Đó là mục đích của mô hình chăn nuôi giữa nhà trường - phụ huynh học sinh do tổ chức Plan tỉnh Quảng Trị và một số trường học trên địa bàn huyện Hướng Hóa phối hợp thực hiện thời gian qua. Đến nay, mô hình đã và đang mang lại những kết quả tích cực.
Chị Hồ Thị Mễ, hiện đang sống tại thôn Thuận 5, xã Thuận, huyện Hướng Hóa, (Quảng Trị) là mẹ của em Hồ Thị Vinh, học sinh lớp 7B, Trường THCS Thuận. Chồng mất sớm, mấy năm qua, một mình chị phải loay hoay tìm công việc, kiếm thu nhập để trang trải chi tiêu trong nhà, nuôi 3 người con đang tuổi đến trường.
Đầu tháng 3/2024 vừa qua, chị Mễ vui mừng khi được lựa chọn thực hiện thí điểm mô hình chăn nuôi giữa nhà trường - phụ huynh học sinh do tổ chức Plan Quảng Trị phối hợp với Trường THCS Thuận triển khai. Theo đó, gia đình chị nhận về một cặp dê nuôi có trị giá trên 5 triệu đồng, trong đó có một dê mẹ đang có chửa; đồng thời được hỗ trợ kinh phí làm chuồng trại, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Chị Mễ cho hay, chỉ sau một thời gian ngắn chăm sóc, từ 2 con dê ban đầu đã phát triển lên thành 5 con. Từ ngày có đàn dê, chị có thêm công việc để làm. Sáng nào chị cũng dậy sớm tranh thủ cắt cỏ, hái lá để dê có đủ thức ăn trong ngày. “Hiện tại, dê khỏe mạnh, lớn nhanh. Tôi dự định sẽ tiếp tục nuôi để nhân giống, phát triển đàn dê của gia đình. Có đàn dê, con tôi không phải lo thất học”, chị Mễ tâm sự.
Không riêng mẹ con chị Mễ mà trong đợt đầu tiên triển khai mô hình, gia đình anh Hồ Văn Phước và chị Hồ Thị Đen, hiện sống tại thôn Thuận 5, xã Thuận, phụ huynh em Hồ Thị Thanh, học sinh lớp 7A, Trường THCS Thuận cũng được nhận nuôi dê giống. Được biết, vợ chồng anh Phước có hoàn cảnh rất khó khăn, lại có 4 con nhỏ. Dù rất nỗ lực làm việc song cái đói, cái nghèo mãi bám riết lấy gia đình anh Phước.
Từ ngày có dê giống, vợ chồng anh tuy bận rộn hơn trước nhưng luôn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc vì hàng tháng có thầy cô, các cháu học sinh ghé đến tham quan, học tập, thậm chí giúp đỡ dọn dẹp chuồng trại.
Anh Phước cho hay: “Được thầy cô, cán bộ dự án Plan hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, chúng tôi nhận thấy việc nuôi dê không còn quá khó khăn. Đợi dê sinh sản, tôi sẽ bán một nửa, một nửa để lại làm giống chăn nuôi tiếp”.
Trao đổi với phóng viên, cô giáo Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thuận Lê Thị Hồng Vân cho hay, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, nhà trường mong muốn xây dựng các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp vừa sinh động, vừa thiết thực nhằm tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận thực tế, chuyển hoá những kinh nghiệm đã trải qua thành tri thức mới, hiểu biết mới, kỹ năng mới nhằm phát huy tiềm năng sáng tạo, khả năng thích ứng với cuộc sống.
Thông qua dự án “Trẻ em gái sẵn sàng cho tương lai”, Trường THCS Thuận đã phối hợp với tổ chức Plan Quảng Trị xây dựng mô hình chăn nuôi dê giữa nhà trường - phụ huynh học sinh. Theo đó, dựa trên lịch trình cụ thể đã phân công, học sinh sẽ tham gia học các tiết trải nghiệm, được đến tận các gia đình có triển khai mô hình để thực hành cho dê ăn, vệ sinh chuồng trại...
“Điểm đặc biệt của mô hình này là không chỉ tạo hoạt động thực tế để học sinh trực tiếp trải nghiệm mà còn mang lại sinh kế, hiệu quả kinh tế thiết thực cho phụ huynh học sinh”, cô Vân chia sẻ. Trước khi thực hiện mô hình, nhà trường đã tổ chức họp phụ huynh để lựa chọn ra các gia đình có hoàn cảnh thực sự khó khăn có con em chăm ngoan, học giỏi.
Theo cam kết, sau một năm chăm sóc, các gia đình sẽ hoàn trả lại dê giống để quay vòng cho những phụ huynh khác. “Dê là động vật phổ biến, phù hợp với đặc điểm địa hình và thời tiết tại miền núi như xã Thuận. Điều này giúp phụ huynh thuận lợi hơn trong việc chăn nuôi. Dù mới chỉ triển khai trong thời gian ngắn song mô hình nuôi dê giữa nhà trường - phụ huynh học sinh thực sự mang lại hiệu quả tích cực cho nhà trường, học sinh lẫn phụ huynh. Nhà trường dự kiến sẽ trao dê giống cho thêm 2 gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác vào cuối tháng 5”, ông Lê Cảnh Hoài, Hiệu trưởng Trường THCS Thuận thông tin thêm.
Được biết, bên cạnh mô hình nuôi dê giữa nhà trường - phụ huynh học sinh tại Trường THCS Thuận, thời gian qua, tổ chức Plan Quảng Trị cũng đã phối hợp với Trường Tiểu học và THCS Xi triển khai mô hình chăn nuôi dúi tại 3 gia đình học sinh của trường.
Tại đây, mỗi gia đình được nhận một cặp dúi má đào có trị giá 7 triệu đồng về nuôi. Trung bình mỗi cặp dúi sẽ sinh khoảng 6 con/năm; dúi má đào thương phẩm có giá bán cao, rất được thị trường ưa chuộng. Để việc giáo dục trải nghiệm cho học sinh lẫn hướng dẫn phụ huynh cách chăm sóc hiệu quả, Plan Quảng Trị đã tổ chức cho thầy cô, học sinh của nhà trường đến tham quan, học tập kỹ thuật nuôi dúi tại Hợp tác xã phát triển Nông nghiệp và Du lịch bền vững Xi.
Anh Trần Xuân Thủy, cán bộ tổ chức Plan Quảng Trị đánh giá: “Các mô hình chăn nuôi giữa nhà trường và phụ huynh học sinh được chúng tôi phối hợp với các trường học trên địa bàn huyện Hướng Hóa thực hiện mang lại hiệu quả tích cực. Các em học sinh không những hứng thú, yêu thích hơn những giờ học trải nghiệm mà các bậc phụ huynh cũng có thêm mô hình sinh kế để phát triển kinh tế gia đình, nuôi các con ăn học. Nếu thuận lợi, tổ chức Plan sẽ tiếp tục phối hợp với các trường học khác ở Hướng Hóa, Đakrông để tiếp tục nhân rộng mô hình này”.