Những năm qua, Lai Châu thực hiện Dự án 9 của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo và trở thành phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân tộc Mảng ở xã Vàng San, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.
Gia đình ông Lò A Sang, dân tộc Mảng ở bản Nậm Xuống (xã Vàng San, huyện Mường Tè) từng là một trong những hộ nghèo thuộc diện "bền vững" của bản, bởi cuộc sống của 4 nhân khẩu trong gia đình vỏn vẹn trông vào ít ruộng nương cấy một vụ.
Ông Sang kể, trước đây, cuộc sống của các hộ trong bản Nậm Xuống gắn liền với nhiều cái “không” như không điện, không nước sinh hoạt... Đường sá lầy lội, nhà tranh vách nứa dột nát và rất tạm bợ, cuộc sống sinh hoạt gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, được chính quyền địa phương giúp đỡ và tuyên truyền, bà con đã đẩy mạnh chăn nuôi, tích cực áp dụng khoa học, kỹ thuật để thâm canh tăng vụ, nâng cao năng suất cây trồng.
Về kinh tế, trước kia làm nhiều nhưng sản phẩm ít, bây giờ có điều kiện chăm sóc nên cho sản lượng cao hơn và thu nhập tốt so với trước. Bà con cũng không còn tình trạng đói ăn vào mùa giáp hạt.
Cũng từ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình ông Sang đã mạnh dạn đầu tư nuôi ong, chăn nuôi trâu bò và cải tiến kỹ thuật canh tác lúa nước. Điều này giúp gia đình ông có nguồn thu nhập khoảng 60 triệu đồng/năm.
"Không ngờ sau bao năm đói nghèo, gia đình lại có được cuộc sống đầy đủ như vậy", ông Sang cho hay.
Ông Lò A Chu, Chủ tịch UBND xã Vàng San (huyện Mường Tè) cho biết, bản Nậm Xuống là nơi sinh sống của hơn 78 hộ, 455 nhân khẩu là đồng bào Mảng, phần lớn đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Chu, những năm qua, vươn lên thoát nghèo đã trở thành phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã nói chung và cộng đồng dân tộc Mảng nói riêng.
Đặc biệt, phải kể đến việc thực hiện Dự án 9 của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình mục tiêu quốc gia 1719), địa phương đã có thêm nhiều nguồn lực để giải quyết những vấn đề cấp thiết của đồng bào.
Trong đó, địa phương đã tăng cường hỗ trợ bà con phát triển chăn nuôi và đầu tư để tu sửa lại các cơ sở hạ tầng xuống cấp...