Tiêu điểm

Việt Nam đạt nhiều tiến bộ quan trọng trong thúc đẩy quyền cho người dân tộc thiểu số

Khánh Vy 01/12/2023 - 23:24

Việt Nam đã đạt được các tiến bộ quan trọng trong thúc đẩy quyền cho người dân tộc thiểu số (DTTS), đặc biệt là với các quyền như: quyền tham gia các hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội, người DTTS được tham gia vào các hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội một cách trực tiếp hoặc thông qua đại diện theo những quy định cụ thể, rõ ràng, nhất là hành lang “quy chế dân chủ”.

Đây là khẳng định của do ông Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khi trình bày Báo cáo quốc gia định kỳ lần thứ 15 – 17 tính từ năm 2013 đến năm 2019 theo hướng dẫn của Ủy ban Công ước CERD. Ông Y Thông đang dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Kỳ họp thứ 111 của Ủy ban Công ước CERD ở Geneve (Thuỵ Sĩ) kéo dài 2 ngày 29 và 30/11.

Đoàn công tác Việt Nam với 22 thành viên đã báo cáo và trả lời nhiều câu hỏi từ Ủy ban Công ước CERD về việc xây dựng hệ thống chính sách pháp luật, đặc biệt là các vấn đề về người DTTS.

Báo cáo CERD 5 của Việt Nam gồm 4 phần, 7 điều, 138 mục, cung cấp thông tin về các biện pháp lập pháp, hành chính, tư pháp hoặc các biện pháp khác và kết quả triển khai các biện pháp đó trong giai đoạn từ năm 2013-2019 nhằm bảo vệ quyền con người, chống các hành vi kỳ thị, phân biệt về chủng tộc tập trung vào người DTTS và người nước ngoài ở Việt Nam.

Báo cáo tuyên truyền các thành tựu bảo vệ nhân quyền cho người DTTS và người nước ngoài ở Việt Nam, nhận diện các khó khăn, thuận lợi trong việc thực hiện Công ước trong giai đoạn báo cáo và định hướng triển khai trong tương lai.

anh-y-thong.jpg
Ông Y Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Trưởng đoàn Việt Nam tại Ủy ban Công ước CERD phát biểu tại khóa họp lần thứ 111 của Ủy ban Công ước CERD. Ảnh TTXVN.

Việt Nam là một quốc gia thống nhất gồm 54 dân tộc chung sống, trong đó 53 DTTS với số dân hơn 14,119 triệu người, chiếm tỷ lệ 14,7% tổng dân số cả nước, với 3,6 triệu hộ, cư trú thành cộng đồng đan xen ở 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5.266 đơn vị hành chính cấp xã.

Báo cáo khẳng định chủ trương, đường lối nhất quán của Đảng, Chính phủ Việt Nam về các DTTS như đã được ghi rõ trong Điều 5, Hiến pháp năm 2013 hoàn toàn phù hợp với định nghĩa về chống phân biệt chủng tộc tại Điều 1 Công ước CERD.

Báo cáo cũng chia sẻ những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong công tác dân tộc giai đoạn từ năm 2013-2023, với nhiều thành tích nổi bật trong công tác đại đoàn kết toàn dân, hỗ trợ các DTTS phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, ngôn ngữ, chữ viết,... giúp Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế có cái nhìn toàn diện hơn về Việt Nam.

Báo cáo khẳng định cam kết của Việt Nam trong thực hiện quyền và nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước qua những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế và bảo vệ giá trị phổ quát về quyền con người nói chung, cùng những nỗ lực của Việt Nam trong việc góp phần xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử nói riêng.

Trong bài phát biểu tại Ủy ban Công ước CERD, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Y Thông, Trưởng đoàn Việt Nam nhấn mạnh, các nguyên tắc và quy định về bình đẳng giữa các dân tộc được thể chế hóa trong pháp luật. Pháp luật Việt Nam đã có những quy định cụ thể về cấm phân biệt đối xử tại Hiến pháp năm 2013 (Điều 16, 26, 35) và nhiều văn bản pháp luật.

Từ năm 2013 đến nay, hệ thống pháp luật Việt Nam liên tục được xây dựng và hoàn thiện tương đối đồng bộ, đáp ứng về cơ bản quyền con người trong đó có việc bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng của đồng bào DTTS. Trong 10 năm qua, Quốc hội Việt Nam đã ban hành 125 luật, trong đó có 352 điều khoản luật trực tiếp liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các DTTS.

Việt Nam khẳng định lập trường kiên quyết phản đối và chống chia rẽ, kích động hận thù giữa các dân tộc, chủng tộc. Những hành vi phân biệt chủng tộc hoặc hỗ trợ các hoạt động gây chia rẽ, kỳ thị và phân biệt chủng tộc đều bị pháp luật Việt Nam nghiêm cấm, trừng trị nghiêm khắc.

Trên bình diện quốc tế, Việt Nam tích cực tham gia các diễn đàn, hội nghị về quyền con người, chống phân biệt chủng tộc, cam kết tuân thủ các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

z4934075680993_02a4e28791eec4e1618e315128f2a63b.jpg
Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích nổi bật trong công tác đại đoàn kết toàn dân, hỗ trợ các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống... Ảnh: Thanh Hải

Trong giai đoạn báo cáo quốc gia (2013-2019), các quyền dân sự chính trị của người DTTS được đảm bảo và thúc đẩy. Việt Nam đã đạt được các tiến bộ quan trọng trong thúc đẩy quyền cho người DTTS đặc biệt là với các quyền như quyền tham gia các hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội, người DTTS được tham gia vào các hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội một cách trực tiếp hoặc thông qua đại diện theo những quy định cụ thể, rõ ràng, nhất là hành lang “quy chế dân chủ”. Nhiều nội dung, quy định luật, văn bản chính sách đều quy định rõ việc tham gia của người dân, bao gồm người DTTS, vào hoạt động quản lý kinh tế - xã hội ở cơ sở trên nguyên tắc “dân biết – dân bàn – dân làm – dân kiểm tra – dân giám sát – dân thụ hưởng”.

“Người DTTS Việt Nam được tạo điều kiện đảm bảo bình đẳng các quyền con người của mình như quyền bình đẳng trong hôn nhân và gia đình, quyền được bảo vệ bởi cơ quan tài phán độc lập, quyền có quốc tịch, quyền tự do đi lại trong lãnh thổ quốc gia, quyền xuất, nhập cảnh, quyền tự do ngôn luận báo chí, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo… Các quyền dân sự chính trị này của người DTTS được Nhà nước bảo đảm bình đẳng như mọi công dân của nước CHXHCN Việt Nam.

Việt Nam đã đưa ra các chỉ tiêu thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, Mục tiêu phát triển bền vững đối với đồng bào DTTS đến năm 2030. Để đảm bảo quyền phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội, Việt Nam đã ban hành rất nhiều chương trình, chính sách triển khai thực hiện ở vùng DTTS&MN và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ”, ông Y Thông cho biết thêm.

Mục tiêu của Việt Nam là củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình cùng nhau xây dựng một quốc gia độc lập, thống nhất, dân chủ, tự do và giàu mạnh. Việc pháp luật Việt Nam khẳng định và chống mọi hành vi xâm phạm quyền bình đẳng dân tộc, gây thù hằn, kỳ thị, chia rẽ dân tộc và thực hiện các biện pháp hỗ trợ, ưu đãi cho DTTS là hoàn toàn phù hợp với định nghĩa về chống phân biệt chủng tộc tại điểm 4, Điều 1 Công ước CERD.

“Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền cho người DTTS và người nước ngoài tại Việt Nam đặc biệt là từ khi Việt Nam gia nhập Công ước CERD vào năm 1982. Hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam được xây dựng và phù hợp với các quy định trong luật pháp quốc tế. Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực phát triển bảo đảm bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh mới”, ông Y Thông khẳng định.

Ra đời từ năm 1965, Công ước CERD lên án nạn phân biệt chủng tộc và xác lập nghĩa vụ cho các quốc gia thành viên phải áp dụng mọi biện pháp cần thiết và không trì hoãn các chính sách nhằm loại trừ các hình thức phân biệt dựa trên chủng tộc, màu da, dòng dõi, dân tộc hoặc gốc người thiểu số.

Các quốc gia thành viên cam kết sẽ cấm và xóa bỏ sự phân biệt chủng tộc dưới mọi hình thức và bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật của tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia hay sắc tộc, đặc biệt trong việc thụ hưởng các quyền cơ bản của con người gồm các quyền dân sự-chính trị và các quyền kinh tế-xã hội-văn hoá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO