Khơ Mú là một trong những dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơme, sinh sống chủ yếu ở các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Thanh Hóa và Nghệ An. Từ xa xưa, dân tộc này đã có nhiều phong tục, tập quán mang đậm yếu tố tâm linh, điều đó được thể hiện qua các lễ hội và nhiều nghi lễ cúng tế các vị Thần.
Tôn thờ các vị Thần
Người Khơ Mú còn có các tên gọi khác như Xá Cẩu, Mứn Xen, Pu Thênh, Tềnh, Tày Hạy. Đây là một trong những nhóm sắc tộc lớn sinh sống tại khu vực miền Bắc nước Lào. Theo các nhà nghiên cứu, cách đây hơn 100 năm, người Khơ Mú di cư đến một số tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam như: Sơn La, Lai Châu rồi dần lan tỏa tới các địa phương khác như Thanh Hóa, Nghệ An.
Hiện nay, theo cuộc Tổng điều tra dân số vào năm 2019, có khoảng hơn 90 nghìn người Khơ Mú đang sinh sống ở 44 tỉnh và thành phố của Việt Nam. Theo tập quán, người Khơ Mú thường dựng làng ở lưng chừng núi, mỗi bản chỉ vài chục nóc nhà gồm mấy dòng họ cùng chung sống đoàn kết.
Theo phong tục cổ truyền, người Khơ Mú thường lấy tên một loài thú, một loài chim hay một thứ cây nào đó để làm họ. Mỗi dòng họ coi thú, chim, cây ấy là tổ tiên ban đầu của mình và họ kiêng giết thịt và ăn thịt các loại động, thực vật này. Người cùng dòng họ coi nhau là anh em ruột thịt.
Người Khơ Mú có đời sống tinh thần hết sức phong phú, điều đó được thể hiện qua các lễ hội và nhiều nghi lễ cúng tế các vị Thần. Trong ngôi nhà người Khơ Mú ở Nghệ An có 3 vị Thần (Then) cai quản các vấn đề khác nhau trong đời sống con người. Đó là Then Lo đưa linh hồn đến đầu thai làm người; Then Chư cai quản sức khỏe; Then Liêng nuôi dưỡng con người.
Chính vì quan niệm như vậy nên trong mỗi ngôi nhà truyền thống của người Khơ Mú thường có ba “vì” và các cột nhà được kết nối bởi các thanh xà lớn. Ở thanh xà phía ngoài cùng là nơi ở của Then Lo. Vị Then này mang linh hồn đến đầu thai làm người.
Khi trong nhà có một một phụ nữ bắt đầu thai kỳ, Then Lo sẽ lên “mường Trời” chọn về một linh hồn, đứa trẻ được sinh ra. Nếu vì lý do nào đó mà đứa trẻ không chào đời khỏe mạnh thì do Then Lo đã quên nhiệm vụ của mình. Người ta tin rằng, có thể Then Lo đang đi đâu đó, hoặc khi dựng nhà, gia chủ không gọi Then Lo về.
Cai quản thanh xà giữa nhà là Then Chư. Một đứa trẻ có được lớn lên khỏe mạnh và vượt qua được bệnh tật, tai ương trong cuộc sống hay không là do vị này quyết định. Then Chư cai quản sức khỏe con người.
Khi ai đó gặp ốm đau, bệnh tật hay tai nạn, người Khơ Mú nghĩ có thể là do người đó trót làm Then Chư nổi giận, không ban cho sức khỏe. Thậm chí có người còn nghĩ đó là do sự sơ sểnh của Then quá mải chơi với các bạn Then khác. Muốn Then Chư khắc phục lỗi của mình, gia chủ phải hỏi thầy mo về nguyên nhân và làm lễ cúng.
Then Liêng là vị thần cai quản thanh xà trong gian bếp, phụ trách cái bụng no hay đói của gia đình. Gia đình giàu hay nghèo, làm ăn có thuận lợi, mùa màng được mất đều do Then Liêng ban cho.
Cũng vì thờ 3 vị Thần nên bên trong ngôi nhà sàn của người Khơ Mú thường có đến ba bếp lửa nằm ở ba vị trí khác nhau tạo nên nét đặc trưng “bốn góc nhà, ba góc bếp” không thể tìm thấy ở các dân tộc khác.
Lên hết bậc cầu thang ở phía đầu hồi là cửa chính vào ngôi nhà sàn. Bên cánh trái gian đầu tiên là một bếp lớn dùng để nấu thức ăn hằng ngày. Ở trung tâm gian giữa, nơi cửa chính nhìn vào là bếp thứ hai, đặt ngay dưới trang thờ ông bà tổ tiên. Bếp này được người Khơ Mú xem là bếp thờ, bếp thiêng và chỉ nổi lửa vài lần trong năm vào dịp tết hoặc cúng lễ. Trong cùng bên trái của gian thứ ba là một bếp nữa. Chỗ ngủ của chủ nhà được đặt bên phải gian thứ ba này.
Đa dạng lễ hội
Niềm tin và lòng kính ngưỡng của người Khơ Mú đối với các vị Thần còn được thể hiện rất rõ nét qua các lễ hội. Điển hình như Lễ cúng bản.
Đối với đồng bào dân tộc Khơ Mú, lễ cúng bản có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Lễ diễn ra với mục đích cầu mong các vị thần linh, trời đất phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi, con người khỏe mạnh, cầu cho bản mường ấm no, nhà nhà hạnh phúc. Đồng thời, nghi lễ này cũng thể hiện được tinh thần lạc quan của con người, niềm tin vào cuộc sống, niềm tin vào thiên nhiên, đề cao giá trị nhân văn và tình đoàn kết cộng đồng.
Lễ cúng bản được tổ chức thường niên mỗi năm một lần, lễ diễn ra trong một ngày, sau khi gieo trồng cây lúa lên cao bằng gang tay thì người Khơ Mú tiến hành làm lễ.
Trước khi làm lễ cúng bản, dân bản cùng tập hợp nhau lại để bàn bạc phương thức tiến hành nghi lễ và mọi người cùng đóng góp lễ vật và cùng chung tay sửa soạn để tổ chức buổi lễ. Trong bản sẽ chọn ra một người làm thầy cúng đứng ra đại diện cho bà con dân bản làm nghi lễ khấn mời các vị thần linh.
Thầy cúng phải là người thạo việc thờ cúng, hiểu biết rõ phong tục tập quán của dân tộc. Theo quan niệm của đồng bào, càng nhiều người tham gia thì lễ hội càng đông vui, năm đó bản làng năng suất lao động càng cao và bội thu mùa màng.
Lễ cúng thường được tổ chức ở gốc cây to đầu bản. Còn lễ vật gồm có đầu lợn, sườn lợn, 4 cái chân lợn, gan lợn, tim, gà trống luộc chín, 2 bộ quần áo nam nữ (để Thần bản, ma bản về lấy hồn quần áo đi), nến sáp ong, xôi đồ, rượu trắng, 1 bát gạo, 1 quả trứng luộc, gói muối trắng, đĩa trầu, vải trắng, vải đỏ, vải đen, 2 bung thóc, 2 bung trấu để dâng cúng ma làng, các thần linh để báo cáo về vụ thu hoạch được mùa vừa qua.
Sau khi cúng tế ngòa đầu bản xong, thầy cúng và mọi người vào cúng trong nhà. Mâm lễ cúng trong nhà gồm 1 con gà trống, xôi đồ, rượu trắng, đĩa trầu... để báo cáo tổ tiên con cháu đã hoàn thành công việc mời ma làng và các thần linh về dự lễ.
Sau phần nghi lễ là đễn phần hội rất tưng bừng, vui tươi và cuốn hút mọi người cùng tham gia. Đồng bào cùng nhau nhảy múa những điệu múa truyền thống của dân tộc mình và chơi các trò chơi dân gian. Vì thế mà đây cũng được xem là ngày hội đoàn kết của cộng đồng dân tộc Khơ Mú, đưa mọi người đến gần nhau hơn, hiểu nhau hơn, để chung sức xây dựng và phát triển bản làng.
Thành kính với tổ tiên
Ngoài các vị Thần, trong đời sống tâm linh của người Khơ Mú còn tồn tại rất nhiều loại ma (Hrôi), như Hrôi lvang (ma trời), Hrôi Plee (ma đất), Hrôi Pru đông (ma nước), Hrôigang (ma nhà)... Họ quan niệm phần lớn các Hrôi đều sống hiền lành cùng con người, nhưng khi con người làm trái ý thì sẽ “phản” lại gây tai họa cho người và vật. Do vậy, một năm người Khơ Mú có khá nhiều thời điểm thực hiện các nghi lễ thờ cúng ma bản (Hrôi cung), ma mường (Hrôi Phrông).
Đồng bào cũng rất coi trọng các vật thể có công giúp đỡ con người. Sau mỗi vụ thu lúa nương, gia đình làm lễ “đón mẹ lúa” (Grơ mạ ngọ) bao giờ cũng làm thủ tục tạ ơn con trâu, cái rìu, cái cuốc, con dao... trước khi gia đình ngồi vào mâm cơm cỗ.
Còn đối với những người Khơ Mú thuộc họ Rvai (hổ), thì Hrôi Rvai gần như ăn sâu vào tình cảm và tiềm thức. Vào dịp Tết Nguyên đán, người Khơ Mú thuộc họ hổ đã diễn lại các động tác của hổ, vật tổ của dòng họ với ý thức tự nhắc nhở và giáo dục những người trong cộng đồng rằng mình là người họ hổ và có nguồn gốc từ hổ. Với quan niệm hổ là tổ tiên của mình, người Khơ Mú thuộc họ Rvai kiêng không động tay vào hổ, không săn bắt, giết, ăn thịt hổ.
Trong các hội hè, các nghi lễ người hóa trang giống như hổ. Khi gặp hổ chết, người Khơ Mú thuộc họ Rvai phải khóc than thật sự như tổ tiên của mình qua đời. Người ta tin rằng khi chết đi, họ sẽ hóa thành kiếp hổ. Khi còn sống, người ta kiêng đắp chăn sặc sỡ như lông hổ, khi chết, người ta đắp cho chiếc chăn khác màu lông hổ và đặt chiếc chăn giống màu lông hổ bên cạnh người chết để hồn được siêu thoát và trở về với hổ, có nghĩa là về với tổ tiên.
Không chỉ tôn kính các vị Thần, cũng như nhiều dân tộc khác, người Khơ Mú rất coi trọng việc thờ cúng tổ tiên. Thậm chí ở nhiều gia đình, ở trước mỗi bữa cơm, họ còn có mời tổ tiên về dùng bữa. Bởi họ quan niệm rằng, khi chết đi linh hồn người sẽ về cõi trời, cũng có một cuộc sống riêng với những nhu cầu bình thường như người đang sống. Thế nên dù tổ tiên khuất bóng đã lâu cũng cần phải ăn uống hàng ngày như khi còn sống. Mời tổ tiên ăn cơm trước, vừa là để tỏ lòng kính trọng vừa cầu mong tổ tiên phù hộ độ trì cho những thành viên trong gia đình...
Có thể thấy, phần lớn những phong tục, tập quán, tín ngưỡng hay đời sống tâm linh của người Khơ Mú đều mang tải ý nghĩa, triết lý sâu sắc. Đó là tôn trọng, bảo vệ thiên nhiên, biết ơn công lao của ông bà tổ tiên gây dựng cuộc sống. Chính vì thế mà những nét đẹp văn hóa tinh thần này đã và đang được gìn giữ, phát huy, dù đời sống xã hội có đổi thay.