Về sóc Bom Bo nghe kể chuyện tộc người

19/07/2021 02:34

(DTTG) Sống tập trung chủ yếu tại các huyện Bù Đăng, Bù Đốp, Hớn Quản, thị xã Bình Long, Phước Long, S’tiêng được xem là một trong những dân tộc có bề dày văn hóa ở tỉnh Bình Phước. Trải qua nhiều biến cố, thăng trầm lịch sử, dân tộc này vẫn giữ được rất nhiều phong tục, tập quán đẹp của cha ông truyền lại.

Dân tộc có bề dày văn hóa

Người S’Tiêng là một trong những cộng đồng cư dân sinh sống ở vùng Đông Nam Á, chủ yếu là Việt Nam và Campuchia. Ở Việt Nam, người S’Tiêng sinh sống ở các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh.

Trong đó, Bình Phước là địa phương có cộng đồng người S’Tiêng sinh sống đông nhất với gần 100.000 người, chủ yếu tập trung tại các huyện Bù Đăng, Bù Đốp, Hớn Quản, thị xã Bình Long, Phước Long. Trong quá trình hội nhập và phát triển, cộng đồng người S’Tiêng ở Bình Phước vẫn giữ được những giá trị văn hóa đặc trưng, tiêu biểu của cộng đồng như các làn điệu dân ca dân vũ và những điệu cồng chiêng.

Cũng như nhiều dân tộc khác ở Tây Nguyên, cồng chiêng có một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người S’tiêng. Họ luôn xem đây là ngôn ngữ giao tiếp hàng đầu giữa con người với thần linh và các thế lực siêu nhiên, cầu mong những điều tốt lành cho cuộc sống gia đình. Vì vậy, không đơn thuần là loại nhạc cụ truyền thống, cồng chiêng là món ăn tinh thần, là “tôn giáo” không thể thiếu trong suốt cuộc đời của người S’tiêng, từ lúc chào đời, lao động, cưới hỏi... đến khi về với tổ tiên.

Cồng chiêng có một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người S’tiêng.
Cồng chiêng có một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người S’tiêng.

Già Điểu Nắng, ở xã biên giới Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, chia sẻ: “Dân tộc S’tiêng có nhiều loại nhạc cụ truyền thống lắm, như trống, đàn bầu, sáo... Nhưng cồng chiêng là nhạc cụ tiêu biểu và linh thiêng nhất. Với người S’tiêng, cồng chiêng là tài sản vô giá, là nét văn hóa mang đậm dấu ấn thời gian và không gian. Đó còn là biểu tượng cho sức mạnh vật chất và cả tinh thần của người S’tiêng”.

Cồng chiêng của người S’tiêng đặc biệt không chỉ ở sự độc đáo về các bè trầm bổng mà còn là cuộc sống của người S’tiêng Bình Phước. Nghe cồng chiêng là thấy được cả không gian săn bắn, không gian làm rẫy, không gian lễ hội.

Vào mỗi dịp lễ, Tết, hình ảnh quen thuộc bên ngọn lửa thiêng, những vòng người say sưa nhún nhảy theo tiếng cồng chiêng vang dội. Âm thanh cồng chiêng còn là chất men lôi cuốn gái trai vào những điệu múa hào hứng của cả cộng đồng trong những ngày lễ hội. Đó là một bộ phận không thể thiếu trong đời sống của đồng bào S’tiêng.

“Cồng chiêng là bản sắc riêng của người S’tiêng. Nó gắn bó như máu thịt, làm nên giá trị văn hóa của đồng bào. Mỗi lần biểu diễn cồng chiêng, chúng tôi cảm thấy tự hào. Ngoài những điệu cơ bản, chúng tôi còn sáng tạo, biến tấu tiếng cồng chiêng theo các điệu nhạc cách mạng ca ngợi Đảng và Bác Hồ”, già Điểu Nắng tâm sự.

Già làng tiến hành các nghi thức khấn lễ trong Lễ cầu mưa.
Già làng tiến hành các nghi thức khấn lễ trong Lễ cầu mưa.

Đặc sắc các lễ hội

Không chỉ cồng chiêng hay các điệu dân ca dân vũ, người S’tiêng còn có rất nhiều những lễ hội đặc sắc. Trong đó phải kể đến như Lễ mừng lúa mới hay Lễ cầu mưa.

Với quan niệm để có một mùa bội thu, người dân được no đủ là nhờ sự phù hộ của các đấng thần linh, trời đất. Thế nên Cứ đến tháng 12 âm lịch hằng năm, khi những cánh đồng lúa chín vàng đã được gặt hái xong xuôi thì đồng bào S’tiêng lại tưng bừng tổ chức lễ hội mừng lúa mới để dân làng được quây quần, tụ hội làm lễ tạ ơn các đấng thần linh, đất trời đã phù hộ cho họ có được mùa màng bội thu. Đồng thời cũng là để cầu chúc cho năm sau thần linh tiếp tục ban mưa thuận, gió hòa cho mùa màng tươi tốt.

Lễ hội cũng là dịp để người dân được nghỉ ngơi sau một mùa làm việc vất vả, đồng thời đây còn là nơi để mọi người trao đổi kinh nghiệm sản xuất, thanh niên, nam nữ được vui chơi, nhảy múa, ca hát và uống rượu cần, ăn cơm mới…

Tại buổi lễ, Ban điều hành do thôn, làng bầu ra sẽ phân công người dân thành nhiều nhóm để chuẩn bị cho lễ hội. Người già làm cây nêu, những người khác thì mổ lợn, gà. Còn chị em phụ nữ thường được giao nhiệm vụ nấu cơm lam, hay chuẩn bị các vật dụng để nướng thịt...

Mở màn buổi lễ là tiết mục của độicồng chiêng. Thành viên của đội chiêng phần lớn là những người dân trong thôn bản.Khi màn biểu diễn kết thúc thì các nghi thức cúng lễ chính thức bắt đầu.

Sau khi cúng lễ xong, các già làng sẽ tiến hành khai rượu cần và mời khách. Cơm lam, thịt nướng... cũng được bày ra. Vừa thưởng thức rượu cần và các món ăn, khách vừa được thưởng thức những màn múa cồng chiêng do những chàng trai, cô gái người đồng bào S’tiêng thể hiện.

Cũng giống như Lễ hội mừng lúa mới, Lễ hội cầu mưa là một trong những lễ hội quan trọng nhất trong năm của người S’tiêng. Lễ hội này gắn với huyền tích về vị thần Bra Ân - Bra Trôk đã giúp dân làng vượt qua hạn hán, cho mưa xuống để trỉa lúa, trồng bầu; cho con cá vẫy lội; cho cái chum, cái ché đầy nước; cho thóc gạo đầy bồ.

Hàng năm, vào khoảng tháng 2, 3 âm lịch, khi cái nắng làm khô cây cỏ ngoài đồng, trên nương cây lúa khô đòng, ngoài sông con cá bớt lội, con cua phơi càng nằm đợi; mùa gieo hạt sắp đến, người S’tiêng sẽ tiến hành lễ hội cầu mưa.

Để tiến hành lễ hội, đồng bào chuẩn bị các vật phẩm, vật dụng cần thiết theo phân công của chủ lễ. Khi lễ vật bày biện xong, những điệu cồng chiêng truyền thống được các thanh niên S’tiêng tấu lên rộn ràng, mời gọi các vị thần về dự buổi lễ thiêng liêng của dân làng.

Trong tiếng cồng chiêng ngân vang, già làng trong vai trò chủ Lễ tiến về phía cây nêu thực hiện các nghi thức lễ và khấn bài khấn cổ truyền. Tiếp sau phần khấn của già làng, một phụ nữ múc nước ở 3 chum nước bày trong sân lễ, vừa đi vừa té nước vào cây nêu, té lên trời và té vào mọi người với ý nghĩa gieo may mắn.

Sau phần Lễ là phần Hội. Các chàng trai cô gái sẽ trình diễn những điệu vũ, những bài ca truyền thống của dân tộc mình. Trong tiếng cồng chiêng ngân vang, dân làng theo nhau đi vòng tròn quanh sân lễ, múa theo nhịp cồng chiêng. Theo nghi thức cổ truyền, già làng lấy tiết gà phết lên cây nêu và cầm ống hút rượu cần, dân làng quây quần tiếp nối, cùng ăn cơm lam, uống rượu cần, diễn xướng giao duyên, cuộc vui cứ thế tiếp diễn...

Một góc Khu bảo tồn văn hóa S’tiêng .
Một góc Khu bảo tồn văn hóa S’tiêng.

Nỗ lực bảo tồn

Để những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc S’tiêng được lưu giữ, phát huy, tỉnh Bình Phước đã xây dựng Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng tại sóc Bom Bo (xã Bình Minh, huyện Bù Đăng). Được biết, đây là “địa chỉ đỏ” của tỉnh Bình Phước, gắn liền với nghĩa tình quân – dân thắm thiết và lòng thủy chung với cách mạng của đồng bào dân tộc S’tiêng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và giải phóng dân tộc. Nơi này đã trở thành niềm cảm hứng để nhạc sĩ Xuân Hồng sáng tác bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”…

Khu bảo tồn gồm các hạng mục như đường giao thông nội bộ, khu tái định cư tại chỗ, nhà văn hóa, nhà đón tiếp, sân lễ hội... Nhưng đặc biệt nhất phải kể đến những hiện vật phản ánh sự đa dạng, phong phú và giàu bản sắc trong văn hóa của cộng đồng dân tộc S’Tiêng qua các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể như: Nhà ở, trang phục, phong tục tập quán, nghề thủ công truyền thống, văn học dân gian, lễ hội và tín ngưỡng dân gian...

Trong Khu bảo tồn còn có nhiều nhóm hiện vật tiêu biểu của đồng bào, như: Nhóm dụng cụ lao động sản xuất (rìu, liềm gặt lúa, thoi tra hạt, gàu tát nước, bộ chày cối); nhóm dụng cụ săn bắt (que xăm lươn, dụng cụ bắt mối, cần câu); nhóm hiện vật về ẩm thực; nhóm hiện vật trang sức; nhóm hiện vật về nghề thủ công truyền thống (bộ khung dệt, dụng cụ ép bông, dụng cụ quay sợi; các loại khăn, túi thổ cẩm được trang trí bằng những hoa văn, họa tiết tinh xảo như hình quả trám, hình học, hình cỏ cây, hoa, lá); nhóm các loại nhạc cụ (trống, đàn đinh-pút, khèn bầu, sáo ta lét, tù và).

Đặc biệt, những bộ goong, chinh, goong xơn gănt hay còn gọi là cồng, chiêng cũng được trưng bày. Đây không chỉ là những nhạc cụ đơn thuần mà còn là tài sản vô giá, là văn hóa tiêu biểu của người S’Tiêng sinh sống trên mảnh đất Bình Phước. Bởi goong, chinh được người S’Tiêng lưu giữ, sáng tạo trong suốt quá trình lao động sản xuất, được kế thừa qua nhiều thế hệ. Nó quan trọng đến mức mỗi lần mang ra biểu diễn trong các dịp nghỉ lễ, lễ hội, người ta phải làm lễ cúng Thần, lễ vật cúng thường có gồm có gà, cơm ống (Spiêng prong), rượu cần…

Goong, chinh của người S’Tiêng gồm có hai loại: Goong (cồng) có 5 chiếc có độ lớn khác nhau, mặt có núm, cái lớn nhất có kích thước khoảng 58 đến 62 cm chủ yếu phổ biến ở nhóm người Bu Đel; chinh (chiêng) phổ biến ở nhóm người S’Tiêng Bù Lơ gồm có 6 cái, cái lớn nhất có kích thước 42 đến 46 cm và nhỏ nhất có kích thước 26cm.

Cùng với đó, khu bán hàng lưu niệm có nhiều sản phẩm mang đậm nét văn hóa, góp phần quảng bá nét văn hóa dân tộc S’Tiêng đến với du khách gần xa, như những chiếc gùi lên nương bằng tre, những bộ trang phục lễ hội bằng thổ cẩm, những chiếc tù và bằng sừng trâu, móc khóa hình chú voi, chuối rừng, rượu cần men lá, bầu hồ lô đựng nước lên nương, đồ gỗ mỹ nghệ trang trí…

Vào những ngày lễ lớn, Khu bảo tồn còn tổ chức đêm chiêng. Bên ánh lửa bập bùng, những tiếng hát, điệu nhảy vòng quanh hòa vào những nhịp, thanh âm của cồng chiêng đã tạo nên một không gian riêng của núi rừng. Và khi đó, lời bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” lại được cất lên. “Cắc cum cụp cum, cum cụp cum. Đuốc lồ ô bập bùng lên ánh lửa. Sóc Bom Bo rộn rã tiếng chày khuya… Cách mạng cần gạo nhiều để đánh Mỹ. Sóc Bom Bo sẵn có cối chày đây. Người Bom Bo sẵn có đôi bàn tay. Với tình yêu nước và thù giặc ngày ngày”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO