Đời sống xã hội

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Mo Mường

Hương Lan 29/05/2024 - 06:18

Trước thực tế Mo có nguy cơ mai một, các nghệ nhân ngày càng lớn tuổi, không gian diễn xướng dần thu hẹp, tỉnh Hòa Bình đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để bảo tồn và phát huy (BT&PH) giá trị di sản văn hóa (DSVH) Mo Mường. Ở từng địa phương, tùy theo điều kiện đã có những việc làm cụ thể để "giải cứu” những áng Mo Mường.

28-5-1-hoa-binh.png
Nghệ nhân ở các huyện chia sẻ, trao đổi tại cuộc giao lưu các Câu lạc bộ Mo Mường tại huyện Cao Phong.

Câu lạc bộ Mo - sức sống ở các vùng Mường

Tại huyện Cao Phong, Câu lạc bộ (CLB) Mo Mường Thàng được thành lập và đi vào hoạt động đã góp phần huy động các nguồn lực, tạo chuyển biến tích cực của người dân tham gia giữ gìn, BT&PH giá trị DSVH Mo Mường. Nghệ nhân Ưu tú Bùi Ngọc Thuận, Chủ nhiệm CLB Mo Mường Thàng chia sẻ: Từ cuối năm 2021, CLB Mo Mường Thàng của huyện Cao Phong chính thức ra mắt và đi vào hoạt động với 25 thành viên. Đây là những nghệ nhân Mo Mường ở 9 xã trong huyện. Hoạt động của CLB Mo Mường Thàng đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhân dân tham gia giữ gìn, BT&PH giá trị DSVH, động viên các nghệ nhân tiếp tục thực hành, truyền dạy, gìn giữ các áng Mo. Sau 3 năm đi vào hoạt động, hiện CLB Mo Mường Thàng có 46 hội viên tham gia sinh hoạt, trong số này có 16 thầy Mo trẻ, tuổi đời từ 26 - 45 và đều nắm vững các bài mo, thực hành tốt nghi lễ Mo.

Đồng chí Bùi Yến Minh, Phó trưởng Phòng Văn hóa thể thao (VHTT) huyện Cao Phong cho biết: Huyện đang đẩy nhanh dự án xây dựng Không gian bảo tồn DSVH Mo Mường gắn với dịch vụ du lịch tại xã Hợp Phong. Hàng năm, huyện xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ BT&PH giá trị DSVH Mo Mường trên địa bàn. Theo đó, tiếp tục hỗ trợ mở rộng hoạt động CLB Mo Mường Thàng; tổ chức giao lưu với CLB Mo Mường ở các địa phương. Tiếp tục chỉ đạo các xã có DSVH Mo Mường tiến hành nghiên cứu, lập quy hoạch xây dựng Không gian bảo tồn DSVH Mo Mường phù hợp với khai thác môi trường thực hành DSVH Mo Mường và phát triển dịch vụ du lịch. Lồng ghép giới thiệu về giá trị DSVH Mo Mường cho học sinh các cấp trên địa bàn huyện… Qua đó góp phần gìn giữ, BT&PH có hiệu quả giá trị đặc sắc của DSVH Mo Mường.

Không chỉ ở huyện Cao Phong, hiện nay, trên địa bàn tỉnh thành lập được nhiều CLB Mo Mường tại các huyện: Lạc Sơn, Tân Lạc, Yên Thủy, Kim Bôi. Trên cơ sở hoạt động của các CLB, ngành VHTT&DL đã định hướng để thầy Mo ở các vùng Mường cùng sưu tầm, nghiên cứu, biên tập và xây dựng thành các cuốn sách về Mo của mỗi vùng với đặc thù riêng. Đặc biệt, ở các địa phương đang thực hiện Dự án 6 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, một phần nguồn vốn đã hỗ trợ các nghệ nhân về trang phục để thực hành, truyền dạy Mo Mường cho thế hệ trẻ. Qua thời gian, mô hình của các CLB Mo Mường hoạt động hiệu quả, thu gom được nhiều tư liệu quý, các nghệ nhân tích cực tham gia. Không chỉ dừng lại ở hoạt động trên địa bàn, các CLB đã tổ chức giao lưu, trao đổi, chia sẻ và tiếp nhận được các thông tin mới. Điều này trước đây là rất khó để các thầy Mo ngồi với nhau, bởi mỗi thầy Mo có một vị thế riêng, mang tính tâm linh. Nhưng bây giờ, hầu hết các thầy Mo đều có sự hài hòa, kết nối, chia sẻ - điều này có ý nghĩa, hiệu quả lớn trong việc bảo tồn giá trị Mo Mường.

Để DSVH Mo Mường trở thành tài sản, là hành trang chung của dân tộc

Trong những năm qua, tỉnh Hòa Bình ban hành nhiều văn bản quan trọng trên lĩnh vực văn hóa, trong đó xác định Mo Mường là một trong những di sản cần bảo tồn, giữ gìn và phát huy trong đời sống cộng đồng như Chỉ thị số 08-CT/TU, ngày 20/1/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác giữ gìn, BT&PH giá trị DSVH Mo Mường trên địa bàn tỉnh được ban hành. UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo Mo Mường Hòa Bình; xây dựng kế hoạch lập Hồ sơ khoa học DSVH Mo Mường Hòa Bình trình Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục di sản cấp quốc gia năm 2016. Năm 2018, UBND tỉnh phê duyệt và ban hành Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị DSVH Mo Mường Hòa Bình giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo”. Mới đây, tỉnh ban hành Đề án "BT&PH giá trị văn hóa dân tộc Mường và Nền văn hóa Hòa Bình giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn tỉnh. Từ đó, nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội về những giá trị văn hóa Mo Mường có nhiều chuyển biến tích cực.

Với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác BT&PH giá trị DSVH Mo Mường đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Năm 2015, tỉnh đón nhận bằng bảo trợ của Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam cho DSVH "Mo Mường Hòa Bình”. Ngày 19/1/2016, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL có Quyết định số 246/QĐ-BVHTTDL đưa Mo Mường vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia. Năm 2020, Mo Mường được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chọn lựa là DSVH phi vật thể cần xây dựng hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO ghi danh vào danh sách DSVH phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Mo Mường tỉnh cho biết: Sau khi Mo Mường được công nhận là DSVH phi vật thể quốc gia, tỉnh Hòa Bình luôn quan tâm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị và các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa nhân văn sâu sắc của DSVH Mo Mường. Xây dựng tài liệu tuyên truyền về các giá trị đặc sắc, tiêu biểu của di sản Mo Mường để tuyên truyền, quảng bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội... Sản xuất phim quảng bá hình ảnh DSVH Mo Mường để phát sóng trên các kênh truyền hình, Cổng thông tin điện tử, kênh Youtube nhằm phát huy giá trị của di sản.

Bên cạnh đó, tỉnh Hòa Bình động viên các nghệ nhân Mo Mường tiếp tục thực hành và truyền dạy di sản Mo Mường thường xuyên. Xem xét, lựa chọn và đề nghị công nhận nghệ nhân Mo Mường là nghệ nhân ưu tú theo quy định; xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách đãi ngộ, tôn vinh người có công bảo tồn, giữ gìn, truyền dạy và học Mo Mường cho phù hợp để kịp thời khuyến khích, động viên đội ngũ nghệ nhân Mo quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ nghệ nhân kế cận. Quá trình lưu truyền Mo Mường được thực hiện thông qua truyền khẩu, trước đây đã có nhiều công trình sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật Mo Mường theo phương pháp phiên âm từ tiếng La tinh, nhưng do nhiều cách ghi khác nhau nên chưa truyền tải được hết nội dung và giá trị của Mo Mường. Năm 2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định phê chuẩn Bộ chữ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình; chỉ đạo triển khai Đề án dạy và học Bộ chữ dân tộc Mường trên địa bàn toàn tỉnh; tái bản sách Mo Mường Hòa Bình năm 2019. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình xây dựng hồ sơ Mo Mường cũng như công tác BT&PH giá trị Mo Mường trong đời sống. Đồng thời, lựa chọn một số nội dung phù hợp, đặc biệt là Mo Sử thi để đưa vào chương trình Giáo dục di sản trong bậc học phổ thông trên địa bàn tỉnh. Trong các chương trình, sự kiện văn hóa của tỉnh đã đưa nội dung trình diễn văn hóa Mo Mường gắn quảng bá di sản với phát triển du lịch cộng đồng, tạo nên bản sắc riêng của văn hóa, con người, du lịch tỉnh Hòa Bình. Từ đó góp phần nâng cao giá trị của DSVH Mo Mường, làm cho di sản văn hóa trở thành tài sản, là hành trang chung của dân tộc.

Theo https://www.baohoabinh.com.vn
Copy Link
Copy Link
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO