Phát triển - Hội nhập

Vĩnh Phúc nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số

Vy Khánh 16/10/2023 - 15:48

Vĩnh Phúc luôn quan tâm, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thực hiện các dự án sinh kế để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có gần 40 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số có hơn 55.000 người, chiếm 4,8% dân số toàn tỉnh, chủ yếu là các dân tộc Sán Dìu, Dao, Sán Chay (nhóm Cao Lan), Tày, Mường, Nùng… Các dân tộc thiểu số tại Vĩnh phúc sống đan xen, rải rác ở địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh.

Thực hiện Chiến lược công tác dân tộc trong tình hình mới, những năm gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, việc lồng ghép và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 và các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được đặc biệt quan tâm.

2_2023041582.jpg
Toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có gần 40 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số có hơn 55.000 người, chiếm 4,8% dân số toàn tỉnh

Tỉnh luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc trên tất cả các mặt như tăng khả năng tiếp cận dịch vụ công cộng, hỗ trợ sản xuất thông qua chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, bảo đảm việc làm và phát triển cơ sở hạ tầng cho các địa phương; hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách; hỗ trợ học phí cho con em người dân tộc thiểu số; hỗ trợ giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động là đồng bào dân tộc thiểu số...

320.jpg
Dạy học cho trẻ em người DTTS ở xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc

Đến nay, Vĩnh Phúc không còn xã đặc biệt khó khăn, 37/40 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tại các xã từng bước được hoàn thiện, đồng bộ; thu nhập bình quân đầu người tại xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh đạt 37,2 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,7%.

Cùng với những chính sách của nhà nước, tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động, linh hoạt thực hiện các chính sách đặc thù hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như: Hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn...

Đáng chú ý, trong số 93,5% dân số toàn tỉnh tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội thì vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt gần 80%. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh năm 2021 đạt gần 80 triệu đồng/người/năm, trong đó vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hơn 47 triệu đông/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2021 là 1,51%; vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 3,01%...

Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục đặt mục tiêu tất cả các xã, thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có hệ thống đường giao thông được rải nhựa hoặc bê tông hóa; đường giao thông nội đồng được cứng hóa toàn bộ; 100% trường, lớp học, trạm y tế tại các xã, thôn được xây dựng kiên cố và đạt chuẩn; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được tham gia bảo hiểm y tế; tất cả phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 7%...

vp-1.jpg
Đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Vĩnh Phúc mạnh dạn chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế cao

Theo đại diện Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 được tỉnh Vĩnh Phúc triển khai thực hiện trên địa bàn 11 xã, thị trấn vùng dân tộc thiểu số, gồm: Đạo Trù, Bồ Lý, Yên Dương, Minh Quang, Hồ Sơn, Đại Đình, Hợp Châu (huyện Tam Đảo); Trung Mỹ (huyện Bình Xuyên); Ngọc Thanh (Tp. Phúc Yên); Quang Yên (huyện Sông Lô); Quang Sơn (huyện Lập Thạch).

Tỉnh Vĩnh Phúc cũng sẽ tập trung hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ nghèo dân tộc thiểu số; chuyển đổi cơ cấu cây trồng; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản; hỗ trợ phòng dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; hỗ trợ chi phí giống, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Đồng thời, tăng cường bồi dưỡng, tư vấn, nâng cao kiến thức kỹ thuật canh tác, kinh nghiệm sản xuất, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật theo hướng sản xuất hàng hóa nhất là đối với các sản phẩm là thế mạnh của các địa phương, ở các xã điểm xây dựng nông thôn mới, hộ nghèo làm nông nghiệp có lao động, có tư liệu sản xuất nhưng thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm sản xuất. nhằm tạo cơ hội cho người nghèo ổn định sản xuất, việc làm, phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng địa phương…

Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc như: Hát Soọng cô (dân tộc Sán Dìu) đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; hát Sình ca (dân tộc Cao Lan); các lễ hội truyền thống Lễ hội Xuống đồng (dân tộc Cao Lan), lễ Cấp sắc của dân tộc Dao, Sán Dìu...

Vĩnh Phúc cũng đặt mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố khối đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng, Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO