Bạch Đích là xã vùng cao biên giới của huyện Yên Minh, (Hà Giang) cách trung tâm huyện khoảng 35 km, nơi sinh sống của 12 dân tộc, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn. Với sự vào cuộc tích cực, chủ động, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương. Tập quán lạc hậu được đẩy lùi, tạo bước “đột phá” góp phần xây dựng nếp sống văn minh nơi biên giới.
Qua hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 27- NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về thực hiện xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022 - 2025, công tác tuyên truyền được xã Bạch Đích triển khai với nhiều hình thức, biện pháp phong phú và đa dạng, như: Tuyên truyền trực tiếp, gián tiếp, phát tờ rơi, thông qua hệ thống loa truyền thanh đến các thôn, bản hay sân khấu hóa trong tổ chức và tham gia hội thi tuyên truyền xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh cấp xã, huyện đạt hiệu quả cao. Trong năm 2023, xã vận động thành công 3 hộ người Nùng có người chết vào áo quan, chôn cất trong 24 giờ. Ngoài ra, hủ tục giết mổ nhiều gia súc, gia cầm, tổ chức đám ma linh đình, kéo dài ngày gây lãng phí, tốn kém được đẩy lùi.
Đồng chí Phạm Xuân Phương, Bí thư Đảng ủy xã Bạch Đích cho biết: “Để người dân từ bỏ hủ tục đã tồn tại bao đời nay, nhất là thay đổi suy nghĩ của người già, người có uy tín trong các dòng họ, cộng đồng dân cư không đơn giản, một sớm một chiều nói làm được ngay mà cần phải có thời gian, nhiều giải pháp, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, huy động cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên và người có uy tín đi đầu làm trước mới có kết quả. Riêng đối với việc xóa bỏ hủ tục đám tang người Nùng chết tháng 9 không chôn, cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các tổ chức hội, đoàn thể phối hợp chặt chẽ với Đồn Biên phòng Bạch Đích giúp đỡ, hỗ trợ gia đình có người chết tổ chức tang lễ theo phong tục.
Để đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, cấp ủy, chính quyền xã cũng huy động cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn tuyên truyền đến đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín, lãnh đạo các trường học tuyên truyền cho học sinh, thanh niên và gia đình hiểu rõ hậu quả của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Đặc biệt, chính quyền xã không làm các thủ tục đăng ký kết hôn, không cho tổ chức tiệc cưới nếu như cặp vợ chồng chưa đủ tuổi. Mặt khác, hương ước, quy ước từng thôn sẽ có biện pháp xử lý thích hợp. Trường hợp cố tình vi phạm, chính quyền sẽ có chế tài mạnh tay theo quy định pháp luật để đủ sức răn đe.
Là một trong những đảng viên, hộ gia đình gương mẫu đi đầu trong tuyên truyền, vận động đồng bào xóa bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, ông Lưu Mìn Kháng, cư trú tại thôn Lùng Vái chia sẻ: Đầu tháng 8.2023, tôi được tham dự hội nghị đẩy mạnh thực hiện xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh do xã Bạch Đích tổ chức. Tôi thấy cái gì tốt ta phải tiếp thu, phải học theo, không thể theo nếp cũ mãi được. Trong tháng 9 âm lịch, mẹ đẻ tôi mất, theo phong tục của người Nùng, người mất trong tháng 9 không chôn mà để thi thể trên mặt đất đợi sang tháng 10 mới chôn cất. Được cấp ủy, chính quyền xã, thôn đến gặp gỡ, động viên chia buồn và phối hợp giúp đỡ tổ chức lễ tang. Gia đình đã bàn bạc đưa mẹ tôi chôn cất ngay trong 24 giờ, rồi tổ chức đám ma ngay sau đó.
Có thể nói, với sự vào cuộc tích cực, chủ động, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong thực hiện các chính sách dân tộc và miền núi, 3 chương trình mục tiêu quốc gia và sự đồng tình, ủng hộ cao trong nhân dân, nhận thức của đồng bào các dân tộc nơi biên giới đã đổi thay theo chiều hướng tích cực, đời sống tinh thần ngày càng đi lên, chuyên tâm vào lao động sản xuất, nâng cao thu nhập, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội.