Xuân này tôi về với biên giới Lục Khu để tìm lại những kỷ niệm sau 35 năm và cảm nhận sự đổi thay của quê hương vùng cao trong công cuộc đổi mới. Điều tôi dành sự tâm đắc trong cả chuyến đi là cuộc hành trình trải nghiệm trên vùng đất từng gắn bó với những người lính mang quân hàm xanh đã hy sinh tuổi thanh xuân để giữ gìn sự bình yên nơi biên cương Tổ quốc.
Đường lên vùng biên giới Lục Khu được nâng cấp nên xe có thể lướt ga êm ru. Nơi đầu tiên tôi đến là Đồn Biên phòng Tổng Cọt, trụ sở đồn cũ đã giao cho địa phương. Xe chúng tôi phải hành trình thêm chặng đường vài cây số để leo trên những ngọn núi đá cao mới tới được trụ sở mới. Người tôi gặp đầu tiên là Chính trị viên, Trung tá Nông Văn Ích. Sau cái bắt tay với nụ cười cởi mở, chân tình, các anh dẫn tôi đi tham quan trụ sở mới được xây dựng khang trang, kiên cố. Sau tuần trà ngọt lịm với chất nước của vùng núi đá vôi, các anh đưa tôi leo lên đỉnh núi phía sau đồn.
Từ trên mỏm đồi, chúng tôi quan sát rõ toàn cảnh khuôn viên trụ sở đồn và con đường trải trên những ngọn núi với nhiều khúc cua ngoằn nghèo. Ngắm vùng đất, vùng rừng trên những dãy núi đá vôi phủ kín một màu xanh thẫm mà theo Chính trị viên Ích thì tất cả rừng đều đã giao cho các hộ gia đình quản lý. Bây giờ không còn chuyện phá rừng vì nhu cầu sử dụng gỗ không đáng kể. Chỉ việc làm vệ sinh rừng cũng thừa củi đun vì hiện nay việc dùng điện, dùng ga tiện lợi hơn rất nhiều. Những nương rẫy của nhân dân chủ yếu trồng ngô và lạc cho năng suất cao. Như hiểu được những điều tôi muốn tìm hiểu về cuộc sống của người dân vùng cao này, Chính trị viên Ích vui vẻ nói:
- Nhờ có sự quan tâm đầu tư của Nhà nước nên những năm gần đây cuộc sống của đồng bào có nhiều khởi sắc, làng bản có những căn nhà xây khang trang thay dần nhà sàn. Hầu như nhà nào cũng có ti vi, xe máy; người dân dùng điện thoại di động. Điều quan trọng nhất là lương thực, thực phẩm và nước sinh hoạt trong mùa khô được giải quyết căn bản. Xưa đồng bào trồng ngô làm lương thực chính thì nay chỉ dùng nấu rượu và chăn nuôi, còn gạo thì mua gạo ngon và có nguồn cung ứng tận nơi. Có thể khẳng định, người dân đã yên tâm với cuộc sống và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng để bám trụ nơi biên giới. Chú từng đến nơi này cách đây 35 năm thì so sánh về sự đổi thay hẳn là rõ nét hơn. Bây giờ người dân không lo thiếu ăn, thiếu nước mà có đầy đủ điện, đường, trường, trạm, họ chỉ lo kiếm tiền, mà kiếm tiền thời buổi kinh tế thị trường cũng rất phong phú, đa dạng. Đồng bào sống với nhau đoàn kết, không có chuyện trộm cắp, nghiện hút, chửi nhau; môi trường an ninh ổn định.
Tận mắt chứng kiến những đổi mới của miền quê vùng cao này, những kỷ niệm xưa như ùa về trong trí nhớ: Cách đây tròn 35 năm, đó là dịp chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm lần thứ 30 Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng, Sở Văn hóa - Thông tin phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh xuất bản cuốn sách “LÁ XANH LẤP LÁNH” với mục đích tuyên truyền về truyền thống vẻ vang của lực lượng Bộ đội Biên phòng Cao Bằng trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc. Tôi chọn cuộc hành trình đến các đồn biên phòng ở vùng cao Lục Khu để bằng hình tượng văn học phản ánh cuộc sống, chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ mang quân hàm xanh. Trong chuyến đi, đội chiếu bóng của Công an tỉnh phục vụ cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc vùng cao. Ở Đồn Biên phòng Tổng Cọt, tôi cảm nhận mọi sinh hoạt của chiến sĩ vẫn bình thường. Đến Đồn Biên phòng Nội Thôn bắt đầu ngấm cái khổ thiếu nước mùa khô khi nửa đêm thức dậy chứng kiến 4 cô gái ngồi sưởi lửa bên mỏ nước Bó Rẳng ở bản Pác Hoan để chờ lấy nước.
Do tính chất công việc nên chúng tôi đến Đồn Biên phòng Cải Viên thì trời đã về chiều. Từ trên đèo nhìn xuống vùng đất dưới thung lũng là bạt ngàn rẫy khô khát giữa những mỏm đá tai mèo lô nhô. Cây cũng héo mòn, cỏ không còn là cỏ; những chú bê con gầy guộc ngơ ngác kiếm ăn. Những căn nhà sàn trong bản Lũng Pán phủ làn khói màu lam. Khi kết thúc buổi chiều chiếu đúp hai phim liền thì đã quá khuya. Thu dọn máy móc xong, cậu thợ máy chìa hai tay đen sì dầu mỡ về phía đồn phó Hưng:
- Cho em xin nửa ca nước và tí xà phòng.
- Này, trực ban đâu. - Hưng lúng túng: - Kiếm nửa ca nước.
- Báo cáo thủ trưởng, nhẵn như chùi. - Chiến sĩ trực ban lúng túng.
- Thôi, lấy nước phích ra dùng tạm một ít, rồi mang can vào gặp trưởng bản, bảo là xin nước tiếp khách đặc biệt nhé.
Rót một nắp phích nước nóng vào chậu cho anh thợ máy rửa tay, chiến sĩ trực ban vội xách hai chiếc can lao vào bóng đêm. Một lúc sau quay lại với hai can nước đầy ắp.
- Xuất cho một nồi nước để đun uống, còn lại cho vào kho. Hưng nói như ra lệnh, rồi quay lại nói với chúng tôi: Cực thế đấy anh ạ. Dân bản tốt với Bộ đội Biên phòng lắm nhưng thực lực của bà con cũng có hạn, Tết năm ngoái thấy anh em cực quá, dân bản Lũng Pán ủng hộ đồn mỗi nhà một gánh nước và một quả bí đỏ.
Sáng hôm sau, khi mặt trời vừa ló trên đỉnh núi mù sương, tôi vào bản Lũng Pán với mục đích chụp những tấm ảnh về người dân ủng hộ nước cho biên phòng. Đến nhà ông Khiào, một người có uy tín ở bản Lũng Pán. Ông đang đau bụng nhưng thấy khách đến cố gắng ra khỏi buồng:
- Cán bộ đi đâu sớm thế?
- Đi chụp ảnh.
- Mỗi “cái” bao nhiêu? Tôi muốn chụp một “cái” cho vào cái khung huân chương, to bằng này - Vừa nói, ông vừa dùng hai ngón trỏ vạch vào không khí.
- Không lấy tiền đâu!
- Thế lấy cái gì?
- Lấy nước.
- Trời đất ơi. Ở Lục Khu mới thiếu nước chứ, chỗ khác thì lấy nước làm gì?
- Lấy nước cho bộ đội.
- À, ra thế! - Ông gắp một cục than hồng châm vào điếu cày, tiếng nước trong điếu kêu khùng khục theo nhịp rít của ông.
Thấy ông tỏ vẻ hoài nghi, tôi bảo:
- Bác à, được nghe chỉ huy đồn nói là bác tốt lắm, dân bản tốt lắm. Dân bản giúp nước cho bộ đội nhiều rồi, nay muốn chụp ảnh lại những việc làm của dân bản để triển lãm kỷ niệm lần thứ 30 Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng, mong bác giúp vài gánh nhé.
- Được thôi, nhưng lấy nhiều thế để bàn với chủ nhiệm đã. Anh bảo bộ đội mang thùng vào đi.
Khi tôi ra đồn gọi anh em mang thùng tới thì ông Khiào cũng tìm được chủ nhiệm Quáng. Hai người đến vận động mỗi nhà ủng hộ một gánh nước. Đám trẻ và thanh niên kéo tới đông như hội. Mọi người cùng đứng vào để tôi chụp ảnh người dân ủng hộ nước cho Bộ đội Biên phòng. Ông Khiào hỏi vui:
- Bao giờ có ảnh đấy?
- Hôm nào chỉ huy đồn ra ngoài đó họp sẽ mang về.
- Thế khi nào anh lại đến với Cải Viên?
- Sang năm.
- Thế sang năm còn chụp ảnh lấy nước nữa không?
- Lúc đó chụp ảnh uống rượu thôi.
Tất cả cùng phá lên cười.
Đó là chuyện có thật cách đây 35 năm. Khi đó lực lượng biên phòng còn nằm trong ngành công an và do nhu cầu bảo vệ biên giới phúc tạp nên mỗi xã biên giới được bố trí một đồn. Thời điểm đó, tình hình phát triển kinh tế của vùng đồng bào biên giới này cực kỳ khó khăn, đặc biệt là thiếu điện, nước, lương thực, thực phẩm nên đồng bào di cư vào các tỉnh phía Nam rất nhiều dẫn đến tình trạng công tác bảo vệ biên giới ở vùng núi đá Lục Khu càng thêm khó khăn.
Cũng từ tình cảm với những chiến sĩ biên phòng mà 10 năm sau trong dịp kỷ niệm lần thứ 40 Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng, tôi lại hành trình về với vùng biên này. Khi đó vùng biên giới Lục Khu chỉ còn 2 đồn là Tổng Cọt và Nặm Nhũng. Hôm ở Tổng Cọt, Đồn trưởng, Trung tá Lê Như Tấn dù mới nhận nhiệm vụ nhưng tỏ ra nắm rất chắc tình hình:
- Ở vùng cao biên giới này, cuộc sống của đồng bào vẫn rất nghèo nhưng họ lại giàu tình cảm, đặc biệt là bà con rất quý mến Bộ đội Biên phòng nên sẵn sàng giúp đỡ anh em hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cũng từ sự ủng hộ và giúp đỡ của đồng bào mà suốt nhiều năm nay, biên cương luôn đảm bảo giữ vững. Muốn hiểu hơn cuộc sống và công tác an ninh thì có thể ra tìm hiểu thêm tại phiên chợ Tổng Cọt. Rồi anh trực tiếp dẫn tôi ra tham quan cảnh chợ phiên biên giới dịp cuối năm, vừa đi anh vừa tâm sự:
- Đồn chúng tôi phụ trách địa bàn 2 xã Tổng Cọt và Nội Thôn với chiều dài đường biên trên mười ba ki lô mét. Gọi là đường biên nhưng anh thấy đấy, toàn núi đá thôi. Chúng tôi đi tuần tra cứ phải leo núi, khi đi phải mang theo lương thực, nước uống, tối đâu thì vào nhà dân ngủ nhờ. Muốn hiểu thêm cuộc sống của dân Lục Khu thì cứ ra chợ Tổng Cọt. Đây là phiên chợ cuối năm nên người dân đi chợ mua sắm nhiều, màu sắc trang phục cũng nổi bật hơn và không khí vui hơn vì là phiên chợ Tết.
Lần này trở lại vùng cao biên giới, tôi như muốn tìm về với những kỷ niệm trong suốt thời gian 35 năm. Nghe Trung tá Nông Văn Ích trải lòng giúp tôi hiểu phần nào cuộc sống của đồng bào vùng cao này không ngừng cải thiện trước sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước. Trụ sở đồn được Nhà nước đầu tư xây dựng khang trang, kiên cố, điều kiện sinh hoạt và cuộc sống của chiến sĩ được cải thiện nhiều. Từ khi vùng núi đá Lục Khu được công nhận là Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng thì người dân nơi đây đã biết phục vụ khách du lịch. Nhiều du khách tìm đến vùng núi đá để trải nghiệm, khám phá. Các hoạt động buôn bán, sản xuất tiểu thủ công nghiệp phát triển, mức sống của người dân được nâng cao. Chỉ tính riêng ở khu chợ Nặm Nhũng có hàng chục gia đình mua được ô tô để chở hàng hóa buôn bán và sinh hoạt.
Phút chia tay với những chiến sĩ biên phòng mà lòng tôi cứ thấy bâng khuâng. Dải biên cương với hàng ngàn ngọn núi đá vôi sừng sững uy nghiêm, rừng vẫn thẫm một màu xanh muôn thuở. Hoa Voòng Vỉ bên đường lập lòe như lửa, hoa bưởi đang ẩn mình trong những cánh lá tươi non. Tôi hiểu dù xuân này biên giới đã bình yên, nhưng không nhiều chiến sĩ được chung vui cùng bạn bè, cùng vợ con đi chơi nơi đô thị phồn hoa. Các anh chỉ cần ngắm sắc màu phiên chợ cuối năm mà nhận biết là mùa xuân đang về.