Tiêu điểm

Tiếng vọng vàng son

Việt Thanh 30/01/2024 18:56

Những ngày cuối tuần thong thả, căn phòng trên gác thượng của Trung tâm Văn hóa tỉnh Bắc Ninh lại văng vẳng lời ca, nhịp phách, tiếng đàn từ lớp truyền dạy ca trù. Những lời ca ứ hự, khoan thai, lúc ngưng lúc nghỉ cùng nhịp phách giòn tan níu kéo, hòa vào âm sắc trầm đục, dìu dặt của đàn đáy được điểm xuyết bởi những tiếng tom, chát của trống chầu... như tiếng vọng “vàng son quá vãng” của ca trù Kinh Bắc.

Một thuở vàng son

Bắc Ninh là xứ sở của hội hè, đình đám, hầu như làng xã nào cũng có lễ hội nên đã tạo môi trường thuận lợi cho nhiều loại hình nghệ thuật diễn xướng phát triển. Đặc biệt, tầng lớp nho sỹ, quan lại thời phong kiến ở Bắc Ninh khá đông đảo với những danh gia vọng tộc, những dòng họ nối đời khoa bảng, những làng Tiến sỹ Kim Đôi, Vĩnh Kiều, Tam Sơn... cũng hình thành tầng lớp thức giả, quan viên sành điệu song hành cùng thế hệ đào kép điêu luyện, từ đó tạo nên đời sống nghệ thuật ca trù sôi động khắp vùng Kinh Bắc. Không chỉ rộn ràng sênh phách, ca trù Bắc Ninh còn phong phú hình thức diễn xướng như hát cửa đình, hát cửa quyền, hát thi, hát ca quán, hát tại gia... Bởi đất Kinh Bắc - Bắc Ninh xưa có nhiều dòng họ làm nghề ca công, nhiều phường hát ca trù chuyên nghiệp trứ danh, tiêu biểu như làng Thanh Tương - “Kẻ Tướng đi hát kiếm quan tiền dài” ở Thuận Thành. Hoặc Giáo phường Tiên Du xưa kia từng là tổ chức hát ca trù cửa quyền nổi tiếng khắp vùng.

398-202401301143131.jpg
Ông Nguyễn Thiết Khởi, Chủ nhiệm CLB Ca trù Tiểu Than (Gia Bình) giới thiệu những nhạc cụ đặc trưng của nghệ thuật ca trù gồm: Đàn đáy, sênh phách và trống chầu.

Trong một nghiên cứu khoa học của cố TS. Trần Đình Luyện cho biết: “Vào đầu thế kỷ XVIII, giáo phường Tiên Du là một phường hát ca trù chuyên nghiệp chủ yếu phục vụ việc tế thần cầu phúc trong lễ hội làng Đình Cả, sau đó là lễ hội lớn hàng tổng của Nội Duệ vào dịp Rằm tháng 8 âm lịch. Những quy định hát xướng được khắc ghi trên bia “Thọ phúc thần hiến điền” ở lăng mộ của Quận công Đỗ Nguyên Thụy và bia “Hồng Vân từ ký” ở lăng mộ Tướng công Nguyễn Đình Diễn cho thấy cả hai vị quan này đều quan tâm và say mê thưởng thức ca trù”. Tại Gia Bình, các nguồn tư liệu, sắc phong, nhà thờ tổ nghề ca trù làng Tiểu Than (Vạn Ninh) cho biết nghề hát ca trù ở đây có liên quan mật thiết với các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh, lễ hội cổ xưa của làng.

Hoạt động của dòng họ ca công Nguyễn Thiết làng Tiểu Than chủ yếu thực hành lối hát cửa đình, ngoài ra, còn hát phục vụ khao cưới, mừng thọ. Thời kỳ vàng son nhất của ca trù Tiểu Than là vào thế kỷ XIX, Tổng đốc Bắc Ninh cử cụ Nguyễn Thiết Vinh (1847 - 1902) - một danh cầm nổi tiếng cùng một ca nương vào kinh đô Huế đàn hát mừng thọ vua Tự Đức, được nhà vua ban thưởng nhiều bổng lộc. Sau đó, dòng họ Nguyễn Thiết đã xuất hiện thêm nhiều kép đàn, ca nương giỏi, thông thạo hầu hết các thể cách ca trù. Nghề hát ca trù ở Tiểu Than phát triển đến khoảng giữa thế kỷ XX thì mai một.

398-202401301143132.jpg
CLB Ca trù Thượng Thôn (Đông Tiến, Yên Phong) thực hành diễn xướng ca trù.

Ở thành phố Bắc Ninh, vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX cũng xuất hiện hình thức hát ca trù tại quán. Khi ấy, Thành Bắc Ninh được xây dựng và trấn thành Kinh Bắc chuyển về đây nên đã có hai nhà hát cô đầu được dựng lên ở Niềm Xá và Thanh Sơn nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức không chỉ của tầng lớp trí thức, nho sĩ, văn nghệ sĩ mà còn của đông đảo quan lại, gia đình phong lưu, khá giả khác... Như vậy, nghệ thuật ca trù Bắc Ninh theo thời gian đã hòa nhập, thích ứng trong mọi thiết chế văn hóa của xã hội. Từ diễn xướng chuyên nghiệp phục vụ trong cung vua, phủ chúa, nhà quan đến sinh hoạt văn nghệ dân gian trong tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng với lối hát cửa đình và cả môi trường bán chuyên ở các nhà hát cô đầu...

Có thời kỳ, hát ca trù ở Bắc Ninh không chỉ dành riêng cho một tầng lớp mà đã trở thành sinh hoạt phổ biến cho mọi công chúng. Tìm hiểu sức sống ca trù Bắc Ninh trong thời kỳ phát triển hưng thịnh thấy trùng khít với diễn giải của nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Diện rằng: “Nghệ thuật ca trù trải nửa thiên niên kỷ, cả Thần và người đều chuộng. Ở nơi đình miếu, đền đài thâm nghiêm các vị thần thánh nghe hát trong hương trầm đượm tỏa, trong sự sùng phụng của xã dân... Và trong dân gian, mỗi khi khao vọng, cho dù là khao thọ, khao thi đỗ, khao được thăng chức, hay khai trương cửa hiệu, hoặc mừng đón nhau về, mừng tiễn nhau đi đều vời các đào kép ca trù đến, tùy việc tùy duyên mà thưởng ngoạn câu thơ, khổ phách, cung đàn. Rồi những khi thư thả việc công, những khi buồn thế thái nhân tình, hoặc câu chuyện tình duyên gặp trắc trở, ai đó lại vịn vào tiếng hát, tiếng thơ, nhịp phách ca trù...”.

Đau đáu tiếng trống chầu

Thịnh hành từ thế kỷ XV, ca trù đất Kinh Bắc-Bắc Ninh có sức sống dồi dào trong suốt một giai đoạn dài của lịch sử, cất giữ nhiều giá trị tinh hoa của văn hóa dân tộc, gắn với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, văn chương, âm nhạc và cả tư tưởng, triết lý sống của người Việt. Thế nhưng, bộ môn nghệ thuật có bề dày lịch sử và chiều sâu nghệ thuật này lại phải chịu một số phận long đong, từng bị hiểu lầm, bị xã hội hắt hủi và gạt ra khỏi đời sống văn hóa. Nhiều nghệ nhân, đào kép ném bỏ đàn phách, cố quên nghiệp đàn hát và giấu đi lai lịch của mình...

Cứ thế, ca trù vắng bóng, gián đoạn ngót một thế kỷ cho mãi đến những năm 2005-2009, sau khi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh ca trù vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp thì loại hình nghệ thuật thuần Việt, tao nhã và sang trọng trước đây mới được quan tâm nhìn nhận, phục hồi trở lại.

398-202401301143133.jpg
Trống chầu (Ảnh: internet).

Ngày nay, ca trù Bắc Ninh đang dần được hồi sinh tích cực với sự nỗ lực bền bỉ từ phía những người tâm huyết với văn hóa ca trù. Có 3 địa phương trong tỉnh thành lập được CLB ca trù và duy trì sinh hoạt đều đặn là Thanh Khương (phường Thanh Khương, thị xã Thuận Thành), Tiểu Than (xã Vạn Ninh, Gia Bình) và Thượng Thôn (xã Đông Tiến, Yên Phong). Ngoài ra còn có một số nhóm ca trù ở thành phố Bắc Ninh và Gia Đông (Thuận Thành)... Cả tỉnh có khoảng 100 hội viên tham gia sinh hoạt ca trù với độ tuổi trung bình đều ở ngưỡng trên 60 tuổi.

“Theo sách “Bắc Ninh địa dư chí” của Đỗ Trọng Vỹ, vào thế kỷ 19, Bắc Ninh có khá nhiều nơi có phường hát ca trù mà trong sách ghi là hát ả đào. Như huyện Đông Ngàn có Lỗ Khê, Trịnh Xá, Lại Đà có hát ả đào. Huyện Yên Phong có Đông Lâm, Trà Xuyên, Hồi Quan có hát ả đào. Huyện Quế Dương ở Mộ Đạo có ả đào. Huyện Đông Anh ở 2 xã Mạch Trường và Thụy Hà có ả đào. Huyện Siêu Loại, xã Thanh Tương có ả đào. Huyện Gia Bình, Tiểu Than, Đông Cứu có ả đào” .

Kể từ năm 2018, Trung tâm Văn hóa tỉnh đều đặn tổ chức lớp truyền dạy ca trù và mời giảng viên là các nghệ sĩ, ca nương, nhạc công của những đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp như Học viện Âm nhạc Quốc gia, Nhà hát Chèo Bắc Giang... về trực tiếp truyền dạy. Học viên phần nhiều là cô bác nông dân yêu văn nghệ đến từ các địa phương có di sản như Thuận Thành, Yên Phong, Gia Bình, thành phố Bắc Ninh và một số người yêu thích, con cháu dòng họ có nghề hát xưa kia. Bằng ý thức trách nhiệm gìn giữ di sản ông cha, họ chuyên tâm luyện hơi, luyện ngón với mong mỏi sớm góp phần đưa ca trù ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp.

Một lòng một dạ đeo đẳng, nặng tình với ca trù suốt 10 năm nay, ông Nguyễn Trọng Thỉnh, 78 tuổi, Chủ nhiệm CLB Ca trù Thanh Khương tâm sự: “Đã ba năm liên tiếp tôi tham gia lớp học, vừa học đàn đáy vừa tập trống chầu. Ca trù quê tôi hay, độc đáo thế, lỡ mất đi thì tiếc lắm! Trước đây, tôi chỉ được các cụ dạy truyền miệng theo lối tùng tang tính tùng, không có cơ bản. Khi biết Trung tâm Văn hóa tỉnh mở lớp truyền dạy ca trù, thành viên CLB chúng tôi rất phấn khởi, dù tuổi cao sức yếu vẫn chẳng quản ngại đường xa mưa nắng, bắt xe buýt lên thành phố học để gìn giữ di sản quê hương”.

Hai năm liên tiếp truyền dạy ca trù tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Bắc Ninh, NSƯT Quỳnh Mai, Phó Trưởng phòng Nghệ thuật và Đào tạo, Nhà hát Chèo Bắc Giang chia sẻ: Học viên ở Bắc Ninh thực sự rất đam mê, đến lớp đều, đông đủ, đặc biệt là các cô bác ở Thuận Thành, Yên Phong rất chịu khó. Họ nhiệt tình, hăng say như thế nên chúng tôi cũng được truyền cảm hứng và có thêm động lực... Ca trù đặc sắc không chỉ bởi phong phú làn điệu, thể cách, mà còn ở không gian, thời gian diễn xướng và phong cách thưởng thức. Đó là cuộc trò chuyện bằng cảm xúc giữa người nghệ sĩ với người thưởng lãm, là thế giới nội tâm sâu thẳm của những tâm hồn tri âm, tri kỷ. Giới nghiên cứu gọi việc thưởng thức ca trù là “nghe hát” chứ không phải “xem hát” vì đào nương chỉ ngồi yên gần như bất động trong suốt cuộc hát, vẻ mặt bình thản, đoan trang. Đạo cụ của đào nương là một cỗ phách tre trước mặt và đối thoại với người nghe bằng giọng hát quện với tiếng phách của mình.

Do vậy, muốn giới thiệu được vẻ đẹp tinh tế của nghệ thuật ca trù với công chúng cần có không gian diễn xướng thật yên tĩnh, trong một ngôi đình trầm mặc, uy nghiêm hoặc ở một khán phòng đầm ấm thân tình. Như thế mới có được sự giao hòa đồng điệu giữa người hát và người thưởng thức để tạo nên một thế giới nghệ thuật thơ nhạc quấn quện, thăng hoa mê hoặc. Bây giờ, đời sống xã hội đổi thay, không gian diễn xướng và nhất là khán giả thưởng thức không như xưa nên việc bảo tồn ca trù đang còn nhiều thách thức.
Giảng viên, NSƯT Quỳnh Mai trăn trở: Ca trù vốn khó, rất khó, kén người nghe, kén cả người học. Nhiều người có chất giọng tốt, ban đầu ngâm ngợi được vài câu đã nghĩ rằng hát ca trù đơn giản nhưng khi kết hợp cùng phách thấy khó quá nên rất nhanh nản. Để bảo tồn được ca trù, quan trọng nhất cần phải có được không gian diễn xướng riêng và đào tạo được lớp khán giả biết nghe, biết thưởng thức, có khả năng thẩm thấu văn chương, âm nhạc.

Muốn thế thì phải tạo điều kiện cho công chúng được sống trong môi trường diễn xướng thực tế thường xuyên chứ nếu chỉ cưỡi ngựa xem hoa, nghe đôi ba câu hát văng vẳng đâu đó thì khó mà hiểu được bộ môn nghệ thuật bác học này. Bắc Ninh bao giờ hình thành được lớp khán giả, quan viên cầm chầu sành điệu, tinh tế, điêu luyện đủ năm phép trống giục, sáu phép trống chầu? Bao giờ sẽ có được những buổi diễn xướng ca trù thăng hoa, viên mãn mọi đường để được thỏa thuê trong tiếng hát huê tình trang nhã, trong nhịp phách giòn quyện với tiếng vê, tiếng vẩy, tiếng lia lúc chân phương khi dìu dặt của đàn đáy?
Những câu hỏi này vẫn đang đau đáu đặt ra, trước hết dành cho giới mộ điệu văn chương, âm nhạc, tiếp đến là sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương và đặc biệt là công chúng thưởng thức.

Theo https://baobacninh.vn
Copy Link
Copy Link
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO