Vượt qua nghịch cảnh, gỡ bỏ định kiến xã hội, nỗ lực vươn lên với khát khao khẳng định bản thân, nhiều phụ nữ DTTS ngày càng tự tin, xác lập vị thế của mình trong xã hội. Hành trình vươn lên đó vừa lâu dài, vừa bền bỉ và cũng không ít chông gai. Nhưng đó cũng là hành trình của khát vọng, niềm tin và hạnh phúc.
Phụ nữ DTTS và con đường khẳng định mình
Theo UNDP (Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc), Việt Nam hiện có gần 7,1 triệu phụ nữ DTTS. Nếu như trước đây phụ nữ DTTS luôn nằm trong nhóm yếu thế thì những năm gần đây, Liên Hợp quốc đánh giá Việt Nam luôn là 1 trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững.
Trong lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam, người phụ nữ nói chung và phụ nữ DTTS nói riêng đã có những đóng góp vô cùng quan trọng. Bước vào giai đoạn hội nhập, phụ nữ vùng đồng bào DTTS Việt Nam cũng không ngừng phát huy vai trò của bản thân, trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội. Đây cũng là lý do, là điều kiện để vị thế của người phụ nữ vùng đồng bào DTTS ngày càng được khẳng định.
Thực tế, chúng ta đều tìm thấy sự có mặt của phụ nữ DTTS tiêu biểu, thành công, có tầm ảnh hưởng và truyền cảm hứng cho đông đảo phụ nữ Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Trong lĩnh vực chính trị, trong số 89 đại biểu Quốc hội khóa XV là người DTTS, có 44 người là nữ, chiếm 44,93%.
Trong đó đại biểu nữ trẻ nhất là chị Quàng Thị Nguyệt, sinh năm 1997, người dân tộc Khơ Mú; cô giáo Nàng Xô Vi, người dân tộc Brâu. Ngoài ra, còn có các nữ đại biểu thuộc các dân tộc Mông, Khmer, Chăm, Tày, Thái, La Chí…
Các nữ đại biểu Quốc hội người DTTS đã luôn tỏ rõ bản lĩnh, trí tuệ, tài năng, tâm huyết của mình, xứng đáng là những phụ nữ ưu tú, đại biểu của đồng bào các DTTS. Kinh nghiệm hoạt động của các nữ đại biểu cũng không ngừng được nâng lên; tỉ lệ phát biểu, tham gia tại các kỳ họp luôn ở mức cao; nhiều ý kiến được tiếp thu, có sức thuyết phục. Nhiều nữ đại biểu Quốc hội người DTTS được Đảng, Nhà nước tín nhiệm, giao trọng trách làm lãnh đạo Hội đồng Dân tộc; trưởng, phó đoàn đại biểu và các vị trí khác trong hệ thống chính trị.
Trong lĩnh vực kinh tế, nhiều phụ nữ DTTS ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn vươn lên làm kinh tế giỏi, làm chủ/tham gia quản lý các hợp tác xã/Tổ hợp tác. Thành công của các mô hình kinh tế do phụ nữ DTTS làm chủ, không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn tạo công ăn việc làm cho phụ nữ DTTS trên địa bàn, nhiều mô hình có sức lan tỏa sâu rộng trong phát triển kinh tế ở địa phương.
Đơn cử như mô hình phát triển kinh tế của phụ nữ DTTS huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, với 2.600 hộ phụ nữ nghèo vay vốn, tổng dư nợ gần 110 tỷ đồng. Tính đến tháng 3/2022 đã có 1.561 phụ nữ làm kinh tế giỏi, có mô hình cho thu nhập từ 400 triệu đến 500 triệu đồng mỗi năm. Tiêu biểu là Câu lạc bộ nữ xoài Yên Châu với 39 chị em DTTS tham gia từ năm 2020 đã cho thu nhập hơn 4 tỷ đồng/năm…, nhờ đó, tỷ lệ hội viên phụ nữ nghèo giảm, hộ có thu nhập cao, ổn định ngày một tăng, nhiều hội viên có thu nhập từ 200 – 300 triệu đồng/năm.
Theo báo cáo sơ kết Đề án 1898 (Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS” giai đoạn 2018-2021), sau 4 năm thực hiện có hiệu quả các hoạt động trong đề án, đã góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ DTTS trong các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Đặc biệt, trong lĩnh vực kinh tế, tỷ lệ phụ nữ DTTS tham gia vào các ngành công nghiệp, dịch vụ đã tăng lên, số lao động là nữ DTTS trong ngành nông, lâm nghiệp giảm dần. Đây là bước tiến quan trọng, khẳng định phụ nữ DTTS đã từng bước “ly nông”, hội nhập vào xu thế chuyển dịch lao động chung.
Chị em phụ nữ dân tộc thiểu số hiện nay cũng rất chủ động thích ứng với thời cuộc. Qua thực tế, khi tới các địa bàn đông người dân tộc thiểu số, tôi thấy nhiều chị em rất năng động, tích cực tham gia các hoạt động Hội; đồng thời, chị em cũng đã biết sử dụng vốn vay ưu đãi thông qua tổ chức Hội để phát triển kinh tế bằng cách làm homestay, làm các sản phẩm truyền thống hay để phát triển các cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Đây là những tín hiệu đáng mừng, cho thấy chị em đã nhận ra vai trò, vị thế của bản thân và biết sử dụng, biết phát huy những lợi thế, những ưu đãi về chính sách để phát triển không chỉ cho bản thân mà cho cả cộng đồng.
Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam
Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội - giáo dục, phụ nữ DTTS cũng đạt được nhiều thành tích nhất định, nhiều chị em đã trở thành những nhà hoạt động xã hội, những nhà giáo dục có uy tín và cống hiến cho sự phát triển của cộng đồng.
Đặc biệt, phụ nữ DTTS đóng góp một phần rất quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc - cốt lõi của sự phát triển bền vững trong tình hình mới. Với nhiều hình thức khác nhau như việc tập trung phát triển du lịch cộng đồng gắn với các giá trị văn hóa bản địa hay gìn giữ các ngành nghề truyền thống, phụ nữ DTTS đang là những người chủ động đưa văn hóa của dân tộc mình trở thành di sản văn hóa quốc gia và quốc tế.
Điển hình như năm 2021, nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Năm 2022, nghệ thuật làm gốm Bàu Trúc của người Chăm được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Giờ đây, phụ nữ DTTS đã xác lập được vị thế mới, từ trình độ học vấn đến chuyên môn, nghiệp vụ được nâng cao, có việc làm, được cải thiện rõ rệt về đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần, tham gia ngày càng nhiều hơn vào công việc xã hội, bình đẳng trên mọi lĩnh vực, đóng góp ngày càng lớn hơn cho xã hội và gia đình… Nhận thức của chị em phụ nữ về quyền làm chủ, về bình đẳng giới đang thực sự có nhiều đổi thay tích cực.
Tập trung nguồn lực thúc đẩy quyền của phụ nữ DTTS
Quan tâm chăm lo, nâng cao vị thế cho phụ nữ DTTS là chủ trương, chính sách nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã chỉ rõ: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tăng cường các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kĩ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào DTTS, miền núi”.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với 10 dự án thành phần được giao cho các bộ, ngành tham gia chủ trì, quản lý và tổ chức thực hiện theo hướng đầu tư tổng thể, toàn diện phát triển vùng DTTS và miền núi.
Các hoạt động làm giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người DTTS đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động được triển khai thực hiện thông qua nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội góp phần thay đổi bộ mặt vùng DTTS, như: Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2015 - 2020, Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới, Chương trình 135, Chương trình 30a… Vai trò và tiếng nói của phụ nữ tham gia vào quá trình lập kế hoạch, thực hiện và giám sát các công trình đã được chú trọng, được bộ ngành lồng ghép vào các văn bản hướng dẫn thực hiện như quy định tỷ lệ nữ trong Ban chỉ đạo, Ban giám sát...
Để hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện và nâng cao tiềm năng kinh tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã triển khai các chương trình, phát động nhiều cuộc vận động thiết thực như chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương"; Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; các đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội nhằm xóa bỏ những định kiến khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng; đồng thời, hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ.
Dự án 8 đã được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thiết kế với nhiều hoạt động hỗ trợ, xây dựng mô hình, tuyên truyền, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm", xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng; xây dựng, nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; các hoạt động bảo đảm tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em DTTS trong các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội... hướng tới góp phần thực hiện thành công mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi.
Để nâng cao vai trò của phụ nữ DTTS, thực hiện thắng lợi các mục tiêu về bình đẳng giới, thì việc huy động nguồn lực từ các chương trình, dự án có nguồn tài trợ quốc tế là rất cần thiết. Đơn cử như Dự án “Nâng quyền kinh tế của phụ nữ DTTS tại Việt Nam” (AWEEV) do Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam đã được khởi động từ đầu năm 2022.
Đây là dự án nhằm mục tiêu tăng cường phúc lợi kinh tế cho phụ nữ DTTS tại Việt Nam, thông qua việc thúc đẩy việc thực hiện quyền kinh tế, tăng cường sự tham gia của họ vào các hoạt động kinh tế được trả công; đồng thời tăng cường tiếng nói và năng lực lãnh đạo của chính phụ nữ DTTS, trong các quyết định liên quan đến hoạt động kinh tế hộ gia đình, các hoạt động sinh kế và sản xuất kinh doanh. Việc tăng phúc lợi kinh tế và chất lượng cuộc sống sẽ góp phần giảm tình trạng nghèo của phụ nữ DTTS và gia đình của họ.
Cần tiếp tục quan tâm hoàn thiện hệ thống luật
pháp, chính sách cho đồng bào DTTS và cho phụ nữ DTTS; coi công tác dân tộc là vấn đề bình đẳng, đoàn kết, đảm bảo quyền con người, quyền công dân là một trọng tâm ưu tiên trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước.TS. Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
Để phụ nữ DTTS tiếp cận đầy đủ cơ hội phát triển thời gian tới cần tập trung vào các giải pháp như:
Một là, triển khai, thực hiện tốt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; Huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN, trong đó, nguồn lực Nhà nước giữ vai trò quan trọng, quyết định để huy động các nguồn lực khác. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc.
Hai là, các cơ quan chức năng cần phân tích các chính sách hiện hành; đề xuất sửa đổi những bất cập của chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế ở vùng DTTS nói chung, chính sách đối với phụ nữ DTTS nói riêng qua đó rút ngắn dần khoảng cách giữa vùng đồng bào dân tộc miền núi với vùng đồng bằng, giữa các cộng đồng dân tộc và giữa đàn ông và phụ nữ DTTS.
Ba là, nâng cao hiệu quả nguồn lực đầu tư; ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho địa bàn đặc biệt khó khăn; tích cực vận động các nguồn hỗ trợ từ cộng đồng doanh nghiệp; tổ chức trong nước và quốc tế để hỗ trợ mô hình phụ nữ DTTS khởi nghiệp cải thiện sinh kế, việc làm và thu nhập.
Bốn là, tăng cường cơ hội cho các nhóm nữ DTTS yếu thế được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách, dịch vụ hỗ trợ giáo dục và đào tạo nghề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ DTTS.
Năm là, xây dựng các mô hình hỗ trợ phụ nữ DTTS sau khi học nghề được chuyển đổi việc làm, cải thiện việc làm; hỗ trợ nữ thanh niên DTTS mới tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông tìm việc làm tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp.
Sáu là, tiếp tục tác động mạnh mẽ để thay đổi nhận thức và hành động của xã hội đối với phụ nữ DTTS; Khuyến khích sự tham gia của phụ nữ DTTS vào quá trình thay đổi cuộc sống. Đồng thời, chú trọng tuyên truyền giúp phụ nữ DTTS phát huy nội lực và tương trợ giúp đỡ nhau về vốn, ngày công, khoa học - kỹ thuật, kinh nghiệm để phát triển kinh tế gia đình, ổn định đời sống, từng bước xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Những đổi thay, những thành tựu đã đạt được tạo ra dấu ấn mạnh mẽ cho phụ nữ vùng DTTS, ngày càng nhiều cơ hội mới đang mở ra cho sự phát triển của họ trên mọi lĩnh vực. Chúng ta tự hào về những thành quả của phụ nữ DTTS và tin tưởng mạnh mẽ vào năng lực nội tại của họ, đang tham gia tích cực và đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.