Đời sống

Bồi đắp tình yêu nước cho thế hệ trẻ

Thu Thủy 21/01/2024 - 18:52

Công tác giáo dục về tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự tôn dân tộc cho học sinh qua các tiết học ngoài giờ được các nhà trường tích cực thực hiện, mang lại hiệu quả thiết thực.

Tăng cường hoạt động trải nghiệm

Nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, vừa qua, Trường THPT Yên Dũng số 2 (Yên Dũng) phối hợp với Câu lạc bộ Người anh hùng và nhân chứng kể chuyện lịch sử (Trung tâm Giáo dục truyền thống và lịch sử Việt Nam) tổ chức chương trình giao lưu “Tiếp lửa truyền thống”.

20240118154022-15.jpg
Học sinh Trường THCS Trần Phú (TP Bắc Giang) tham quan Bảo tàng tỉnh.

Tại đây, 1,5 nghìn học sinh được nghe Thiếu tướng Vũ Anh Thố, nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân kể về một thời kỳ oanh liệt của dân tộc, những ngày tháng không thể nào quên để làm nên Hà Nội 12 ngày đêm rực lửa - Điện Biên Phủ trên không (từ ngày 18 - 29/12/1972). Trong 12 ngày đêm, quân và dân ta hạ 34 máy bay B52, đặc biệt ngày 26/12/1972, hạ 15 máy bay, trong đó có 8 máy bay B52 cho thấy ý chí quật cường và trí tuệ của người dân Việt Nam.

Hơn 50 năm đã trôi qua, chiến thắng đó trở thành một dấu ấn chói lọi, góp phần tô thắm trang sử đau thương mà hào hùng trong thế kỷ XX của dân tộc. Em Nguyễn Thùy Dung, học sinh lớp 11A6 nói: “Được nghe những câu chuyện thời chiến từ các nhân chứng lịch sử, em thêm hiểu và tự hào về truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam. Em tự thấy mình có trách nhiệm hơn trong học tập, rèn luyện, không ngừng trau dồi bản thân để xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp”.

Bên cạnh những tiết học lịch sử trên lớp, nhiều trường còn tổ chức cho học sinh tham quan các khu di tích và địa chỉ đỏ trên địa bàn. Vào các dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26/3, Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, Trường THCS thị trấn Nhã Nam (Tân Yên) thường tổ chức chương trình về nguồn, cho học sinh tới thăm, tìm hiểu Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân.

Tại đây, các em dâng hương tưởng nhớ Bác, nghe thuyết minh về khu di tích. Ngoài ra, học sinh còn được tham gia trò chơi, làm bài tập thu hoạch, giao lưu với các bạn để củng cố, khắc sâu hơn kiến thức; tham gia dọn vệ sinh, làm đẹp khu di tích. Buổi trải nghiệm góp phần bổ sung thêm kiến thức lịch sử địa phương, tạo sân chơi và môi trường thực tế cho học sinh tự học, rèn luyện, nâng cao kỹ năng hoạt động tập thể; phát huy năng lực tự tìm hiểu những di sản văn hóa, lịch sử của quê hương một cách hiệu quả nhất.

Theo cô Nguyễn Thị Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Nhã Nam, những năm gần đây, những tiết học ngoại khóa tìm hiểu lịch sử là một nội dung bắt buộc trong chương trình của nhà trường. Hiện nay, các nhà trường đều kết hợp hài hòa giữa học chính khóa và ngoại khóa để giáo dục truyền thống, xây dựng lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho học sinh. Đồng thời, tạo điều kiện để các tổ chức đoàn, hội, đội phát huy vai trò, tích cực tham gia quá trình giáo dục toàn diện cho thanh, thiếu nhi.

Phát huy vai trò tổ chức Đoàn, Đội

Công tác giáo dục truyền thống, lòng yêu nước là nhiệm vụ quan trọng được các cấp bộ Đoàn, Đội đặc biệt quan tâm, triển khai sâu rộng tới từng cơ sở. Trong năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh đã tổ chức gần 1 nghìn buổi nói chuyện truyền thống, gặp mặt nhân chứng lịch sử, hoạt động về nguồn, hành trình đến với địa chỉ đỏ, hành trình theo bước chân người anh hùng, đến với bảo tàng, đến với địa danh lịch sử.

Trong năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh đã tổ chức gần 1 nghìn buổi nói chuyện truyền thống, gặp mặt nhân chứng lịch sử, hoạt động về nguồn, hành trình đến với địa chỉ đỏ.

Lễ chào cờ và sinh hoạt dưới cờ hằng tuần được liên đội trường học thực hiện đồng bộ, hiệu quả, thống nhất thực hiện theo nghi thức Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biển đảo, tri ân người có công được duy trì nền nếp bằng nhiều hình thức phù hợp, dễ hiểu, dễ nhớ như phong trào “Áo lụa tặng bà”, phong trào Trần Quốc Toản, mô hình "bia chủ quyền biển đảo" trong khuôn viên trường học. Đoàn viên, thanh niên các trường học đăng ký đảm nhận công trình thanh niên chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ, thăm hỏi và tặng quà gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Với nhiều cách làm hiệu quả, phù hợp, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ đã tạo được sức lan tỏa sâu rộng, góp phần giúp đoàn viên, thiếu niên, nhi đồng hiểu sâu sắc hơn, tự hào và trân trọng về truyền thống cách mạng; rèn luyện bản lĩnh chính trị, sống có lý tưởng.

Theo đồng chí Giáp Xuân Cảnh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh, các cấp bộ Đoàn, Đội và ngành Giáo dục sẽ tiếp tục phối hợp nhằm đa dạng hóa các giải pháp giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc cho thế hệ trẻ như: Liên hoan ca khúc cách mạng; xem phim lịch sử, triển lãm.

Định hướng, trang bị kỹ năng cho học sinh, sinh viên khi tham gia mạng xã hội, trong đó tập trung vào hướng dẫn phương pháp, kỹ năng nhận diện, đánh giá thông tin, tạo “sức đề kháng” trước những cám dỗ, mặt trái của xã hội và sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Kịp thời tuyên dương, nhân rộng những điển hình, cách làm sáng tạo của đoàn viên, thanh niên.

Theo Báo Bắc Giang
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO