Vài nét về dân tộc Xinh Mun

17/08/2021 13:05

(DTTG) Dân tộc Xinh Mun hiện nay có dân số gần 2 vạn người, cư trú chủ yếu ở các vùng biên giới Việt – Lào, chủ yếu ở 2 huyện Yên Châu và Sông Mã. Phong tục tập quán của người Xinh Mun có nhiều điểm tương đồng với người Thái, người Lào do giao thoa văn hóa và cư trú gần với 2 dân tộc này.

Trang phục của người Xinh Mun. (Ảnh:Internet)
Trang phục của người Xinh Mun. (Ảnh:Internet)

Người Xinh Mun còn có tên gọi là Puộc, Xá, Pnạ. Tiếng nói dân tộc Xinh Mun thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer.

Trong hoạt động sản xuất họ sống chủ yếu bằng nghề làm nương rẫy, trồng lúa nếp và ngô là chính. Có loại nương chọc lỗ tra hạt giống, có nương dùng cuốc và có nương dùng cày để canh tác. Một số nơi có ruộng nước. Trước kia đồng bào nuôi trâu, dê, lợn …thả rông, nay nhiều bản đã làm chuồng xa nhà cho súc vật. Hái lượm và săn bắn góp phần quan trọng cho đời sống đồng bào. Nghề đan lát khá phát triển, đồ đan đẹp và bền, đồng bào thường đổi đồ đan cho người Thái, người Lào để lấy một phần đồ mặc và đồ sắt. Người Xinh Mun có tập quán ăn trầu, nhuộm răng đen, uống rượu cần, thích gia vị cay.

Trước kia, người Xinh Mun sống du canh, du cư, nay đồng bào đã sống ổn định và lập những làng đông đúc. 

Trong hôn nhân, phổ biến là tục ở rể. Nhà trai phải đưa tiền cho nhà gái. Sau lễ dạm, lễ hỏi mới đến lễ đi ở rể. Trước đây con trai phải ở rể khoảng 8-12 năm hoặc ở rể suốt đời nếu bên vợ không có con trai. Trong lễ cưới đi ở rể, cô dâu, chú rể phải đổi tên của mình lấy một tên mới chung cho cả hai người. Tên chung này do bố mẹ vợ, ông cậu đặt cho, đôi khi lại phải bói xin âm dương để tìm tên chung. Cô dâu búi tóc ngược lên đỉnh đầu biểu hiện là người con gái đã có chồng. Ngay trong hôm cưới đi ở rể, đôi vợ chồng mới cưới trở về nhà trai 2, 3 ngày rồi mới sang ở hẳn nhà gái cho đến hết thời gian ở rể. Lễ cưới đưa dâu về nhà trai tổ chức sau khi hết thời gian ở rể, lúc đó đôi vợ chồng đã có một hoặc vài con. Lễ lại mặt tổ chức sau đó vài ngày, hay một năm.

Chuyện sinh đẻ, phụ nữ có mang vẫn đi nương, đi rừng cho đến tận ngày sinh. Sản phụ đẻ ngồi cạnh bếp nấu cơm, ngay trong nhà. Mẹ chồng, chồng hay một bà già láng giềng đỡ đẻ. Cắt rốn bằng cách: kéo rốn dài đến mắt cá chân đứa trẻ rồi buộc nút lại, từ đó lại kéo dài tiếp một đoạn như thế nữa rồi mới cắt. Nhau đẻ đựng trong ống tre, treo lên cây cao nơi có ít người qua lại. Trẻ gần một tuổi mới mời thầy cúng về, làm lễ đặt tên.

Nhà của dân tộc Xinh Mun. (Ảnh:Internet)
Nhà của dân tộc Xinh Mun. (Ảnh:Internet)

Nhà mới: Người Xinh Mun có tập quán ai dựng nhà thì cả bản đến giúp nên nhà chỉ làm vài ngày là xong. Đồng bào ở nhà sàn mái hình mai rùa, có hai thang lên xuống, ở hai đầu hồi. Họ thường làm nhà vào dịp sau vụ gặt và chọn đất dựng nhà bằng cách bói xem đất dựng nhà bằng bói xem đất có hợp với các thành viên trong nhà không. Ngày nước (các ngày 2, 6, 8, 9 trong tháng) thích hợp với việc làm nhà. Kiêng ngày hoả tức các ngày 1 và 7. Ông cậu là người dựng cột chính, trên treo nhiều vật tượng trưng cho sự phồng thực, đầy đủ của gia đình như bông lúa, con dao, cái thớt... Ông cậu cũng là người đốt ngọn lửa đầu tiên trên bếp nấu cơm của căn nhà mới. Ngọn lửa ấy được giữ không tắt trong suốt đêm đầu tiên.

Việc Ma chay của người Xinh Mun đó là khi tiếng súng trong nhà báo hiệu có người chết, cùng lúc đó người con trai ném ông đầu rau vào nơi thờ cúng tổ tiên bày tỏ một sự giận giữ truyền thống. Mọi điều kiêng kỵ hàng ngày của gia đình cũng như của người con rể nay được huỷ bỏ, người ta nấu cơm trên bếp sưởi, đặt tai ninh theo chiều ngang nhà, con rể lo mọi việc cơm nước. Không dùng quan tài gỗ mà chỉ bó cót. Chọn đất đào huyệt bằng cách ném trứng trên khu vực định sẵn, trứng vỡ ở đâu thì huyệt được đặt ở đó. Nhà mồ được làm cẩn thận, có đủ thứ cần thiết tượng trưng cho người chết. Người Xinh Mun không có tục cải táng và tảo mộ.

Trong thờ cúng, họ thờ cúng tổ tiên hai đời, bố mẹ và ông bà. Biểu trưng cho nơi thờ tổ tiên là một chiếc xương hàm lợn, ít trầu đựng trên nắp giỏ cơm, ống tre đựng nước. Cúng vào các dịp cơm mới, đám cưới, nhà mới. Việc thờ cúng tổ tiên, tuỳ nơi, có thể chỉ do anh cả, cũng có thể do các anh em trai cùng đảm nhiệm. Bố mẹ vợ được thờ riêng ở một chiếc lán nhỏ, bên cạnh nhà, cơm nước cúng được nấu ở ngoài nhà. Lễ cúng bản hàng năm rất được coi trọng.

Trong các lễ hội của người Xinh Mun. (Ảnh:Internet)
Trong các lễ hội của người Xinh Mun. (Ảnh:Internet)

Người Xinh Mun thích hát và múa vào các dịp tết lễ, ngay trên nhà. Trai gái, nam nữ hát đối với nhau rất tự nhiên.

Trong trang phục, trang phục truyền thống của nam giới Xinh Mun có phần hơi đơn giản. Ngoài bộ quần áo mặc hàng ngày, người đàn ông Xinh Mun chỉ có thêm chiếc khăn quấn trên đầu, chiếu túi đeo bên người khi đi nương, xuống chợ. Áo dài ngang tới bắp chân, áo được may bằng vài dệt sợi bông, nhuộm chàm, có màu xanh đen, giống chiếc áo dài của đàn ông Thái Đen, Khơ Mú...

Trang phụ nữ truyền thống gồm váy, áo, khăn, thắt lưng. Váy thường may ngắn hở bắp chân, tạo thành một vòng khép kín chu vi khoảng 100-120cm. Cạp váy rộng 8cm bằng vải hoa. Gấu váy rộng 3m bên trong nẹp bằng vải đỏ. Khi mặc người ta kéo sát phía sau thân váy bó vào mông, phần còn thừa dồn hai bên hông và kéo về phía trước bụng. Khi mặc váy bao giờ phụ nữ Xinh Mun cũng phải dùng thắt lưng thắt chồng khít lên phần cạp váy. Thắt lưng dệt bằng tơ tằm, dài khoảng 2,5m, rộng khoảng 15cm nhuộm màu xanh lá cây.

Lò Thị Minh, tộc Xinh Mun, trong kỳ thi Hoa hậu Dân Tộc năm 2013. (Ảnh:Internet)
Á hậu 1 Lò Thị Minh, dân tộc Xinh Mun, trong cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam năm 2013. (Ảnh:Internet)

Qua nhiều năm chung sống, hội nhập với các dân tộc khác, nhiều nét văn hóa truyền thống của người Xinh Mun, như: Trang phục, tiếng nói, phong tục tập quán... đã không còn được bảo tồn nguyên vẹn, thậm chí bị mai một.

Thuở xa xưa, người Xinh Mun cũng có tiếng nói riêng, thuộc ngữ hệ Môn - Khmer, nhưng dần dần trong quá trình sinh sống đã có sự giao thoa với ngôn ngữ của dân tộc Thái. Người Xinh Mun ở Chiềng Sơ hiện nay sử dụng tiếng Thái thông thạo hơn tiếng dân tộc mình trong sinh hoạt, giao tiếp.

Trong bối cảnh cuộc sống hiện đại, việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số là nhiệm vụ cấp thiết để phát triển bền vững đất nước. Chính vì vậy , trước thực trạng này, Đảng và Nhà nước ta đang có những chủ trương, giải pháp khuyến khích người dân sử dụng ngôn ngữ, trang phục hoặc xây dựng các mô hình phục dựng, bảo tồn có hiệu quả những lễ hội truyền thống để giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc trước nguy cơ bị mai một.

Theo dantoctongiao.congly.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO