Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn đã tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm giải bài toán xóa mù chữ cho đồng bào DTTS.
Bắc Kạn là tỉnh miền núi phía Đông Bắc Bộ, phía đông giáp tỉnh Lạng Sơn, phía Tây giáp tỉnh Tuyên Quang, phía Bắc giáp tỉnh Cao Bằng, phía nam giáp tỉnh Thái Nguyên, với tổng diện tích hơn 4.859,41 km2. Trong đó rừng và đồi núi chiếm hơn 80%, đất nông nghiệp chỉ có 6,8% (32.947 ha). Tỉnh có 8 đơn vị hành chính gồm 7 huyện: Bạch Thông, Ba Bể, Chợ Đồn, Chợ Mới, Na Rì, Ngân Sơn, Pác Nặm và thành phố Bắc Kạn. Huyện xa nhất tỉnh là huyện Pác Nặm, trung tâm huyện cách trung tâm thành phố Bắc Kạn hơn 90km. Toàn tỉnh có 108 xã, phường, thị trấn, trong đó có 67 xã khu vực III.
Dân số của tỉnh khoảng 324.000 người, gồm 7 dân tộc chủ yếu (Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông, Hoa và Sán Chay), trong đó tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm hơn 88%.Mặc dù kinh tế, xã hội tỉnh Bắc Kạn đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên Bắc Kạn vẫn là một trong các tỉnh khó khăn nhất cả nước. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người đạt 46,3 triệu đồng/người; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 830 tỷ đồng; tổng chi ngân sách đạt 8.625 tỷ đồng.
Công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ của tỉnh Bắc Kạn được các cấp uỷ Đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã có Chỉ thị, Nghị quyết và những định hướng lớn về việc thực hiện các mục tiêu giáo dục và đào tạo nói chung, công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ nói riêng. Các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể cơ bản đã tham gia, ủng hộ nhiệt tình trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ xoá mù chữ của tỉnh. Đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện.
Nhu cầu học tập của đồng bào các dân tộc trong tỉnh ngày càng cao, nhận thức về vai trò của tri thức trong đời sống kinh tế - xã hội có chuyển biến tích cực. Đây là yếu tố quan trọng tác động tích cực tới công tác xoá mù chữ nói chung và xoá mù chữ nói riêng. Chất lượng đội ngũ dần được nâng cao; đội ngũ giáo viên, nhân viên cơ bản nhiệt tình, có ý thức trách nhiệm trong công việc, sẵn sàng tham gia giảng dạy các lớp xoá mù chữ.
Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn như số xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn còn nhiều, tỷ lệ hộ nghèo cao, đặc biệt ở các xã khu vực III. Điều này ảnh hưởng lớn tới việc huy động các nguồn lực cho công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ. Do điều kiện địa lý địa hình miền núi phức tạp, dân cư sống phân tán, xa trường học, đường sá đi lại không thuận lợi nên việc huy động người mù chữ ra lớp còn khó khăn. Nhận thức của người dân ở một số địa phương còn hạn chế, chưa thật sự quan tâm đến việc học. Bên cạnh đó, phần lớn người mù chữ là người lớn tuổi, phải trực tiếp tham gia lao động sản xuất nên việc học diễn ra vào buổi tối dẫn đến tâm lý ngại đi học.
Để nâng cao hiệu quả công tác xoá mù chữ, hằng năm Sở GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị cấp huyện thực hiện nghiêm túc công tác điều tra phổ cập giáo dục, xoá mù chữ, trong đó quan tâm điều tra, rà soát số người mù chữ, tái mù chữ. Các hoạt động điều tra thường được thực hiện mỗi năm một lần vào tháng 8, tháng 9 hằng năm. Việc điều tra chủ yếu do các giáo viên cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thực hiện, có sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể, cán bộ thôn/tổ (trưởng thôn, cán bộ phụ nữ, công an...). Cơ bản công tác điều tra, rà soát số người mù chữ, người tái mù chữ được thực hiện kịp thời, đảm bảo chính xác.
Bên cạnh đó, việc cập nhật dữ liệu phổ cập giáo dục, xoá mù chữ trên Hệ thống thông tin quản lý phổ cập giáo dục, xóa mù chữ của Bộ GD&ĐT được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Số liệu phổ cập giáo dục, xoá mù chữ trên hệ thống đảm bảo chính xác, thống nhất.
Công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ đã và đang được các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể trên địa bàn tỉnh rất quan tâm nên nội dung này thường xuyên được tuyên truyền, phổ biến trong các hoạt động của các cơ quan, đơn vị; trên các phương tiện thông tin đại chúng.Việc tuyên truyền, phổ biến được thực hiện dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: các tin bài, phóng sự về công tác xoá mù chữ; lồng ghép thông qua các hội nghị, cuộc họp, trong các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp, các đợt sinh hoạt cộng đồng....
Tại xã Xuân La, huyện Pắc Nặm, tỉnh Bắc Kạn trong các năm 2022, 2023, chính quyền xã, Trung tâm học tập cộng đồng, trường tiểu học và các thôn phối hợp tổ chức vận động bà con học lớp xóa mù chữ. Mở được 1 lớp ở Điểm trường Mù Trị với 30 học viên (2022), năm 2023 tiếp tục phối hợp mở thêm 1 lớp ở Điểm trường Khuổi Bốc với 33 học viên.
Thầy giáo Văn Phúc Hòa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân La, xã Xuân La, huyện Pắc Nặm phụ trách lớp học xóa mù trên địa bàn cho biết: Ban đầu vận động bà con ra lớp rất khó khăn, nhưng khi các lớp học được mở tại thôn, bà con đi học thuận lợi nên chủ động tham gia. Đến nay, học viên đã biết đọc, biết viết, biết tính toán cơ bản. Hiện những người chưa tham gia, rất muốn theo học, họ tiếp tục đăng ký với trưởng thôn đề xuất mở thêm lớp.
Như vậy, với nhiều cách làm hay, các địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của xóa mù chữ, tạo sự quan tâm đồng thuận, tích cực hưởng ứng của nhân dân và cộng đồng xã hội.