Vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hóa có diện tích tự nhiên chiếm 3/4 diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Địa hình phức tạp, đời sống người dân ở nhiều thôn, bản còn khó khăn, nhu cầu đất sản xuất gia tăng do người lao động thiếu việc làm, đời sống chủ yếu phụ thuộc vào rừng và đất rừng... Những vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng vẫn còn xảy ra ở một số nơi trên địa bàn tỉnh để lại nhiều trăn trở.
Thiếu đất sản xuất, một gia đình kéo nhau lên rừng để chặt phá cây cối làm nương rẫy. Khi bị phát hiện, cả 5 người cùng bị khởi tố trong vụ án hủy hoại rừng. Câu chuyện xảy ra với gia đình bà Giàng Thị Lâu, ở xã Tam Chung (Mường Lát) hồi năm 2022 đã trở thành bài học đắt giá cho nhiều người. Nhà có tới 8 đứa con, đứa lớn nhất sinh năm 1990, đứa nhỏ nhất sinh năm 2008. Hai con lớn của bà đã có gia đình riêng. Đại gia đình đông người, cũng giống như nhiều hộ dân khác ở huyện vùng cao này, cuộc sống còn nhiều khó khăn và thiếu thốn. Thấy các con nói muốn có đất để trồng ngô, trồng sắn, bà Lâu lại nhớ đến khoảnh đất mà mình từng canh tác lúc mới chuyển về bản sinh sống. 4 năm trước, gia đình đã trả lại cho Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Lát quản lý, vì đó là đất rừng. Suy nghĩ nông cạn và chủ quan, bà Lâu nói với các con lên khoảnh đất rừng đó để chặt phát cây lấy đất sản xuất. Thế là ngày hôm sau, bà Lâu cùng các con trai, con dâu và nhóm người trong thôn vác dụng cụ rủ nhau đến khu vực khoảnh 7, tiểu khu 47 rừng phòng hộ để chặt phát cây. Sau khi chặt được 1/2 ngày thì bị lực lượng chức năng phát hiện, yêu cầu mọi người dừng lại và ra về. Tuy nhiên, ngày hôm sau, do vẫn còn một phần diện tích rừng chưa chặt phát hết, các con bà Lâu lại tiếp tục đến khu vực trên dọn dẹp thêm... Hậu quả của cả 2 lần phát dọn đã khiến 6.959m2 rừng phòng hộ với những loại cây vầu, cây nứa và một số cây thân gỗ nhỏ đã bị chặt phá. Hành vi của 5 thành viên trong gia đình bà Lâu bị lực lượng chức năng truy tố về tội “Hủy hoại rừng” theo điểm c khoản 1 Điều 243 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) Nguyễn Ngọc Khang, Chi nhánh số 1, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh, người được phân công bào chữa cho các bị cáo trong vụ án này, cho biết: Tháng 1/2023, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án diễn ra trước sự theo dõi của nhiều người. Xét tính chất, mức độ hành vi phạm tội, cả 5 bị cáo trong vụ án bị tuyên phạt mức án từ 20 đến 24 tháng tù, cho hưởng án treo. Từ thực tế các vụ án hủy hoại rừng cho thấy, các đối tượng liên quan đều là người đồng bào dân tộc thiểu số. Những vụ án được đưa ra xét xử về tội danh này luôn khiến những người tiến hành tố tụng và tham gia phiên tòa phải trăn trở, bởi lẽ “động cơ” gây án của các bị cáo rất giản đơn, xuất phát từ nhu cầu có đất để canh tác với mong muốn thoát khỏi nghèo đói nhưng hậu quả của hành vi lại nghiêm trọng. Nhiều diện tích rừng, trong đó có rừng tự nhiên, rừng phòng hộ bị phá hoại bởi sự thiếu ý thức, thiếu hiểu biết của người dân. Những người vi phạm bị xử phạt theo quy định của pháp luật, song bên cạnh đó, cần phải nhìn nhận, đánh giá lại việc bố trí quỹ đất sản xuất, vấn đề tạo sinh kế cho người dân các huyện miền núi cao.
Thôn Na Nghịu, xã Yên Nhân (Thường Xuân) là thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Toàn thôn có 252 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu, chủ yếu là người Thái sinh sống, đời sống Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, đa số là hộ nghèo, một số khu dân cư trong thôn còn chưa có điện lưới. Từ bao đời, người dân nơi đây quen với rừng và sống phụ thuộc vào rừng. Pháp luật về quản lý và bảo vệ rừng ngày càng chặt chẽ và nghiêm khắc, song nhiều người dân còn mơ hồ, chủ quan, thậm chí là liều lĩnh trong việc khai thác, bảo vệ rừng. Vụ việc xảy ra với gia đình bà Lương Thị Đức (sinh năm 1983) là một ví dụ. Bà Đức là người dân tộc Thái, hai vợ chồng chỉ học hết lớp 3, lớp 4, không có nghề nghiệp ổn định, hoàn cảnh kinh tế bấp bênh. Để có đất trồng keo, đầu tháng 12/2022, hai vợ chồng đã bàn bạc với nhau phá cây rừng trên thửa đất rừng sản xuất của gia đình được Nhà nước giao tại khu vực Hón Ngân, thôn Na Nghịu. Việc chặt phá cây rừng để trồng keo không được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Thế là trong thời gian từ ngày 8 đến 12/12/2022, vợ chồng bà Đức thuê người chặt phá cây rừng. Sau khi bị phát hiện, lực lượng chức năng kiểm tra, xác định diện tích rừng bị thiệt hại 1,92 ha. Tổng thiệt hại về rừng là hơn 119 triệu đồng, trong đó giá trị thiệt hại về lâm sản là 29,8 triệu đồng, giá trị thiệt hại về môi trường rừng với diện tích 1,92 ha rừng sản xuất là rừng tự nhiên 89,6 triệu đồng. Ngày 31/8/2023, phiên tòa lưu động xét xử các bị cáo trong vụ án “hủy hoại rừng” được tổ chức ngay tại trụ sở UBND xã Yên Nhân.
Ông Vi Văn Tấn, trưởng thôn Na Nghịu cho biết: Tham gia phiên tòa lưu động có đông người dân ở thôn Na Nghịu và người dân trong xã. Trước đây, nhiều người còn hiểu biết mơ hồ trong việc khai thác, bảo vệ rừng. Một số hộ có nhu cầu khai thác rừng sản xuất nhưng vừa làm, vừa xin phép; tình trạng khai thác cây trồng trên đất rừng sản xuất nhưng lại tranh thủ phát vén cả sang khu vực rừng tự nhiên. Từ sau phiên tòa lưu động xét xử vợ chồng bà Đức liên quan đến hành vi hủy hoại rừng, nhận thức của bà con thay đổi hẳn, giờ không ai còn dám liều lĩnh và chủ quan nữa, muốn khai thác keo phải làm đủ giấy tờ cấp phép mới được thực hiện.
Ông Hà Thanh Hắng, Chủ tịch UBND xã Yên Nhân, cho biết: Xã Yên Nhân có 18.869 ha đất tự nhiên, trong đó có 16.777 ha diện tích có rừng, trong đó 5.232 ha rừng sản xuất. Toàn xã Yên Nhân có 99% số hộ dân được Nhà nước giao đất, giao rừng. Trong diện tích được giao có cả rừng tự nhiên và rừng sản xuất nên dễ nảy sinh vi phạm. Đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, phần đa người dân trên địa bàn còn sinh sống dựa vào rừng, khai thác lâm sản phụ để mưu sinh. Các khoản hỗ trợ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng thực tế hiện nay còn ở mức thấp, chưa tương xứng với công bảo vệ của người dân, trong khi đó giá trị mang lại từ rừng (đối với rừng sản xuất là rừng trồng) lớn, tạo sức ép về lợi ích kinh tế, dễ phát sinh các hành vi vi phạm như lấn rừng, vén rừng... Thực tế, trên địa bàn xã những năm gần đây vẫn còn xảy ra một số vụ vi phạm như thế. Năm 2022, đã có 1 vụ bị xử phạt hành chính với số tiền 11 triệu đồng; năm 2023 xử phạt 3 vụ việc liên quan đến hành vi phát vén, khai thác trái phép nứa, vầu với số tiền 3 - 4 triệu đồng/hộ; nghiêm trọng nhất là vụ việc xảy ra tại thôn Na Nghịu bị xử lý hình sự.
Những năm gần đây, các vụ án liên quan đến các tội danh “Hủy hoại rừng”, “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” được đưa ra xét xử nghiêm minh nhằm tạo sự răn đe, nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành pháp luật bảo vệ rừng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng không chỉ bằng các bản án nghiêm khắc mà cần phải có nhiều giải pháp hơn nữa để giải quyết được các nhu cầu cơ bản của người dân sinh sống trong vùng có rừng, giải quyết vấn đề việc làm, tạo sinh kế để người dân có đời sống ổn định.