Văn hóa

Trò chơi truyền thống của người Thái trong những ngày tết

Thái Hiền 13/02/2024 - 19:30

Các trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc Thái rất phong phú và đa dạng, được lưu truyền từ đời này qua đời khác, được diễn ra ở mọi lúc mọi nơi, nhất là trong các ngày lễ, Tết của bản. Vào mỗi dịp Tết đến, xuân về, trên khắp các bản làng người Thái ở huyện miền núi Anh Sơn (Nghệ An), bà con lại tưng bừng, rộn ràng tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ và các trò chơi truyền thống, mang đến không khí vui tươi, sôi nổi trong những ngày đầu xuân.

Nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Thái

Nhắc đến các môn thể thao truyền thống được diễn ra trong các dịp tết, lễ hội ở huyện Anh Sơn (Nghệ An), không thể thiếu các môn như: ném còn, đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, đi cà kheo… Những môn thể thao này đã có từ lâu đời, mang tính cộng đồng rất cao bởi bất kỳ người nào cũng có thể tham gia, không phân biệt giới tính, lứa tuổi. Đối với chị Lương Thị Kim Chi ở bản biên giới Vều 2 xã Phúc Sơn, Anh Sơn vào dịp Tết nguyên đán hàng năm, trò chơi mà chị thường tham gia là ném còn.

z5157864096111_b71aec7aac47cb2b7e46d22bc8c66acf.jpg
Đối với chị Lương Thị Kim Chi ở bản biên giới Vều 2 xã Phúc Sơn, vào dịp Tết nguyên đán hàng năm, trò chơi mà chị thường tham gia là ném còn

Theo chị Kim Chi, đây là trò chơi dân gian đã có từ lâu đời, mang nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Thái. Mỗi vật dụng trong trò chơi ném còn đều mang ý nghĩa riêng, vòng tròn trên cây nêu tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời, ngày và đêm, âm và dương, thể hiện sức mạnh của tự nhiên. Bên trong quả còn là những nguyên liệu như cát, thóc, ngô, mang theo mong ước của bà con về một cuộc sống no ấm. Thông qua trò chơi này là dịp để người dân cầu chúc năm mới, mùa màng bội thu và cũng là cơ hội cho trai gái tìm hiểu, nên duyên.

z5157864633037_95d1fdb05fa164b17cb501e3a5fcf13c.jpg
Các môn thể thao truyền thống được diễn ra trong các dịp tết, lễ hội ở huyện Anh Sơn

Vào những ngày Tết có dịp đến thăm các bản làng người Thái ở huyện Anh Sơn, không khó để bắt gặp hình ảnh những đôi trai tài, gái sắc trong những bộ trang phục truyền thống, ai cũng tham gia với tinh thần sôi nổi, hào hứng. Chị Lào Thị Chín ở bản Khe Trằng xã Thọ Sơn, Anh Sơn, hào hứng nói: Với bà đồng bào dân tộc Thái, vào các dịp lễ, Tết khi bản tổ chức các hoạt động vui chơi, thể thao bà con ai cũng mặc những bộ trang phục đẹp nhất, rực rỡ nhất để tham gia. Những hoạt động này không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Thái mà còn giúp bà con trong bản gắn chặt tình đoàn kết, tạo không khí vui tươi, sôi nổi, trong những ngày đầu năm mới. Tiếng hò reo, tiếng vỗ tay ở các trò chơi làm cho không khí những ngày đầu xuân rất vui tươi, rộn ràng.

z5157864364816_3b524d40f135bb5dd2dbae7d12e089a0.jpg
Các trì chơi truyền thống của người Thái đã tạo không khí vui tươi, sôi nổi, trong những ngày đầu năm mới

Xã Thọ Sơn, Anh Sơn (Nghệ An) là một trong những địa phương còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc, trong đó có các trò chơi dân gian dân tộc Thái. Vào dịp đầu xuân bà con các dân tộc nơi đây lại tưng bừng mở hội tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ và các trò chơi truyền thống. Ông Vi Văn Quang, Phó chủ tịch UBND xã Thọ Sơn, Anh Sơn cho biết: Thọ Sơn là xã miền núi của huyện Anh Sơn, có 2 bản đồng bào dân tộc Thái sinh sống, với hơn 220 hộ, 993 nhân khẩu. chiếm 30% dân số toàn xã. Những năm qua, vào các ngày lễ, Tết hay qua các hội thi thể thao, Đại hội Thể dục Thể thao các cấp, Ngày hội Văn hóa các dân tộc... cấp uỷ, chính quyền xã Thọ Sơn đều duy trì và tổ chức các môn thể thao truyền thống của người Thái. Trước đó hàng tháng, tại các bản làng các chàng trai, cô gái Thái đã rộn ràng không khí chuẩn bị dụng cụ và tập luyện cho các màn thi đấu, biểu diễn trò chơi dân gian như ném còn, đẩy gậy, kéo co, đi cà kheo.... Không ít trò chơi đã được phát triển thành bộ môn thể thao nằm trong danh sách các môn thi ở những giải đấu các cấp, mang lại thành tích cao cho xã và huyện, góp phần không nhỏ để bảo tồn và phát triển nét đẹp văn hóa của dân tộc Thái, khuyến khích phong trào luyện tập và thi đấu thể dục thể thao trong nhân dân.

Nâng cao đời sống tinh thần, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa

Anh Sơn, là huyện miền núi nằm ở phía Tây của tỉnh Nghệ An, có đồng bào dân tộc thiểu số sống tập trung ở 8 xã với trên 2.100 hộ, hơn 9.000 nhân khẩu chiếm hơn 7% dân số toàn huyện. Những năm qua, huyện Anh Sơn xác định rõ, các môn thể thao truyền thống của đồng bào dân tộc Thái chính là cơ sở để huyện thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển phong trào TDTT, cũng như thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Theo ông Lô Ánh Hồng, trưởng phòng dân tộc huyện Anh Sơn, hiện nay trên địa bàn huyện luôn duy trì và phát triển 21 câu lạc bộ thể thao cơ sở, 100% xã có đội thể thao, thành viên nòng cốt đều am hiểu về các môn thể thao truyền thống; hàng năm đều tổ chức các giải thể thao giữa các địa phương có đồng bào dân tộc sinh sống.

z5157864878455_ec8e3c2b7f13d47ee9531319dd699483.jpg
z5157863816309_e1612d8f0428df2de8e9d365cfb50f48.jpg
Kết thúc các trò chơi, bà con dân bản lại quây quần bên chum rượu cần, điệu múa lăm vôn và tiếng cồng chiêng, khắc luống, làm cho không khí ngày xuân càng thêm rộn ràng, ấm áp

Vào những ngày đầu xuân Giáp Thìn 2024, UBND huyện đã tổ chức ngày hội đồng bào dân tộc thiểu số, với sự tham gia của hơn 400 vận động viên là người dân tộc thiểu số ở 8 xã trên địa bàn, ngày hội được tổ chức thi đấu 4 môn thể thao truyền thống gồm: bắn nỏ nam nữ, tung còn nam nữ; đẩy gậy nam nữ và kéo co nam nữ phối hợp. Đây là hoạt động nhằm phát triển, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống; là sân chơi bổ ích để các vận động viên giao lưu, học hỏi, xây dựng tình đoàn kết, cùng nhau xây dựng cuộc sống mới.

Các trò chơi dân gian truyền thống đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu ở các bản, làng người Thái ở huyện Anh Sơn mỗi độ xuân về, qua các hoạt động ý nghĩa này vừa góp phần bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, gắn kết cộng đồng dân tộc, vừa làm cho bức tranh mùa xuân thêm sinh động và nhiều màu sắc. Kết thúc các trò chơi, bà con dân bản lại quây quần bên chum rượu cần, điệu múa lăm vôn và tiếng cồng chiêng, khắc luống, làm cho không khí ngày xuân càng thêm rộn ràng, ấm áp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO