Về vùng đất thơm hương hồi, hương quế, lòng người còn say thêm câu lượn Slương của đồng bào Tày xã Yên Cư, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. Làn điệu dân ca xưa thổn thức, nhớ thương đã có từ hàng trăm năm và cho đến nay những thế hệ người Tày nơi đây vẫn trân trọng, gìn giữ…
Hát lượn Slương-một loại hình dân ca sinh hoạt rất phổ biến trong đời sống văn hóa từ xa xưa của đồng bào dân tộc Tày ở Bắc Kạn. Lượn Slương có những hình thức diễn xướng khác nhau, có hát tự do và hát theo lễ hội. Lời ca tiếng lượn từ bao đời nay đã trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần của bà con người Tày.
Những giai điệu gây thương nhớ
Chúng tôi tìm đến Nghệ nhân Ưu tú Ma Văn Vịnh (81 tuổi, dân tộc Tày) ở thôn Phiêng Dường, xã Yên Cư, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn, người đã cất công sưu tầm, nghiên cứu và ghi chép tỉ mỉ những câu lượn Slương làm tư liệu. Công trình của nghệ nhân Ma Văn Vịnh gồm có hai mảng là lượn Slương Giao duyên gồm 900 câu và lượn Slương Lễ trong ngày hội Lồng tồng gồm 280 câu, trong đó mỗi câu 4 dòng.
Khi chúng tôi nhắc đến làn điệu dân ca của quê hương, ngọn lửa nhiệt huyết trong Nghệ nhân Ưu tú Ma Văn Vịnh như bùng cháy, đôi mắt tinh anh ngời lên niềm vui. Ông cho biết việc sưu tầm, nghiên cứu lượn Slương đến nay đã gần 30 năm. Sự yêu mê làn điệu dân ca của dân tộc Tày ông được thừa hưởng từ người mẹ của mình. Giọng hào sảng, ông tự hào kể, ngày xưa mẹ ông từng có 18 năm đi hát lượn, dù bà mù chữ nhưng thuộc làu hàng trăm câu hát lượn, hát then, thơ lẩu.
Thuở xưa, người trong bản chưa biết đến ti-vi, xe máy, đường sá còn khó khăn, hiểm trở nhưng đời sống tinh thần của nhân dân luôn phong phú, lạc quan bởi có những làn điệu dân ca gắn kết tình người, tình duyên đôi lứa. Sau vụ gặt lúa mùa, nam, nữ thanh niên mới lớn ban ngày đi phát nương, lấy củi đun, kéo sợi làm vải, nhuộm chàm, xay thóc, giã gạo, đêm đến thường tụ tập ngồi quanh bếp lửa nhà sàn nghe người lớn nói về quy trình các bước hát của mỗi cuộc lượn. Kể chuyện mùa hát lượn suốt cả tháng Giêng và tháng Hai. Họ lập thành từng tốp nam, nữ rủ nhau đi chơi lễ hội Lồng tồng ở các thôn bản xa để hát lượn Slương. Những đêm quây quần bên bếp lửa, là cơ hội cho trai gái trẻ chủ động học thuộc nhiều câu, bài lượn và học được kinh nghiệm đi hát lượn.
Không gian trong lượn Slương chủ yếu là không gian sinh hoạt, diễn ra trong mọi sinh hoạt của đời sống con người. Không gian hiện lên với cả những gì gắn bó, gần gũi. Không gian gắn liền với địa điểm diễn xướng như bên bờ suối, ven chợ, ngoài ruộng đồng, trên nương rẫy, trên nhà sàn, bên bếp lửa. Tiếng lượn như tiếng lòng tha thiết: “Kết duyên với người bạn đồng tâm/Ra bến đường đi mà đứng đợi/Miệng tự lẩm bẩm tay bẻ củi/Nghe xong xiên lý lòng ái ân”.
Nghệ nhân Ưu tú Ma Văn Vịnh cho biết: Lượn Slương khác với các thể lượn khác là mỗi cuộc lượn Slương thường có từ 1 đến 15 cặp, mà chỉ diễn ra trên nhà sàn. Tư thế ngồi lượn, thậm chí trong một cặp lượn họ không nhìn thấy nhau. Họ hát đơn ca từng cặp nam, nữ. Những người nhận hát lượn giao duyên với nhau phải bảo đảm yếu tố ba khác: Khác giới, cư trú khác xã, không có quan hệ có chung dòng huyết thống. Người giữ vai Chúa bản là người sở tại. Người giữ vai Xiên lý là khách. Khi chưa lượn với nhau câu nào thì chỉ được xưng hô là bạn. Nếu đã được lượn với nhau ít nhất một câu lượn Giao duyên mới thành Cựu - bạn lượn của nhau để vào cuộc hát lượn.
Những cuộc hát lượn giao duyên chỉ xảy ra khi có ít nhất một người từ xã khác đến. Nếu là nam thì các nữ chưa chồng của bản đó phải đến tiếp để thực hiện cuộc lượn. Ngược lại có bạn nữ đến các bạn nam chưa vợ của bản đó phải đến tiếp trên căn nhà sàn của hộ gia đình có khách đến để hát lượn.
Những cuộc lượn được hình thành từ 1 cặp thường xảy ra nhân dịp đi thăm họ hàng, vào nhà mới, cuộc lượn có từ 3 đến 15 cặp lượn thường được hình thành từ các lễ hội cưới hỏi, lễ Lẩu then, lễ hội Lồng tồng. Mỗi cuộc lượn hình thành theo tuần tự 13 bước. Những câu lượn Slương mượt mà tình tứ giao duyên, ngỏ ý, thử tài văn chương đối ứng đều nói lên những mong muốn về cuộc sống tốt đẹp của con người. “Từ những cuộc hát lượn Slương lôi cuốn song cũng đầy kịch tính, hấp dẫn đã có nhiều cặp đôi trong vùng trở thành bạn tâm giao về chung một nhà, sống cuộc đời hạnh phúc”-Nghệ nhân Ưu tú Ma Văn Vịnh chia sẻ thêm.
Lượn Slương hay và ý nghĩa như vậy, nhưng theo thời gian câu hát bị mai một đi nhiều, người trẻ hầu như không biết làn điệu này. Với mong muốn gìn giữ và trao truyền làn điệu lượn Slương của dân tộc Tày Nghệ nhân Ưu tú Ma Văn Vịnh đã dành thời gian và tâm huyết soạn giáo trình, truyền dạy dân ca người dân trong vùng. Đến nay, có ba tổ lượn Slương ở các xã Bình Văn, Yên Hân, Yên Cư, huyện Chợ Mới (là ba xã liền kề thuộc phía nam của tỉnh Bắc Kạn) thu hút nhiều người yêu văn nghệ, dân ca tham gia học hát. Ông Vịnh mong muốn trong thời gian tới, ở địa phương sẽ thêm các lớp dạy hát dân ca cho các cháu học sinh.
Hát lượn Slương để thương nhau hơn
Là thành viên cao tuổi trong tổ hát dân ca và biết đến lượn Slương từ khá sớm, bà Hà Thị Thụ ở xã Yên Hân bày tỏ sự am hiểu và say mê với lượn Slương. Với bà Thụ, lượn Slương không chỉ mang giá trị văn hóa, tinh thần của quê hương mà còn gắn với ký ức tươi đẹp thuở niên thiếu. Bà cho biết: “Từ bé tôi rất thích hát, mỗi lần nghe mẹ và bá ruột hát lượn vào những dịp cưới xin, vào nhà mới, tâm trí tôi lại cuốn theo những câu hát mượt mà trong không khí rộn rã, vui tươi ấy. Người hát sao cho khéo cho hay, người nghe thích thú, tán thưởng, trầm trồ. Mẹ tôi từ hồi còn trẻ đã trở thành Cốc Lượn của chủ bản, Cốc Lượn của thiên lý, vừa lượn lồng tồng vừa lượn thiên đình, bà đã truyền lại cho tôi lòng yêu mến dân ca”.
Ngày ấy, bà Thụ cũng tỉ mỉ chép được một số câu lượn giao duyên và cả văn đám cưới. Những câu thơ sâu sắc, giàu vốn văn hóa người Tày khiến bà thắc mắc, tò mò muốn biết tác giả của những câu thơ tiếng lượn ấy là ai nhưng chỉ nghe mẹ đáp lại rằng: “Cốc Lượn dú cốc phấy/Thấy Lượn dú Bán Tinh” - dịch nghĩa “Nguồn gốc câu Lượn ở gốc tre/Thầy Lượn ở Bản Tinh”. Tức là lượn Slương đã có từ ngày xửa ngày xưa và truyền miệng nhau qua nhiều thế hệ, bà Thụ tự hào cho biết thêm: “Lượn Slương giao duyên và lồng tồng là hai làn điệu chủ chốt của lượn. Người lượn phải có chất giọng tốt để khi lượn theo luật cố định mới đủ để người nghe cảm nhận được cái hay, cái đẹp tinh tế của thơ lượn. Vì vậy người hát phải say mê, kiên trì quyết tâm khổ luyện mới thành công. Lượn Slương là một làn điệu độc đáo, hay trọn vẹn trong cả lời thơ và điệu hát. Tôi mong điệu hát này sẽ ngày càng phổ biến để nhiều người con của quê hương tôi đều biết hát lượn, hát giao duyên, từ đó trân trọng hơn giá trị văn hóa của cha ông để lại”.
Còn với chị Ma Thị Hoài ở thôn Đon Nhậu, xã Yên Cư là một trong những người trẻ tham gia học hát khá sôi nổi, chị bộc bạch: “Tôi được sinh ra ở vùng đất có câu hát lượn Slương, nghe các cô bác trong xã cất lên điệu hát, thấy cha ông xưa thật tài hoa trong văn hóa giao tiếp. Đó là lý do tôi đăng ký tham gia học hát lượn Slương. Do công việc đồng áng bận rộn nên tôi chỉ có thể tranh thủ học hát lượn vào buổi tối hoặc giờ giải lao. Hát lượn tuy khó nhưng càng học càng lôi cuốn bởi lời đối đáp của ông cha xưa thật tinh tế, sâu sắc mang nhiều hàm ý. Tôi đã có thể hát được khoảng 50 câu lượn Slương”.
Trước đây, không gian sinh hoạt của người Tày ở Yên Cư, Chợ Mới và vùng lân cận chủ yếu là nhà sàn, được làm bằng gỗ, lợp lá cọ, gianh, nứa hoặc ngói. Nơi dựng nhà thường gần nước, gần ruộng, gần rừng, tiện đi lại và sinh hoạt, lao động. Nhà có thể dựa lưng vào núi, hướng rộng mà có thế bao bọc vì những đặc điểm này mà cư dân người Tày luôn có sự giao lưu hòa hợp với nhau, cùng nhau sinh sống, phát triển. Mỗi khi có một ai đó trong bản xây dựng nhà mới, họ đều mừng và chia vui với chủ nhà: “Nhà người dựng nơi đất đẹp quá/Chủ nhà tự ý hay hỏi thầy/Nhà chủ tự ý hay thầy bảo/Nong tằm chỉ một chín tầng mây”.
Những câu lượn Slương ấm áp, nghĩa tình, gần gũi phác thảo lên một bức tranh sinh động và đầy màu sắc về đời sống, tình cảm của người miền núi Bắc Kạn phần nào giúp ta hiểu hơn về đời sống, về phong tục tập quán, nếp sinh hoạt văn hóa truyền thống và quan niệm về cuộc sống của người Tày nơi đây. Họ gắn bó thân thiết với bản làng, quê hương xứ sở, nếp sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Những câu hát đã khỏa lấp những nhọc nhằn để họ vui vẻ và sống lạc quan yêu đời, sáng lên tâm hồn đẹp chân thành và giản dị.
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn, thực hiện Dự án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch, thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030, đã thực hiện các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Lượn Slương của người Tày huyện Chợ Mới với các nội dung: Tổ chức điền dã, điều tra đánh giá thực trạng di sản Lượn Slương tại 3 xã: Bình Văn, Yên Hân, Yên Cư. Tổ chức lớp truyền dạy cho 30 nghệ nhân; tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lượn Slương; tổ chức phục dựng và tái hiện di sản; sản xuất phim tài liệu để bảo tồn và quảng bá Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lượn Slương.