Văn hóa

Viết lời mới cho ca trù: Khó, nhưng cần!

Nguyễn Quang Long 06/12/2023 - 15:12

Viết bài mới cho cổ nhạc là điều cần thiết, phản ánh sự đồng hành của những di sản có từ thời cha ông ta trong đời sống ngày nay và lưu dấu ấn hôm nay cho thế hệ mai sau. Nhưng hoạt động này luôn vấp phải những khó khăn, cần gỡ.

398-202312060930571.png
Ca nương Nguyễn Thị Hồng Tâm (giữa) - Giải A cá nhân trên 18 tuổi Liên hoan Ca trù Hà Nội lần thứ ba - năm 2022.

Cuộc thi sáng tác lời thơ mới cho các thể cách Hát nói trong ca trù trên địa bàn TP Hà Nội năm 2023 là rất cần thiết, góp phần nối dài sức sáng tạo của nghệ thuật ca trù tại Hà Nội, một trong những cái nôi của cả nước.

Rất cần

Trong quá khứ, ca trù đã từng rất phát triển, đội ngũ tác giả ca trù cũng từng rất đông đảo, đặc biệt nhất là nửa cuối thế kỷ 18, nửa đầu thế kỷ 19 khi hát nói có nhiều cách tân mới mẻ từ công lớn của nhà thơ Nguyễn Công Trứ (1778-1858) xuất hiện. Nhiều nhà thơ tiếp tục phát triển thể cách hát nói ca trù trong chừng nửa thế kỷ, tiêu biểu như: Cao Bá Quát (1809-1855), Nguyễn Khuyến (1835-1909), Dương Khuê (1839-1902), Chu Mạnh Trinh (1862-1905), Trần Tế Xương (1870-1907)… Vào thập niên 20, 30 thế kỷ XX, một cái tên lớn là Á Nam - Trần Tuấn Khải (1895-1983) cũng dành sự quan tâm cho ca trù. Tuy ông sáng tác chủ yếu bài theo điệu Xẩm huê tình, không thấy có Hát nói, nhưng Xẩm huê tình cũng nằm trong ca trù. Thời gian sau này, khi ca trù đã gần như vắng bóng, vẫn có nhà thơ, nhà nghiên cứu tâm huyết như Ngô Linh Ngọc (1922-2004) dành thời gian cho ca trù và sáng tác nên những tác phẩm hát nói được ghi nhận.

Nhưng người sáng tác ca trù cứ đi về phía lịch sử, sáng tác cho ca trù như ngọn nến leo lắt trực chờ tắt. Cho nên bổ sung thêm những bài mới cho ca trù là cần thiết.

Dù không dễ

Dẫu Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã rất mở về đối tượng dự thi, là các tổ chức, cá nhân là người Việt Nam đang sinh sống, làm việc trên địa bàn TP Hà Nội. Hà Nội có truyền thống ca trù, có lực lượng sáng tác thơ văn đông đảo nhất cả nước. Thế nhưng vẫn có những cái khó.

Liệu trong số đông đảo lực lượng sáng tác thơ, có bao nhiêu phần trăm quan tâm đến thơ ca dân tộc? Và rằng, liệu trong số những người sáng tác theo lối thơ ca dân tộc có bao nhiêu người thạo các thể thơ đường luật, thất ngôn bát cú, song thất lục bát, biết làm câu đối theo chữ Hán? Chưa hết, liệu trong số những người biết sáng tác những thể thơ phù hợp với ca trù này rồi, có mấy người đã từng nghe tới hát nói đủ khổ, thiếu khổ, dôi khổ; hát nói có mưỡu tiền, có mưỡu hậu (mưỡu đơn, mưỡu kép); hát nói có câu gối hạc (dôi phách Bắc, dôi phách Nam)? Cũng một lưu ý nữa là thạo sáng tác thơ Đường không thôi chưa đủ, phải tìm hiểu thơ trong ca trù, tìm hiểu mối quan hệ trong quy luật bằng trắc của ca trù nói chung, hát nói nói riêng thì mới sáng tác được đúng theo lề lối của thể cách hát nói.

Dẫu rất khó nhưng không phải không có lối, người muốn khám phá có thể tìm hiểu các nhà nghiên cứu, các kép đàn, đào hát thông thạo niêm luật; cũng có thể trực tiếp mời họ tham gia với tư cách đồng tác giả. Người tham gia cũng có thể là chính lực lượng nghệ nhân ở các giáo phường, câu lạc bộ… Cũng phải xin nhấn mạnh, ca trù không dành cho đại chúng, ca trù thuộc về chiều sâu văn hóa và âm nhạc, cho nên sau khi tổ chức cuộc thi nếu chỉ phát hiện được vài ba, thậm chí một hạt nhân thôi, cũng là thành công.

Một trường hợp cụ thể

Trong suốt quãng thời gian từ 2020 đến 2022, các nghệ sĩ của nhiều nghệ thuật truyền thống khác nhau như hát xẩm, chèo, cải lương, hát văn… sáng tác nhiều bài về đề tài này. Mục đích là để hưởng ứng tinh thần của các chiến sĩ áo trắng cũng như sự chung sức, đồng lòng quyết tâm chống giặc dịch. Nhiều tác phẩm được người dân hưởng ứng.

Thời điểm đó, hơn một năm trước, VTV1 có thực hiện một chương trình liên quan đến nhạc truyền thống dân tộc cổ vũ tinh thần chống dịch và mời người viết tham gia tư vấn. Trong đó có một bài ca trù rất độc đáo có tên là “Hỏi con Cô vy” theo thể cách hát nói do ca nương, Nghệ nhân Ưu tú Thúy Hòa và Giáo phường Ca trù Thái Hà thể hiện. NSƯT Nguyễn Văn Khuê, Chủ nhiệm giáo phường đã chia sẻ về tác phẩm với những suy ngẫm của mình về đại dịch và thời cuộc.

Bài cũng khá đơn giản, được viết ở thể cách hát nói đủ khổ có mưỡu tiền kép. Phần hát mưỡu có bốn câu thơ: “Này con cô vít kia ơi/Hỏi mày lây nhiễm mọi nơi thế nào/Gió ơi bắt nó giam vào/Vắc-xin hai mũi thế nào đủ chưa?”. Sau đó là 11 câu thơ Hát nói. Khổ đầu 4 câu thơ gồm: “Này cô vít lại đây ta hỏi/Cớ làm sao len lỏi khắp nơi nơi/Để trần gian vật đổi sao dời/Nhân tạo hóa hay là thiên tạo hóa”. Sau đó là câu đối xuất hiện: “Cô vít lây lan truyền đại dịch/Náo loạn nhân gian mối hiểm nguy”. Năm câu thơ tiếp theo nối tiếp mạch nội dung, trong đó câu thơ cuối cũng là kết bài có sáu chữ: “Tạm thời ly cách vậy thôi”.

Bài khá dí dỏm, được đưa vào giới thiệu dù biết nhiều khả năng sẽ có một vài sự phản ứng. Và điều đó đã xảy ra, đã có những nhận xét như: “Sao lại đưa thơ mới đấy vào ca trù?” hay “Không nghĩ làm một bài thơ nói về đại dịch như thế mất hết giá trị ca trù” hoặc “Đàn quá hay, phách quá tuyệt, trống lại càng hay, mỗi tội không chấp nhận được thơ vào cái chủ đề”… Kể cả với cuộc thi sáng tác lời thơ mới cho các thể cách hát nói trong ca trù trên địa bàn TP Hà Nội năm 2023, những người làm công tác chuyên môn cũng nhận được những băn khoăn tương tự.

Cởi mở để chắt lọc

Vậy ca trù có nên “đụng” đến các vấn đề thời cuộc không? Thực ra nếu lùi lại hơn nửa thế kỷ trở về trước thì nó là một trong những điểm nổi bật của ca trù. Thơ văn gắn liền với âm nhạc luôn là chỗ dựa, là nơi để các nhà thơ, các bậc học rộng hiểu sâu giãi bày chia sẻ về quan điểm, góc nhìn, phản ánh về thời cuộc. Tất nhiên, để được yên trong chế độ phong kiến thì cách nói luôn có sự kiểm soát cho nên rất nhiều ẩn ý. Một số bài như “Ông phỗng đá” (Nguyễn Khuyến), “Đào hồng đào tuyết” (Dương Khuê)… là những bài nói về thời cuộc. Á Nam - Trần Tuấn Khải cũng nói đến vấn đề thời cuộc.

Từ xưa, ca trù cũng rất rộng trong đề tài chứ không bó hẹp vào một mảng đề tài nào. Ca trù cũng “mở” trong cách sử dụng ngôn ngữ, có thể sáng tác chữ Hán, chữ Nôm, có thể sáng tác ở nhiều thể thơ cổ khác nhau và chấp nhận cả những câu thơ phát triển thêm từ không tuân theo bố cục toàn bài… Mở như vậy nhưng muốn “vào” được ca trù phải tìm hiểu nguyên tắc, lề lối. Đặt vào chỗ nào, ở đâu phải chuẩn chỉ, nếu không tuân theo sẽ phá vỡ bố cục chuẩn. Tuy nhiên, nếu phá cách trở thành một lối đi, được chấp nhận như Nguyễn Công Trứ ở cuối thế kỷ XVIII đã từng làm để định hình thể hát nói thì lại là một đóng góp. Dẫu thế, xét ở tình hình thực tế thời điểm này thì điều cần nhất của sáng tác ca trù là bài mới theo đúng lề lối.

“Ca trù vào được tất cả các lĩnh vực. Một cái Covid-19 rõ ràng như thế, cả nhân gian thấy mối nguy hiểm kinh khủng như thế, nó là vấn đề của cả xã hội, của cả nhận loại ở trong giai đoạn đấy, đáng để suy ngẫm, đáng để nhắc tới thì tại sao mình không có?”, NSƯT Nguyễn Văn Khuê chia sẻ quan điểm. Tất nhiên, ông Khuê không phải nhà thơ, đương nhiên ông không dám nhận thơ của mình cao siêu, nhưng về lề lối niêm luật thơ trong ca trù thì ông là người nắm chắc. Ông Khuê cũng chỉ mượn lối thơ ca trù để giãi bày về thời cuộc.

Cuộc thi sáng tác lời thơ mới cũng rất cần sự tham gia của nhiều người, để chúng ta sớm có thêm lượng bài mới bổ sung, góp phần nối dài sức sống của di sản. Cùng với đó, NSƯT Nguyễn Văn Khuê cũng như chúng tôi, đều nhất trí, việc góp ý với các ca từ, bài bản là cần thiết, chỉ có những người quan tâm đến mới có những góp ý để cùng nhau nhìn nhận và bảo tồn, phát huy di sản một cách tốt nhất.

Theo https://nhandan.vn
Copy Link
Copy Link
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO