Văn hóa

Tục rước y trang tín ngưỡng của đồng bào Raglai, Chăm

Thanh Hoà 21/12/2023 - 16:03

Lễ hội Katê rất đặc sắc trong đời sống tinh thần của đồng bào Chăm. Trong đó, lễ rước y trang (rước xiêm y Thánh Mẫu Ina Nagar và Vua Po Klong Garai) là “hồn cốt” của lễ hội Katê. Đây là lễ nghi quan trọng bậc nhất trong đời sống tín ngưỡng của đồng bào Raglai và Chăm ở Ninh Thuận.

Hàng trăm năm qua, nghi thức này cùng bộ xiêm y Thánh Mẫu Ina Nagar và Vua Po Klong Garai được nâng niu, gìn giữ như “báu vật” quý giá nhất.

Nét đặc sắc văn hóa Chăm

Đến làng Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Thuận Nam vào tháng 9 hàng năm, không khí luôn nhộn nhịp, tươi vui khi nhà nào cũng trang hoàng sạch đẹp và tổ chức luyện tập văn nghệ để chuẩn bị rước y trang Thánh Mẫu Ina Nagar và Vua Po Klong Garai về làng.

z4994947469281_5020c0d299de6bbea95ce09843060247.jpg
Lễ đón rước y trang về làng Hữu Đức, xã Phước Hữu

Các vị cao niên và chức sắc trong làng Hữu Đức cho biết: Vào buổi chiều của ngày lễ Katê đầu tiên (giữa tháng 9 hàng năm), đồng bào Chăm sẽ làm nghi lễ tiếp nhận y trang từ người Raglai, rồi rước đi quanh làng.

Ông Mười Nhảy - người dân tộc Chăm, Phó Ban Quản lý Di tích tháp Po Klong Grai, cho biết: “Trước giờ rước y trang Thánh Mẫu Ina Nagar và Vua Po Klong Garai từ thôn Giá về làng Hữu Đức, việc cúng y trang sẽ được tiến hành tại hai nhà tộc họ đang giữ y trang”.

z4994944344811_623edc8b79218f06b0bd20ccdea5ead4.jpg
Lễ cúng y trang tại các tộc họ trong làng Hữu Đức, xã Phước Hữu.

Tiếp đó, y trang được rước về đền thờ Thánh Mẫu Pô Inư Nưgar ở làng Hữu Đức, xã Phước Hữu, để thờ cúng cho đến hết mùa lễ hội Katê.

Người Chăm quan niệm dân tộc Raglai là em út của gia đình nên được giữ trọng trách trông coi trang phục, y trang, tài sản của các vị vua Chăm. Vào mùa lễ hội, người Raglai xuống trao y trang, ông từ giữ đền sẽ dâng cúng lễ vật, xin phép thần cho rước y trang về tháp. Khi các nghi lễ đón kết thúc, y phục của vua được đưa lên kiệu và khiêng đi giữa đoàn rước. Dẫn đầu đoàn là 1 tốp khoảng 5 người Raglai vừa đi vừa thổi kèn bầu, đánh mã la, theo sau lần lượt là ông Cả sư, thầy kéo đàn kanhi, bà Bóng, tiếp theo là những người cầm cờ, đoàn người phụ lễ và dân làng.

z4994950060196_f2c9526d18b26f1701ed0f926d35a589.jpg
Lễ rước y trang về đền thờ Thánh Mẫu Po Klong Glai.

Sau các nghi thức truyền thống thì làng bắt đầu vào phần hội trên sân vận động của làng. Với nền nhạc chủ đạo là các nhạc cụ truyền thống như kèn Saranai, trống Ghinang, trống Paranưng... màn múa hát của nam nữ, với đủ các lứa tuổi, được trình diễn trên khắp mặt sân. Lễ rước y trang là màn khai hội đầy màu sắc dân gian, mang đậm bản sắc truyền thống văn hóa Chăm, là một phần quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của đồng bào Raglai, Chăm nơi đây.

Ngày nay, nghi thức lễ rước y trang không những được tái hiện trong lễ hội Katê của làng Chăm Hữu Đức, mà còn xuất hiện trong nghi thức cúng đầu năm của đồng bào Raglai ở xã Phước Hữu, huyện Thuận Nam. “Y trang phải “có mặt” trong nghi lễ, đây là quy định của tổ tiên từ xưa để lại cho con cháu đồng bào Raglai. Tại đây, các tộc họ sẽ đem y trang ra phơi, kiểm tra y trang có bị cũ, hư hỏng và báo lại cho ban phong tục đền thờ Pô Inư Nưgar của người Chăm ở Hữu Đức biết trước ngày diễn ra lễ hội Katê”, ông Chamaléa Ơi, thầy cúng y trang cho biết.

“Báu vật” lưu truyền

Cho đến nay, vẫn chưa có tài liệu nào xác định được bộ xiêm y Thánh Mẫu Ina Nagar và Vua Po Klong Garai đang lưu giữ tại làng Chăm Hữu Đức, xã Phước Hữu có từ bao giờ. Các bậc cao niên tại đây chỉ xác định bộ xiêm y này là “báu vật” đã truyền qua nhiều đời. Và, vật thiêng này của đồng bào Raglai, Chăm lưu truyền hàng trăm năm qua.

z4994963141657_0b30e29277cdf7cdd17bf421d71f8c55.jpg
Múa vui mừng lễ rước y trang về làng Hữu Đức, xã Phước Hữu.

Ông Hồ Sĩ Sơn, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho biết: Người Chăm có câu thành ngữ “Chăm sa-ai Raglai adei”, nghĩa là người Chăm là chị cả, còn người Raglai là con gái út trong gia đình. Theo truyền thuyết, người con gái út trong gia đình có quyền thừa kế tài sản của cha mẹ để lại và thực hiện nghĩa vụ chăm sóc và thờ phụng cha mẹ khi về già. Cho nên, từ xa xưa, người Raglai được giao vai trò đảm trách việc bảo quản y trang của Thánh Mẫu Ina Nagar và Vua Po Klong Garai, các đồ cúng lễ trên đền tháp để thờ phụng ông bà, tổ tiên và thần linh. Xiêm y Thánh Mẫu Ina Nagar và Vua Po Klong Garai đang lưu giữ tại làng Hữu Đức hiện nay có lẽ đã hình thành và lưu truyền từ đó.

Hiện nay, người Raglai ở Ninh Thuận có hai tộc họ đang giữ y trang và một tộc họ giữ những đồ vật bằng đồng như ly, chén để phục vụ trong việc rước y trang cũng như cúng đầu năm của làng. Đồng bào Raglai xã Phước Hữu không nhớ chính xác từ khi nào tổ tiên mình đã giữ y trang của đồng bào Chăm thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu.

z4994943418442_2050ffae961bb6b40244d4a1f987fe23.jpg
Biểu diễn cồng chiêng, trống trong lễ rước y trang về làng Hữu Đức.

Bà Tâu Xá Thị Nhân, ở thôn Giá, là thành viên của một trong hai tộc họ giữ y trang của đồng bào Chăm, chia sẻ: Lâu lắm rồi, không nhớ rõ, chỉ biết tộc họ tôi đã giữ y trang từ nhiều đời nay. Chỉ biết rằng, theo tục lệ, y trang sẽ truyền lại cho con gái trong tộc. Bởi lẽ có điều này là do đồng bào Raglai theo chế độ mẫu hệ, vì vậy, mọi tài sản của tổ tiên sẽ được để lại cho người con gái trong gia đình cất giữ.

Trong khi đó, ông Chamaléa Ơi, người cúng lễ y trang tại làng Chăm Hữu Đức, cho biết: Chưa ai biết được về thời gian đồng bào Raglai Phước Hữu giữ y trang, nhưng hiện nay đang có hai tộc họ giữ y trang, đó là tộc họ Chamaléa và Patâu Axá, còn giữ những đồ vật cúng trong nghi lễ rước y trang là tộc họ A Né. Thời gian trôi qua, tộc họ Patâu Axá đã đổi thành tộc họ Tâu Xá. Riêng tộc họ A Né, trước đây là tộc họ người buôn bán, qua hàng thế kỷ, tộc họ này đã gìn giữ những đồ vật trong nghi thức cúng y trang, cũng như trong nghi lễ cúng đầu năm của đồng bào Raglai ở Phước Hữu.

Theo Thanhtra
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO