Văn hóa

Tự hào gìn giữ và trao truyền

Nguyễn Dung 21/05/2024 - 19:46

Then Tày tỉnh Quảng Ninh, do huyện Bình Liêu đại diện, đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2013. Đến năm 2019, di sản thực hành then của người Tày, Nùng, Thái được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây chính là tiền đề quan trọng để Bình Liêu cũng như cộng đồng dân tộc Tày ở địa phương tiếp tục nhiệm vụ bảo tồn và phát huy vốn di sản quý giá này.

Vốn di sản quý báu

Then là loại hình di sản văn hóa đặc sắc của người Tày, Nùng, Thái và một vài dân tộc khác trong nhóm ngôn ngữ Tày - Thái, ngữ hệ Thái - Kadai ở Việt Nam và dân tộc Choang ở Trung Quốc. Then có nguồn gốc từ lâu đời, gắn với quá trình con người khai phá đất đai, tạo lập bản, làng.

Then đồng hành với con người trong đời sống sản xuất. Then đi vào đời sống văn hóa, là bệ đỡ tinh thần để con người vượt qua những khó khăn, bất trắc trong cuộc sống. Có thể nói, then thể hiện đời sống văn hóa vô cùng phong phú của con người, là kết tinh của nền văn minh các dân tộc Tày, Nùng, Thái.

Tiết mục hát then cổ
Tiết mục hát then cổ "Pắt phu san soỏng" của huyện Bình Liêu được trao HCV tại Hội diễn Đàn hát dân ca 3 miền năm 2023. Ảnh: Phạm Học

Tại Bình Liêu, người Tày chiếm 50,13% dân số toàn huyện, thuộc nhóm Tày Phén hay Tày áo nâu. Trải qua quá trình lịch sử lâu dài lưu giữ, trao truyền và phát triển, then Tày ở Bình Liêu hiện cũng tồn tại dưới 2 hình thức: Then tín ngưỡng và then văn nghệ.

Then tín ngưỡng hay còn gọi là then cổ, là loại hình then có nguồn gốc từ cổ xưa, được các thầy then thực hành để phục vụ mục đích tín ngưỡng của cộng đồng. Then văn nghệ hay còn gọi là then mới, là loại hình then mới ra đời từ giữa thế kỷ XX dựa trên chất liệu của then tín ngưỡng, mang trong mình hơi thở của thời đại. Dù ở loại hình nào, then đều hàm chứa những giá trị văn hóa truyền thống lâu đời mang tính nhân văn sâu sắc của người Tày.

Người dân, du khách tìm hiểu về những đồ lễ của thầy then ở Bình Liêu.

Đồng chí Tô Đình Hiệu, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Bình Liêu cho biết: Di sản then Bình Liêu đã tồn tại lâu bền trong đời sống văn hóa của người Tày, do người Tày sáng tạo, gìn giữ và trao truyền như một báu vật tinh thần không thể thiếu. Trước đây và bây giờ, then nghi lễ cũng như những sáng tác then mới luôn in đậm và hiện hữu trong cuộc sống tinh thần của tộc người Tày ở Bình Liêu. Nghệ thuật diễn xướng then còn là nơi lưu giữ, phô diễn những nét đẹp trong văn hóa ứng xử, văn hóa nhân cách, đạo đức nhân văn, là nơi hội tụ những giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc trong kho tàng văn hóa nghệ thuật truyền thống và tính cố kết cộng đồng của người Tày.

Gìn giữ, bảo tồn bài bản

Thời gian qua, huyện Bình Liêu đã chú trọng dành nhiều nguồn lực thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn, trong đó có di sản then. Huyện đã hoàn thành đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu tộc người Tày Bình Liêu phục vụ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng đề án Bảo tồn bản văn hóa người Tày thôn Đồng Thanh (xã Hoành Mô)… tạo cơ sở để thực hiện công tác bảo tồn di sản một cách bài bản, khoa học.

huyện Bình Liêu tổ chức giao lưu hát Then - đàn Tính giữa huyện Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh) - TP Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn) và huyện Hòa An (tỉnh Cao Bằng). Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động tại Lễ hội đình Lục Nà năm 2023.
Giao lưu hát then - đàn tính giữa huyện Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh) - TP Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn) - huyện Hòa An (tỉnh Cao Bằng) năm 2023. Ảnh: La Lành (CTV)

Cụ thể hóa nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản then, huyện Bình Liêu đẩy mạnh tuyên truyền, phát huy giá trị then trong phát triển du lịch cộng đồng địa phương, duy trì thực hành then trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội truyền thống phục vụ nhân dân và du khách.

Theo đó, việc truyền dạy hát then - đàn tính trong cộng đồng thông qua các lớp truyền dạy tại thôn, khu, trường học, sinh hoạt câu lạc bộ (CLB) được tổ chức thường xuyên, với sự tham gia truyền dạy từ các nghệ nhân của huyện. Toàn huyện hiện duy trì 12 CLB hát then cấp xã và thôn, khu, tập trung chủ yếu tại thị trấn Bình Liêu và xã Hoành Mô. Định kỳ hằng năm, Bình Liêu đều tổ chức chương trình giao lưu hát then - đàn tính với TP. Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn) và huyện Hòa An (tỉnh Cao Bằng).

Hát then - đàn tính được truyền dạy tại các trường học ở Bình Liêu.

Chị Lèo Thị Lường, Chủ nhiệm CLB văn nghệ xã Hoành Mô chia sẻ: Không chỉ cùng tập hát, tập đàn cho hay, thành viên CLB đều tích cực sáng tác, đặt lời mới cho các làn điệu then để tham gia biểu diễn tại những dịp lễ hội, tết, ngày kỷ niệm trọng đại của tỉnh, huyện và các hoạt động văn hóa của thôn, bản, khu phố. Qua đó, tạo không gian văn hóa lành mạnh đáp ứng nhu cầu vui chơi, hưởng thụ văn hóa của bà con và góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc.

Nhờ đó, đến nay kho tàng then văn nghệ ở Bình Liêu vô cùng đa dạng. Mới đây, UBND huyện đã phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật tỉnh xuất bản cuốn sách “Then Tày Bình Liêu", trong đó có sưu tầm hàng chục bài then văn nghệ đặc sắc do các nghệ nhân, nghệ sĩ, người yêu then ở trong và ngoài huyện đặt lời.

UBND huyện Bình Liêu phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy di sản diễn xướng then trong bối cảnh phát triển du lịch cộng đồng ở huyện Bình Liêu”, ngày 10/5/2024.

Đầu tháng 5 vừa qua, UBND huyện Bình Liêu phối hợp với Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy di sản diễn xướng then trong bối cảnh phát triển du lịch cộng đồng ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh”.

Thông qua hội thảo đã góp phần nghiên cứu, định vị then Tày Bình Liêu trong dòng chảy văn hóa Việt Nam. Đồng thời, đề xuất các giải pháp bảo vệ, trao truyền, quảng bá, phát huy, phát triển các giá trị then của người Tày huyện Bình Liêu trong bối cảnh hiện nay, cũng như các giải pháp khai thác diễn xướng then phục vụ phát triển du lịch cộng đồng ở huyện Bình Liêu.

Theo thạc sĩ Lý Viết Thường (Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển), để tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản then, cùng với những giải pháp đang thực hiện, địa phương cần tiếp tục phối hợp, hỗ trợ các nhà nghiên cứu, sưu tầm về then Bình Liêu thông qua các hoạt động hội thảo khoa học để mở rộng mạng lưới liên kết trong công tác bảo tồn; xây dựng cơ sở dữ liệu về then Bình Liêu, đẩy mạnh công tác quảng bá di sản bằng nhiều hình thức. Đặc biệt, cần quan tâm đến việc tạo môi trường sống cho di sản gắn với những chính sách cụ thể tôn vinh, khuyến khích nghệ nhân giữ nghề… Qua đó, để di sản then tiếp tục tỏa sáng trong dòng chảy văn hóa dân tộc và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Theo https://baoquangninh.vn
Copy Link
Copy Link
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO