Ngày 24/11, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội phối hợp với Tạp chí Kiến trúc cùng các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo khoa học "Đề án xây dựng Công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng: Tầm nhìn và giải pháp".
Khu vực bãi giữa sông Hồng thuộc địa giới quản lý của nhiều phường bao gồm: Tứ Liên, Yên Phụ (quận Tây Hồ), Phúc Xá (quận Ba Đình), Phúc Tân, Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), Ngọc Thụy (quận Long Biên). Bãi giữa chủ yếu được sử dụng để trồng rau màu và còn nhiều diện tích bỏ hoang gây lãng phí lớn. Công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực bãi giữa còn nhiều tồn tại, ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường sống trong khu vực.
Hiện nay, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã được UBND thành phố phê duyệt là điều kiện thuận lợi để phát triển sông Hồng thành trục cảnh quan quan trọng, đặc biệt là khu vực bãi giữa, nhằm tạo lập không gian kiến trúc cảnh quan, trong đó có các không gian văn hóa sáng tạo.
Tại Hội thảo, các đại biểu đề cập đến tiềm năng phát triển không gian cảnh quan bãi giữa sông Hồng thành công viên văn hóa, cảnh quan không gian xanh cho cộng đồng; những bài học kinh nghiệm trên thế giới về xây dựng công viên văn hóa cảnh quan; những kịch bản về phát triển bãi giữa sông Hồng.
KTS Nguyễn Bá Nguyên, Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết theo quy hoạch chung và quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, khu vực bãi giữa và bãi bồi ven sông được định hướng xây dựng công viên cây xanh cảnh quan, công viên văn hóa, quảng trường đô thị và các công trình mang biểu tượng của Thủ đô.
Bãi nổi sông Hồng và ven sông được phù sa bồi đắp nhiều năm, là không gian xanh rộng lớn giữa Thủ đô có diện tích khoảng 300 ha. Những năm gần đây, diện tích bãi giữa ít thay đổi theo sự lên, xuống của nước lũ do mực nước sông Hồng hiếm khi lên cao. Khu vực này thuộc địa giới quản lý của bốn quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Long Biên, Ba Đình.
Ông Nguyên cho biết, trước hết thành phố sẽ nghiên cứu lập đề án, quy hoạch chi tiết bãi giữa thành công viên văn hóa đa chức năng, quy hoạch các tuyến đường giao thông kết nối từ nội đô và thành phố phía Bắc trong tương lai (theo quy hoạch chung Thủ đô đang xây dựng) và các công trình dịch vụ tiện ích, phục vụ tổ chức sự kiện văn hóa, nghệ thuật lớn.
Theo lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc, Hà Nội cần được trao chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lập quy hoạch chi tiết khu công viên bãi giữa sông Hồng.
Theo đại diện Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, để từng bước hiện thực hóa định hướng xây dựng Công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng, trước hết thành phố Hà Nội cần nghiên cứu lập đề án, quy hoạch chi tiết bãi giữa sông Hồng thành công viên văn hóa đa chức năng, quy hoạch các tuyến đường giao thông kết nối từ nội đô và từ thành phố phía Bắc, xây dựng các quảng trường, đài vọng cảnh để tận dụng các không gian khoáng đạt của cảnh quan bầu trời, mặt nước, xây dựng các công trình tiện ích phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, tham quan của người dân và du khách.
Bàn về quy hoạch chi tiết khu vực bãi giữa sông Hồng, TS. KTS Tạ Nam Chiến, Chủ tịch quận Ba Đình, đề xuất quy hoạch công viên sông Hồng bao gồm khu vực đầu tư mới có phạm vi toàn bộ bãi giữa và khu vực ven sông; khu vực cải tạo chỉnh trang gồm khu dân cư tập trung bên ngoài đê thuộc các phường: Phúc Tân, Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), Phúc Xá (quận Ba Đình), Tứ Liên, Quảng An, Nhật Tân (quận Tây Hồ) và Ngọc Thụy (quận Long Biên).
Kết luận Hội thảo, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng khẳng định, những đề xuất hình thành công viên văn hóa bãi giữa sông Hồng gắn kết chặt chẽ với sông Hồng là những ý kiến tâm huyết của các nhà quản lý, nhà khoa học để đóng góp cho sự phát triển của Hà Nội nói chung và sông Hồng nói riêng. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ tập hợp những ý kiến đề xuất lên thành phố thông qua, để bổ sung vào các quy hoạch của Thủ đô, nhằm sớm đưa kỳ vọng này trở thành hiện thực trong thời gian tới.