Đời sống xã hội

Triển khai nhiều phương án giảm nghèo ở Mường Chà

Hải Vân 23/10/2023 - 20:21

Huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên là nơi có tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm hơn 92%. Những năm qua, cấp ủy chính quyền địa phương luôn quan tâm đề ra các giải pháp hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh tế xã hội, mang lại hiệu quả thiết thực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo thống kê của UBND huyện Mường Chà, đến giữa năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm 10% so với năm 2022, đưa tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện còn 48%. Điều đáng ghi nhận là ngoài các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất vươn lên thoát nghèo, như gia đình ông Sùng A Xìa, thôn Ma Lù Thàng, xã Huổi Lèng.

Trước đây, gia đình ông Xìa thuộc hộ rất khó khăn của địa phương, kinh tế chủ yếu dựa vào việc canh tác lúa nương nên thu nhập rất bấp bênh. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương và các đoàn thể nên gia đình ông được vay vốn mua giống gia súc để phát triển kinh tế. Sau thời gian chăm sóc, đàn gia súc phát triển và sinh trưởng tốt đem lại thu nhập ổn định cho gia đình.


23-10.png
Huyện Mường Chà đã có sự thay đổi rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo được giảm qua từng năm

Ông Sùng A Xìa cho biết: "Gia đình tôi chủ yếu là gieo trồng cây lúa, chăn nuôi là chính. Nay có các chương trình, dự án hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ người dân bằng những mô hình sinh kế phù hợp với điều kiện gia đình từng người trong thôn như nuôi gà, nuôi dê tôi thấy rất phấn khởi".

Còn gia đình anh Giàng A Chía, bản Na Sang, xã Na Sang là hộ đi tiên phong trong chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây dứa. Anh cho biết, những năm trước, người dân nơi đây chủ yếu trồng cây lúa, cây ngô nhưng năng suất không cao, thậm chí có năm mất mùa khiến gia đình anh lâm vào cảnh thiếu đói.

Nhờ chương trình hỗ trợ giảm nghèo của huyện, anh Chía đã tham gia. Sau hơn 6 năm được chương trình hỗ trợ về cây giống, kỹ thuật trồng dứa đã giúp gia đình anh Chía vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, gia đình anh không chỉ đủ ăn mà còn có tiền tích luỹ.

Cùng với phát triển cây dứa, mô hình chăn nuôi bò theo nhóm cũng được triển khai trên địa bàn huyện, góp phần tích cực vào công cuộc xoá đói giảm nghèo của địa phương. Để thành lập được mô hình này, các gia đình tự nguyện tham gia “Dự án nhóm hộ vay vốn, sản xuất, kinh doanh” được triển khai ở bản Huổi Đáp, xã Pa Ham, có 6 hộ tham gia. Từ nguồn vốn vay 30 triệu đồng từ quý hỗ trợ nông dân huyện, nhóm đã mua 5 con bò cái sinh sản về chăn nuôi, đến nay đàn bò đã phát triển lên đến 50 con.

23-10-23-chan-nuoi-dai-gia-suc-thanh-hang-hoa-duoc-ba-con-trien-khai-nhan-rong.jpg
Chăn nuôi đại gia súc thành hàng hoá được bà con triển khai nhân rộng

Những năm qua, để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất đa dạng hóa các sinh kế, huyện Mường Chà đã tận dụng tốt các nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình giảm nghèo, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chương trình nông thôn mới… hỗ trợ vật tư, công cụ lao động sản xuất cho bà con. Tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho người dân, xây dựng mô hình giảm nghèo an sinh xã hội, triển khai các mô hình sinh kế phù hợp đến các thôn, bản, xã còn nhiều khó khăn. Các mô hình nuôi gia súc vỗ béo, trồng dứa, trồng cây dong riềng trồng cây ăn quả đã góp phần giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của bà con nơi đây.

Ông Thào A Phừ, Chủ tịch UBND xã Huổi Lèng huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên nói: "Trước nay bà con chủ yếu trồng cây ngô, cây lúa với năng suất rất thấp. đến khi, tôi có dịp được đi Yên Bái tham quan thì thấy người dân ở đây họ trồng và làm giàu bằng cây quế chứ không trồng cây lúa với cây ngô như ở đây nữa. Nên tôi cũng triển khai đến các hộ dân chuyển đổi diện tích cây trồng trên đất dốc, chuyển sang trồng cây quế. Năm 2022, xã vận động bà con trồng được 23ha, còn từ đầu năm 2023 đến nay trồng được 16ha. Trong thời gian tới tôi sẽ cho triển khai diện tích trồng thêm cây quế".

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng là vấn đề được huyện Mường Chà quan tâm, được cho là giải pháp thiết thực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Cụ thể huyện chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tạo việc làm có thu nhập ổn định cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số.

Thông qua các dự án hỗ trợ phát triển từ năm 2017 đến nay, huyện đã tổ chức hơn 80 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cho hơn 5000 lượt người gồm những hộ nghèo, cận nghèo.

Cùng với đó, nhằm tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, huyện Mường Chà đã có giải pháp lập kế hoạch ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu. Trong đó, huyện quan tâm đầu tư hoàn thiện hệ thống đường giao thông nông thôn. Đến nay 100% xã có đường giao thông nông thôn, gần 81% đường trục thôn bản, liên thôn bản được bê tông hóa, trên 71% đường nội bản được bê tông.

Anh Sùng A Cử, bản Ma Lù Thàng, xã Huổi Lèng, chia sẻ: Những năm gần đây, được hỗ trợ trực tiếp từ các nguồn vốn của các chương trình dự án, mở liên tiếp những tuyến đường giao thông liên thôn đến những thôn, bản khó khăn để bà con đi lại, giao thương hàng hóa được dễ dàng hơn.

Năm 2023, huyện Mường Chà đặt mục tiêu giảm 5% tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện, 40% hộ nghèo được tiếp cận các chương trình khuyến nông, 100% hộ nghèo thiếu vốn, có nhu cầu vay vốn và đủ điều kiện đều được đáp ứng kịp thời.

Ông Nguyễn Quang Hợp, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Chà, cho biết, trong những năm tới, huyện tiếp tục thực hiện tốt những chính sách của Đảng, Nhà nước một cách quyết liệt hơn nữa. Bên cạnh đó nâng cao công tác tuyên truyền để nhận thức của bà con thay đổi, bà con không ỷ lại vào Nhà nước, tự vươn lên để thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Với sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp uỷ, chính quyền địa phương, ý thức tự vươn lên của người dân, có thể nói, thời gian qua, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Mường Chà đã và đang có chuyển biến rõ nét. Theo thống kê, đã có 800 hộ được giúp đỡ vươn lên thoát nghèo; 1.200 lao động dân tộc thiểu số được đào tạo nghề.

Bên cạnh đó, các chính sách về giáo dục, y tế, đào tạo, chăm sóc sức khoẻ đồng bào được thực hiện kịp thời, hiệu quả. Bản sắc văn hoá được bảo tồn phát huy. Nhờ đó, diện mạo nông thôn vùng đồng bào dan tộc thiểu số từng bước được khởi sắc, đời sống vật chất tinh thần của người dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo từng bước được giảm dần.

Với nhiều giải pháp, công tác giảm nghèo của huyện Mường Chà đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào dân tộc trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO