Văn hóa

Về Bạc Liêu, nhớ người nhạc sỹ tài hoa

T.Thành 25/10/2023 - 10:43

Cách đây hơn 100 năm, vào đêm rằm tháng 8, nỗi niềm nhớ thương người vợ tảo tần đã thôi thúc nhạc sỹ tài danh Cao Văn Lầu viết lên Dạ cổ hoài lang. Giờ dẫu hơn một thế kỷ đã trôi qua, song bản nhạc ấy vẫn làm rung động hàng triệu con tim và tiếp tục khơi nguồn cho dòng chảy vọng cổ xuyên suốt trong lịch sử âm nhạc của Việt Nam.

Nảy mầm trên “miền đất ấm”

Từ xa xưa, Bạc Liêu đã nổi tiếng là vùng “đất lành” của những lưu dân đến từ tứ xứ. Lịch sử đã chứng minh rằng từ mấy trăm năm trước, các lưu dân phương Bắc đã men theo dòng chảy đến mảnh đất nằm soãi mình trên bán đảo Cà Mau này để sinh cơ lập nghiệp và dần tạo nên các xóm làng trù mật. Rồi tiếng lành đồn xa, các cư dân người Kinh, Hoa, Khmer, Chăm... không quản ngại xa xôi, vượt qua dặm dài thiên lý để quần tụ về đây.

Trên hành trình “mang gươm đi mở cõi”, khai phá vùng đất hoang vu nằm giữa hai con sông, sông Gành Hào và sông Cái, mỗi lưu dân đều mang theo những giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Những giá trị văn hoá đó, trải qua bao thăng trầm, tao loạn vẫn được lưu giữ và trao truyền cho đến ngày nay. Tất cả các dòng văn hóa đó đã và đang dệt thêm gấm hoa cho bức tranh văn hoá rực rỡ, đa sắc màu cho “miền đất ấm” Bạc Liêu.

dadon230323(1).jpg
Chân dung người nhạc sỹ tài hoa Cao Văn Lầu.

Và trong bức tranh văn hóa đa sắc đó, đờn ca tài tử và cải lương là 2 nét cọ, tông màu nổi bật và lung linh nhất. Bởi từ lâu vùng đất này luôn được xem là cái nôi của ca cổ Việt Nam, với đỉnh cao là bản Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Chỉ cần tiếng đàn kìm, đàn cò, đàn tranh, đàn bầu (tứ tuyệt) được tấu lên thì từ bà bán vé số, ông xe ôm đến anh công chức cổ cồn đều có thể ngân: “Từ là từ phu tướng/Bảo kiếm sắc phong lên đàng/Vào ra luống trông tin chàng/Ôi tim vàng quặn đau í a”.

Ca cổ, nó như một dòng văn hóa tuôn chảy, len lỏi qua những nếp nhà thậm thô mộc của vùng sông nước cuối trời Nam, để đời đời con cháu duy trì cho đến tận bây giờ. Nói như lời của người già ở Bạc Liêu thì xưa kia ở đây đất rộng người thưa, khắp nơi bời bời lau lách, biết lấy gì bầu bạn? Vậy thì phải ca thôi, ca để quên đi nỗi buồn giữa bịt bùng bóng đêm bủa vây giữa mênh mông trời nước.

Thông thường thì mỗi lời ca khúc hay bản nhạc đều mang tải những lớp lang tâm sự buồn vui của người sáng tác. Báu vật Dạ cổ hoài lang cũng không ngoại lệ. Nhưng ngoài ra, để có sức sống trường tồn và được yêu mến suốt hàng trăm năm có lẻ, Dạ cổ hoài lang chất chứa trong mình quá nhiều nỗi niềm chung – riêng khó tả của đời một con người lẫn đời sống xã hội một thời.

anh-bai-ve-bac-lieu-nho-nguoi-nhac-sy-tai-hoa-2.jpg
Một góc Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Cao Văn Lầu sinh ngày 22/12/1892, tại xóm Cái Cui, làng Chí Mỹ, sau sát nhập với làng Thuận Lễ trở thành xã Thuận Mỹ, huyện Vàm Cỏ, tỉnh Long An. Vì không chịu nổi cảnh sưu cao thuế nặng của bọn quan lại cường hào ác bá địa phương nên bố ông là Cao Văn Giỏi đã quyết định đưa cả gia đình tìm về vùng đất Bạc Liêu để lập nghiệp. Lúc ấy, Cao Văn Lầu mới vừa tròn 6 tuổi.

Khi đến vùng đất mới, ở tạm dưới mái chùa Vĩnh Phước An, bố Cao Văn Lầu liền gửi ông vào chùa để theo chữ nho. Học được hai năm thì lúc ấy phong trào chữ Quốc ngữ bắt đầu phát triển mạnh, ông Giỏi cho con trai thôi học chữ nho chuyển sang học chữ Quốc ngữ.

Nhờ sáng dạ nên Cao Văn Lầu rất được thầy yêu, bạn mến. Việc học đang tấn tới, tương lai đang rộng mở phía trước nhưng đến lớp nhì (nay là lớp 4) thì ông đành phải “xếp bút nghiên” vì hoàn cảnh gia đình quá nghèo khó và túng quẫn. Từ đó ông ở nhà phụ giúp gia đình.

Ở xóm Rạch Ông Bổn lúc bấy giờ có một thầy dạy đờn rất giỏi, tên Lê Tài Khị, tục gọi là Nhạc Khị. Ông Giỏi nghe danh nên cho con trai đến “tầm sư học đạo”. Ngay từ những ngày đầu theo học, Cao Văn Lầu đã thấm thía lời thầy dạy: “Đờn lạc điệu như tín đồ lạc đạo. Còn đờn sai nhịp, sai câu giống như người chiến sĩ bị lỗi đường gươm nơi trận mạc”, và “Trò nào có lòng tự trọng nghệ thuật, biết sáng kiến trong nghệ thuật thì thầy sẽ đem hết tâm huyết truyền dạy, các trò thành tài thầy rất quí trọng và biết ơn”.

z4815428652133_a5343abcf6010d3fcdeea4ae6c426ddd.jpg

Chính vì siêng năng, chuyên tâm học hỏi lại sáng dạ nên chỉ mới vài năm theo học, Cao Văn Lầu đã có thể sử dụng thành thạo các nhạc cụ như đàn tranh, cò, kìm, trống... và trở thành nhạc sĩ nòng cốt trong ban nhạc của thầy Khị. Và đó cũng là ban nhạc nổi tiếng khắp Nam Kỳ lục tỉnh lúc bấy giờ.

Trong bối cảnh đó, chẳng bao lâu, danh tiếng của chàng trai trẻ Cao Văn Lầu nổi như cồn, mỗi lúc một vang xa ở vùng đất phương Nam. Sau đó soạn giả Mộng Vân - một người bạn đồng môn với nhạc sĩ Cao Văn Lầu, lập gánh hát và mời ông về làm nhạc trưởng.

Khi Cao Văn Lầu đến tuổi 20, cha mẹ ông muốn có người nối dõi tông đường nên bắt ông về cưới vợ, sinh con. Vâng lệnh cha mẹ, Cao Văn Lầu cưới một cô gái nết na, chất phác ở miệt biển Bạc Liêu, tên là Trần Thị Tấn.

Tạo nên một “món ăn tinh thần” vô giá

Vợ chồng tay trắng lập nghiệp, lại cộng thêm món tiền vay nợ khi tổ chức đám cưới, Cao Văn Lầu cùng vợ đã phải làm lụng đủ thứ việc để mưu sinh. Những đồng tiền thu được từ việc vào rừng lượm củi hay xúc tép dưới kênh về bán cũng chỉ đủ vợ chồng ông đắp đổi qua ngày. Đời sống vật chất đã vậy, nhưng đời sống tinh thần của cặp vợ chồng trẻ cũng chả khấm khá là bao. Suốt 3 năm ròng rã, bà Tấn vẫn không thể mang thai. Sức ép đè nặng lên gia đình nhỏ.

Thời bấy giờ, xã hội vẫn bị trói buộc bởi nhiều tục lệ, lễ giáo phong kiến. Cái quan niệm “Tam niên vô tử bất thành thê” đã khiến cho nhiều đôi lứa chia lìa, ôm đau khổ. Vợ chồng Cao Văn Lầu không tránh được cái quan niệm hết sức hà khắc đó. Mẹ ông nói thẳng: “Con hãy liệu mà kiếm vợ khác để nối dõi tông đường. Đó là chữ Hiếu của con mà mẹ cũng trọn đạo với tổ tiên”.

Dẫu biết phận làm con phải lấy chữ Hiếu làm đầu, song Cao Văn Lầu hiểu chữ Tình cũng không thể rẻ khinh, thế nên sau khi nghe xong yêu cầu của mẹ, ông chỉ lặng thinh. Chờ đợi mãi không thấy con trai mình có chuyển biến, bà liền đem chuyện nói rõ với con dâu. Và người vợ trẻ đã thay chồng quyết định.

z4815430182853_78d02f80fbf0f1c951ea841ad556e41a.jpg

Một lần, sau buổi xúc tép, bà Tấn nghẹn ngào: “Má không cho mình ở với nhau nữa. Thôi anh cưới vợ khác, em về với mẹ cha em”. Nói xong hai vợ chồng gục đầu vào nhau khóc nức nở. Đến buổi chiều hôm ấy, bà Tấn ôm theo bọc quần áo cũ rồi lặng lẽ ra đi.

Sau khi vợ đi rồi, Cao Văn Lầu như người mất hồn, ra vào như một bóng ma trong chính ngôi nhà của mình. Một hôm ông sang nhà nhạc phụ tìm vợ, mới biết vợ ông không trở về nhà mà chính gia đình vợ cũng không biết con gái đã đi đâu. Ròng rã suốt 1 năm sau đó, ông đi tìm vợ khắp nơi mà vẫn bặt vô âm tín.

Từ đó, mỗi khi chiều xuống, Cao Văn Lầu lại mang đờn ra chỗ bìa ruộng, nơi vợ ông nói lời ly biệt năm xưa, rồi vừa đờn vừa hát cho vơi nỗi nhớ vợ hiền. Ông chơi hết điệu này sang điệu khác, từ “Xuân nữ” cho đến “Nam ai” rồi lại “Trường tương tư”. Cứ thế, ông với cây đàn độc thoại với bóng đêm, hết đêm này qua đêm khác.

Sau này, Cao Văn Lầu có tâm sự với một người bạn rằng: “Lúc ấy trong đầu tôi luôn đay đả câu hỏi: “Giờ này vợ mình ở đâu? Chắc chắn là vợ mình thương mình nhiều hơn mình thương vợ. Số phận vợ mình sao mà giống thân phận nàng Tô Huệ, quá thương chồng nên dệt bức “Chức cẩm hồn văn” dâng lên vua để tỏ lòng nhớ thương chồng. Hay nàng Tô Thị thương chồng đứng chờ cho đến khi hóa đá. Nên tôi viết bài “Hoài lang” (Nhớ chồng)”.

Một lần, trong khi mải mê trau chuốt “Hoài lang” sao cho ngọt ngào, lột tả nỗi lòng khi “én nhạn lìa đôi”, Cao Văn Lầu chợt nghe tiếng trống điểm canh vọng lại. Khi đó, ông chợt nghĩ: Tiếng trống đêm đánh lên trong khi mình đờn bài “Hoài lang”. Vậy thì mình lấy luôn hai chữ “Dạ cổ” (tiếng trống đêm) thêm vào tên bản nhạc “Hoài lang” thành “Dạ cổ hoài lang” (tức đêm nghe tiếng trống nhớ chồng) sẽ hay hơn và hợp tình, hợp cảnh. Và thế là “Dạ cổ hoài lang” ra đời từ đó.

Sau khi đã sửa soạn và chỉnh lý một cách kỹ càng, vào đêm rằm tháng 8 năm 1919, tại làng Vĩnh Hương, tổng Hòa Thạnh (nay là phường 2, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), người nghệ sỹ tài danh Cao Văn Lầu chính thức công bố bản nhạc bất hủ của đời mình và đến nay trở thành “báu vật”. Suốt hơn một thế kỷ qua, Dạ cổ hoài lang luôn là nguồn cảm hứng bất tận, giúp cho nhiều soạn giả, nhạc sĩ lấy cảm hứng để sáng tác, như NSND Viễn Châu với Tân cổ giao duyên, hay Vũ Đức Sao Biển với Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài Lang...

anh-bai-ve-bac-lieu-nho-nguoi-nhac-sy-tai-hoa-3(2).jpg
Tác giả trước Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu.

Đánh giá vai trò của Dạ cổ hoài lang trong kho tàng âm nhạc dân tộc, Giáo sư Trần Văn Khê nhận xét: Bài Dạ cổ hoài lang gợi lên được cái buồn bí ẩn, thẳm sâu trong tâm khảm con người. Trong cổ nhạc Việt Nam chưa có bài nào, bản nào được như bài Dạ cổ hoài lang biến thành vọng cổ. Từ một sáng tác cá nhân đã biến thành một sáng tác tập thể, có từ đầu thế kỷ 20, lớn lên, sống mạnh, biến hóa thiên hình vạn trạng, và sẽ còn sống mãi trong lòng người Việt khắp “năm châu bốn bể”.

Còn Nghệ sỹ nhân dân Ngọc Giàu cũng đã từng chia sẻ: “Có thể nói giới cổ nhạc và nghệ sĩ sân khấu cải lương biết ơn bác Sáu Lầu nhiều lắm. Bởi, không có Dạ cổ hoài lang thì sẽ rất khó để có bài vọng cổ ngày nay”.

Chính vì các giá trị to lớn ấy mà theo thời gian, sức lan tỏa của Dạ cổ hoài lang ngày càng lan rộng. Giờ, bản nhạc trứ danh này không chỉ còn là “tài sản riêng” của kênh rạch Bạc Liêu hay sông nước phương Nam, mà nó còn trở thành “món ăn tinh thần” vô giá của hàng triệu người dân trên cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO