(DTTG) Xơ Đăng là một trong những dân tộc cư ngụ lâu đời nhất ở vùng đất Tây Nguyên. Trong quá trình hình thành và phát triển, đồng bào Xơ Đăng vẫn gìn giữ được các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Văn hóa tộc người đặc sắc
Xơ Đăng thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer với dân số khoảng 170.000 người, là 1 trong 6 dân tộc có số dân đông nhất ở khu vực Tây Nguyên. Đồng bào Xơ Đăng sinh sống chủ yếu ở tỉnh Kon Tum, một số ít ở miền núi của tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Quảng Nam. Dân tộc này là một trong số ít dân tộc thiểu số ở khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên còn bảo lưu được các giá trị văn hóa truyền thống nguyên gốc, từ nhà ở, trang phục, lễ hội, ẩm thực cho đến các làn điệu dân ca dân vũ.
Kiến trúc nhà rông là tinh hoa văn hóa nổi bật nhất của người Xơ Đăng, góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Nhà rông của người Xơ Đăng thường được đặt ở giữa mỗi ngôi làng và là công trình kiến trúc có vai trò quan trọng nhất trong đời sống cộng đồng.
![]() |
Già làng A Tủi: “Nhà rông là linh hồn của mỗi buôn làng Xơ Đăng”. |
Theo già làng A Tủi, ở thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum thì nhà rông không những là nơi để đồng bào nghỉ ngơi, vui chơi, giao lưu, tiếp khách, là nơi phô bày những chiến tích săn bắn, tiến hành các cuộc họp quan trọng để xét xử, kiện cáo, trao đổi kinh nghiệm sản xuất... mà còn là công trình mỹ thuật, chứa đựng nhiều tác phẩm điêu khắc, hội họa, trang trí dân gian. Đây cũng là địa điểm tổ chức các lễ hội tâm linh cộng đồng và là cầu nối để các thế hệ nghệ nhân già truyền đạt cho thế hệ trẻ những giá trị văn hóa truyền thống.
Người Xơ Đăng hiện vẫn còn giữ gìn được nghề dệt vải thổ cẩm theo lối cổ truyền. Gần đây, với sự quan tâm của chính quyền địa phương, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào ở một số nơi đã được phục hồi vững chắc hơn.
Nhờ giữ gìn nghề dệt thổ cẩm, thế nên đến nay dân tộc Xơ Đăng vẫn bảo lưu được các loại hình trang phục với những nét đặc trưng theo từng nhóm địa phương. Đàn ông thì có các loại khố, áo; còn phụ nữ thì vận áo chui đầu, tay áo được khoét sát nách và váy quấn...
Các thiếu nữ Xơ Đăng đến tuổi trưởng thành thường dùng tấm choàng khoác qua người như một “tín hiệu” cho những chàng trai biết mình chưa xây dựng gia đình để có thể trò chuyện, tìm hiểu. Khi về nhà chồng, người con gái cũng đem theo tấm choàng và giữ gìn như một vật quý của thời son trẻ.
Ngoài trang phục, người Xơ Đăng còn hay đeo nhiều loại trang sức như vòng đồng, vòng bạc, chuỗi hạt cườm. Đặc biệt đàn ông thường đeo các loại trang sức cổ xưa như nanh, vuốt thú... Có thể nói rằng, trang phục truyền thống của dân tộc Xơ Đăng là loại hình văn hóa dân gian tiêu biểu, phong phú, đa dạng về loại hình, sản phẩm, có giá trị thẩm mỹ với những đường nét hoa văn, sắc màu độc đáo mang nét đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên.
![]() |
Người Xơ Đăng còn bảo lưu được nhiều nét văn hóa truyền thống, từ nhà ở, trang phục đến các lễ hội. |
Bên cạnh nghề dệt vải, dân tộc này còn có một số nghề thủ công khác như đan lát các dụng cụ sinh hoạt gia đình như gùi, nong nia... Chiếc gùi Xơ Đăng hết sức đa dạng như gùi có nắp để đựng vật quý, gùi ba chân, gùi ba ngăn của nam giới (còn gọi là gùi cánh dơi), gùi lấy nước, gùi củi, gùi lúa...
Kho tàng ẩm thực Xơ Đăng có các món ăn dân gian độc đáo, đặc biệt là các món nấu từ ống nứa và rượu cần... Rượu cần là thứ đồ uống không thể thiếu trong các lễ hội lớn của cộng đồng, mang đậm bản sắc văn hóa của tộc người. Người Xơ Đăng cũng bảo lưu, gìn giữ những chiếc ché cổ quý giá như ché hoa văn rồng, ché mẹ bồng con, trở thành bảo vật của gia đình. Bảo tàng Kon Tum, Bảo tàng Dak Lak đã sưu tầm nhiều bộ sưu tập hiện vật dân tộc học về người Xơ Đăng phục vụ công tác trưng bày, nghiên cứu.
Về đời sống văn hóa tinh thần, người Xơ Đăng cũng tích lũy một kho tàng đồ sộ với các loại hình diễn xướng dân gian như múa, hát, âm nhạc. Họ thích tấu cồng chiêng, chơi đàn và kể chuyện cổ. Đàn ông không chỉ có tinh thần thượng võ mà còn có tài nghệ trong kiến trúc, điêu khắc và hội họa. Những sản phẩm tiêu biểu như nhà rông, cây nêu hay lễ hội đâm trâu là kết tinh của những đặc tính đó.
Người Xơ Đăng có một số lễ hội dân gian tiêu biểu như lễ hội liên quan đến chu kỳ canh tác nương rẫy; lễ nghi vòng đời người; lễ hội cộng đồng... Trong lễ nghi vòng đời người, đáng chú ý là lễ cầu sức khỏe, lễ thổi tai, lễ cưới, lễ tang, đặc biệt là lễ cúng máng nước được tổ chức vào lúc nông nhàn, chuẩn bị vào vụ mùa mới. Trong lễ nghi nông nghiệp, nổi bật là lễ ăn mừng lúa mới, lễ cầu mùa để tạ ơn thần lúa cho mùa màng bội thu. Lễ hội cộng đồng phải kể đến lễ mừng nhà rông mới, lễ hiến sinh trâu hay còn gọi là “lễ đâm trâu”.
Tôn vinh Thần nước
Đời sống của người Xơ Đăng chủ yếu dựa vào việc trồng trọt. Do đó, đồng bào có nhiều phong tục, nghi lễ, tín ngưỡng để cầu mong các thần linh phù hộ, che chở cho cuộc sống được yên lành, mùa màng được tươi tốt. Trong những lễ thức trồng trọt, nhất định phải có Lễ cúng bến nước.
Bởi đối với đồng bào dân tộc Xơ Đăng, nước có vai trò quan trọng, gắn liền với đời sống văn hóa, tâm linh của bà con trong buôn, làng. Do vậy, lễ cúng bến nước (hoặc máng nước) là nét văn hóa truyền thống, phản ánh đậm nét phong tục, tập quán truyền thống và bản sắc văn hóa tộc người.
Trong quan niệm của người Xơ Đăng, bến nước vừa gần gũi, vừa thiêng liêng. Đồng bào cho rằng, con suối chảy qua làng là tặng phẩm của rừng già cho con người, nó được chắt ra từ sự tinh túy của rừng để đem đến sự sống tốt đẹp cho con người. Hằng ngày, bà con mang quả bầu lấy nước về nấu ăn, uống. Trẻ con đến đây vui chơi, đùa nghịch và cùng nhau tắm táp thỏa thích dưới máng nước...
Bên cạnh đó, bến nước còn là nơi để bà con gặp gỡ, chuyện trò, tạo nên sự gắn kết trong cộng đồng. Mỗi khi đi đâu xa, hình ảnh gợi nhớ đầu tiên của họ là bến nước. Giữ gìn giọt nước cũng như giữ gìn hồn mình, buôn, làng mình. Bến nước vì thế trở thành biểu tượng văn hóa vừa gần gũi, vừa thiêng liêng trong đời sống của đồng bào Xơ Đăng.
Bà con đã đặt ra những quy tắc, luật lệ riêng để bảo vệ bến nước, như không được buộc trâu bò gần bến nước, không được xâm hại rừng đầu nguồn, không được xúc phạm đến thần sông thần suối, giữ gìn nước sạch để sinh hoạt... Nếu ai vi phạm sẽ bị nhắc nhở, nặng thì sẽ bị làng phạt rượu, gà, heo...
Do đó, người dân luôn có ý thức bảo vệ, gìn giữ nguồn nước, không gian sinh hoạt chung của cộng đồng. Bến nước cũng vì thế mà được gìn giữ mang lại cho con người dòng nước mát lành. Sự trân quý nước đã thấm sâu vào trong tâm hồn mỗi người Xơ Đăng.
![]() |
Công tác chuẩn bị cho Lễ cúng bến nước. |
Lễ cúng bến nước là lễ hội cúng Yàng Đak, vị thần cai quản nguồn nước của dân làng. Theo quan niệm của người Xơ Đăng, nếu một làng mới được lập ra, việc đầu tiên của người Xơ Đăng là phải tìm được nguồn nước (hoặc mạch nước), sau đó tiến hành cúng Yàng Đak. Hoặc nếu trời không mưa là do là thần sấm, thần sét đã lãng quên. Do đó, họ cần làm lễ để cầu xin, nhắc nhở để ông trời trút mưa xuống.
“Người Xơ Đăng thường chọn lập buôn ở những nơi gần khe suối để dễ dàng dẫn nước tưới về ruộng trồng lúa, phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày. Vào tháng 3 dương lịch hằng năm, trước khi bước vào vụ sản xuất mới, cả buôn sẽ cùng tổ chức Lễ cúng bến nước, cảm tạ thần nước đã cho buôn làng có được nguồn nước trong lành để sử dụng, ban cho mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu, người dân được no ấm”, già làng A Tủi chia sẻ.
Trước ngày tổ chức Lễ cúng bến nước, già làng (chủ bến nước) sẽ họp bàn với dân làng để phân công người làm vệ sinh khu vực bến nước, nguồn nước và sửa đường vào bến. Tất cả người dân trong buôn đều tham gia đóng góp công sức, vật chất chuẩn bị cho lễ cúng. Ngày diễn ra lễ cúng, tất cả người dân trong buôn tập trung tại nhà Rông dự lễ.
Lễ vật gồm những chum rượu cần, một con gà hoặc một con lợn. Đầu tiên, thầy cúng sẽ làm lễ khấn, mời tổ tiên, ông bà và các thần linh cùng về dự lễ. Tiếp đó, mọi người di chuyển ra dòng suối đầu buôn. Tại đây, thầy cúng sẽ làm lễ cảm tạ thần nước, cầu an cho buôn làng và cúng sức khỏe chủ bến nước.
Sau đó, những chàng trai sẽ bắc những ống tre, lồ ô dẫn nước từ suối để đưa nước về làng. Khi nguồn nước về tới máng của làng, già làng tiếp tục cắt tiết một con gà nữa để tạ ơn các vị thần. Nghi lễ cúng kết thúc, những người phụ nữ sẽ dùng những ống lồ ô, hoặc quả bầu khô múc nước đổ đầy các ché rượu cần, dùng nước đó nấu cơm lam để cho mọi người cùng thưởng thức mừng nguồn nước mới.
Sau khi thực hiện xong các nghi lễ sẽ là phần hội tưng bừng ngay bên bến nước. Trong âm vang tiếng cồng, chiêng rộn rã, người người ai nấy đều phấn khởi trong vòng xoang với những đôi tay mềm mại, những bước chân nhịp nhàng, uyển chuyển. Sau đó, bà con thực hiện nghi thức té nước vào nhau mừng cho một vụ mùa mới.
Hiện nay, Lễ cúng bến nước vẫn được người Xơ Đăng gìn giữ, bảo tồn nguyên vẹn. Lễ cúng phản ánh nhân sinh quan của một cộng đồng cư dân lấy kinh tế nương rẫy làm phương thức sản xuất chính.Bên cạnh đó, lễ cúng cũng là dịp để tạo ra sự gắn kết cộng đồng bền chặt giữa những người dân tộc Xơ Đăng, giáo dục đạo đức, lối sống cho con người, giáo dục cách ứng xử văn hóa với thiên nhiên, với môi trường sống... Đó là ý nghĩa tốt đẹp mà Lễ cúng bến nước mang lại trong đời sống của người dân tộc Xơ Đăng nơi đại ngàn Tây Nguyên.