Bản sắc văn hóa

Nét đẹp cổ kính chùa Bối Khê

Lâm Du 03/03/2024 - 18:08

Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 20km, chùa Bối Khê (Đại Bi tự) tọa lạc tại xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội. Đây là một trong những ngôi chùa lớn và cổ tại Thủ đô, được xây dựng cách đây gần 700 năm, được đề nghị xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt.

Lịch sử lâu đời

Chùa Bối Khê được xây dựng năm 1338 dưới thời vua Trần Hiến Tông. Chùa tọa lạc trên một khoảng đất rất rộng, ngay trước sân là một bãi đất trống mà theo ghi chép lại thì đây từng là nơi tuyển mộ quân lính triều Trần. Trên bãi đất còn một cây đa khoảng 600 tuổi cùng với 5 mộ tháp.

Chùa được xây trên một khu đất khá rộng rãi, với phần cổng tách biệt bên ngoài, qua cây cầu gạch và một con đường rồi mới vào đến chùa. Cổng chùa cũng là loại năm cổng- ngũ quan (ngũ môn), khác với cổng tam quan thường thấy, phía trên có gác mái và có lối lên. Cây cầu bắc qua hào nước nhỏ, tương truyền là một phần của sông Đỗ Động.

boi-khe.jpg
Cổng chùa Bối Khê.

Chùa Bối Khê gần như giữ được kiến trúc cổ từ khi xây dựng gồm sân chùa, cổng ngũ quan, hồ sen, chính điện, bia đá, hậu đường…. Chùa có bố cục tiền Phật hậu Thánh, vị Thánh được thờ là Đức Thánh Bối Nguyễn Bình An. Giống như bao ngôi chùa khác, chùa Bối Khê cũng gồm Tam bảo, dãy tượng La hán, tượng Hộ Pháp, bia đá….

Đặc biệt, chùa có tượng Bồ tát nghìn mắt nghìn tay được đỡ bằng bệ sen đá, bốn góc bệ đá là hình tượng chim thần Garuda, phiên âm Kim Sí Điểu. Theo một số nhà nghiên cứu văn hóa, hình tượng Garuda đỡ bệ sen là một hình tượng biểu trưng cho sự cảm hóa của nhà Phật đối với các loài vật hung dữ, hay làm việc ác. Hiện nay, hình tượng này còn lại rất ít ở các ngôi chùa vùng Bắc Bộ do thời gian và sự tàn phá của chiến tranh. Với sự cổ kính, kiến trúc độc đáo, chùa Bối Khê được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia từ năm 1979.

Chùa Bối Khê không chỉ là một di tích lịch sử mà còn là di tích kháng chiến. Phía sau khuôn viên chùa còn lưu giữ lại hầm kiểu mẫu thời kháng chiến chống Pháp.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, bảo vệ di tích chùa Bối Khê, kiến trúc độc đáo nhất của chùa nằm ở tòa thượng điện (còn gọi là tòa tam bảo). Đây là tòa nhà mang đậm kiến trúc thời Trần, gồm 3 gian cấu tạo theo 4 hàng cột, với bốn đầu đao trông như một bông sen chúm chím nở. Vật liệu chính của tòa thượng điện làm bằng gỗ mít, được dựng khoảng thế kỷ 14. Đặc sắc hơn là các đầu bẩy chạm hình rồng kiểu thời Trần, và ở một số đầu đao, ngoài hình rồng còn có cả hình chim thần Garuda.

Đã sống và làm việc ở chùa hơn 20 năm, ông Hùng còn cho biết, điều “độc nhất vô nhị” ở chùa Bối Khê, đó là sự tồn tại của một địa đạo trong khuôn viên của chùa. Địa đạo này dài 3 km, xuyên qua tòa thượng điện, chạy qua đền thờ Nguyễn Trực lưỡng quốc trạng nguyên (gần chùa Bối Khê) và chạy vòng quanh làng Bối Khê.

Chỉ tay về phía góc tường đã nham nhở vôi vữa, phía dưới là một căn hầm nhỏ và sâu hun hút, ông Hùng hồ hởi kể, “Ngày 19/12/1946, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, nhân dân Bối Khê đào hầm để nuôi giấu cán bộ, cất trữ lương thực. Chính tại căn hầm này, nhân dân Bối Khê đã đánh tan 3 lần tấn công của giặc Pháp, tiêu diệt 372 tên giặc trên đất làng Bối Khê”.

Căn hầm còn gắn liền với câu chuyện về nữ du kích Phạm Thị Đe, người đã sống và chiến đấu trong lòng địch 7 ngày đêm không có cơm ăn, nước uống. Nữ du kích được đức thánh Bối phù trợ nên đến ngày thứ 8 thì giặc Pháp rút, bà gắng sức lên cửa hầm và bị ngất. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của bà con xóm làng, bà Đe dần hồi tỉnh và sau này đã sống thọ tới 85 tuổi. Ngày nay, nhân dân Bối Khê vẫn ca tụng bà là người đa phúc, đa lộc và đa thọ nhất làng.

Kiến trúc độc đáo

Từ đường cái nhìn vào, cách cổng chùa 50m phía tay trái là lăng Quận công Lê Tiến Quý, người thôn Bối Khê (thời Lê Trung Hưng), bên phải là đền thờ Đức Ông. Trước cổng chùa là sân đất rộng rãi, có cây đề, cây đa cổ thụ, đường kính ba vòng tay người ôm không xuể.

Cổng chùa có 5 cửa, phía trên cửa chính có dòng chữ Đại Bi Tự. Qua cổng chùa thấy ngay chiếc cầu gạch vắt qua hào nước hẹp, dấu tích của dòng sông Đỗ Động. Rẽ trái là con đường dẫn tới từ đường trạng nguyên Nguyễn Trực (1417-1474), cách chùa 30m. Đi qua cầu là tam quan cao hai tầng, tám mái. Tầng trên treo quả chuông lớn, đường kính 60cm, cao 1m đúc năm Thiệu Trị thứ 4 (1844).

Bên tả tiền đường có nhà bia với tấm bia đá được khắc từ thời Trần để ghi lại công đức của Đức thánh Bối. Hàng năm chùa mở hội vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch, trong dịp đó sau lễ rước ngai Đức thánh Bối là nghi thức cầu mưa, có lẽ là một trong những tập tục cổ xưa nhất của cư dân trồng lúa nước mà nay vẫn lưu truyền.

Tòa tam bảo còn gọi là Thượng điện, thờ Phật, Pháp, Tăng, cấu tạo theo 4 hàng cột, mỗi hàng 4 chiếc, riêng thềm điện có 6 cột đỡ mái, chia thành 7 gian. Hai vì kèo giữa mang đậm phong cách nghệ thuật thời Trần. Nơi đây còn giữ được 52 pho tượng Phật giáo, đáng chú ý là các tượng Hộ pháp, Thập điện Diêm vương, Cửu Long, Tam thế Phật... Trong số đó, bức tượng Quan Âm Bồ tát với 12 tay được đánh giá là đẹp nhất. Ảnh hưởng của nghệ thuật điêu khắc Champa thể hiện rõ ở hình chim thần Garuda đỡ bệ sen của tượng Quan Âm, ghi năm Xương Phù thứ 6 (tức 1382, đời vua Trần Phế Đế).

Tiếp tới là sân chùa rộng rãi đặt lư hương và chiếc sập đá lớn, với những họa tiết độc đáo mang nét đặc trưng nghệ thuật của nhà Mạc. Trong khuôn viên chùa có rất nhiều loại cây được trồng, tạo ra bầu không khí trong lành, thuần khiết. Tham quan chùa, chúng ta sẽ bắt gặp được một loại cây đặc trưng, gắn liền với hình ảnh chùa Bối Khê, đó là cây sen đất.

boi-khke-2.jpg
Hoa sen đất chùa Bối Khê.

Nói đến chùa Bối Khê, không thể không nhắc đến những cây hoa sen đất độc đáo: “bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen”. Theo nhà sư Thích Đàm Phượng, trước đây chùa có một cây sen đất lâu năm, nhưng đã chết. Những cây hiện nay được nhân giống từ cây sen cổ đó. Mùa sen đất nở hoa là vào khoảng tháng 3 âm lịch, hoa trắng rồi dần ngả sang vàng, có hương thơm pha lẫn giữa hoa sen và hoa đại. Đến mùa hoa, cả khoảng sân chùa rộng ngát mùi thơm của hoa. Chỉ duy nhất chùa Bối Khê là có những cây hoa sen đất này.

snapedit_1709438095950.jpg
Hậu cung thờ Đức Thánh Bối.

Đến phần chùa Phật gồm: Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện và hai hành lang. Tiền đường gồm một tòa bảy gian: Một giữa, hai bên, hai hồi, hai chái. Kết cấu bộ vì theo kiểu "chồng rường - giá chiêng”. Gạch bó nền tòa nhà mang phong cách thời Mạc với rồng, phượng, sư tử bố cục trong các khung hình chữ nhật và tròn.

Thiêu hương có cùng một cao độ nền với Tiền đường, kiến trúc tương tự, đều có bộ khung niên đại thời Nguyễn. Thượng điện là kiến trúc một gian - hai chái độc lập, có các đầu bẩy chạm hình rồng kiểu thời Trần.

Phía sau chùa Phật là phần điện Thánh bao gồm: Đại bái, ống muống và Hậu cung được kết nối theo hình chữ công (工). Điện Thánh được nối với hai hành lang của chùa Phật ở hai gian chái của tòa Đại bái.

Hậu cung điện Thánh là một tòa nhà có mặt bằng gần vuông, kích thước 5,58m × 5,55m, có kiến trúc hai tầng, tám mái bằng gỗ với nhiều mảng chạm khắc tinh xảo, cầu kỳ mang họa tiết hoa sen, hoa cúc, rồng, mây…

Trải qua gần 700 năm lịch sử, qua nhiều đợt trùng tu lớn vào các đời Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng và Nguyễn, đến nay, ngôi chùa còn giữ được khá nhiều dấu tích từ ngày khởi dựng. Với những giá trị lịch sử trường tồn, chùa Bối Khê xứng đáng được nâng cấp xếp hạng lên di tích Quốc gia đặc biệt.

Bối Khê là một ngôi chùa đẹp và độc đáo, đa dạng cả trong niên đại lưu lại, trong hệ thống thờ tự và trong hiện vật. Hiện nay, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai đang muốn đưa chùa Bối Khê trở thành điểm du lịch tâm linh và kiến trúc, mở rộng tiềm năng du lịch của địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Tăng cường công tác vận động quần chúng bảo vệ biên giới quốc gia
Những năm qua, công tác vận động quần chúng luôn được Đồn Lũng Nặm, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Cao Bằng đẩy mạnh triển khai thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Qua đó, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực biên giới, xây dựng nền toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO