Vào đông, mây mù giăng kín những đỉnh núi cao và những cơn mưa phùn rả rích bắt đầu kéo về đều đặn hơn. Ngỡ tưởng mùa đông về cây cối cũng co mình tránh rét chẳng loài hoa nào có thể trỗi dậy để bung xòe trước gió. Ấy vậy mà, cứ thử nhìn lên gò đồi nho nhỏ sau làng, bãi bồi nhỏ giữa lòng sông hay dọc dài bờ suối nhỏ sau nhà, cả miền cỏ lau nở rộ trắng mềm, bàng bạc, mênh mông, bồng bềnh đẹp đẽ.
Hoa lau muôn đời vẫn thế, không lỗi hẹn bao giờ, luôn nở đúng vào những chiều trở lạnh, âm thầm mà can đảm. Tựa như lời hẹn với mùa đông, nàng lau trắng sẽ về để cùng chào đón một mùa đông sang, kiêu sa vươn mình bung xòe trắng muốt mà thầm thì bản tình ca “tôi là loài hoa duy nhất nở khi đông sang”.
Nhớ thuở bé, tôi thường cùng đám bạn rủ nhau ra những triền đồi hoa lau bày đủ trò chơi con nít, đứa nào đứa nấy quần áo dính đầy hoa lau, trắng muốt mà rất khó gỡ ra. Đám con trai thì học đòi chơi trò đánh trận giả, dùng bông hoa lau làm cờ như bài học về Đinh Bộ Lĩnh đánh trận giả năm xưa. Mải chơi, đứa nào đứa nấy quên cả chăn trâu.
Hoa lau thường gối đầu lên nhau dệt thành chiếc khăn bông chạy dọc sườn núi, ôm ấp xóm làng. Những bông lau trông buồn buồn, hiu hắt, tựa như có nỗi niềm thầm kín chưa thể nói ra. Để rồi khi gió đến, như tìm được người bạn tình bao tháng ngày ly biệt, cỏ lau buông mình theo gió nhẹ viễn du viết nên một chuyện tình đẹp ở những miền đất khát khao, những chân trời mộng ước. Nơi ấy, qua những mùa sương nắng, cây lau con sẽ mọc lên để làm bạn với gió đông những năm kế tiếp.
Cỏ lau cao cả hiến dâng đời mình cho những con chim nhỏ yếu ớt kết xây tổ ấm cầm cự với mùa đông rét mướt. Cỏ lau đan chặt vào nhau, cùng mẹ chim che chở cho những quả trứng mong manh, bé bỏng để tặng mùa xuân những điều bất ngờ nhất. Đó là tiếng chim ca trong trẻo, ngọt ngào một sáng xuân lung linh nắng ấm.
Chẳng biết từ bao giờ, hoa lau giờ xuống phố, được trưng bày trong những bình hoa bằng gốm tinh xảo, bày biện ở những nhà hàng sang trọng như một nét đẹp trìu tượng của mùa đông. Cũng chẳng biết từ bao giờ, cứ độ tháng Mười một về, những lời hẹn ước đi chụp ảnh hoa lau lại được các bạn trẻ hưởng ứng, nhiệt tình lựa chọn. Phải chăng vì người ta muốn lưu giữ chút tình khi đông sang hay bởi muốn bông lau trắng muốt là nhân chứng lưu giữ kỉ niệm đẹp. Cảm giác bồng bềnh, chếnh choáng như lạc giữa những đám mây vờn quanh của khóm bông lau cao ngấp nghé đầu người khiến người ta vấn vít cứ muốn đi mãi, đi mãi vào thẳm sâu của bãi lau bãi sậy. Màu lau cứ trắng cước bồng bềnh như mái tóc bạc trắng và nụ cười hiền của ông bụt, bà tiên ở cổ tích xa xăm; cứ dập dìu đung đưa trong ngọn gió đông trên nền cỏ xanh mươn mướt.
Cơn gió lạnh mùa đông khiến mọi thứ như tê tái thì lau sậy lại chín và nở bông rậm rì nhất. Cô bạn thân ở quê nhắn tin rủ thu xếp việc về quê chụp ảnh, cỏ lau nở nhiều, đẹp lắm rồi đấy, đừng trễ hẹn mà bỏ lỡ một mùa hoa lau. Chẳng biết vì hoa lau nở đẹp, vì tin nhắn gợi về tuổi thơ của cô bạn thân hay bởi muốn lưu giữ chút kỉ niệm khi đông sang, lòng tôi đã bắt đầu háo hức từ tối hôm trước.
Trước triền núi lau sậy trắng muốt, dòng suy tư chợt vụt qua trong thoáng chốc, giật mình nhận ra ai rồi cũng phải trưởng thành và có nhiều đổi khác nhưng dường như những bông cỏ lau vẫn thế, qua mấy mùa gió bấc ngập ngừng vẫn điềm nhiên đón nhận tất cả những gì khắc nghiệt nhất để vươn lên giữ mãi nét hồn quê thanh bình, giản dị.