Bản sắc văn hóa

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Bố Y

D. Thảo 30/12/2023 - 09:54

Là một trong những dân tộc có ít dân số trong 54 dân tộc Việt Nam, Bố Y có khoảng 3.000 người sinh sống chủ yếu một số tỉnh miền núi, biên giới cực Bắc của Việt Nam. Đồng bào dân tộc Bố Y luôn ý thức việc bảo tồn các giá trị văn hóa để không bị mai một trước thách thức thời gian.

Trang phục, sinh hoạt độc đáo

Trang phục là một trong những điểm nhấn của đồng bào dân tộc Bố Y tại Lào Cai. Trang phục của người Bố Y có đặc điểm khỏe khoắn, mạnh mẽ nhưng không kém phần nữ tính (đối với trang phục cho nữ giới). Đi kèm với trang phục, người Bố Y còn dùng nhiều trang sức rất cầu kỳ bằng bạc trắng, gồm: vòng tai, nhẫn bạc, vòng tay, yếm bạc. Trong đó, bộ yếm bạc là độc đáo, phong phú nhất.

boy_detail_6.jpg
Phụ nữ Bố Y có trang phục độc đáo, riêng biệt

Có thể coi bộ trang sức bằng bạc của người Bố Y là kiệt tác tôn vinh vẻ đẹp nữ tính của nữ giới, đồng thời thể hiện khát vọng được bảo hộ, chở che từ các đấng thần linh. Bởi trong quan niệm của người Bố Y, bạc là để trừ tà ma, chống gió độc, mang lại những điều tốt lành, sức khỏe. Bạc không chỉ được dùng đi kèm với trang phục, mà còn là món quà ý nghĩa để tặng nhau mong cầu mạnh khỏe, tốt lành trong cuộc sống.

Cùng với yếm bạc, những người phụ nữ Bố Y còn có chiếc khăn đội đầu mang thông điệp riêng được thể hiện qua mỗi hình dáng khăn. Thông thường, khăn đội đầu được làm bằng vải bông thô, tự dệt, nhuộm chàm với 3 kiểu khác nhau tùy theo độ tuổi. Những cô gái chưa chồng đội kiểu khăn có hoa văn hình chữ nhật, chiều dài khoảng 1,8m rộng 0,35m, ở giữa khăn có các đường chỉ màu rực rỡ chạy song song và các họa tiết hoa văn thêu nổi. Người phụ nữ đã có chồng mang khăn màu chàm dài 1,35m rộng 0,36m không có hoa văn. Phụ nữ có chồng tết tóc thành hai dải, vấn quanh đầu rồi chít khăn bên ngoài để hai đầu khăn rủ xuống hai bên tai. Những người trung niên sẽ vấn tóc quanh đầu rồi chít khăn chàm thô, không thêu hoa văn; khăn được gấp làm đôi theo chiều dọc rồi chít phủ xung quanh đầu.

Quần áo của người Bố Y là áo lửng, xẻ tà và quần. Tay áo ngắn nhưng rộng. Mỗi chiếc áo đều có đôi ống tay rời, khi mặc sẽ lồng ống tay rời vào thân áo. Ống tay rời được trang trí với nhiều hoa văn và những đường viền…

Nam giới trong ngày cưới, chú rể mặc áo dài có hai vạt, cổ đứng, thân chùng quá gối, ống tay áo nhỏ dần đều bó lấy cánh tay, hai bên nách có hai đường chiết li. Nam giới Bố Y chỉ mặc áo dài hai lần trong cuộc đời là trong lễ cưới và khi nhắm mắt xuôi tay.

Người Bố Y vẫn duy trì những phong tục riêng. Trong lễ cưới, chú rể không được đi đón dâu và cô em gái của chú rể sẽ mang con ngựa đẹp nhất đến đón chị dâu về nhà chồng. Trong gia đình, con trai không được cắt tóc cho bố, con gái không được chải đầu cho mẹ. Chỉ lúc bố mẹ mất, con trai, con gái mới được chải đầu cho bố mẹ. Trong thời gian để tang ba năm, con trai không được uống rượu, con gái không được mang đồ trang sức, đoạn tang mới được tính chuyện cưới hỏi. Hàng năm, đồng báo có nhiều các lễ hội, Tết như: Tết Nguyên đán, ngày Rằm tháng Giêng, Tết Đoan ngọ, Tết cơm mới… Những ngày này, đồng bào làm xôi nếp nhuộm đỏ, bánh dày, bánh chưng, bánh chay để cúng trời đất, tổ tiên và cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt; mọi người bình an khoẻ mạnh…

Bảo tồn làn điệu dân ca

Cùng với sự phát triển của tộc người Bố Y, những làn điệu dân ca Bố Y cũng có lịch sử phát triển lâu đời, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Dân ca Bố Y là những giai điệu mượt mà, sâu lắng, ngôn từ thanh thoát, nhẹ nhàng. Mỗi bài dân ca là một cung bậc tình cảm, góp phần giáo dục con người hiểu biết về cội nguồn dân tộc, hướng tới chân - thiện - mỹ, góp phần khích lệ, động viên người dân trong lao động sản xuất, hay là những bài ca thể hiện tình cảm, tình yêu nam nữ, tình yêu quê hương làng xóm...

trong_chinh_lolaisuu_08.jpg
Truyền dạy hát dân ca của người Bố Y. Ảnh: Trọng Chính

Không thể thiếu trong sinh hoạt tinh thần của người Bố Y, dân ca thường được vang lên mỗi dịp lễ Tết, hội hè, nghi lễ, khi khách đến nhà, nam nữ hát giao duyên, trong đám cưới, đi làm nương, làm nhà, đi chợ… Điệu hát của người Bố Y không có nhiều âm điệu, tiết tấu, tất cả đều được hát theo một nhịp đều đều.

Ngoài ra, trong lễ mừng thọ, những lời dân ca là dịp để con cháu chúc mừng người già, mong người sống lâu trăm tuổi, là tấm gương sáng cho con, cháu. Với những lời lẽ mộc mạc, giản dị nhưng chứa đựng những lời răn dạy con cháu kính trọng người già, bề trên, chúc gia đình êm ấm, vun đắp tình yêu đồng bào...

Các bài hát phổ biến trong cộng đồng như: Hát núi, Hát hoa, Hát với cô tiên, Hát mở con mương, Hát cảm tạ trâu thần, Hát giao duyên 12 tháng (gồm 12 bài) từ tháng Giêng đến tháng Mười hai... có câu ngắn, câu dài, cứ một câu gieo vần trắc, một câu gieo vần bằng ở cuối câu.

Trong những bài dân ca, các bài hát giao duyên cũng chiếm số lượng lớn và là cảm hứng cho các nghệ sĩ dân gian sáng tác. Những bài hát chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc. Hình thức thể hiện là những điệp từ với tần suất cao, tạo sự liền mạch, dễ thuộc, dễ nhớ, kết hợp sự biến tấu về ngôn ngữ… Điểm chung của thể loại này là những bài tình ca dài với lời ca ngẫu hứng, không trùng lặp, đầy tính sáng tạo và độc đáo. Người Bố Y sản xuất gắn với đồng ruộng, nương rẫy nên trong dân ca, giai điệu cũng gắn với sản xuất, lao động thường nhật, kinh nghiệm mùa màng, như các bài: Hỏi cạnh ruộng cạnh nương, Hát hỏi quê hỏi họ, Chín thiếu mười cần, Đêm qua nằm mơ thấy hoa nở…

Bên cạnh đó, nội dung phê phán thói hư tật xấu cũng được phản ánh trong bài dân ca, giúp người lao động có ý thức và tránh xa những thói xấu này. Trong quá trình thể hiện bài dân ca, đồng bào sử dụng một số nhạc khí trong sinh hoạt đời thường như đàn Nhị, đàn Tam, đàn Nguyệt, kèn lá, kèn gỗ, sáo trúc, thanh la... Nhìn chung, âm nhạc dân gian của người Bố Y khá phong phú. Người dân yêu nhạc và hầu hết họ ít nhiều đều sử dụng âm nhạc trong cuộc sống.

Với những giá trị tiêu biểu, dân ca của người Bố Y được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia vào năm 2018. Người Bố Y từ lâu luôn ý thức việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tinh thần nói riêng và các giá trị văn hóa bản địa nói chung để những giá trị văn hóa ngày càng được trân quý nơi dân tộc ít người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Xuất bản sách “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”
Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO