Tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, đồng bào Lô Lô đến từ tỉnh Cao Bằng đã tái hiện lễ cầu mưa thu hút đông đảo du khách thăm quan, trải nghiệm.
Lễ cầu mưa tiếng Lô Lô gọi là Mề Pỉ, là một trong những nghi lễ quan trọng, linh thiêng của đồng bào dân tộc Lô Lô (tỉnh Cao Bằng). Lễ hội gắn với phong tục tập quán, lao động sản xuất được người dân lưu truyền từ đời này qua đời khác.
Lễ Cầu mưa của đồng bào Lô Lô được tổ chức vào dịp tháng 3 âm lịch hằng năm, không quy định là ngày đầu tháng hay cuối tháng, mà phụ thuộc vào sự sắp xếp thời gian của thầy mo chính trong bản. Điều đặc biệt theo quan niệm của đồng bào nơi đây, thì ngày được chọn diễn ra nghi lễ bắt buộc phải là ngày con rồng, vì theo họ vào ngày này thì thần Rừng mới cho mưa để phù hộ dân làng mùa màng tươi tốt.
Lễ Cầu mưa được tổ chức theo các nghi thức bởi một thầy mo chính, một thầy mo phụ và một đội phục vụ nghi lễ cùng sự tham gia đông đủ của bà con người dân tộc Lô Lô trong xóm.
Sau khi thầy mo chính đã chọn được ngày để hành lễ, trưởng xóm sẽ cử những người trong bản chuẩn bị sẵn lễ vật, các thanh niên sẽ đến khu rừng thiêng để quét dọn và chuẩn bị mọi vật dụng cần thiết cho việc thực hiện nghi lễ.
Từ xa xưa, với người Lô Lô đen ở tỉnh Cao Bằng, mỗi xóm làng đều có một khu rừng riêng của mình. Đây là khu vực rừng thiêng nơi sinh sống của các vị thần linh để bảo vệ và phù hộ cho làng bản. Vì vậy, theo quy định người dân trong xóm phải cùng nhau bảo vệ, giữ gìn vệ sinh và không ai được chặt phá cây trong rừng. Đặc biệt với những gia đình đang có người ở cữ thì tuyệt đối không được đi vào khu rừng này.
Đến ngày hành lễ, đội ngũ những người được cử sẽ đến cùng ăn sáng tại nhà thầy mo chính. Trước khi đến, làng đã chuẩn bị sẵn các con vật làm lễ gồm: bò, gà, chó, lợn, một mâm xôi, năm cái chén, năm đôi đũa, một bát gạo và kèm một chút lễ cảm ơn thầy mo kẹp trong giấy đỏ được sắp sẵn trên mâm vuông bằng gỗ hoặc cây trúc.
Khi đã đến khu rừng thiêng, mọi người sắp xếp đồ làm lễ được đặt theo trình tự từ phải qua trái: đầu tiên là mâm đồ cúng, tiếp đến là con bò, lợn, chó, và con gà được đặt ở phía ngoài cùng.
Sau khi đã cắt tiết xong các con vật hiến tế, các thầy mo sẽ thực hiện nghi thức cúng tươi một lần nữa cũng mang ý nghĩa như trên, lần lượt dâng thần linh và các loại ma trong rừng.
Phần thịt còn lại cùng các con vật khác sẽ được dân làng đem ra chế biến cho bữa ăn tại rừng. Một điều bắt buộc trong nghi thức này là, dân làng sẽ dùng cây trong rừng để làm kiềng nấu bếp, chứ không được chuẩn bị và mang theo kiềng từ nhà đi.
Mỗi một hộ gia đình sẽ cử một thành viên để ăn trước cùng thầy mo (ăn cùng thần linh). Điều đặc biệt kiêng kị lúc này là, khi ăn mọi người tuyệt đối không được nói chuyện mà phải ăn theo sự chỉ dẫn của thầy mo chính.
Khi thủ tục ăn cùng thần linh đã xong, thầy mo chính sẽ đứng dậy hô một câu thần chú và mọi người đồng thời đứng dậy, rời khỏi vị trí ngồi của mình đến các mân cỗ đã được chuẩn bị sẵn cho bữa tiệc.
Ngoại trừ mâm của thầy mo và đội hát lễ phải ngồi riêng, thì các thành viên khác trong xóm sẽ ăn uống giao lưu cùng với anh em trong xóm và những vị khách được mời đến tham dự.
Trong khi mọi người đang ăn uống vui vẻ, tại mâm của thầy mo đội nghi thức sẽ hát đối đáp với nhau bằng giai điệu dân ca của người Lô Lô. Kết thúc những bài hát trong nghi thức lễ, bà con dân làng Lô Lô sẽ hát lên những câu hát dân ca mang ý nghĩa mời rượu để mời anh em trong xóm cũng như những vị khách đến dự nghi lễ quan trọng của dân làng.
Sau khi dân làng đã ăn uống và hát múa những làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc mình, mọi người sẽ cùng nhau thu dọn vệ sinh khu rừng và trở lại cuộc sống thường ngày với một niềm tin vào cuộc sống khởi sắc hơn, một năm mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt.