Trong thời đại số, nhiều người coi mạng xã hội là nơi thể hiện sự tự do, là thế giới riêng nên mặc sức thể hiện quan điểm cá nhân một cách cực đoan, thái quá. Thậm chí không người còn lợi dụng mạng xã hội để có những hành vi thiếu văn hóa, xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác, thậm chí bị các thế lực xấu lợi dụng...
Ứng xử trong thời đại số và toàn cầu hóa
Trong cuộc sống, người Việt Nam luôn quan tâm, coi trọng vấn đề giao tiếp, coi đây là thước đo nhận biết và đánh giá bản chất, tri thức và tầm văn hóa của một con người. Nhìn chung, cách ứng xử của người Việt Nam thiên về tình cảm, lấy tình cảm làm nguyên tắc, nên luôn đề cao vai trò của việc sử dụng ngôn ngữ sao cho vui vẻ, hài hòa, tránh hành xử khiếm nhã, gây mất hòa khí: “Lời chào cao hơn mâm cỗ”; “Lời nói chẳng mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”; “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”,…
Ngày nay, việc giao tiếp, ứng xử của con người Việt Nam đã ngày càng mở rộng ra ngoài phạm vi địa phương, cộng đồng, quốc gia; là sự giao thoa nhuần nhuyễn giữa văn hóa phương Đông và phương Tây, giữa cái mới và cái cổ điển. Đặc biệt, trong bối cảnh giao lưu, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, chúng ta đã luôn chú trọng cách ứng xử có văn hóa trong các quan hệ quốc tế nhằm phát huy tối đa “sức mạnh mềm” của quốc gia - dân tộc.
Dù ở thời kỳ nào cũng vậy, văn hóa ứng xử của người Việt Nam luôn lấy chữ “Tâm”, chữ “Nhẫn” làm nền tảng giao tiếp, biểu hiện ở sự cảm thông, chia sẻ, đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, luôn khiêm tốn, nhẫn nại, suy nghĩ thấu đáo, chủ động nhường nhịn để mối quan hệ được hòa thuận, êm đẹp, nhưng cũng rất kiên quyết đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái, bảo vệ lẽ phải, khẳng định tư duy, trí tuệ, khí phách của một dân tộc không chịu khuất phục, không chịu làm chư hầu, lệ thuộc, bảo đảm “trong ấm, ngoài êm”, giữ vững độc lập, tự chủ, ngăn chặn họa xâm lăng, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ.
Tuy nhiên, trên thực tế, không phải ai cũng nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa ứng xử và cũng không phải tất cả mọi người đều biết cách ứng xử có văn hóa, biết cách phát huy những giá trị văn hóa ứng xử tốt đẹp mà ông cha để lại. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, dưới tác động của toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ, đã và đang đặt ra những thách thức lớn trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Bên cạnh những ưu thế của không gian mạng và các phương tiện truyền thông hiện đại trong việc tạo điều kiện cho sự giao lưu văn hóa được mở rộng trên phạm vi toàn cầu, thì mặt trái của nó là sự du nhập và tác động, ảnh hưởng tiêu cực từ các sản phẩm, lối sống “lai căng” bên ngoài; chứa đựng nhiều nguy cơ phá vỡ hoặc làm băng hoại những giá trị văn hóa truyền thống.
Thực tiễn cho thấy, bên cạnh nhiều nét đẹp vẫn luôn hiện hữu trong cuộc sống của chúng ta với những con người luôn biết cống hiến, đồng cảm, chia sẻ, giúp đỡ người khác, thì cũng có không ít người dân, nhất là giới trẻ đang bị ảnh hưởng bởi lối sống ngoại lai, buông thả, có dấu hiệu quay lưng với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Sự nhầm lẫn giữa cá tính và sự lập dị khiến cho họ luôn muốn thể hiện một cách cực đoan và kỳ quái bản thân mình.
Mặt khác, cuộc sống dư giả về vật chất khiến một bộ phận giới trẻ có lối sống hưởng thụ, ích kỷ, đặt cái riêng trên cái chung, đặt lợi ích cá nhân trước lợi ích tập thể, chối bỏ trách nhiệm với cộng đồng, sống không có lý tưởng. Các giá trị đạo đức truyền thống, đạo đức trong mỗi gia đình, cũng như văn hóa ứng xử trong xã hội đang có biểu hiện xuống cấp trầm trọng và dường như, cách ứng xử thiếu văn hóa đang dần trở thành một căn bệnh có sức lây lan nhanh trong xã hội. Không khó để chúng ta bắt gặp những hành vi lệch chuẩn trong ứng xử, nhất là ở nơi công cộng thời gian qua.
Trong thời đại số, nhiều người coi mạng xã hội là nơi thể hiện sự tự do, là thế giới riêng, khó kiểm soát, nên mặc sức thể hiện quan điểm cá nhân một cách cực đoan, thái quá; lợi dụng mạng xã hội để có những hành vi thiếu văn hóa, không đúng chuẩn mực đạo đức xã hội, xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác, thậm chí bị các thế lực xấu lợi dụng để kích động, nhằm gây bất ổn chính trị, xã hội,…
Trong khi đó, với một lượng lớn những người trẻ tuổi tham gia tương tác trên mạng xã hội khi tâm sinh lý vẫn chưa ổn định, chưa đủ kiến thức xã hội và bản lĩnh vững vàng thì việc không có chính kiến, thậm chí là bị ảnh hưởng tiêu cực là khó tránh khỏi. Nhiều người vô cớ bị nói xấu, lăng mạ trên không gian mạng đã rơi vào tình trạng trầm cảm, hoảng loạn; không ít các vụ việc đau lòng đã xảy ra liên quan đến cách ứng xử phản văn hóa trên không gian mạng; một số trường hợp vì đồng tiền và danh vị chà đạp lên tình nghĩa gia đình, quan hệ thầy trò, đồng chí, đồng nghiệp...
Đó là những mảng màu u ám đã và đang làm ảnh hưởng đến bức tranh văn hóa toàn cảnh trong sáng của đất nước; gióng lên những hồi chuông cảnh báo về cách ứng xử của con người trong đời sống xã hội hiện nay.
Chú trọng củng cố, phát huy những giá trị tích cực
Để khắc phục những hiện tượng lệch chuẩn về cách ứng xử của con người trong bối cảnh hiện nay, chắc chắn sẽ cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhằm củng cố, xây dựng và phát triển môi trường văn hóa lành mạnh; trong đó, cần bắt đầu từ chính môi trường gia đình - nơi đầu tiên đặt nền móng cho cách ứng xử có văn hóa của mỗi cá nhân.
Đảng ta đã khẳng định: “Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta”. Môi trường văn hóa gia đình lành mạnh là “vaccine” quan trọng nhất giúp tăng khả năng “miễn dịch” trước những tiêu cực và hệ lụy từ sự “xâm lăng văn hóa” - mặt trái của toàn cầu hóa và thời đại số.
Việc đón nhận cái mới từ bên ngoài một cách thiếu chọn lọc, không chỉ làm suy thoái lối sống và đạo đức xã hội, mà còn tạo ra một nền văn hóa lai căng, thiếu bản sắc. Vì vậy, thời gian tới, chúng ta cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đã được chỉ ra trong các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về lĩnh vực văn hóa, con người, trong đó tập trung vào một số giải pháp căn bản sau:
Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của văn hóa ứng xử, vì chỉ có thay đổi nhận thức, con người mới có thể thay đổi hành vi để ứng xử đạt chuẩn mực văn hóa.
Thứ hai, đẩy mạnh xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; phát huy những giá trị tích cực về thuần phong mỹ tục của gia đình và xã hội; nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết; trọng tình nghĩa, trọng công lý và đạo lý xã hội. Tăng cường giáo dục thẩm mỹ, gắn với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng xã hội cho nhân dân, đặc biệt là giới trẻ.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai có hiệu quả các quy tắc ứng xử văn minh trong các cơ quan công quyền, trong cộng đồng, nhất là trong không gian mạng, trong giới văn nghệ sĩ,…
Thứ tư, coi trọng xây dựng văn hóa từ trong Đảng và trong bộ máy Nhà nước. Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 các khoá XI, XII và đặc biệt là các kết luận, quyết định của Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII của Đảng mới đây về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực; chống chủ nghĩa cá nhân, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa “xây” và “chống”, trong đó, “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên.
Thứ năm, xây dựng, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật với những điều khoản, quy định chặt chẽ về cách ứng xử của mỗi cá nhân; có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức và quy tắc xã hội, tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để vừa có tính giáo dục, vừa có tính răn đe, giúp mỗi cá nhân biết tự điều chỉnh hành vi, suy nghĩ của mình. Mặt khác, cần phát huy hơn nữa vai trò của báo chí, các phương tiện truyền thông hiện đại, góp phần tuyên truyền, cổ động các cuộc vận động xây dựng văn hóa ứng xử; phát hiện, cổ vũ cách làm hay, những gương người tốt, việc tốt điển hình; đồng thời phản ánh những thói hư, tật xấu, phê phán những biểu hiện lệch chuẩn về cách ứng xử của con người, góp phần xây dựng môi trường văn hóa thực sự lành mạnh, văn minh.