Những ngôi làng vùng cao đón khách. Giữa nhịp chiêng ngân, chúng tôi thưởng lãm không gian làng truyền thống của đồng bào Co, Ca Dong, Mường… ở rừng núi Bắc Trà My bằng những giá trị văn hóa ấn tượng, mang sự trải nghiệm thú vị, độc đáo.
Sắc núi ở làng
Giữa non cao mây vờn, những ngôi làng của đồng bào Co, Ca Dong, Mường lần lượt đón chân du khách bằng các sản phẩm văn hóa độc đáo và riêng có.
Một lần ghé chân tại làng Mường (xã Trà Giang), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi không gian “chất thơ” được tạo hóa ban tặng cho mảnh đất “cao sơn Ngọc Quế”. Giữa nhịp chiêng ngân, những chàng trai, cô gái Mường xúng xính trong sắc phục truyền thống cùng vui hội làng.
Ông Lê Văn Bình - Chủ tịch UBND xã Trà Giang nói, những người ở làng Mường, từ hàng chục năm nay đều gắn cuộc sống sinh tồn với câu chuyện văn hóa làng.
Họ miệt mài phát triển nền văn minh lúa nước trên miền đất được chọn sau hành trình di cư, tạo nên dấu văn hóa đa màu sắc ở vùng cao Trà My, với điểm nhấn là không gian ruộng lúa bậc thang xếp tầng trên sườn núi, giữa thung ngàn mây trắng.
Những giá trị văn hóa độc đáo của người Mường, từ dệt thổ cẩm, đan lát cho đến các nghi thức cúng tế thần linh, sinh hoạt đời thường… đều mang câu chuyện thú vị về tinh thần đoàn kết trong cộng đồng làng.
“Từ xa xưa, người Mường đã biết tận dụng những vật liệu sẵn có ở tự nhiên để chế tác nên vật dụng sinh hoạt hằng ngày phục vụ đời sống. Nhiều nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm tinh xảo được bảo lưu trong cộng đồng trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, giúp không gian làng Mường càng trở nên ấn tượng và thu hút du khách” - ông Bình chia sẻ.
Ở Bắc Trà My, câu chuyện văn hóa làng được gắn với giá trị truyền thống đặc trưng của vùng đất và con người ở đó. Đây được xem là hướng đi giúp địa phương bảo tồn văn hóa dựa trên nền tảng “kết dính” các vốn tri thức bản địa lâu đời. Rõ nét nhất được thể hiện tại các không gian văn hóa làng Mường ở Trà Giang, làng Co ở Trà Kót, làng Ca Dong ở Trà Bui…
Cách sắp xếp mang tính quy chuẩn này vừa bảo lưu được giá trị văn hóa nguyên bản của mỗi tộc người, vừa tránh sự “lai tạp”, tạo nên những sắc núi riêng biệt, đa dạng, hướng đến phát triển du lịch cộng đồng đa sắc màu văn hóa.
Phát huy giá trị truyền thống
Bà Trịnh Thị Hồng Nga - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bắc Trà My cho biết, lợi thế của địa phương là nơi chung sống lâu đời của nhiều thành phần dân tộc, từ người Kinh, Ca Dong, Co, Xê Đăng, cho đến Mơ Nông, Mường…
Quá trình cộng cư, đồng bào các dân tộc luôn tạo dựng mối tình đoàn kết thống nhất, giúp nhau cùng phát triển. Trong đó, gắn hoạt động kinh tế với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa độc đáo của từng tộc người.
Những năm gần đây, Bắc Trà My tổ chức các đợt sưu tầm quy mô lớn hiện vật văn hóa đặc trưng của đồng bào Xê Đăng, Ca Dong, Co - thông qua các vật thể về nhạc cụ, đan lát, đồ dùng sinh hoạt, công cụ lao động sản xuất, đồ dùng săn bắn... để trưng bày ở các nhà truyền thống tại Quảng trường văn hóa huyện, phục vụ du khách tham quan.
Đồng thời triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Bảo tồn, phát huy giá trị âm nhạc và truyện cổ dân gian dân tộc Co”; qua đó, sưu tầm được hơn 30 truyện cổ, cùng 7 làn điệu âm nhạc dân gian Co như điệu múa k’đtấu, đấu chiêng, hát cà lu, a giới và đánh đàn v’rook, k’đook…
“Chúng tôi cũng chú trọng phục dựng các nghi lễ, lễ hội, các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống, như lễ cầu mưa, lễ dựng cây nêu, lễ cưới của người Co; lễ cúng máng nước, ăn lúa mới, điệu cồng chiêng, hát cheo của người Ca Dong.
Đặc biệt, năm 2015, nghi lễ phục dựng cây nêu và bộ gu của người Co được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây không chỉ là niềm tự hào, mà cũng là cơ hội để chúng tôi bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc truyền thống của đồng bào địa phương” - bà Nga nói.
Ở nhiều thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, để trao truyền văn hóa cho thế hệ trẻ, Bắc Trà My khuyến khích thành lập các đội cồng chiêng phục vụ sinh hoạt cộng đồng, xem đó là hướng mở để phát triển du lịch.
Tiêu biểu như đội cồng chiêng Làng văn hóa Cao Sơn (xã Trà Sơn); đội cồng chiêng các xã Trà Bui, Trà Kót và mở rộng đưa văn hóa nhạc cụ truyền thống vào trong các trường học, giúp công tác bảo tồn được triển khai một cách đồng bộ...
Sương núi bảng lảng trên các vạt đồi. Nắng vừa lên, những bản làng vùng cao sáng bừng trong tiết trời cuối xuân. Có nhịp chiêng vang từ bên kia cầu treo qua dốc, thì ra những người Ca Dong, Co, Xê Đăng, Mường đang rục rịch chuẩn bị cho một mùa lễ hội văn hóa quy mô cấp huyện sắp sửa trình làng...