Vẻ đẹp trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số ở Thanh Hóa

25/08/2021 12:40

(DTTG) Mỗi dân tộc đều có dấu ấn văn hóa về trang phục riêng, nó không chỉ thể hiện những giá trị nghệ thuật mà còn là những tín ngưỡng riêng của mỗi vùng miền.

Thanh Hóa hiện có 6 dân tộc thiểu số bao gồm dân tộc Mường, Thái, Mông, Thổ, Dao, Khơ Mú, mỗi dân tộc đều có đời sống vật chất, tinh thần cùng với những nét phong tục, tập quán riêng. Trong đó, trang phục truyền thống của mỗi dân tộc đã thể hiện rõ những nét riêng biệt và mang giá trị văn hóa độc đáo.

Người Mông ở Thanh Hoá cư trú, sinh sống chủ yếu ở 3 huyện là Mường Lát, Quan Sơn và huyện Quan Hóa. Cùng với tiếng nói, chữ viết thì trang phục là một trong những chi tiết quan trọng đầu tiên để nhận biết và phân biệt giữa dân tộc Mông với dân tộc khác.

Trang phục của người phụ nữ Mông tương đối cầu kỳ. Một bộ trang phục truyền thống gồm: Khăn quấn đầu, xà cạp, váy, áo xẻ ngực có yếm lưng, tấm vải che váy phía trước, thắt lưng và tấm vải vuông nhỏ che đằng sau lưng. Váy có hình nón cụt, nhiều nếp xếp xòe rộng, từng nếp váy đu đưa lượn sóng theo từng bước di chuyển của những cô gái Mông tạo nên sự mềm mại, nữ tính và đầy sức hút.

Dân tộc Dao được chia làm hai nhóm: Dao Đỏ (từ Lào sang) cư trú ở xã Pù Nhi và xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát; Dao Quần Chẹt (từ Tuyên Quang, Hòa Bình vào) sống ở huyện Ngọc Lặc và huyện Cẩm Thủy. Trang phục của phụ nữ Dao chính là những tác phẩm nghệ thuật rực rỡ, tinh tế, chuyển tải quan niệm về vũ trụ, về nhân sinh của cộng đồng thông qua các hoa văn, họa tiết thêu, in trên đó.

Mỗi nhóm người Dao đều có trang phục riêng, được thêu dệt rất cầu kỳ. Những người mẹ, người bà dân tộc Dao thường dạy cho con gái mình biết thêu thùa từ bé. Những thiếu nữ Dao phải tự mình làm ra bộ trang phục đẹp nhất để mặc trong ngày cưới, mùa lễ hội.

Với người Thái ở Thường Xuân, hoa văn trên trang phục rất phong phú với đủ các loại hình, màu sắc, vừa cổ xưa, vừa hiện đại.

Từ xưa người Thái ở Lang Chánh đã biết trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải để may trang phục. Với sự cần cù và trí tưởng tượng phong phú, người phụ nữ Thái ở đây đã tự tạo nên những tác phẩm nghệ thuật, thể hiện qua những nét hoa văn mang tín ngưỡng văn hóa độc đáo trên bộ trang phục.

Trang phục truyền thống của người phụ nữ dân tộc Mường ở Cẩm Thủy chỉ có hai màu chủ đạo, đó là màu xanh và trắng. Đối với “áo khóm” có hai màu xanh, trắng, thường sử dụng các loại sợi dệt mảnh, có thân ngắn đến chấm eo lưng, xẻ ngực, ống tay dài. Đối với váy, có 3 bộ phận chính, đó là đầu váy, thân váy và cạp váy. Ngoài ra, bộ trang phục còn có áo chùng (chỉ mặc trong ngày lễ hội), khăn thắt áo, cạp cấu váy, vòng bạc, vòng cườm đeo cổ, đeo tay...

Riêng áo của phụ nữ Mường ở Ngọc Lặc có nhiều loại là áo ngắn, áo chùng, áo khoác. Đối với váy được chia thành hai phần chính: thân váy và đầu váy (còn gọi là cạp váy). Phần dây lưng hay còn gọi là tênh, là tấm vải lụa tơ tằm nhuộm màu xanh cánh trả (màu lá mạ), dài bằng hoặc hơn sải tay khi đã nối hai đầu lại. Phần khăn đội đầu của phụ nữ Mường giống nhau và đều có thêu thùa hoa văn hình học ở hai đầu.

Y phục do phụ nữ dân tộc Thổ thêu dệt có màu sắc và họa tiết hoa văn đơn giản hơn nhiều so với người Thái và Mường. Đặc trưng váy của người Thổ Như Xuân có màu nâu nhạt, hoa văn là những đường viền pha màu trắng và xanh nhạt xen nhau. Rất dễ nhận ra và phân biệt trang phục qua chiếc váy của người Thổ, bởi kỹ thuật không cầu kỳ, trên váy không có các hoa văn hình học nào được thêu dệt.

Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trang phục truyền thống, đồng bào các dân tộc thiểu số Thanh Hoá đã không ngừng tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tình yêu cái đẹp, tự hào về trang phục truyền thống của dân tộc mình cho đồng bào các dân tộc, nhất là giới trẻ. Các làng, bản xây dựng quy ước về việc mặc trang phục truyền thống trong các ngày lễ, tết, ngày hội… đồng thời khuyến khích khôi phục phát triển nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm và mỹ nghệ trang sức...

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO