng khóm của ông Tín liên tục cho thu nhập ổn định. Vụ Tết năm 2024 vừa qua, có thương lái khắp các tỉnh về thu mua, giá bình quân 10-12 nghìn đồng/kg.
“Khóm sản xuất theo chuẩn VietGAP nên có chất lượng cao, thương lái rất chuộng thường đến tận vườn thu mua. Giá có lúc lên có lúc giảm, nhưng bình quân mỗi ha tôi thu về 50-70 triệu đồng/vụ. Nhờ cây khóm, kinh tế gia đình tôi cũng ngày càng khấm khá”, ông Tín hồ hởi nói.
Theo đại diện Phòng NN&PTNT huyện Bến Lức, toàn huyện hiện có trên dưới 400 ha trồng khóm. Cây khóm có khả năng thích ứng tốt trên vùng đất phèn và còn có thể chịu mặn. Khóm dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, chăm sóc đơn giản. Sau khi trồng 14-18 tháng, khóm sẽ cho thu hoạch 3-5 năm.
Khóm bén rễ đất Thủ Thừa
Không chỉ ở Bến Lức, cây khóm cũng đang bén rễ trên vùng đất huyện Thủ Thừa, với diện tích trên 350 ha. Cây khóm dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, vốn đầu tư thấp lại ít sâu, bệnh.
Ở Thủ Thừa, khóm được trồng ở những vùng đất có độ phèn, mặn càng cao thì trái khóm càng nặng ký và càng ngon, ngọt. Chính vì đặc điểm này, cây khóm đã góp phần nâng cao đời sống cho người dân vùng “rốn phèn” và làm thay đổi diện mạo vùng quê nghèo khó năm nào.
Ông Phạm Văn Tỵ, xã Tân Long, cho hay giống khóm được chọn trồng nhiều nhất ở địa phương là giống Queen (Nữ Hoàng). Điểm đặc biệt tạo nên thương hiệu khóm Long An là nhờ vị ngọt thanh, thịt khóm màu vàng đậm, ít xơ, nhiều nước, ăn giòn, ngọt, ít rát lưỡi.
Để có được đặc điểm này, nông dân trồng khóm ở Thủ Thừa không chỉ áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mà còn biết cách khai thác tốt thổ nhưỡng của vùng đất nhiễm phèn.
“Hiện nay, đa phần nông dân địa phương đều trồng khóm theo phương pháp lưu gốc nên sau khoảng 16 tháng thì khóm mới bắt đầu cho thu hoạch. Phương pháp này mặc dù lâu cho thu hoạch hơn so với trồng bằng chồi thân hay chồi cuống nhưng lại giúp cho nông dân có thể chủ động trong khâu xử lý ra trái, tránh trường hợp khóm cho thu hoạch cùng lúc với số lượng lớn sẽ bị thương lái ép giá. Trung bình 2 tháng, nông dân sẽ xử lý ra trái 1 lần”, ông Tỵ chia sẻ.
Cũng giống như ở Bến Lức, các HTX cũng đang ghi dấu ấn đậm nét trong phát triển cây khóm ở Thủ Thừa. Điển hình, nhận thấy cây khóm phát triển tốt trên vùng “rốn phèn”, năm 2017, HTX Khóm Thủ Thừa, xã Tân Long, được thành lập, có 10 thành viên tham gia, diện tích sản xuất hơn 50ha.
Mở rộng vùng chuyên canh, kết nối thị trường
Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc HTX, cho biết năm đầu tiên thu hoạch, khóm cho sản lượng khoảng 25 tấn/ha, năm thứ 2 khoảng 20 tấn/ha, năm thứ 3 khoảng 15 tấn/ha. Khóm trái khi thu hoạch được phân làm 3 loại dựa vào trọng lượng, trong đó loại I phải đạt từ 1,2kg/trái trở lên.
Chi phí trồng 1ha khóm năm đầu tiên dao động từ 80-100 triệu đồng, các năm tiếp theo khoảng 20 triệu đồng. Sau khi trừ tất cả chi phí, nông dân thu lợi nhuận bình quân 100 - 120 triệu đồng/ha/năm.
Từ khi “bén duyên” trên địa bàn huyện Thủ Thừa, cây khóm trở thành một trong các loại cây chủ lực của địa phương, giúp nhiều nông dân nâng cao thu nhập.
“Định hướng thời gian tới của HTX là chuẩn hóa chất lượng trái khóm để xuất khẩu, bởi nếu chỉ phụ thuộc vào thị trường trong nước thì nông dân rất dễ lâm vào tình trạng “được mùa, rớt giá”. Tuy nhiên, để đưa trái khóm “xuất ngoại” rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành liên quan trong việc hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng mã số vùng trồng và kết nối tiêu thụ”, ông Trung chia sẻ.
Cùng với Bến Lức và Thủ Thừa, cây khóm đã và đang mang đến tín hiệu tích cực cho vùng đất phèn Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, góp phần nâng cao thu nhập của người dân. Trải qua bao thăng trầm của thị trường nhưng cây khóm vẫn có hiệu quả.
Hiện nay, toàn xã Tân Tây có trên 400ha khóm và đều nằm trong khu vực đê bao, có trạm bơm điện phục vụ sản xuất. Thời gian tới, địa phương tiếp tục phối hợp ngành Nông nghiệp huyện tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tạo điều kiện để người dân yên tâm phát triển vùng chuyên canh khóm.
Có thể thấy, cây khóm đang dần trở thành cây kinh tế chủ lực của hàng nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh Long An, với tổng diện tích hơn 1.000 ha. Thời gian tới, để tiếp tục phát huy hiệu quả của loại cây này, bên cạnh đẩy mạnh vai trò của các HTX, tổ hợp tác trong việc hình thành chuỗi giá trị, tỉnh dự kiến tăng cường tập huấn, nâng cao trình độ sản xuất cho các hộ trồng khóm, đặc biệt là nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân, đảm bảo sự phát triển bền vững.
Công tác kết nối thị trường, nâng tầm thương hiệu sản phẩm cũng sẽ được ngành nông nghiệp tỉnh chú trọng hơn thông qua các hoạt động hỗ trợ HTX, người dân trồng khóm hoàn thiện bao bì, nhãn mác, tăng tính nhận diện...