Sau 3 năm triển khai trên địa bàn toàn tỉnh Gia Lai, Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” đã góp phần giúp phụ nữ dân tộc thiểu số vượt qua những rào cản để tự tin phát triển bản thân.
Tìm thấy chỗ dựa
Đến tận bây giờ, chị Rcom H'Man (xã Ia Rmok, huyện Krông Pa) vẫn chưa thể quên những trận đòn vô lý của chồng. Khi chồng uống rượu say, chị là nạn nhân của những trận đòn không cần lý do. Tháng 6 năm ngoái, chồng uống rượu về nhà lúc 11 giờ đêm, vô duyên vô cớ cầm rựa chém vào đầu gối lúc chị đang ngủ. Gia đình phải đưa chị lên Trạm Y tế xã cứu chữa trong đêm mưa to gió lớn. “Lần đó, mình phải khâu 2 lớp, ngồi nhà suốt 2 tháng trời không đi lại được”-chị H'Man chia sẻ.
Thế nhưng, chị H'Man không dám kể với ai chuyện bị chồng bạo hành, phần vì xấu hổ, phần vì kể ra không biết ai sẽ giúp được mình. Bao năm qua, chị đành chấp nhận sống chung với bạo hành. Đến năm 2023, xã Ia Rmok ra mắt mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”. Sau vài lần tham gia truyền thông về bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình… do Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện tổ chức, chị H'Man đã thay đổi suy nghĩ. Chị mở lòng chia sẻ chuyện riêng của mình để tìm kiếm sự giúp đỡ từ cộng đồng.
Bà Rơ Ô Lễ-Chủ tịch Hội LHPN huyện Krông Pa-cho biết: Định kiến giới khiến cho cuộc sống của người phụ nữ Jrai chịu nhiều khổ sở. Đa phần chị em chưa dám đứng lên đấu tranh hoặc mạnh dạn chia sẻ chuyện riêng của mình. Từ khi triển khai Dự án 8, nhiều trường hợp bị bạo hành đã tìm thấy địa chỉ tin cậy để bảo vệ mình. “Khi chúng tôi làm việc với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể về việc chọn một nơi làm chỗ tạm lánh cho những nạn nhân bị bạo lực gia đình thì nhận được sự đồng thuận. Mô hình không chỉ thu hút hội viên phụ nữ tham gia mà còn có sự vào cuộc của già làng, trưởng thôn. Đến nay, toàn huyện đã thành lập được 42 tổ “Truyền thông cộng đồng”, 4 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” góp phần hiệu quả vào công tác bình đẳng giới”-bà Lễ nhấn mạnh.
Tác động đa chiều
Dự án 8 cũng mang lại những lợi ích thiết thực cho phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn tại 31 làng của huyện Chư Păh. Việc củng cố và nâng cao chất lượng 12 mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng đã góp phần không nhỏ trong việc xóa bỏ định kiến giới từ cả 2 phía. Anh Khyơn (làng Kon Sơ Lal, xã Hà Tây) tham gia mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng và hòa giải thành công một số vụ việc.
Anh chia sẻ: “Mình tiếp nhận thông tin từ nhiều phía như qua hàng xóm, người thân của những nạn nhân bạo lực để tìm cách hòa giải phù hợp. Mình học hỏi già làng trong cách dân vận, phân tích, chỉ rõ hậu quả, tác hại của người bạo hành vợ khi họ tỉnh táo không uống rượu, lắng nghe tâm sự của họ, tìm hiểu nguyên nhân sự việc. Sau đó, mình gặp cả vợ chồng để hòa giải”.
Cuối năm 2023, anh Khyơn tham gia tập huấn về kỹ năng tham vấn, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực do Hội LHPN tỉnh tổ chức. Qua lớp tập huấn, anh học hỏi thêm nhiều kiến thức về công tác bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến giới để tạo điều kiện cho phụ nữ có cơ hội phát triển. Anh thẳng thắn bày tỏ: “Muốn có bình đẳng giới, về truyền thông thì triển khai cho cả hai giới, thu hút được nam giới tham gia các mô hình của phụ nữ để họ biết cần làm gì, thay đổi điều gì. Chúng tôi cũng sẵn sàng thay đổi, chung sức vào công tác này để giúp phụ nữ và trẻ em gái có cơ hội phát triển, tiếp cận với những cái mới, cái tiến bộ”.
Huyện Chư Pưh cũng triển khai Dự án 8 tại 14 làng đặc biệt khó khăn. Đến tháng 3-2024, Hội LHPN huyện Chư Pưh thành lập được 11 tổ truyền thông cộng đồng, 2 câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi và 3 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng.
Mô hình địa chỉ tin cậy ở làng Ia Ngăng (xã Chư Don, huyện Chư Pưh) không chỉ hỗ trợ tích cực cho nạn nhân bị bạo lực gia đình mà còn góp phần tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, xóa bỏ định kiến giới. Chị Kpă H'Len cho hay: “Các thành viên của địa chỉ tin cậy giúp hòa giải mâu thuẫn gia đình, giảm thiểu tình trạng bạo lực. Đây còn là nơi chị em gặp gỡ, chia sẻ cách làm hay, giúp nhau phát triển kinh tế. Từ đó, chị em mạnh dạn chia sẻ hoàn cảnh để được cộng đồng hỗ trợ”.
Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Nguyễn Thị Thùy, Dự án 8 tác động tích cực tới suy nghĩ và hành động của nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số. Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng đã thành lập được 2 mô hình, hòa giải 1 trường hợp bị bạo lực gia đình nhiều năm trở lại sống hòa thuận.