Văn hóa

Tục xin chữ - Nét đẹp ngày Tết

D. Thảo 11/02/2024 - 12:29

Văn Miếu Quốc Tử Giám không chỉ là biểu tượng của một Hà Nội ngàn năm văn hiến mà còn là một địa điểm du lịch hấp dẫn, một di tích lịch sử hàng đầu. Là trường đại học đầu tiên của Việt Nam, Văn Miếu trở thành điểm đến của đông đảo du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là dịp đầu Xuân.

Những người đến Văn Miếu đều mong muốn được đến dâng lễ trước ban thờ Khổng Tử và các bậc tiên hiền trong Đại Bái Đường, cùng ban thờ danh nhân Chu Văn An trong nhà Thái Học để tỏ lòng thành kính với những người Thầy của muôn đời và cầu mong những điều tốt đẹp, sự học hanh thông cho bản thân và gia đình trong năm mới.

2004_2_160172.jpg
Tục xin chữ thể hiện nét đẹp văn hóa của người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung.

Hội chữ Xuân Giáp Thìn 2024 có sự tham gia của 40 ông đồ, được bố trí xung quanh Hồ Văn thuộc di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám phục vụ nhu cầu của du khách đến xin chữ nhân dịp đầu xuân năm mới. Hội Chữ Xuân tổ chức triển lãm Thư pháp với chủ đề Hiếu Học chính để tiếp tục tôn vinh giá trị truyền thống tốt đẹp ngàn năm.

Cùng với hoạt động viết chữ, Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức nhiều hoạt động văn hóa mang tính truyền thống để phục vụ khách du xuân như: Tái hiện không gian giáo dục thi cử truyền thống; giới thiệu làng nghề, sản phẩm thủ công truyền thống Hà Nội cùng chương trình nghệ thuật biểu diễn ca trù, quan họ, hát chèo, hát xẩm, chầu, múa rối nước, múa lân sư rồng…

Năm nay, việc bố trí không gian Hội chữ Xuân Giáp Thìn 2024 ở khu vực Hồ Văn thuộc Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám là sự mới mẻ so với những năm trước, giúp lan tỏa mạnh mẽ hơn các giá trị văn hóa tới đông đảo người dân và du khách.

Bên cạnh Hội chữ Xuân, năm nay tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn tổ chức trưng bày với chủ đề “Khơi nguồn đạo học” tại Hậu đường nhà Thái học. Sử dụng hơn 300 tài liệu hiện vật, chia 4 phần nội dung chính được giới thiệu theo dòng lịch sử để tái hiện lại cuộc đời và những đóng góp của vua Lý Thánh Tông, vua Lý Nhân Tông, vua Lê Thánh Tông, thầy giáo Chu Văn An và những người có tầm ảnh hưởng như Nguyên phi Ỷ Lan, danh nhân khoa bảng Lê Văn Thịnh, Thân Nhân Trung, Lương Thế Vinh...

Trưng bày cũng kết nối nội dung với trưng bày “Quốc Tử Giám-Trường Quốc học đầu tiên” thành một chỉnh thể, giúp công chúng hiểu rõ hơn về lịch sử ra đời, phát triển của khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Bên cạnh đó, thông qua các tài liệu, hiện vật liên quan đến các danh nhân, trưng bày sẽ tái hiện thành một không gian di sản văn hóa danh nhân đáp ứng nhu cầu của khách tìm hiểu về những đóng góp của họ đối với giáo dục, bồi dưỡng nhân tài và những bài học kinh nghiệm vẫn còn nguyên giá trị trong đời sống xã hội hiện nay.

Kéo dài đến ngày 19/2 (mùng Chín tháng Giêng năm Giáp Thìn), Hội chữ Xuân được tổ chức nhằm góp phần bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, tôn vinh truyền thông tôn sư trọng đạo, khích lệ tinh thần học tập, vươn lên của thế hệ trẻ và góp phần từng bước nâng cao trình độ thẩm mỹ, hiểu biết về nghệ thuật thư pháp của người viết chữ cũng như công chúng Thủ đô.

Nói về việc xin chữ, người xưa có câu “nhất tự thiên kim” tức là “một chữ đáng nghìn vàng”. Cho chữ đầu năm đó còn là một mong ước đi đúng đường, đúng lối, thuận buồm xuôi gió cũng như sự hanh thông, tài lộc suốt một năm. Người cho chữ cũng phải có tâm và có tầm, hiểu được ý nghĩa của từng con chữ mới có thể chỉ đúng đường, đúng lối cho người xin chữ đạt được ước nguyện được gửi gắm qua từng nét bút.

Tết đến chúc nhau những ước mơ

Đón xuân xin chữ của ông Đồ

Cầu bền lộc thọ, trời ban phúc

Nguyện vững khang ninh, tổ tạo cơ

Tâm đức nhủ ta nên giữ đạo

Nghĩa nhân khuyên cháu phải tôn thờ

Hân hoan nâng cốc, Giao thừa tới

Rộn rã lòng xuân, vọng tiếng thơ.

Xin chữ và cho chữ vốn là nét văn hóa đẹp của người Hà Nội dịp đầu năm, thể hiện tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo, mong ước thành đạt trong năm mới.

Đến tham quan Văn Miếu mỗi năm, không chỉ là những người theo đuổi công danh sự nghiệp, mong ước khát vọng trí tuệ, những sinh viên, học sinh, mà còn những khách tham quan, khách nước ngoài… Ai nấy khi đến thăm và cầm những đồ vật như món quà lưu niệm hay những sợi dây đeo cổ, đeo tay, những bức thư pháp tươi màu mực đến những vật trang trí đều hiển hiện những chữ học, đức, tâm, minh, hòa, đăng khoa, mang theo mong ước đẹp về sự học.

Ngày nay, việc xin và cho chữ được phát triển ra nhiều nơi trong cả nước. Xin chữ thư pháp thường bằng từ Hán Việt, xưa các cụ viết chữ Hán, nhưng ngày nay, đa số được thay thế chữ Quốc ngữ, dễ đọc, dễ hiểu. Tùy vào nguyện vọng của mỗi người, họ sẽ xin mỗi con chữ khác nhau. Người lớn thích xin các chữ “Phúc”, “Lộc”, “Thọ”, “An Khang”, “Cát Tường” nhằm cầu mong sự bình yên cho gia đình con cháu.

snapedit_1707615163414.jpg
Ngày đầu xuân năm mới, xin chữ để mong mọi điều tốt lành, bình an.

Người đi học thường xin chữ “Trí”, “Tài”, “Nhẫn”. Người buôn bán, kinh doanh xin chữ “Hưng”, “Thịnh”, “Phát”, “Tín”, “Vượng”, “Phát Tài”, “Phát Lộc” mong cho công việc kinh doanh được phát triển, thuận buồm xuôi gió. Người thành đạt xin chữ “Nhẫn” để cầu tỉnh táo, “Công thành danh toại” để thăng quan, tiến chức. Người trung niên xin chữ “Tâm”, “Đức”. Thanh niên nam nữ xin chữ: “Danh”, “Duyên”, “Hiếu”, “Trung”, “Nghĩa”, “Lễ” để mong duyên lành, để răn mình, để hướng tới. Xin chữ “Thọ” để mừng các bậc cao niên. Học sinh thường xin chữ “Trí tuệ”, “Minh”, “Thành”, “Đạt”, “Đăng Khoa” để cầu học hành giỏi giang. Việc xin chữ cũng không còn nặng nghi lễ như thuở xưa. Tuy nhiên, hình ảnh người viết câu đối, người viết lời chúc, người viết chữ… người xếp hàng, ngồi ghế chờ đến lượt, trân trọng cầm tờ giấy còn ướt mực, ngắm nét chữ “phượng múa, rồng bay” cũng đủ là một hình ảnh đẹp đẽ, rực rỡ ngày đầu xuân năm mới.

Cùng với tục khai bút đầu năm, tục xin chữ thể hiện nét đẹp văn hóa, tinh thần hiếu học, trọng chữ nghĩa của người Việt đang được hồi sinh. Ông đồ như một biểu tượng của sức sống văn hóa ngàn đời, khiến mỗi người quay về với nét phong tục xưa, cái Tết xưa ấm cúng. Hình ảnh đó đã trở thành biểu tượng của ngày Tết, của sự may mắn trong ngày đầu năm mới, cần được gìn giữ và phát huy.

Chiều 10/2 (Mùng 1 Tết Nguyên đán), hàng nghìn người đã đến Văn Miếu Quốc Tử Giám để xin chữ, cầu mong năm mới an khang, thịnh vượng. Ngay từ buổi trưa, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã chật cứng dòng người. Tại khu vực quầy bán vé, người dân đứng xếp hàng dài chờ mua vé do lượng khách tăng cao đột biến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO