Văn hóa

Truyền dạy dân ca Pa Kô trong trường học

Hoàng Táo 09/03/2024 - 14:52

Trường THCS và THPT Đakrông (Quảng Trị) thành lập câu lạc bộ dân ca Pa Kô, quy tụ hơn 30 học sinh để lưu truyền tiếng hát dân ca Pa Kô, tránh bị mai một.

Thành viên câu lạc bộ dân ca Pa Kô tranh thủ tập hát ở ghế đá sân trường - Ảnh: HOÀNG TÁO
Thành viên câu lạc bộ dân ca Pa Kô tranh thủ tập hát ở ghế đá sân trường - Ảnh: HOÀNG TÁO

Tại ghế đá sân trường giữa giờ ra chơi, hơn 10 bạn thuộc câu lạc bộ dân ca Pa Kô say sưa đàn và tập luyện bài hát Kanaum. Tiếng hát Pa Kô mộc mạc, giản dị mà cuốn hút vang lên một góc sân trường. Phía ngoài, nhiều bạn học khác say sưa lắng nghe.

Những làn điệu hoang sơ và dân dã

Nhiều năm dạy học ở vùng sơn cước phía tây tỉnh Quảng Trị, cô giáo Trần Thị Thanh Huyền được nghe nhiều nghệ nhân hát những làn điệu dân ca Pa Kô xao xuyến lòng người.

Họ có những làn điệu dân ca với âm điệu thú vị và hấp dẫn nhưng dần mai một vì chỉ có tiếng nói mà không có chữ viết.

"Những bài dân ca này hoang sơ và dân dã, hát về đời sống thường ngày, lao động sản xuất... Các làn điệu dân ca không được chép thành văn mà chỉ truyền miệng. Một số làn điệu dân ca và nhạc cụ truyền thống bị mai một", cô Thanh Huyền trăn trở.

Ngay Trường THCS và THPT Đakrông (xã Tà Rụt, huyện Đakrông, Quảng Trị) có 70% học sinh là người Pa Kô, nhưng chỉ 28% biết về dân ca và nhạc cụ Pa Kô.

Tháng 9-2023, nhà trường thành lập câu lạc bộ (CLB) dân ca Pa Kô với 12 thành viên, nay tăng lên gần 30 bạn. Nhiều thành viên là người dân tộc Vân Kiều, Kinh nhưng thích thú tiếng hát Pa Kô nên gia nhập.

Câu lạc bộ sinh hoạt 2 lần/tuần. Tuy vậy, các bạn vẫn thường tập luyện giữa giờ ra chơi ở ngay chân cầu thang hoặc ghế đá.

Câu lạc bộ mời nghệ nhân Pa Kô về truyền dạy cách hát và chơi nhạc cụ truyền thống - Ảnh: HOÀNG TÁO
Câu lạc bộ mời nghệ nhân Pa Kô về truyền dạy cách hát và chơi nhạc cụ truyền thống - Ảnh: HOÀNG TÁO

Em Võ Nguyễn Như Ý, lớp 8A, cho hay đã thuần thục bài Tiếng ve trên đầu núi, đang tập thêm bài KanaumĐoàn kết dân tộc. Một số bạn tập chơi nhạc cụ là trống, đàn ta lư… Hằng tuần, CLB biểu diễn vào giờ chào cờ hoặc ngoại khóa về văn hóa dân gian.

CLB cũng mời các nghệ nhân Pa Kô truyền dạy cách hát, chơi đàn, quay video để các bạn tự tập và lưu truyền lại.

Bồi đắp suối nguồn truyền thống

Em Hồ Thị Thanh Trúc, lớp 8A, bộc bạch rất vui khi tham gia bảo vệ văn hóa phi vật thể của chính dân tộc mình. Từ năm lớp 4, Trúc có ý thức về dân ca của người Pa Kô và tự tập luyện. Tuy nhiên vì thiếu bạn đồng hành nên kết quả thu được không nhiều.

"Tham gia CLB, em được các nghệ nhân chỉ dạy, tập hát cùng bạn nên tiến bộ nhiều. Em đã biểu diễn dân ca Pa Kô trong đêm văn nghệ của xã vào tối giao thừa", Thanh Trúc tự hào.

Trúc thừa nhận có phần khó khăn khi tập hát vì chỉ dựa vào trí nhớ, nhưng nếu cố gắng, siêng năng có thể vượt qua.

Trong khi đó, Như Ý nhận xét các làn điệu Pa Kô rất ý nghĩa, có nét đặc sắc và hấp dẫn. "Có bài hào hứng, có bài mang chút buồn của tình yêu, hoặc mang giai điệu nỗi niềm nhớ nhung người bạn. Tiếng nói Pa Kô và cách hát khác nhau nên cần kiên trì mới hát được", Như Ý nói.

9-3-3-quang-tri.png
CLB dân ca Pa Kô tạo môi trường để các em tập luyện và thêm yêu những bài dân ca truyền thống - Ảnh: HOÀNG TÁO

Nghệ nhân Kray Sức đánh giá: "CLB trong trường lan tỏa nhanh hơn, lớp trẻ học nhanh hơn người lớn tuổi. Các cháu có yêu thích mới nhập tâm, nhập hồn dân ca được".

Thầy Nguyễn Khương Chinh, hiệu phó nhà trường cho hay: Ban đầu nghe dân ca Pa Kô thấy lạ lẫm nhưng sau cảm nhận nhịp điệu rất hay.

"Nhà trường hết sức tạo điều kiện để các em duy trì và phát huy truyền thống dân tộc", thầy Chinh cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Xuất bản sách “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”
Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO