Văn hóa

Truyền kỳ về một lễ hội nơi chân sóng

T.Thành 23/10/2023 - 11:23

Nhắc đến Lý Sơn, người ta thường nhớ đến Hải đội Hoàng Sa – những hùng binh thuở trước. Thời gian trôi qua đã lâu với bao cuộc đổi thay, các Hải đội cũng không còn nữa, nhưng mỗi năm cứ đến khoảng giữa tháng 3 âm lịch, người dân trên đảo lại tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa như một cách để tri ân và tưởng nhớ đến những anh hùng đã vị quốc vong thân.

Những hùng binh thuở trước

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là một sinh hoạt văn hóa truyền thống được duy trì hàng trăm năm nay ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Hàng năm, từ ngày 10 - 20/2 âm lịch, hầu hết các tộc họ trên đảo đều tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở nhà thờ tộc. Còn lễ chính sẽ diễn ra tại Âm linh tự vào ngày 16/3 âm lịch.

Theo những người lớn tuổi ở Lý Sơn thì buổi lễ diễn ra ở Âm linh tự mới là buổi lễ lớn, trang nghiêm và được nhiều người tham dự. Bởi vì hầu như tộc họ nào trên đảo cũng có nhiều bậc tiền nhân hy sinh khi đi làm nhiệm vụ ở 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Ở Lý Sơn, hiện vẫn còn lưu giữ nhiều tài liệu, ghi chép về Hải đội Hoàng Sa với nhiệm vụ kiêm quản Bắc Hải năm xưa. Trước khi bị triệt bãi, Hải đội này có nhiệm vụ cắm mốc chủ quyền, đo đạc thủy trình, canh giữ biển đảo và khai thác sản vật cho triều đình. Hoạt động của Hải đội Hoàng Sa đã góp phần khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam trên vùng biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa qua nhiều thế kỷ. Những người đi lính Hoàng Sa được nhà vua gọi là những “hùng binh”.

anh-bai-truyen-ky-ve-mot-le-hoi-noi-chan-song-1.jpg
Cụ Phạm Quang Tĩnh (SN 1930), hậu duệ đời thứ 8 của Cai đội Hoàng Sa Phạm Quang Ảnh.

Theo tài liệu hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn, Đội dân binh Hoàng Sa hoạt động từ thế kỷ 17, đầu thời chúa Nguyễn, đến giữa thế kỷ 19 sang đến thời Tây Sơn, với những cai đội nổi tiếng như Phú Nhuận hầu Võ Văn Phú, Hội Nghĩa hầu Võ Văn Khiết. Sang thời nhà Nguyễn, ngay từ thời Gia Long đã sai Phạm Quang Ảnh, Phạm Hữu Nhật làm Chánh thủy quân kiêm cai đội Hoàng Sa, chuyên tuyển chọn các binh phu đi Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong số những người này, các vị thuộc tộc họ Phạm được nhắc đến khá nhiều trong các trang quốc sử triều Nguyễn. Đặc biệt có hai vị cai đội được lấy tên đặt cho những hòn đảo tại Hoàng Sa, là cai đội Phạm Quang Ảnh và Thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật. Hiện nay trên đảo Lý Sơn còn lưu giữ mộ gió và các ông được thờ tự trong các nhà thờ tộc họ trên đảo.

Cụ Phạm Quang Tĩnh (SN 1930), hậu duệ đời thứ 8 của Cai đội Hoàng Sa Phạm Quang Ảnh năm xưa, kể: Suốt hơn ba thế kỷ, cứ mỗi năm lại có 70 suất đinh của các dòng họ trên đảo Lý Sơn luân phiên nhau vâng mệnh triều đình đi đo đạc thủy trình, khai thác tài nguyên biển và sau này thêm nhiệm vụ cắm mốc dựng bia chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

anh-bai-truyen-ky-ve-mot-le-hoi-noi-chan-song-2.jpg
Đình làng An Vĩnh, nơi diễn ra Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa.

Để tưởng nhớ những người lính Hoàng Sa bỏ mình nơi biển cả, và cũng để những người chuẩn bị lên đường yên tâm làm nhiệm vụ, với niềm mong ước sẽ bình yên trở về, hàng năm, vào khoảng giữa tháng 3 âm lịch, các tộc họ trên đảo Lý Sơn lại tổ chức lễ khao lề tế lính (cũng gọi là lễ khao lề thế lính).

Tế lính để cúng cho những anh linh vong thân vì Tổ quốc được nhẹ nhàng siêu thoát; thế lính là dùng hình nhân thế mạng cúng thần linh thay thế sinh mạng người lính sắp lên đường. Lễ khao lề thế lính là một lễ hội độc đáo, chỉ Lý Sơn mới có và duy trì từ xa xưa cho tới ngày nay.

Còn cụ Phạm Thoại Tuyền, hậu duệ đời thứ 5 của Cai đội Phạm Hữu Nhật, một trong những người chỉ huy đội dân binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải dưới thời nhà Nguyễn, cho biết: “Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa rất quan trọng và mang ý nghĩa sâu sắc nhằm tri ân các bậc tiền nhân đã không quản khó khăn, gian khổ, chấp nhận hy sinh xương máu ra Hoàng Sa bảo vệ chủ quyền hải đảo của Việt Nam. Người dân Lý Sơn rất biết ơn và nguyện cố gắng giữ ân đức của ông cha đã để lại. Việc tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa hằng năm như là một nhu cầu tự thân của người dân trên đảo Lý Sơn”.

Cụ Tuyền kể, trước kia, cứ vào tháng 2 âm lịch hằng năm, triều đình nhà Nguyễn ra đảo Lý Sơn tuyển mộ 70 tráng dân mạnh khỏe, bơi lội giỏi để gia nhập đội hùng binh Hoàng Sa. Mỗi dân binh được vua ban 6 tháng lương thực và 2 chiếc chiếu, 7 sợi dây mây, 7 nẹp tre và 1 thẻ bài. 70 người sẽ lên 5 chiếc thuyền câu ra vùng biển quần đảo Hoàng Sa tuần canh, đến tháng 8 âm lịch thì trở về đảo Lý Sơn.

anh-bai-truyen-ky-ve-mot-le-hoi-noi-chan-song-3(1).jpg
Nghi lễ thả thuyền.

Thường thì những dân binh này có đi nhưng không về, nên trước khi lên thuyền làm nhiệm vụ theo lệnh vua ban, các họ tộc trên đảo tổ chức lễ Khao lề để yên lòng người ra đi. Từ đó đến nay, lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa năm nào cũng được tổ chức, hàng ngàn con cháu các tộc họ trên đảo lại tập trung, bàn soạn lễ vật, nhang đèn với lòng thành kính để dâng lên tổ tiên, ông bà mình.

Giáo dục truyền thống yêu nước

Lịch sử bảo vệ chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của dân tộc được viết bằng mồ hôi, xương máu và cả sinh mạng của nhiều thế hệ tráng đinh của 2 làng An Vĩnh và An Hải trên đảo Lý Sơn. Họ thật sự là những anh hùng xứng đáng được lưu truyền trong tâm thức của mỗi người dân đất Việt. Với ý nghĩa và tầm quan trọng như thế nên năm 2013, lễ hội này đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng.

Và theo thời gian, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa ngày càng thu hút du khách trên khắp mọi miền đất nước. Thông thường thì ngay từ sáng sớm ngày 16/3/2015 âm lịch, các cụ ông khăn đóng áo dài, các cụ bà khăn nhiễu áo the đã tề tựu đông đủ trước đình làng An Vĩnh, xã An Vĩnh (Lý Sơn, Quảng Ngãi) để làm lễ. Đây là ngôi đình từng chứng kiến hàng trăm cuộc tiễn đưa các "hùng binh" thuở trước.

anh-bai-truyen-ky-ve-mot-le-hoi-noi-chan-song-4.jpg
Cụ Võ Hiển Đạt trò chuyện với PV.

Dẫu đã trải qua bao nhiêu năm tháng, nghi lễ khao lề thế lính vẫn không hề thay đổi. Lễ thường diễn ra với nhiều phần lễ nhỏ, như: Lễ Cung nghinh tại các cơ sở thờ tự của tộc họ về đình làng An Vĩnh; Lễ Nhập yết; Lễ Khao lề; Lễ thả thuyền ra biển, trong đó trọng tâm là Lễ Khao lề. Bên cạnh đó còn có Lễ dâng rượu, dâng sớ khao lề. Do lễ khao lề xuất phát từ thực tiễn mất mát hy sinh của nhiều lớp người đi làm nhiệm vụ tại 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, đi dễ khó về nên người dân làm hình người những đội binh thuyền Hoàng Sa bằng giấy hoặc bằng bột gạo, làm thuyền đặt hình nộm để tế tại đình.

Khởi đầu buổi lễ là nghi thức khấn mời anh linh của những cai đội và binh phu Hoàng Sa về minh chứng và phù hộ cho con cháu. Giữ vai trò điều hành lễ tế, thầy pháp trong trang phục mũ tam sơn, khăn ấn, áo dài. Những gia đình có người thân làm nhiệm vụ đi lính Hoàng Sa tin rằng thầy pháp có mối liên hệ với thần linh, có thể phù phép gửi linh hồn người sống vào hình nhân, để hình nhân gánh chịu mọi tai ương cho người sống. Những ai lên đường làm nhiệm vụ sẽ cảm thấy an tâm vì đã được hình nhân thế mạng.

“Hỡi ôi/Đất Việt trời Nam, nghĩ tưởng chiến sĩ hy sinh từ thuở nọ/Cho hay sinh ký tử quy, đi có về không, thân đã mất mà danh ấy thọ/Xót thương thay/Những chiến sĩ tuân lệnh triều đình bảo vệ biên phòng-lãnh hải trên quần đảo Hoàng Sa/Trường Sa đã liều thân vì Tổ quốc, son sắt một lòng ngang dọc chí nam nhi/Phong ba dồi dập, tuyết sương chẳng quản, mưa gió chẳng sờn, thề quyết bảo vệ biên cương bờ cõi...”. Trong làn khói hương nghi ngút trang nghiêm, những lời chúc văn khao tế trầm hùng hòa trong tiếng chiêng tiếng trống quyện trong sóng biển rì rào tạo nên một không khí linh thiêng, trang trọng...

Kết thúc buổi lễ là nghi thức tiễn đưa. Đi đầu là những thanh niên mang cờ, phướn. Tiếp theo là thành viên các tộc họ khiêng thuyền lễ ra phía bờ biển. Trên thuyền, ngoài các hình nhân tượng trưng cho người lính còn có gạo, muối, xôi chè, rượu, nước, củi lửa... là những thứ ngày xưa những binh phu thường mang theo khi đi làm nhiệm vụ.

Khi ra đến bờ biển, các bô lão và ngư dân trẻ trong trang phục binh phu nghiêm trang thả những chiếc thuyền câu tượng trưng này cùng những hình nhân thế mạng xuống biển. Thuyền sẽ thuận theo dòng thẳng tiến hướng ra khơi xa...

Cụ Võ Hiển Đạt, người được xem như “pho sử sống của Lý Sơn”, chia sẻ, bởi Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là lễ hội lớn và có ý nghĩa nhất trong năm của người dân Lý Sơn, nên các gia đình trên đảo thường chuẩn bị đồ tế lễ từ rất sớm, có khi là trước đó cả tháng trời. Cứ đến đêm 15/3/2015 âm lịch, dân làng bắt đầu tổ chức nghi lễ rước bài vị từ Âm linh tự về Đình làng An Vĩnh, để phục vụ cho chính lễ vào sáng hôm sau.

Cũng theo cụ Đạt thì Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là lễ hội dân gian truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa đặc sắc, là một phần máu thịt của người dân đất đảo, được bao thế hệ kế tục, gìn giữ lưu truyền, có giá trị về lịch sử và văn hóa, tín ngưỡng, mang tính đặc trưng riêng có của đảo Lý Sơn mà không có nơi nào trong cả nước có được.

Thế nên, ngoài ý nghĩa về tâm linh, việc tổ chức lễ hội còn nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ con cháu trong việc bảo vệ chủ quyền, nhất là đối với Hoàng Sa và Trường Sa, giúp thế hệ trẻ hôm nay và thế hệ mai sau luôn khắc ghi công lao to lớn của thế hệ cha ông đã ngã xuống vì chủ quyền biển đảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO