Văn hóa

Xây dựng xã hội học tập từ việc khai bút đầu xuân

D. Thảo 22/02/2024 - 16:30

Khai bút đầu xuân là một phong tục đẹp, một nét văn hóa đã có từ lâu đời của người Việt. Phong tục khai bút với hi vọng gặp những điều tốt lành, đồng thời thể hiện lòng thành kính, tâm thức ứng xử văn hoá “tôn sư trọng đạo” của dân tộc.

Tôn vinh đạo học

Khai bút đã trở thành nét đẹp văn hóa được gìn giữ, chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cứ sau thời khắc giao thừa, khi năm cũ khép lại, mở ra năm mới, người khai bút chọn một giờ tốt, ăn mặc tề chỉnh, ngồi ngay ngắn trước bàn, trong mùi trầm thoang thoảng, cầm bút viết lên trang giấy trắng con chữ đầu tiên diễn đạt suy nghĩ đầu tiên, xúc cảm đầu tiên, ý tưởng đầu tiên của mình trước thềm năm mới. Con chữ hiện lên ấy là một đặc trưng văn hóa độc đáo, thiêng liêng và vô cùng quý báu.

z5170362062165-9640d024d661f8d7748f20b3aad63ec5.jpg
Thực hiện nghi lễ khai bút đầu Xuân năm 2024 tại huyện Thường Tín, Hà Nội.

Người xưa quan niệm những nét bút mạch lạc, rõ ràng, đẹp đẽ viết ra những điều tốt lành giống như một lời cầu chúc năm mới đến mọi sự thuận lợi, suôn sẻ, hanh thông. Truyền thống khai bút đầu năm vẫn được gìn giữ qua nhiều thế hệ, tuy nhiên ngày nay việc này có một vài thay đổi so với tập tục xưa. Nếu như trước đây việc khai bút đầu năm thường được các ông đồ, nhà nho, các bậc học sĩ thực hiện thì ở thời hiện đại, bất cứ ai cũng có thể làm việc này.

Theo truyền thuyết kể lại, tục lệ khai bút đầu năm đã có từ thế kỷ thứ 13, tức là vào thời nhà Lý – Trần. Phong tục đẹp này gắn liền với nhà giáo Chu Văn An – Người thầy được các thế hệ học trò kính trọng và các câu chuyện về ông còn truyền mãi đến ngày nay. Ông từng đậu Thái học sinh tuy nhiên ông không nhận chức mà quyết định ở lại vùng đất Chí Linh (thuộc tỉnh Hải Dương ngày nay) để dạy học. Vào ngày Tết khi học trò đến thăm thầy, ông thường tự tay viết tặng chữ cho họ. Ai nhận được chữ cũng đều cảm thấy hết sức may mắn và trân trọng. Cũng từ đó về sau, tục khai bút được lưu truyền, không những biểu trưng cho sự hiếu học mà còn thể hiện truyền thống “tôn sư trọng đạo”, sự thành kính của học trò đối với người thầy.

Tục khai bút đầu năm còn là truyền thống thể hiện tinh thần hiếu học, cầu cho năm học sắp tới sẽ đạt được những thành tích tốt. Vì vậy có thể hiểu tại sao đến nay tập tục này còn được duy trì trong lứa tuổi học sinh, sinh viên. Khai bút đầu xuân còn gắn liền với nét đẹp tâm hồn và tri thức, nên càng được nhân rộng đến các đối tượng, tầng lớp khác trong xã hội.

Khai mở nhân sinh

Đầu năm khai bút cũng là khai xuân với quan niệm những nét chữ đó mang lại an khang, thịnh vượng, tức là những gì tốt đẹp nhất mà con người mong muốn, họ đều ký thác, gửi gắm vào nét chữ mà mình viết ra, xin và cho trong ngày đầu năm.

image001_kldg.jpg
Khai bút đầu xuân còn gắn liền với nét đẹp tâm hồn và tri thức nên được mở rộng ra nhiều người trong xã hội.

Chính vì vậy, dòng chữ đầu tiên của năm mới thường thể hiện mong muốn, ý nguyện của bản thân, lời chúc may mắn, tốt lành đến với người thân, bạn bè… Chúng ta có thể lựa chọn rất nhiều nội dung khác nhau như câu đối, danh ngôn, lời chúc tết. Phổ biến có thể kể đến như: Vạn sự như ý; Tấn tài tấn lộc; An khang thịnh vượng; Công thành danh toại; Đức tài như ý; Đại phú đại quý; Phúc lộc an khang; Năm mới, công việc như ý, giàu sang phú quý; Chúc tết đến trăm điều như ý - Mừng xuân sang vạn sự thành công; Xuân an khang thịnh vượng - Niên phúc thọ miên trường; Xuân sang cội phúc sinh nhành lộc - Tết về cây đức trổ thêm hoa; Lộc biếc, mai vàng, xuân hạnh phúc - Đời vui, sức khỏe, tết an khang…

Truyền thống khai bút đã ăn sâu vào tâm thức mọi người, chính vì vậy, thực hành mỹ tục này, cả hệ thống chính trị, nhân dân cùng thực hiện. Trong Tết Giáp Thìn, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã dự lễ khai bút đầu Xuân tại Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, ở xã Nhị Khê, Thường Tín, Hà Nội.

Viết lưu bút tại đây, Chủ tịch nước khẳng định sẽ luôn khắc ghi lời dạy của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, nỗ lực không ngừng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước một lòng phục vụ nhân dân, xây nền thái bình muôn thuở.

Chủ tịch nước cũng dự lễ Khai bút đầu xuân với chủ đề: Thủ đô Hà Nội: “văn hiến - văn minh - hiện đại” và thực hiện nghi thức khai bút đầu xuân. Việc khai bút đầu xuân từ lâu đã được duy trì như một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Lễ khai bút đầu xuân được thực hiện tại vùng đất khoa bảng Thường Tín càng trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Nhắc đến tục khai bút, cả dân tộc cùng nhớ về người thầy Chu Văn An. Chính vì vậy, vào mùng 7 Tết, tại đình thờ Tiên triết Chu Văn An (xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã diễn ra Lễ dâng hương tưởng niệm thầy giáo Chu Văn An và khai bút Xuân Giáp Thìn. Đại diện lãnh đạo thành phố Hà Nội, thành phố Chí Linh (tỉnh Hải Dương), các sở, ban, ngành và đông đảo phụ huynh, học sinh của Thủ đô đã tới dự.

Tại buổi lễ, các lãnh đạo thành phố Hà Nội, huyện Thanh Trì đã dâng hương tưởng niệm thầy giáo Chu Văn An và thực hiện nghi thức khai bút Xuân Giáp Thìn với các chữ: “Tâm - Phúc - Đức - Trí - Học - Thành - Vinh”. Đông đảo người dân tham dự buổi lễ cũng đã xin các chữ từ các thầy đồ đến từ Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Viện Nghiên cứu Hán Nôm được Ban Tổ chức mời về. Những nét bút đầu tiên của năm mới như sự khởi đầu tốt đẹp về sự học hành, đỗ đạt, góp phần phát triển quê hương, đất nước.

Hiện nay, đất nước đang trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, việc khai bút càng cần thiết, được hiểu linh hoạt, thông thái. Khai bút rất cần đối với mọi người, không riêng trí thức, học sinh, bởi khai bút là tôn vinh chữ đẹp, văn hay, sự chăm chỉ, cẩn thận, tôn sự học, tôn vinh nền giáo dục, nhắc tự giác học hành, rèn luyện thành tài, học để làm người, làm chủ xã hội, làm chủ khoa học, kỹ thuật, răn tự giác học tập để lập thân, lập nghiệp, để phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân. Đó còn là việc xây dựng xã hội học tập với nhiệm vụ không chỉ của ngành giáo dục mà là trách nhiệm của toàn dân, của cả hệ thống chính trị. Do đó, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp cần bảo đảm nguồn lực cần thiết đầu tư xây dựng xã hội học tập… để đưa “Việt Nam sánh ngang các cường quốc năm châu”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO