Đời sống xã hội

Về miền đảo Lý anh hùng

T.Thành 19/12/2023 - 13:48

“Trực nhìn ngó thấy Bàn Than/Ba hòn lao Ré nằm ngang Sa Kỳ”, tôi đã lần theo câu ca ấy để đến Lý Sơn, huyện đảo nằm phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ngãi, nơi chứa đựng những dấu tích truyền đời về Đội thủy binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải anh hùng xưa kia, và về một lễ hội hết sức đặc biệt được các tộc họ trân trọng giữ gìn và thường xuyên tổ chức. Đó là Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.

Nhớ về những tiền hiền “ra biển lập làng”

Thời gian đã trôi qua với bao cuộc đổi thay, các Hải đội Hoàng Sa cũng không còn nữa, nhưng mỗi năm cứ đến ngày 18,19,20/3 âm lịch, người dân ở Lý Sơn, huyện đảo duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi này vẫn thành kính làm lễ cúng tế để con cháu đời sau mãi mãi không quên những anh hùng đã vị quốc vong thân.

anh-bai-ve-mien-dao-ly-anh-hung-1(2).jpg
Cụ Võ Hiển Đạt – “Pho sử sống” ở Lý Sơn

Theo truyền thuyết của dân tộc Kor, đảo Lý Sơn là một phần của vùng núi Trà Bồng trôi dạt về phía biển Đông sau trận giao tranh dữ dội của Thần Nước và người anh hùng Doang Đác Tố, chủ làng Tali Talok. Nhưng theo các nhà địa chất học thì hòn đảo này được hình thành sau quá trình trào phun rồi đồng kết của 5 ngọn núi lửa từ hàng ngàn, hàng triệu năm về trước. Giờ, đứng bên bờ biển Sa Kỳ, người ta vẫn có thể nhìn thấy 5 cái miệng núi lửa ấy và các cột bazan đông kết tạo ra những khối đá đen xì, nhóng nhánh tuôn chảy ra mãi về phía biển.

Còn theo sử liệu thì đến cuối thế kỷ 16, Lý Sơn vẫn còn hoang vu đến tột cùng, khắp đảo chỉ toàn đá là đá với bời bời cát trắng. Phải đến mãi đầu thế kỷ thứ 17, tức đời vua Lê Kính Tông thì đảo mới có người từ đất liền ra khai phá và sinh sống. Trong những cuốn gia phả cổ của các tộc họ ở Lý Sơn kể rằng vào khoảng đầu những năm 1600, 15 vị tiền hiền ở vùng cửa biển Sa Kỳ, phủ Bình Sơn cũ đã giong thuyền ra cù lao Ré, tức Lý Sơn ngày nay, để khai làng, lập ấp.

Bảy vị tiền hiền của các dòng họ Phạm Văn, Phạm Quang, Võ Văn, Lê, Nguyễn, Võ Xuân, Đặng đã lập làng An Vĩnh. Ở phía đông của đảo, tám dòng họ Nguyễn, Dương, Trương, Trần, Võ, Lê, Nguyễn Đình, Nguyễn Văn mở làng An Hải. Theo thời gian, các tộc họ này dần sinh sôi đông đúc trên đảo. Rất nhiều trận, họ đã hợp sức chiến đấu anh dũng chống lại nạn cướp bóc của kẻ thù. Rồi khi Tổ quốc cần, họ đã cống hiến những người con ra đi bảo vệ, khai thác biên cương xa xôi trên hải đảo Hoàng Sa.

Thật khó để đong đếm hết được những cam khó của “cái thuở mang gươm đi mở cõi”, bởi những bậc tiền hiền ấy đều sinh ra và lớn lên ở đất liền, quen với bờ xôi ruộng mật, quen với bờ tre khóm lúa, thay đổi môi trường sống, mọi thói quen của họ từ cách sinh hoạt cho đến các phương thức sản xuất đều phải học lại từ đầu. Nhưng với sức trẻ, trí tuệ, họ đã vượt qua mọi gian khó để cùng lập làng, lập nghiệp trên vùng đất xa xôi này, từng bước phát triển kinh tế - xã hội và góp phần giữ vững an ninh - quốc phòng nơi tiền tiêu của Tổ quốc.

Phát huy tinh thần “Tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai canh”, lớp lớp cháu con của các dòng họ Phạm, Võ, Đặng, Trần, Lê, Nguyễn… đã và đang làm thay đổi diện mạo cù lao Ré mỗi ngày. Dẫu chưa thật giàu có bởi đất đai không thuận, dẫu chưa thật trù phú bởi khí hậu không thuần, nhưng ngan ngát dứa, mươn mướt hành, tỏi tạo nên một không gian mênh mông xanh giữa chập chùng sóng nước. Giờ, nhìn màu xanh trù phú ngút ngàn đó, nhìn bóng cờ trên những nóc nhà, người ta sẽ cảm thấy lòng thêm ấm áp và vững tin hơn về mảnh đất và con người nơi phên giậu.

“Tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ”, cả dải đất nằm bên mép sóng bời bời lau cỏ, cằn khô cát sỏi xưa kia giờ được san lấp, làm đường, dựng nhà, hình thành nên 3 xã: An Vĩnh, nơi có huyện lỵ của Lý Sơn (thuộc đảo lớn hay còn gọi là Cù lao Ré), An Hải (đảo lớn,) và An Bình (đảo Bé hay còn gọi cù lao Bờ Bãi).

anh-bai-ve-mien-dao-ly-anh-hung-2.jpg
Tượng đài Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải

Sau ngót nghét một thập kỷ, giờ đây, đất cũng như người đã “xanh cây ấm bụi”. Từ những cư dân ít ỏi đầu tiên vâng mệnh triều đình “ra biển lập làng”, đến nay Lý Sơn đã có hơn 1000 hộ với gần 21.000 người đang an cư lạc nghiệp. Mặc thiên nhiên khắc nghiệt, mặc cách trở xa xôi, đất cũng như người ở nơi này đã và đang dần “xanh cây, ấm bụi”.

Vang mãi “Sử thi miền biển”

Trên hòn đảo như nét chấm vội giữa biển khơi của tỉnh Quảng Ngãi này, ngoài giống hành tía và tỏi trồng trên cát trắng đã tạo được thương hiệu trên cả nước thì câu chuyện được nhắc nhớ nhiều nhất là về những anh hùng trong Hải đội Hoàng Sa thuở trước - những câu chuyện mang đậm chất sử thi miền biển. Trong nhiều sử liệu cũ và ký ức của các cụ già ở Lý Sơn vẫn khắc ghi câu chuyện về những cuộc ra đi hùng tráng của những bậc tiền nhân.

“Quân số mỗi lần đi tuần thú hải dương thường 60 - 70 người, ngồi trên 5-7 chiếc thuyền. Mỗi người mang theo một thẻ bài ghi tên họ và lương thực đủ ăn sáu tháng, đi suốt ba ngày ba đêm thì tới bãi Cát Vàng, tức quần đảo Hoàng Sa. Cập vào đảo nào, họ cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền ở đảo đó và đo đạc thủy trình, trồng thêm cây cối, thu lượm hải vật, rồi mới về tấu trình hoàn thành nhiệm vụ”, cụ Võ Hiển Đạt, hậu duệ đời thứ 9 của dòng họ Võ trên đảo Lý Sơn kể.

anh-bai-ve-mien-dao-ly-anh-hung-3.jpg
Một góc Lý Sơn

Ở Lý Sơn, người ta xem cụ Đạt chả khác gì “pho sử sống”. Cụ đọc nhiều hiểu rộng, nhưng lạ là cụ không hề ham hố chuyện thi cử hay khoa bảng. Cụ bảo, học để biết, để mà hành xử, để mà thực thi đạo làm người. Ấy đã là Hiển Đạt lắm rồi! Cụ Đạt rành rẽ sử đảo, làu làu sử nước; thông chữ Pháp, thuộc Hán văn và đặc biệt là các câu chuyện về những binh phu đã vị quốc vong thân trong Hải đội Hoàng Sa thuở trước. Thế nên từ nhà văn, nhà báo đến nhà nghiên cứu, phê bình, biên kịch muốn tìm tư liệu lịch sử về Lý Sơn khi ra đảo đều tìm đến cụ.

Từ việc các triều đại vua chúa nước ta cách đây từ mấy trăm năm trước đã phái cử binh phu đi làm nhiệm vụ cắm mốc chủ quyền, đo đạc thủy trình, canh giữ biển đảo và khai thác sản vật trên các vùng biển thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ra sao; rồi chuyện về những ngư dân xứ Quảng, toàn trai tráng hưng đinh ròng rã suốt mấy trăm đời mày mò, dò dẫm, bạc tóc xém râu, để từng bước biết luồng lạch ngọn triều, chôn mốc cắm tiêu, mở mang khai thác như thế nào, tất cả đều được cụ Đạt kể lại rành rẽ, rành rẽ lắm.

Có thể nói, nhờ những người như cụ mà thế hệ trẻ Lý Sơn và nhiều người khác nữa mới phần nào biết được cõi bờ Việt Nam hôm nay rộng dài bát ngát như thế, không gian sinh tồn của ta khang trường khoát lộng đến vậy là nhờ một phần công rất lớn của những người mở cõi, những ngư dân bám biển truyền đời, những người đã coi Hoàng Sa, Trường Sa như góc sân mảnh vườn, vừa cặm cụi mưu sinh, vừa rào giậu giữ gìn…

“Suốt gần 4 thế kỷ, cứ mỗi năm lại có 70 suất đinh của các dòng họ trên đảo luân phiên nhau vâng mệnh triều đình đo đạc thủy trình, khai thác tài nguyên biển và sau này thêm nhiệm vụ cắm mốc dựng bia chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Có người trở về, người nằm lại vĩnh viễn giữa biển sâu.

Để tưởng nhớ những người lính Hoàng Sa bỏ mình nơi biển cả, để những người chuẩn bị lên đường yên tâm làm nhiệm vụ, và với niềm mong ước người thân ra đi có ngày trở về, hàng năm, vào ngày 18,19 và 20 tháng 3 âm lịch, các tộc họ trên đảo Lý Sơn lại tổ chức Lễ khao lề tế lính, hay còn gọi là Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tại Âm linh tự”, cụ Đạt kể.

Cũng theo lời cụ Đạt thì Tế lính để cúng cho những anh linh vong thân vì Tổ quốc được nhẹ nhàng siêu thoát, còn Thế lính là dùng hình nhân thế mạng cúng thần linh thay thế sinh mạng người lính Hoàng Sa sắp lên đường. Những gia đình có người thân chuẩn bị đi lính Hoàng Sa làm nhiệm vụ tin rằng thầy pháp có mối liên hệ với thần linh, có thể phù phép gửi linh hồn người sống vào hình nhân, để hình nhân gánh chịu mọi tai ương cho người sống. Những ai lên đường làm nhiệm vụ sẽ cảm thấy an tâm vì đã được hình nhân thế mạng.

2801.du_lich_ly_son.jpg
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa

Dẫu có muôn vàn hiểm nguy chực chờ từ phía biển, nhưng từ hàng trăm năm nay, những ngư dân Lý Sơn vẫn kiên trì bám biển. Bởi đối với họ, Hoàng Sa, Trường Sa như là máu thịt, là Đất Mẹ thiêng liêng. Dẫu có phải đối mặt với trăm ngàn khốn khó, lớp lớp cháu con ở Lý Sơn vẫn đang tiếp bước các bậc tiền nhân, ngày ngày đạp sóng trực chỉ Hoàng Sa. Đó là sự minh chứng cho sức sống, sự vươn mình của mỗi một người dân đảo Lý, góp phần khẳng định chủ quyển biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam…

Rời Lý Sơn, hình ảnh còn đọng lại mãi trong tâm trí tôi là tượng đài Hải đội Hoàng Sa đứng hiên ngang, sừng sững, trở thành biểu tượng của lòng yêu nước, tinh thần quả cảm, ý chí quyết tâm bám biển, khẳng định chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc. Những nét truyền thống văn hóa đặc sắc của cha ông vẫn được các tộc họ trên đảo Lý Sơn trân trọng gìn giữ, không để mai một theo năm tháng. Đó là nghĩa, là tình của muôn đời con cháu kính ngưỡng sự gian khổ hy sinh của các bậc tiền nhân, để thế hệ này nhắc nhở thế hệ sau: Hoàng Sa, Trường Sa mãi trong tim mỗi người dân trên đảo Lý, mãi trong tim mỗi người dân đất Việt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO