Văn hóa

Vui Tết Đầu lúa ở Bắc Bình

THÙY LINH 25/01/2024 - 11:06

Theo truyền thống, ngày 14 -15 tháng chạp hàng năm, đồng bào các dân tộc thiểu số 4 xã vùng cao ở huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận gồm Phan Sơn, Phan Lâm, Phan Điền và Phan Tiến tổ chức đón Tết Đầu lúa.

img_2347.jpg
Tết Đầu lúa mang nhiều nét văn hóa độc đáo, sinh động của cộng đồng người Raglay, K’ho.

Tết Đầu lúa (còn gọi là Tết Nhôbrêhê) là ngày tết quan trọng, mang nhiều nét văn hóa độc đáo, sinh động của cộng đồng người Raglay, K’ho đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Trước đây, lúa rẫy (lúa mẹ) là nguồn lương thực chính của người Raglay, K’ho. Mỗi mùa lúa thường kéo dài 6 tháng, cứ mỗi lần thu hoạch, mang lúa về nhà, đồng bào lại tổ chức cúng lúa và ăn tết riêng lẻ từng gia đình, kéo dài đến hết tháng chạp. Sau này, nhân dịp Tết Đầu lúa, ngành văn hóa địa phương lại tổ chức Ngày hội văn hóa thể thao 4 xã miền núi. Từ đó Tết Đầu lúa không còn là ngày vui của từng nhà mà trở thành ngày hội chung thể hiện sự đoàn kết, gắn bó của đồng bào nơi đây.

img_2334.jpg
img_2394.jpg
Những hoạt động văn hóa mang dấu ấn của đồng bào dân tộc miền núi

Năm nay, Phan Tiến là địa phương đăng cai tổ chức Ngày hội Văn hóa, thể thao các xã vùng núi lần thứ 28. Người dân 3 xã Phan Sơn, Phan Lâm, Phan Điền sẽ về đây tham gia. Ngày hội gồm các nội dung như dựng trại, trang trí cây nêu, bắn nỏ, bóng chuyền nam, giã gạo, nấu cơm trong ống lồ ô, gùi nước. Đặc biệt trong đêm hội sẽ biểu diễn văn nghệ, trình diễn trang phục dân tộc, đêm hội rượu cần... Các nghi thức đều nhằm thể hiện sự biết ơn, tưởng nhớ và niềm tin của đồng bào đối với cây lúa mẹ trên rẫy, cầu cho cây lúa không bị quấy nhiễu, không bị sâu rầy, bệnh tật để đơm bông trổ hạt, đem lại ấm no cho mọi người.

Ông Huỳnh Văn Vinh - Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Bắc Bình, Phó ban tổ chức ngày hội cho biết: Ngày hội văn hóa - thể thao 4 xã miền núi lần thứ 28 năm 2024 nhằm tạo không khí thật sự vui tươi, lành mạnh, đoàn kết, an toàn, tiết kiệm nhân dịp Tết Đầu lúa của đồng bào dân tộc miền núi. Qua đó giới thiệu và phát huy, khai thác, sưu tầm vốn quý văn hóa nghệ thuật, thể thao truyền thống dân tộc thiểu số theo tinh thần Nghị quyết TW9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Năm nay, ngoài các tiết mục văn nghệ mang âm hưởng dân tộc do đội văn nghệ các xã biểu diễn, ngày hội còn có sự tham gia của đội cồng chiêng dân tộc Chư Ro (Long Khánh, Đồng Nai) về giao lưu, tạo sự kết nối và phát triển du lịch tỉnh đến với du khách.

img_2346.jpg
Nghi thức đốt lửa trong ngày hội

Đón Tết Đầu lúa 2024, từ làng trên xóm dưới ở các xã đều thấy sự nhộn nhịp, đông vui. Bởi mặc dù thời tiết không thuận lợi, lượng mưa kết thúc sớm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng nhưng nhờ được giá nên đời sống bà con cải thiện rõ rệt, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã mang lại hiệu quả kinh tế. Bằng ý chí nội lực vươn lên và sự hỗ trợ về chính sách của Đảng, Nhà nước góp phần nâng các tiêu chí nông thôn mới, tình hình an ninh trật tự giữ vững. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống và hộ có mức sống khá tăng lên, tạo nên một mùa xuân đầm ấm, góp phần thắt chặt thêm tình đoàn kết giữa cộng đồng các dân tộc anh em.

Theo Theo baobinhthuan
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO