Đời sống xã hội

Bi kịch từ “việc nhẹ, lương cao”

Nam Hoàng 04/12/2023 - 13:26

Chỉ vì muốn tìm kiếm cơ hội để đổi đời, nhiều sơn nữ sẵn sàng bỏ rừng xuống phố. Mơ “việc nhẹ, lương cao”, đôi khi các “bông hoa núi rừng” này phải trả cái giá rất đắt cho sự nhẹ dạ, cả tin, ngơ ngác của mình. Bị bóc lột sức lao động, bị lạm dụng tình dục, thậm chí có nhiều cô còn bị lừa bán sang bên kia biên giới, chôn vùi thanh xuân trong “động quỷ”.

Bị bạn thân lừa bán

Mấy năm gần đây, tình trạng buôn bán phụ nữ qua biên giới ngày càng phức tạp, các chiêu thức hoạt động của các bọn buôn người ngày càng tinh vi, liều lĩnh. Đối tượng mà chúng nhắm đến chủ yếu là những thiếu nữ còn ít tuổi, gia đình khó khăn, nghèo túng, không thông thuộc đường xá để lừa phỉnh họ đi làm thuê dưới thành phố với mức lương ngất ngưởng rồi thừa cơ bán sang biên giới.

Dù chính quyền và các lực lượng chức năng từ trung ương đến địa phương đã tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của đồng bào, thế nhưng ở những xã bản vùng sâu vùng xa, thảng hoặc người ta vẫn phải chứng kiến những cô gái người Mông, người Thái... chỉ vì thiếu hiểu biết, nhẹ dạ, cả tin sập bẫy bọn buôn người. Vi Thị T, sinh năm 1999, nhà ở xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, là một trong nhiều trường hợp như thế.

Nhà T nghèo, từ nhỏ tới lớn cô chỉ quanh quẩn với nương rẫy, ruộng đồng, đến tiếng phổ thông T cũng chỉ bập bẹ được vài câu. Trong số đám bạn “chăn trâu cắt cỏ”, T chơi thân nhất với Vi Thị Phấn, người cùng bản. Phấn có nhan sắc, lấy chồng sớm, nhưng vì bất mãn chuyện gia đình nên cách đây vài năm, Phấn đã bỏ nhà, theo chúng bạn đi làm ăn xa.

z4941045920755_aa57910c8888785f3ab8b387ff4b96bc.png
Giờ dù đã có chồng và 2 con, song nhớ lại quãng thời gian bên Trung Quốc, T vẫn bàng hoàng

Bẵng đi một thời gian, đến cuối năm 2017 thì đột nhiên Phấn trở về và tìm gặp T. Lúc này T cũng đã có chồng, mới sinh con, chồng lại nghiện, cuộc sống khốn khó trăm bề. Nghe Phấn kể rằng có một người bạn, cần người trông giúp cửa hàng quần áo dưới thành phố, lương tháng từ 6-8 triệu/tháng, T đã xiêu lòng. Lúc đó, T chỉ nghĩ đi theo Phấn thì cuộc sống của hai mẹ con sẽ thoát khỏi những tháng ngày đói khát, nào ngờ phía trước cô là cái bẫy mà người bạn thân vừa mới dựng lên.

Để tránh sự chú ý của dân bản, Phấn hẹn gặp hai mẹ con T tại thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu rồi từ đó cả 3 bắt xe khách ra cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Trên đường đi, T cũng vài lần hỏi sao đường xa thế nhưng Phấn đều ỡm ờ cho qua chuyện. Khi đến cửa khẩu, Phấn lại tiếp tục đưa mẹ con T vượt biên giới sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.

Đến lúc này Phấn mới lộ rõ bộ mặt thật của mình. Phấn bảo bạn: “Đây là đất Trung Quốc, xa lắm, không về được đâu. Bên này có nhiều đàn ông cần vợ, em chịu khó lấy người ta. Vừa được ăn sung mặc sướng, vừa có tiền gửi về cho gia đình. Nếu em đồng ý, chị sẽ cho em 30 triệu đồng. Còn nếu em không đồng ý, thì em phải tự tìm đường về Việt Nam và phải trả tiền xe, tiền ăn uống mà chị đã bỏ ra để đưa em sang đây”.

Đất khách quê người, lại bìu ríu con nhỏ, không có cách nào khác T đành đồng ý. Ngày hôm sau, Phấn bán T cho một người tên Lưu với giá 46.000 nhân dân tệ. Nhưng số tiền đó, Lưu không trả ngay cho Phấn mà nói cứ gả bán T cho một người đàn ông ở gần đó trước đã, nếu sau vài tháng mà T không bỏ trốn thì cô mới trả cho Phấn. Biết bị “lật kèo” nhưng không có cách nào khác, Phấn miễn cưỡng phải đồng ý. Trước khi về lại Việt Nam tiếp tục “săn hàng”, Phấn có “tạm ứng” cho T 500 nhân dân tệ để tiêu vặt.

Sau khi về Việt Nam được một thời gian, Phấn có quay lại Trung Quốc 2 lần để tìm Lưu đòi tiền. Tổng số hai lần Lưu trả cho Phấn được 13.000 nhân dân tệ, tương đương 39.000.000 VNĐ. Nhận được tiền, Phấn có chuyển cho chị gái của T 12.000.000VNĐ, nói là của T gửi về. Còn về phần T, sau khi bị bạn thân lừa bán, cô phải làm “vợ bất đắc dĩ” của một người đàn ông bằng tuổi bố mình. Không chịu nổi cảnh bị bóc lột sức lao động, bị hành hạ về thể xác lẫn tinh thần, cô ôm con bỏ trốn về Việt Nam rồi đến cơ quan công an tố cáo toàn bộ hành vi buôn bán người của Phấn. Ít lâu sau, Phấn bị bắt rồi bị TAND tỉnh Nghệ An đưa ra xét xử và tuyên phạt 5 năm tù.

Giờ, dẫu đã lấy chồng mới và có thêm một đứa con, song khi nhắc nhớ về quãng thời gian bên Trung Quốc, T vẫn lộ rõ vẻ bàng hoàng, kinh sợ. Cô bảo, đại ý rằng: “Giờ nghĩ lại những ngày tháng ấy, em vẫn còn hãi hùng. Chỉ vì muốn thay đổi cuộc sống mà suýt chút nữa em không những hại bản thân mình mà còn hại luôn cả con. May mà trốn được về, chứ không ở bên đó chưa biết sống chết thế nào. Giờ có đói, có nghèo em cũng nhất định chỉ ở quê thôi”.

“Nô lệ tình dục” nơi đất khách

Cũng nghèo đói và thất học từ tấm bé như T, nên Giàng Thị H ở Đồng Văn, Hà Giang cũng dễ dàng sập bẫy bọn buôn người khi mới bước qua tuổi 16 được mấy ngày. Tính đến giờ, đã gần 4 năm trôi qua kể từ ngày trốn thoát khỏi động mại dâm phía bên kia biên giới, thế nhưng mỗi khi nhớ lại về chuỗi ngày làm “nô lệ tình dục” nơi đất khách cô vẫn không khỏi giật mình. Nhiều lúc cô đã nghĩ cuộc đời mình sẽ mãi mãi chôn vùi trong nhà chứa, thế nhưng nhờ may mắn mà cô đã trốn thoát trở về. Tất cả bi kịch của cô, cũng bắt đầu từ ước vọng đổi đời giống như T...

Nhà H nghèo, lại đông anh em, nên học đến chưa hết lớp 6 thì cô bỏ, ở nhà làm nương rẫy. Trong một lần đi chợ huyện, H vô tình lọt vào tầm ngắm của bọn buôn người. Từ đó, có một bà khách tuổi trạc ngoài 40 luôn tìm cách làm quen với H, thậm chí theo H về tận nhà. Mãi sau này H mới nghe bà ta giới thiệu tên là Hương.

z4941043573094_10dd75df47193278eeebfb4b82b2883b.jpg
Chỉ vì mê “việc nhẹ, lương cao” mà suýt chút nữa H phải vùi thân nơi đất khách

Để lấy lòng cô sơn nữ, bất cứ H đi bán gì, từ bó rau cải hay mấy túm ngô non, bà Hương đều mua hết và trả với giá rất hời. Khi nhận thấy H có cảm tình với mình, bà Hương thường hay kiếm cớ để tỉ tê, trò chuyện.

Trong những câu chuyện có vẻ như không đầu không cuối của bà khách sộp, H biết rằng bà ta không những là chủ một chuỗi cửa hàng kinh doanh quần áo dưới thành phố Hà Giang mà còn có cả mấy ki-ốt bên Trung Quốc. Bà Hương hứa nếu H đồng ý trông nom giúp bà một cửa hàng thì lương tháng sẽ là 5 triệu đồng, cơm nuôi ba bữa. Nghĩ đến viễn cảnh ở thành phố sẽ được ăn sung mặc sướng, “việc nhẹ, lương cao”, mỗi tháng lại có vài triệu gửi về cho gia đình, H đồng ý.

“Một tuần sau đó bà Hương quay lại và bảo đưa em xuống thành phố Hà Giang. Do từ bé chưa ra khỏi huyện bao giờ nên lúc đó em không hề biết rằng mình đang bị đưa sang Trung Quốc. Suốt đường đi, bà ấy bảo em nếu có gặp ai hỏi gì, nói gì cũng phải im lặng, không được trả lời.

Sau một đêm ngủ nhờ nhà người quen, sáng hôm sau bà ấy dẫn em tới một cái quán có khá đông các cô gái ăn mặc hở hang. Tối đó em nghe thấy bà Hương trao đổi với chị chủ quán bằng tiếng Trung Quốc, hai bên có vẻ căng thẳng.

Mãi khuya thì chị ta đưa cho bà Hương một nắm tiền. Cầm tiền xong, bà Hương bảo em đi ngủ, sáng mai bà ấy sẽ quay lại đón. Nhưng ngay từ tờ mờ sáng hôm sau, em đã bị chị chủ quán cùng với mấy thanh niên dựng dậy bắt ra tiếp khách...”, H nhớ lại.

Cũng từ đó, H bắt đầu phải sống chuỗi ngày tủi nhục nơi đất khách. Hàng ngày, cô cùng với “đồng nghiệp” ở đây bị dựng dậy từ rất sớm. Thời gian dành cho các công việc như đánh răng rửa mặt và ăn sáng chỉ gói gọn trong khoảng chừng 30 phút. Sau đó các cô phải thay những bộ váy áo khêu gợi, hở hang ngồi chờ khách.

Rủi thay, do còn trẻ, lại là “lính mới” nên H luôn là người được khách lựa chọn nhiều nhất, có ngày cô phải phục vụ đến 15-20 lượt khách. Chỉ cần tỏ thái độ khó chịu, bất tuân hay thậm chí chỉ cần phục vụ chậm hơn thời gian quy định, H cũng bị ăn đòn.

Toàn bộ số tiền bán thân, H không được giữ đồng nào. Thể xác rã rời, kiệt quệ nhưng nếu không làm khách vừa lòng có thể nhận những trận đòn không ghê tay từ những ông khách khát gái hoặc từ đám “ma cô” của bà chủ chứa.

“Có những lần mệt quá không thể đi khách hoặc phục vụ khách không tốt, em bị đánh đến bầm dập. Thậm chí có cô trong quán không may bị dính bầu, bà chủ sai người lôi đến bác sỹ phá cho bằng được. Phá xong cô ấy cũng chỉ được nghỉ ngơi đúng hai ngày, rồi lại phải tiếp khách. Chúng em đi đâu cũng có kè kè hai tên bảo kê theo dõi, kể cả lúc ngủ”, H nhớ lại.

anh-bai-bi-kich-tu-viec-nhe-luong-cao-3.jpg
Một góc Đồng Văn, quê của Giàng Thị H

Chính vì chịu sự quản thúc chặt chẽ như thế nên chuyện bỏ trốn đối với H và những cô gái là gần như không thể, song cố vẫn luôn nung nấu ý định đào thoát cho kỳ được. Trong lần tiếp một ông khách người Trung Quốc hay sang Việt Nam buôn bán, H lựa lời dò hỏi đường đi.

Rồi một lần nhân lúc bà chủ đi vắng, hai tên bảo kê rủ nhau đi mua rượu về uống. Sau khi một tên đã xách chai ra khỏi nhà, lừa lúc tên còn lại lúi cúi trong bếp sắp đồ nhắm, H lẻn trèo qua tường, cắm đầu chạy thục mạng ra đường. Vừa chạy, cô vừa vẫy các xe suốt dọc đường để đi nhờ. Sau rất nhiều lần thất bại, cuối cùng cô cũng được một chủ xe hàng thương tình cho đi nhờ về cửa khẩu.

Sau khi hoàn tất các thủ tục, H được người thân lên đón về đoàn tụ với gia đình. Cách đây 2 năm, H cũng đã lập gia đình và có con, chuỗi ngày sống kiếp “trâu ngựa” nơi đất khách chỉ còn trong ký ức. Song đôi lúc nhắc nhớ lại cô vẫn rùng mình...

Bi kịch của T và H gặp phải chỉ là một trong số vô vàn những trường hợp sơn nữ bị lừa bán sang bên kia biên giới. Chỉ vì trót nhẹ dạ, cả tin, muốn “việc nhẹ, lương cao” mà các cô đã đẩy mình và gia đình vào bi kịch. Âu đó cũng là bài học cảnh tỉnh cho nhiều sơn nữ khác, khi đứng trước cạm bẫy của bọn buôn người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO