Cư Kuin mùa xuân về, một màu xanh bát ngát, thấy một tình xuân vuông tròn, giữa bạt ngàn hoa cà phê trắng ngần vọng tiếng khèn người Thái, người Mông, ngân vang tiếng chiêng, say mãi nhịp xoang... Sau tất cả, mảnh đất này bây giờ thật đẹp và bình yên.
Hạnh ngộ Tây Bắc ở Tây Nguyên
Tôi đã nhiều lần được hòa trộn trong sắc màu của Lễ hội dân gian văn hóa Việt Bắc được tổ chức hàng năm vào tháng Giêng ở thôn 4 (xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk). Gặp lại những thân quen thuở nào, tôi thấy lòng mình rạo rực niềm vui. Ngay từ sáng sớm, không gian lễ hội đã ngập tràn màu sắc của các tộc người từ khắp núi rừng Tây Nguyên trở về hạnh ngộ.
Xúng xính trong bộ váy chàm truyền thống của dân tộc Tày, bà Nông Thị Thím (61 tuổi) đến từ xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk rạng ngời khi được gặp lại những đồng hương quê Cao Bằng. Lễ hội năm nay, bà Thím cùng 6 chị em tham gia biểu diễn bài hát “Trẩy hội Cao Bằng”. Lời bài hát là khúc tâm tình non nước Cao Bằng, là nhung nhớ cố hương, thổn thức với làn điệu dân ca: Lượn Then, Dá hai, Pụt Lằn, Xà xá, Sli Giang, Nàng ới… mà đã lâu rồi phải xa vắng.
Bà Thím rời Cao Bằng từ năm 1984, cũng ngần ấy năm bà luôn nhớ thương về quê hương, nơi mây trắng cuộn bồng bềnh, nơi gió thoảng mơn man ngàn núi, nơi có con sông chảy qua bản Nà Cáp quê mẹ của bà. 40 năm vật lộn với cuộc mưu sinh ở Tây Nguyên, bà Thím cùng bao người con Cao Bằng đã quên đi nhiều thứ ở nơi mình sinh ra, nhưng làn điệu dân ca thì chưa bao giờ nhạt tiếng trong tâm khảm của họ.
Háo hức và rạo rực, nghiêm túc và chỉn chu, tiết mục “Trẩy hội Cao Bằng” được đội của bà Thím tập dượt suốt hai tuần. Đội quy tụ toàn những “nghệ sĩ” U60 quanh năm bám ruộng vườn, nương rẫy nên người nhớ, người quên, lại có người khỏe, người yếu. Thành ra, lời hát, điệu múa phải khổ luyện nhiều ngày.
Quyết định chọn tác phẩm cho lễ hội năm nay, đội bà Thím đã họp bàn rất nghiêm túc. Sau cùng, “Trẩy hội Cao Bằng” được chọn bởi bao hàm được nhiều ý nghĩa, thể hiện được trọn vẹn niềm vui ngày hội mùa xuân của các dân tộc anh em, về tình yêu thương, đoàn kết thủy chung của người Việt Nam trên khắp mọi miền Tổ quốc.
“Ngày hội lùng tùng tính tẩu reo vui/ Ngày hội cầu mùa pí lè xôn xao/ Ngày hội Gàu tào khèn Mông xuống núi/ Nhè nhẹ mưa giăng nở trắng hoa rừng/ Người Tày người Nùng kết bạn người Mông/ Người Kinh người Dao sớm lửa tối đèn/ Cùng bạn người Hoa cầm tay nhau hát/ Ngày hội non sông rực rỡ núi rừng…”. Bà Thím say sưa hát cho tôi nghe, nhưng lại ngượng ngùng khi có người khen, giống như cô gái người Tày lần đầu xuống phố.
Không còn sức lực để hát một điệu Then hay đánh một khúc nhạc đàn Tính, bà Nông Thị Minh (75 tuổi, xã Ea Tam, huyện Krông Bông) vẫn quyết vượt gần 100 cây số đi lễ hội, chỉ để nghe một khúc tâm tình người Tày của bà. Bà Minh quê ở Ba Bể (Bắc Kạn), di cư vào Đắk Lắk năm 1981. Những năm khốn khó ở vùng đất mới, bà Minh vùi mình vào việc khai khẩn đất hoang. Bà đã phải gác lại mọi thứ, thậm chí cả nỗi nhớ quê hương để lo cho 6 người con khôn lớn. Khi cái ăn cái mặc đã tạm ổn, bà chợt nhớ mình còn điệu Then trong vắt mùa xuân, còn tiếng tính tẩu (đàn Tính) ngân xa vọng về.
Thời trẻ, bà Minh từng là một cây hát Then, đàn Tính sôi nổi ở Nam Mẫu, Ba Bể. Trong nỗi nhớ của bà, hát Then chính là điệu hát thần tiên, điệu hát của Trời. Người Tày của bà quan niệm, Then có nghĩa là “Trời”. Hát Then là một loại hình diễn xướng âm nhạc tín ngưỡng dân gian, có nội dung thuật lại cuộc hành trình của con người lên thiên giới cầu xin Then ban cho những điều may mắn và một cuộc sống tốt lành. Hát Then của người Tày phản ánh chuyện từ đời sống, bản mường, đến chuyện tình yêu, ma chay, cưới hỏi… Trong lễ Then cổ truyền, người ta thấy rõ nhân sinh quan, thế giới quan và bản sắc văn hóa của đồng bào Tày.
Tiết mục Then, đàn Tính được diễn xướng tại lễ hội năm nay đã lấy đi bao xúc cảm của những người con dân tộc Tày đang lưu lạc bốn phương. Bà Minh lặng người, thi thoảng lấy tay lau nước mắt. Bà khóc vì vui và hạnh phúc.
Noọng ơi Cư Êwi
Nắng lên, vũ khúc Tây Bắc véo von, bập bùng chính thức bước vào ngày hội. Giàng A Lử (dân tộc Mông Yên Bái, ngụ huyện M’Drắk) quay cuồng trong điệu khèn Mông. Tiếng khèn như sợi dây ma mị nối giữa thế giới thần linh với con người, là khúc tình heo hút xứ cao nguyên của người trai tìm người gái, tiếng khèn giúp họ thương nhau, trao gửi những ân tình xứ sở.
Lử yêu cô gái người Mông Thào Seo Tình từ tiếng khèn lễ hội chợ tình Ea Tam (Krông Năng) năm 2016. Khèn về lập lòa buông váy hoa xòe, cô gái người Mông mê chàng trai người Mông, ngả nghiêng rượu say chợ phiên. Mối tình đẹp ấy bây giờ đã là một gia đình êm ấm với hai thiên thần nhỏ, Giàng A Lử đang rất hạnh phúc chuẩn bị chào đón thành viên thứ ba. Lẽ ra, năm nay Lử sẽ đưa cả gia đình về Cư Êwi du xuân chơi lễ hội nhưng vợ Lử sắp sinh nên kế hoạch dở dang. Lử một mình về để thực hiện lời hứa mang tiếng khèn Mông hòa cùng khèn Thái, khèn Dao…
Giàng A Lử không giỏi bắn cung, cũng không thể thổi khèn hay như A Páo nhưng Lử có một nỗi thương nhớ Tây Bắc ngân dài mãi. 16 năm xa quê, Giàng A Lử chưa một lần quay trở lại thăm ngôi nhà nằm chênh vênh trên quả đồi ở bản Sáng Nhù, xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Lử cũng da diết về tiếng khèn gọi bạn tình thời đỉnh núi chưa có sóng điện thoại. Ngày ấy, tiếng khèn báo cho cô gái biết bạn trai đã đến dưới chân đồi. Tiếng khèn của mỗi chàng trai sẽ có giai điệu khác nhau. Người con gái Mông sẽ biết đâu là tiếng khèn của chàng trai họ thương để tìm đến. Nếu ưng nhau, cô gái sẽ tìm chàng trai theo tiếng khèn gọi bạn. Mang theo hoài niệm của những ngày xưa cũ ở núi rừng Tây Bắc, Giàng A Lử đã gửi gắm chúng vào điệu khèn hôm nay, tiếng khèn da diết, thẳm sâu, lay gọi những ân tình không thể diễn tả bằng lời.
Là người Kinh nhưng mê làn điệu dân ca Thái, Nguyễn Văn Trọng (thôn 1, xã Cư Êwi) năm nay biểu diễn bài “Noọng ơi Cư Êwi” kết hợp khèn bè. “Rượu ngô em say quá, hay là say bạn tình/ Em từ miền Tây Bắc bao la, quê hương em mặn nồng/ Giữa chuyện tình theo gió heo may/ tiếng sáo mèo nghe gió du dương/ Ơi ta lại gặp nhau trên Cư Ewi lộng gió…”.
Để có thể hóa thân thành chàng trai Thái hát Noọng ơi và thổi khèn bè, Trọng đã dày công tìm hiểu phong tục của người Thái, lắng nghe thật nhiều dân ca Thái, không chỉ yêu tiếng khèn mà còn hiểu và thẩm thấu được âm thanh ấy một cách sâu lắng nhất.
Giai điệu ngọt ngào cất lên, bao trái tim người con Tây Bắc xa quê đã rung lên thổn thức. Là người Thái (Sơn La), khi nghe điệu khèn bè, ông Đinh Văn Mừng (ngụ xã Ea Kuêh, huyện Cư Mga) rưng rưng nhớ về những mùa xuân tuổi trẻ trên quê hương, da diết trong vũ điệu tình yêu, trong tiếng khèn đêm trăng say đắm men rượu ngô.
Ông Mừng nói rằng, tiếng khèn người Thái làm đẹp như dệt cánh đồng nắng, như gội núi bằng sương đêm, như suối hát tình ca, như tiếng gọi người yêu bên nhà sàn Khau cút. Trong tục ngữ Thái cho rằng con trai không biết thổi khèn bè cũng như con gái không biết dệt vải, trai sẽ không lấy được vợ, gái cũng không lấy được chồng. Bởi vậy, những chàng trai cô gái Thái xem khèn bè là báu vật của tình yêu, là tiếng lòng của đôi lứa, là sự thổn thức của con tim mở cửa lòng mình đón niềm vui hạnh phúc.
Lễ hội về đêm như bùng nổ, điệu khèn như hối thúc, như mời gọi lữ khách tìm về mảnh đất Cư Kuin hiền hòa. Trong men say rượu ngô Bắc Hà, tôi đã chếnh choáng với điệu của tiếng khèn người Thái, người Mông. Tôi mường tượng được một điều, khi điệu khèn được tung tẩy, họ sẽ đắm say trong tiếng khèn, và như thế, cuộc vui mới trọn vẹn.