Người dân tộc Thái, đặc biệt là Thái đen cư trú tại các tỉnh Tây Bắc nước ta là một trong những dân tộc thiểu số có một nền văn hóa có bản sắc rất riêng biệt. Những bản sắc văn hóa đó được thể hiện qua trang phục, thói quen sinh hoạt và đặc biệt là ẩm thực, trong đó phải kể đến một số món ăn như pỉnh tộp, phắc pho, chẳm chéo, thịt khô, canh bon...
Canh bon là một món ăn được chế biến từ rất nhiều nguyên liệu, song "chủ vị" là da trâu và thân cây bon (một số vùng gọi là cây khoai nước). Loại cây này thường mọc ven bờ ao, bờ suối hoặc các rãnh nước cạn có độ ẩm quanh năm.
Tuy nhiên, theo một số người già bản Thái thì không phải cây bon nào cũng có thể ăn được, mà nhất định phải là loại bon ngọt, lá có phơi sắc tím.
Đây là một món ăn đòi hỏi chế biến rất cầu kỳ, phức tạp được dùng trong những dịp lễ, tết, cưới hoặc đón khách quý từ phương xa đến.
Đầu tiên món này phải có da trâu, da bò khô hoặc tươi (hiện nay do đời sống được nâng cao nên có thể có thêm đuôi và chân trâu, bò) được đốt rồi làm sạch cũng cắt vừa miếng. Tiếp theo ướp với hạt mắc khén, hạt dổi, ớt nướng... chừng 1 tiếng đồng hồ. Sau đó cho vào hầm nhỏ lửa khoảng 4 tiếng cho mềm thì cho rau Bon cùng các loại rau củ quả đi kèm như cà đắng, cà ngọt, củ chuối... hầm tiếp khoảng 1 tiếng.
Sau đó, trước khi tắt bếp thì cho các loại rau gia vị đã thái nhỏ vào rồi tiếp tục đun nhỏ lửa chừng 10 phút. Các loại rau gia vị được dùng ở món này hầu hết là các loại rau mọc tự nhiên quanh vườn, ruộng, nương... rất dễ kiếm, dễ tìm như lá ớt, rau mùi tàu, lá đu đủ...
Bà Quàng Thị Lĩnh (80 tuổi, trú tại bản Bắt Đông, xã Sặp Vạt , huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) - một trong mười cô gái của Tiểu đội nữ dân quân Yên Châu bắn rơi máy bay Mỹ năm xưa - chia sẻ: “Đây là món ăn có từ rất lâu đời của người Thái chúng tôi. Để nấu được bát canh ngon đòi hỏi phải chuẩn bị từ rất nhiều ngày, nấu rất phức tạp chỉ có ngày lễ như tết Độc Lập, tết Nguyên Đán, lễ cưới, làm nhà... mới có điều kiện để làm, để mời anh em, họ hàng thưởng thức.”
Từ xa xưa, người ta đã có câu "Thái cận sông, Mông cận lửa" để nói lên thói quen sinh sống và chọn vùng đất định cư của mỗi dân tộc. Và quả thật người Thái đen ở Tây Bắc luôn chọn những vùng đất trũng, gần sông suối để định cư. Chính vì thói quen ấy mà ẩm thực của họ cũng "bị nhiễm" phần nào. Ví như món canh bon chẳng hạn, các thành phần, nguyên liệu để chế biến đều là những cây, những lá mọc ở bờ sông, bờ suối hoặc vườn nhà. Âu đó cũng là lý do để tạo nên sự khác biệt, hương vị riêng có của canh bon.