Đời sống xã hội

“Trái ngọt” nơi biên giới

Ái Vân 15/11/2023 - 17:40

Huyện Mộc Châu (Sơn La) có hơn 40km đường biên giới giáp nước bạn Lào. Đây là nơi sinh sống của 10 dân tộc anh em, với hơn 70% đồng bào là người dân tộc thiểu số. Bà con ở đây phát triển kinh tế chủ yếu bằng trồng cây lương thực trên đất dốc, chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ, năng suất thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Trước tình hình đó, Ban Thường vụ huyện Mộc Châu đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/HU về phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, củng cố hệ thống chính trị cơ sở 10 bản giáp biên giới phức tạp về an ninh trật tự, giai đoạn 2022 - 2025.

15-11-can-bo-chien-sy-don-bien-phong-cua-khau-long-sap-da-cung-an-cung-o-cung-lam-giup-ba-con-phat-trien-trong-cay-chanh-leo.jpg
Cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập đã cùng ăn, cùng ở, cùng làm giúp bà con phát triển trồng cây chanh leo

Để thực hiện Nghị quyết số 09, Bộ đội Biên phòng đã tăng cường cùng ăn, cùng ở, cùng làm và trở thành anh em ruột thịt của đồng bào các dân tộc biên giới. Được bà con tin tưởng, năm 2016, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập đã mang cây chanh leo đến cho bà con trồng thử nghiệm.

Không chỉ cung cấp cây giống, Đồn còn cử cán bộ chiến sỹ đến tận vườn hướng dẫn bà con cách chăm sóc, hỗ trợ bà con thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. Bằng nhiều hình thức dân vận khéo léo, các anh đã làm cho bà con dần dần chuyển cây trồng vật nuôi để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.

Ban đầu, các anh trồng thí điểm 2,6 ha cây chanh leo tại 3 hộ gia đình ở xã Lóng Sập. Sau một năm chăm sóc, không phụ sự kỳ vọng của mọi người, sản lượng chanh leo của 3 hộ đạt được là hơn 50 tấn, có trị giá gần 400 triệu đồng. Trung bình mỗi vườn chanh leo cho sản lượng gần 15 tấn quả, mang lại thu nhập hơn 100 triệu đồng/hộ.

Đại úy Cầm Bá Thành, Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập, huyện Mộc Châu chia sẻ: ''Từ năm 2017, Đồn đã chọn những cán bộ, chiến sỹ có kinh nghiệm, là người dân tộc, có khả năng nói tiếng dân tộc như tiếng Mông và tiếng Thái. Tập huấn cho các đồng chí nắm được kỹ thuật canh tác về cây trồng, để các đồng chí phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể hướng dẫn bà con canh tác, trồng trọt.

Đồng thời, chúng tôi cũng chỉ đạo cho các đồng chí xuống cơ sở cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con, trực tiếp cầm tay chỉ việc cho các hộ gia đình trên địa bàn. Trước mắt chỉ lựa chọn thí điểm những hộ có trình độ, có khả năng kinh tế, có điều kiện để triển khai mô hình, tạo hiệu quả ban đầu làm cơ sở. Khi có hiệu quả thực sự sẽ lan tỏa mô hình này đến các hộ dân ở khu vực biên giới''.

Phiêng Cài là bản đầu tiên nghe theo bộ đội chuyển đổi cây trồng trên đất dốc. Bản có 88 hộ, 100% là người dân tộc Mông, diện tích canh tác trên 200ha. Trước đây người dân chỉ quen với phương thức sản xuất cũ nên tỷ lệ hộ nghèo khá cao.

Đến nay, Phiêng Cài đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư, thâm canh phát triển cây chanh leo và các loại cây có giá trị khác để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, xoá đói giảm nghèo bền vững.

Ông Tráng A Tủa, Trưởng bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập, chia sẻ: Từ năm 2017, được Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập hỗ trợ giống cây chanh leo cho bà con trồng thử nghiệm. Cây chanh leo rất phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, sinh trưởng và phát triển tốt, giá trị kinh tế cao.

Đến nay, Phiêng Cài đã nhân rộng mô hình, tăng diện tích trồng cây chanh leo lên 40ha. Người dân chuyển đổi cây trồng trên đất dốc đều có thu nhập ổn định, đời sống được nâng cao, hộ nghèo của thôn giảm dần qua từng năm.

Anh Tráng A Thái, bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập cho hay: ''Tôi theo dõi 2, 3 hộ trong bản trồng theo mô hình từ năm 2017 và nhận thấy trồng cây chanh leo mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với những cây trồng khác. Năm 2018, tôi bắt đầu trồng chanh leo với diện tích là 1ha. Sau một năm, cây cho thu hoạch lứa quả đầu tiên, tôi thu được gần 60 triệu đồng. Nếu so với trồng ngô, với diện đấy tôi chỉ thu được khoảng 30 triệu đồng thôi''.

Sau hơn 7 năm chuyển đổi cây trồng có giá trị kém hiệu quả trên đất dốc, để trồng cây có giá trị kinh tế cao hơn, ngoài cây chanh leo, bà con ở xã Lóng Sập còn trồng cây mận hậu để thay thế những cây trồng khác. Cây mận hậu nếu trồng đúng kỹ thuật có thể cho thu hoạch đến vài chục năm, bà con chỉ cần bón phân theo chu kỳ phát triển của cây, cắt tỉa cành khoa học.

Với hướng đi đúng đắn, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập đã nhân rộng các mô hình kinh tế, triển khai rộng rãi đến tất cả các hộ dân trong thôn, bản của xã Lóng Sập. Đồng thời hỗ trợ vốn, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ mới trồng, tìm các đơn vị liên doanh, liên kết thu mua để bao tiêu sản phẩm giúp bà con.

Việc kết nối đã tạo ra lợi ích kép, vừa kết nối nông dân bán được nông sản, vừa giúp các Hợp tác xã có được nguồn hàng ổn định để chế biến phát triển sản xuất. Do vậy, cuộc sống người dân vùng biên đã có nhiều thay đổi, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm so với trước đây từ 50% xuống còn 29%, thu nhập bình quân đạt 18 triệu đồng/người/năm.

Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Để rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa bà con vùng biên giới và khu vực trung tâm. Đảng ủy huyện Mộc Châu đã ban hành Nghị quyết số 09 để phát triển kinh tế, xã hội 10 bản biên giới. Đảng bộ huyện quyết tâm rất cao, đưa ra nhiều giải pháp để các hộ nghèo vùng biên giới phải thực sự thoát nghèo bền vững. Đến thời điểm này, bà con đã biết trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với gia đình, phù hợp cuộc sống.

Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung nguồn lực từ các nguồn đầu tư công của huyện, nguồn xã hội hóa để xây dựng đường giao thông cho 10 bản biên giới. Chỉ khi hạ tầng, cơ sở, vật chất được đảm bảo, ổn định thì bà con mới có cơ hội để tiêu thụ sản phẩm với giá trị cao hơn, vươn lên làm giàu.

Những chủ trương đúng đắn của Đảng bộ huyện Mộc Châu đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nhất là các hành động, việc làm của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập. Họ đã có mặt kịp thời ở những nơi khó khăn nhất, cùng chung tay phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân vùng biên giới. Cũng từ đây tư duy của người dân được thay đổi, với cách làm kinh tế bài bản, khoa học, sự hỗ trợ của Nhà nước, sự chung tay góp sức của cả cộng đồng đã từng bước mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân, mang lại sự thay da đổi thịt, bình yên nơi bản làng vùng cao biên giới Mộc Châu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO