Những năm qua, An Giang luôn quan tâm, chú trọng công tác phát triển văn hóa, tăng cường đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc.
An Giang là vùng đất cộng cư của nhiều dân tộc, trong đó có 4 dân tộc chủ yếu: Kinh, Khmer, Chăm và Hoa. Mỗi dân tộc đều sở hữu hệ thống di sản văn hóa hết sức đặc sắc, đa dạng. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.000 cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và địa điểm lịch sử cách mạng.
Cụ thể, 88 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng (2 di tích quốc gia đặc biệt, 28 di tích cấp quốc gia và 58 di tích cấp tỉnh); 7 di sản được ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bên cạnh đó, An Giang có 100 lễ hội lớn nhỏ hàng năm, cùng với nhiều làng nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn, ẩm thực, trang phục, ngữ văn dân gian, tri thức dân gian, tôn giáo tín ngưỡng, tập quán cộng đồng các dân tộc...
“Mỗi loại hình mang những giá trị khoa học, lịch sử, văn hóa minh chứng cho quá trình tồn tại, khai phá, chinh phục vùng đất mới đầy khó khăn của cha ông. Nhưng tổng hòa lại tạo thành nét độc đáo, đặc sắc của hệ thống di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Đây là nguồn tài nguyên quý giá, nguồn lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương” - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) An Giang Nguyễn Khánh Hiệp cho biết.
Những năm qua, Đảng bộ và chính quyền tỉnh chú trọng phát triển văn hóa, tăng cường đầu tư cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm. Đồng thời, khai thác, phát huy tài nguyên di sản văn hóa vốn có trở thành thế mạnh trong lĩnh vực phát triển du lịch, văn hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Sở VH-TT&DL An Giang triển khai, hướng dẫn các địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Di sản văn hóa, nghị định, thông tư có liên quan lĩnh vực di sản văn hóa. Đặc biệt, chú trọng phân cấp quản lý giữa sở, ngành, địa phương nhằm thực hiện hiệu quả, chặt chẽ công tác quản lý di sản văn hóa. Nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch được ban hành.
UBND tỉnh An Giang tăng cường hỗ trợ đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa từ nhiều nguồn, như: Trùng tu 10 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh bằng nguồn vốn trung hạn (giai đoạn 2016 - 2020); đầu tư tu bổ 25 di tích cấp tỉnh (giai đoạn 2021 - 2025).
Ngoài ra, đầu tư ngân sách từ nguồn vốn sự nghiệp để tu bổ chống xuống cấp cho 6 di tích, sửa chữa nhỏ 20 di tích; đề xuất Bộ VH-TT&DL xem xét hỗ trợ kinh phí tu bổ cho các di tích văn hóa - lịch sử xếp hạng cấp quốc gia (giai đoạn 2021 - 2025). Tỉnh đầu tư tu bổ 69 ngôi đình làng chưa được xếp hạng, nhằm giữ gìn thiết chế văn hóa làng xã, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của đình làng trong tỉnh.
Trung ương đầu tư trùng tu từ chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa cho 6 di tích cấp quốc gia. Riêng đối với các khu di tích quốc gia đặc biệt, Trung ương quan tâm đầu tư 50 tỷ đồng để trùng tu nâng cấp toàn Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê (huyện Thoại Sơn); cho phép An Giang phối hợp cùng Bộ VH-TT&DL lập hồ sơ Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê đề nghị UNESCO đưa vào Danh sách dự kiến lập hồ sơ di sản thế giới.
Bên cạnh đó, Sở VH-TT&DL An Giang tham mưu UBND tỉnh An Giang phê duyệt Kế hoạch lập bổ sung Bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích được xếp hạng giai đoạn 2022 - 2025; kiểm kê di sản văn hóa để lập danh mục di tích, tạo cơ sở dữ liệu trong công tác quản lý, xây dựng hồ sơ khoa học trình cấp thẩm quyền xếp hạng công nhận di tích cấp tỉnh, quốc gia. Đến nay, An Giang được Thủ tướng Chính phủ công nhận 8 bảo vật quốc gia.
Giám đốc Sở VH-TT&DL An Giang Nguyễn Khánh Hiệp cho biết, công tác quảng bá, phát huy giá trị di tích được đơn vị triển khai qua nhiều kênh thông tin, như: Trưng bày triển lãm, truyền thông; trang thông tin điện tử ngành; thiết kế tờ bướm điểm du lịch thu hút khách tham quan trong và ngoài nước đến tìm hiểu, nghiên cứu giá trị lịch sử - văn hóa của tỉnh. Đồng thời, phối hợp tuyên truyền, giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” tại một số điểm di tích lịch sử - văn hóa cho học sinh, sinh viên, giúp nâng cao ý thức, khơi dậy lòng tự hào về quê hương, đất nước.
Thời gian tới, ngành VH-TT&DL tỉnh An Giang phối hợp chính quyền địa phương, đơn vị tăng cường đầu tư cho công tác tu bổ di tích, hỗ trợ đúng mức cho trùng tu di tích được xếp hạng. Đồng thời, có cơ chế đãi ngộ cho nghệ nhân, đặc biệt là nghệ nhân đồng bào dân tộc thiểu số để họ tiếp tục cống hiến, bảo tồn nghệ thuật truyền thống, văn hóa dân tộc; chính sách đối với người trông coi di tích, khuyến khích cộng đồng tham gia bảo vệ di tích văn hóa - lịch sử…