Thực hiện Quyết định số 2041/QĐ-BQP ngày 31-8-2001 “Phê duyệt dự án đầu tư phát triển Khu Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) trên địa bàn biên giới huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk” và Quyết định số 1606/QĐ-BQP ngày 7-8-2003 “Phê duyệt điều chỉnh mở rộng dự án đầu tư Khu KT-QP trên địa bàn biên giới huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk” của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, hiện đã có hơn 4.000 hộ dân “an cư lạc nghiệp” trong vùng dự án, vượt xa mục tiêu đã được phê duyệt.
Trở lại các xã biên giới Ia Rvê và Ia Lốp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, chúng tôi thấy rõ sự đổi thay trên vùng đất một thời xác xơ, nghèo đói do hậu quả của chiến tranh để lại. Trao đổi với chúng tôi về sự đổi thay này, đồng chí Lê Văn Hoàng Lâm, Chủ tịch UBND xã Ia Rvê khẳng định: “Thành công của dự án Khu KT-QP Ea Súp trước hết phải kể đến các đơn vị thuộc Binh đoàn 16 giai đoạn 2002-2014 và từ năm 2015 đến nay là Đoàn KT-QP 737 đã huy động nguồn đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng, thực nghiệm thành công các mô hình phát triển kinh tế, giúp các hộ dân định canh, định cư, đẩy nhanh xóa đói, giảm nghèo, xây dựng vành đai biên giới ngày một vững chắc. Từ vùng biên giới hoang vu, nay đã hình thành 24 thôn thuộc hai xã Ia Rvê và Ia Lốp, với 4.068 hộ/13.301 nhân khẩu, 19 dân tộc anh em. Thời điểm đầu khi vào vùng dự án, gần 100% hộ dân thuộc diện đói, nghèo; nay không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 57,2%”.
Đầu năm 2015, dự án Khu KT-QP Ea Súp được chuyển giao nguyên trạng cho Quân khu 5, mà trực tiếp là Đoàn KT-QP 737 (thành lập theo Quyết định số 160/QĐ-BQP ngày 20-1-2015 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trên cơ sở sáp nhập Trung đoàn 737 và Trung đoàn 736 thuộc Binh đoàn 16) quản lý. Theo Đại tá Trương Văn Bình, Chính ủy Đoàn KT-QP 737, gần 10 năm tiếp nhận và triển khai dự án, kết quả nổi bật là đơn vị đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tiến hành thanh lý đúng quy định của pháp luật các hợp đồng nhận khoán vườn cây, chấm dứt tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp, không để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự. Tiếp đó, đơn vị khai hoang 2.029ha đất bàn giao cho huyện Ea Súp để cấp bổ sung đất sản xuất cho các hộ dân (có hộ khẩu trong vùng dự án từ ngày 31-12-2010 trở về trước), bảo đảm mỗi hộ đủ 1.000m2 đất ở và 2ha đất sản xuất. Đặc biệt, triển khai mô hình 8 “Đội sản xuất nông lâm” của Đoàn, gắn với 23/24 thôn của hai xã trong vùng dự án, Đoàn KT-QP 737 đã sát cánh cùng bà con tìm ra những mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp để tạo sinh kế bền vững, như: Trồng cây lúa nước, mì, mía, cây ăn quả; chăn nuôi bò, trâu, thả cá nước ngọt... Từ năm 2015 đến 2023, tổng trị giá hoạt động công tác dân vận của Đoàn KT-QP 737 đạt hơn 46,6 tỷ đồng; góp phần quan trọng ổn định đời sống cho 4.068 hộ dân trong vùng dự án, vượt 1.068 hộ so với mục tiêu được phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 1606/QĐ-BQP ngày 7-8-2003 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Theo sự chỉ dẫn của Trung tá Hoàng Hải Cường, Trợ lý dân vận Đoàn KT-QP 737, chúng tôi đến thăm mô hình trồng cây ăn quả của hộ anh Hồ Văn Tuấn, ở thôn 9, xã Ia Rvê, do Đội Sản xuất nông lâm 7 phụ trách. Được biết, năm 2002, anh Tuấn cùng mẹ di dân theo kế hoạch từ tỉnh Bến Tre vào vùng dự án lập nghiệp. Thời điểm đó, hộ anh Tuấn cũng như 1.004 hộ dân tỉnh Bến Tre di cư vào vùng dự án đều thuộc diện hộ nghèo. Năm 2019, triển khai dự án “Giảm nghèo bền vững”, hộ anh Tuấn và hai hộ: Trần Thanh Quân (thôn 8), Nguyễn Văn Nu (thôn 7), xã Ia Rvê, được Đoàn KT-QP 737 hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ để mua giống cây xoài. Ngoài ra, cán bộ Đội Sản xuất nông lâm 7 còn giúp công lao động, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và hộ dân đầu tư thêm. Từ đó, các hộ dân khai thác hiệu quả 2ha đất sản xuất được cấp, đến năm 2023, cả 3 hộ dân được Đội Sản xuất nông lâm 7 hỗ trợ đã vươn lên thoát nghèo. Riêng hộ anh Tuấn thuê thêm 12ha đất trồng mì, mỗi năm có thu nhập hơn 400 triệu đồng. Năm 2024, anh Tuấn dự định thành lập hợp tác xã xoài, bí để mở rộng diện tích cũng như tìm hướng tiêu thụ cho trái cây ở vùng đất Ia Rvê.
Tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, từ năm 2019 đến nay, thực hiện mô hình giảm nghèo trong vùng dự án Khu KT-QP Ea Súp, Đoàn KT-QP 737 đã hỗ trợ cây, con giống, chuồng trại, phân bón, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho 286 hộ nghèo, với tổng trị giá hơn 7,76 tỷ đồng, đến nay có 29 hộ thoát nghèo. Ngoài ra, đơn vị tổ chức khai hoang 130ha ruộng lúa nước cho bà con thôn 13 và thôn 14, xã Ia Rvê với kinh phí 25 tỷ đồng; huy động, xây dựng 37 căn nhà cho hộ gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số và hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, với tổng trị giá 2,59 tỷ đồng. Đoàn KT-QP 737 phối hợp với các doanh nghiệp triển khai 5 mô hình thực nghiệm trồng các loại cây ca cao, mì, mít, chuối và nhãn, có tổng vốn đầu tư gần 490 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2023, các mô hình thực nghiệm đã tạo việc làm cho người dân trong vùng dự án có tổng trị giá 179,9 tỷ đồng; bình quân 25,7 tỷ đồng/năm.
Với những đóng góp của cán bộ, chiến sĩ, người lao động Đoàn KT-QP 737, giai đoạn 2015-2021, trong vùng dự án Khu KT-QP Ea Súp giảm được 855 hộ nghèo, tương đương 36,23%, bình quân mỗi năm giảm 6,03%. Nếu như năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí cũ) trong vùng dự án còn gần 90% thì đến năm 2021 giảm còn 49,27%. Đến đầu năm 2024, áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, vùng dự án Khu KT-QP Ea Súp còn 57,2%. Hai xã Ia Rvê và Ia Lốp đã hoàn thành 12/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
Có thể nói, để các xã trong vùng dự án Khu KT-QP Ea Súp có được sự phát triển vượt bậc cả về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, trước hết là nhờ sự quan tâm đầu tư của Bộ Quốc phòng. Từ năm 2002 đến nay, vùng dự án đã được Bộ Quốc phòng đầu tư hơn 297 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có 11 công trình giao thông, tổng chiều dài 142km; 6 công trình điện sinh hoạt, với 119km đường điện trung, hạ thế; 10 công trình cấp nước sinh hoạt, 2 bệnh xá quân dân y có tổng diện tích xây dựng gần 15.000m2; 5 công trình chợ nông thôn và nhà văn hóa cộng đồng; 11 công trình thủy lợi, bảo đảm tưới chủ động cho 530ha cây trồng và 10 công trình phụ trợ khác.
Trong năm 2024, Đoàn KT-QP 737 đã lập dự án trình Bộ Quốc phòng đầu tư hoàn thiện, nâng cấp hệ thống giao thông và công trình thủy lợi trong Khu KT-QP Ea Súp, với tổng kinh phí hơn 40 tỷ đồng, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để bà con các xã biên giới Ia Rvê, Ia Lốp trụ vững và phát triển trên vùng biên giới Nam Tây Nguyên.