Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, du lịch Ninh Bình tiếp tục khởi sắc khi nhận tin vui về hoạt động đón khách tại nhiều điểm đến. Nhiều địa điểm du lịch đã tổ chức các hoạt động văn hóa đặc sắc, hấp dẫn, thu hút đông du khách đến trải nghiệm. Những ngày này, lượng khách đến Ninh Bình ghi nhận tăng đột biến.
Lượt khách tăng mạnh
Sở Du lịch Ninh Bình cho biết, một số khu, điểm du lịch đón đông du khách: Cố đô Hoa Lư đón gần 23.000 lượt khách, Tam Cốc đón gần 25.000 lượt khách, Tràng An đón trên 97.000 lượt khách, chùa Bái Đính đón trên 225.000 lượt khách, khu phố cổ Hoa Lư đón gần 60.000 lượt khách, vườn chim Thung Nham đón trên 65.000 lượt khách.
Công suất phòng bình quân dịp Tết đạt từ 80-85%, nhiều cơ sở lưu trú đạt công suất phòng 100% trong tối từ mùng 3, 4, 5 Tết, như: Khách sạn the Reed, Hoàng Sơn, Vedana, Emeralda, Minawa Kenh Ga, Tam Cốc Garden, Hidden Charm, The Vissai; khách sạn Hoa Lư, khách sạn Milan, các cơ sở homestay... Các đơn vị kinh doanh du lịch chấp hành nghiêm quy định về kinh doanh du lịch, thực hiện nghiêm việc niêm yết, bán theo giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ.
Sở Du lịch đã phối hợp với doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, Hội Doanh nhân trẻ của tỉnh tổ chức Lễ hội Tết xưa và phiên chợ và quà tặng du lịch thu hút đông đảo du khách tham quan, với 80 gian hàng trưng bày, bán các mặt hàng ẩm thực, đồ uống, cây hoa Tết, đồ thủ công, trang trí và các sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm và sản phẩm OCOP của tỉnh Ninh Bình. Bên cạnh đó, người dân và du khách còn được trải nghiệm phong tục tập quán, nét đẹp văn hóa ngày Xuân của dân tộc Việt Nam qua cuộc thi gói bánh chưng, talk show, các trò chơi dân gian mang đậm nét đặc trưng của những ngày Tết cổ truyền Việt Nam, cùng chương trình nghệ thuật đặc sắc...
Các huyện, thành phố trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đảm bảo các yêu cầu phục vụ khách du lịch về công tác an ninh, trật tự an toàn giao thôn. Trong đó, một số địa phương tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể thao phục vụ cán bộ, nhân dân và du khách tham quan.
Để chuẩn bị cho công tác phục vụ nhân dân và khách du lịch đến Ninh Bình dịp Tết Nguyên Đán, đồng thời thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc đảm bảo an ninh, an toàn các hoạt động du lịch trong dịp Tết Nguyên đán 2024, Sở Du lịch Ninh Bình đã chỉ đạo các ban quản lý các khu, điểm du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, công ty lữ hành và các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm các biện pháp đón tiếp khách du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn, tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở Y tế.
Chỉ tính trong hai ngày mùng 3 và mùng 4 Tết, khu du lịch sinh thái Thung Nham đã thu hút gần 25 nghìn lượt khách đến du xuân. Ngoài các địa điểm nổi tiếng như: Vườn Chim, hệ thống hang động huyền ảo, các điểm check-in rực rỡ sắc màu… du khách còn được trở về với ký ức Tết xưa mang phong vị người Cố Đô, thưởng thức các chương trình văn hoá nghệ thuật, trò chơi dân gian độc đáo, trải nghiệm văn hoá các dân tộc Mường, Thái.
Cùng với Thung Nham, các khu, điểm du lịch khác như: Tràng An, chùa Bái Đính, Tam Cốc, Phố cổ Hoa Lư, Hang Múa cũng ghi nhận lượng khách tăng cao. Trong 6 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (từ ngày 28 tháng Chạp đến ngày mùng 4 tháng Giêng), Ninh Bình đón trên 417.300 lượt khách, trong đó có hơn 85.280 lượt khách quốc tế. Lượng khách tăng cao, nhưng với sự chủ động chuẩn bị của các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và người lao động nên tình hình an ninh trật tự, văn minh du lịch được đảm bảo, tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách trong nước và quốc tế.
Nâng cao chất lượng
Để phục vụ tốt cho người dân, du khách vui chơi, nghỉ dưỡng, Sở Du lịch Ninh Bình yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tăng cường các biện pháp đảm bảo đón Tết Giáp Thìn vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đảm bảo phục vụ du khách; thực hiện nghiêm túc các quy định về đăng ký và niêm yết giá, đảm bảo chất lượng dịch vụ, an ninh, an toàn, chú trọng công tác phòng chống cháy nổ.
Với mục tiêu nâng cao tỷ trọng đóng góp của ngành du lịch trong GRDP của tỉnh, định hướng đến năm 2025 du lịch Ninh Bình cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra nhiều công ăn việc làm và thu nhập cho người dân, tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển và du lịch Ninh Bình trở thành một trong những trọng điểm du lịch của cả nước.
Để đạt được mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 tổng lượt khách đến tham quan tại các khu, điểm du lịch đạt 8,5 triệu lượt, doanh thu ước đạt 8.000 tỷ đồng, góp phần tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo cho gần 28.700 lao động, ngành du lịch cần tăng cường công tác quản lý của Nhà nước, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch về vị trí, vai trò của du lịch đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và công tác bảo tồn tài nguyên du lịch, góp phần phát triển du lịch bền vững.
Phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong việc tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, văn minh du lịch tại các khu, điểm du lịch, các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng dân cư phát triển du lịch.
Đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Tăng cường liên kết hợp tác với các tỉnh, thành phố lớn trong hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Nghiên cứu thị trường, xây dựng và tổ chức các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch có trọng tâm trọng điểm, gắn với các sự kiện văn hóa, lễ hội, hội chợ, hội nghị, hội thảo tại các tỉnh, thành phố; chú trọng xây dựng hình ảnh, thương hiệu điểm đến Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Quan tâm quảng bá xúc tiến du lịch ở nước ngoài. Hàng năm tổ chức Tuần Du lịch Ninh Bình, chủ đề "Sắc vàng Tam Cốc-Tràng An".
Chiến lược xuyên suốt của Ninh Bình là phát triển du lịch xanh, phát triển du lịch bền vững và dựa vào cộng đồng. Điều này cũng được thể hiện rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đó là: tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, xanh, sạch và tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Để thực hiện mục tiêu chiến lược này, ngành Du lịch tiếp tục ưu tiên phát triển du lịch chất lượng cao.
Chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc và của tỉnh, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn, chất lượng cao mang thương hiệu du lịch Ninh Bình.
Đồng thời phát triển cả du lịch nội địa và quốc tế, trong đó có chú trọng đến khách du lịch có nhu cầu sử dụng dịch vụ cao cấp.
Ngành cũng tiếp tục đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh xã hội hóa, liên kết, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực về tài nguyên thiên nhiên, về lịch sử văn hóa, về con người để phát triển du lịch trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Phát huy mạnh mẽ vai trò của doanh nghiệp, giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội và đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân địa phương tại các khu du lịch, chủ động, linh hoạt trong ứng phó với diễn biến phức tạp của thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu.
Xây dựng các chương trình, quy chế bảo vệ, bảo tồn, phát huy giá trị các điểm du lịch, trong đó có các quy định cụ thể về trách nhiệm bảo vệ, bảo tồn, giữ gìn các công trình kiến trúc, cảnh quan sinh thái liên quan.