Lần thứ ba, một chương trình giao lưu hát Then, đàn tính giữa huyện Bình Liêu với tỉnh Cao Bằng, tỉnh Lạng Sơn được tổ chức sôi nổi tại không gian lễ hội đình Lục Nà, xã Lục Hồn (Bình Liêu, Quảng Ninh). Đêm hội Then thắm tình thắm nghĩa và đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc.
Di sản văn hóa phi vật thể thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được đọc chệch từ chữ "Thiên", có nghĩa là trời. Do đó, hát Then được hiểu là khúc hát thần tiên, là loại hình diễn xướng dân gian tổng hợp gồm ca múa nhạc và diễn trò. Xưa kia, Then nghi lễ mang đậm tính chất tâm linh được dùng trong dịp cầu an, giải hạn, cầu mùa với quan niệm điệu Then chính là lời khẩn cầu được gửi lên trời. Để dìu lời hát bay bổng hơn lên cõi trời, nghệ nhân xưa đã sáng tạo ra chiếc đàn tính. Người hát Then mặc sắc phục Tày vừa hát tiếng dân tộc mình vừa gảy tính tẩu, xóc chùm xóc nhạc, phất quạt, có buổi lễ còn có tốp nữ múa phụ họa.
Lời hát Then vốn là những câu chữ được dân gian chắt lọc, gọt giũa, vừa là những câu thơ trữ tình, giàu nhạc điệu, vừa là lời khuyên răn, khích lệ, vừa là những kinh nghiệm về đối nhân xử thế... Về cơ bản, hát Then, đàn tính ở mỗi vùng, miền đều có cung quãng giống nhau nhưng về lời hát thì có nhiều dị bản để phù hợp với đặc điểm cũng như phong tục của từng địa phương
Trong khi hát Then của người Tày Lạng Sơn dìu dặt, tha thiết thì hát Then ở Tuyên Quang dồn dập như thúc quân ra trận, hát Then ở Hà Giang nhấn nhá từng tiếng, hát Then Bắc Kạn lại như tiếng thì thầm... Sau này, bà con cải biến sân khấu hoá Then nên bên cạnh Then nghi lễ còn có loại hình Then văn nghệ vui tươi hơn. Di sản văn hóa phi vật thể thực hành Then đã được Tổ chức UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2019. Nhờ các chức năng văn hóa xã hội, Then góp phần giáo dục đạo đức, lối sống nhân đạo và bảo vệ các phong tục và truyền thống văn hóa ở Việt Nam.
Tại Quảng Ninh, diễn xướng dân gian hát Then, đàn tính được cộng đồng người Tày thực hành, gìn giữ và lưu truyền từ xa xưa. Để bảo tồn vốn di sản quý báu này, có rất nhiều thế hệ nghệ nhân âm thầm cống hiến sức lực, tâm huyết. Có người còn, người mất, nhưng những cống hiến đó đã được Nhà nước, cộng đồng ghi nhận.
Tại Quảng Ninh có hàng chục nghệ nhân người Tày ở Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ, Hạ Long, Đông Triều đang ra sức gìn giữ di sản hát Then. Nói riêng huyện Bình Liêu, đến nay đã có 6 cá nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ nhân Ưu tú vì đã có thành tích thực hành di sản hát Then, đàn tính của người Tày. Đặc biệt, có những người vì yêu mến gắn bó với văn hoá dân tộc Tày mà tận tâm sưu tầm, khảo cứu và đặt lời mới cho hát Then như cố Nghệ nhân dân gian Ngô Đức Nguyên. Hay như một nghệ nhân trẻ hơn cũng đang tích cực sưu tầm những bài hát Then của dân tộc mình là Nghệ sĩ Vùng mỏ Đặng Văn Sàu. Có người cặm cụi làm đàn tính chủ yếu để giữ lại tiếng đàn của dân tộc mình, đó là tấm gương của Nghệ nhân Ưu tú Lương Thiêm Phú.
Chương trình giao lưu hát Then, đàn tính giữa huyện Bình Liêu với tỉnh Cao Bằng, tỉnh Lạng Sơn được tổ chức tại Lễ hội đình Lục Nà, không chỉ giúp quảng bá di sản hát Then, đàn tính của Bình Liêu mà còn là dịp để mỗi người dân và du khách đắm chìm trong không gian huyền ảo với những làn điệu hát Then, múa Then cùng cây đàn tính và chùm nhạc.
Đó có thể là những lời ca điệu múa rộn rã trong tiết mục “Trẩy hội ngày xuân”, đặt lời Nghệ sĩ Vùng mỏ Đặng Văn Sàu, như là lời chào mừng quý vị đại biểu, khách quý đã đến với Bình Liêu. Hay những khúc hát Then đầu xuân cầu an lành, may mắn, lời Then hỷ phúc, trích đoạn "Khẩn bản già quan" của đoàn nghệ nhân huyện Bình Liêu... Đã từ lâu, Then có mặt trong mọi hoạt động của đời sống người Tày, tham gia vào việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, ca ngợi vẻ đẹp cuộc sống, lao động sản xuất. Bài Then "Bình Liêu đổi mới" do nghệ nhân Ngô Đức Nguyên sưu tầm ca ngợi những nỗ lực của huyện nhà để nhân dân có đời sống vật chất và tinh thần tốt nhất.
Chương trình còn hấp dẫn hơn với sự có mặt của các nghệ nhân, nghệ sĩ đến từ tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Cao Bằng đã làm cho đêm giao lưu hát Then thêm đậm đà sắc màu văn hoá. Tại đêm giao lưu, các nghệ nhân đã mang đến khúc hát Then đầu xuân cầu an lành, may mắn mà còn gắn liền với sinh hoạt tín ngưỡng trong năm với phần trình bày của tốp then Hội Bảo tồn dân ca tỉnh Lạng Sơn hay lời then hỷ phúc do tốp then huyện Bình Liêu trình diễn. Hàng loạt các trích đoạn trong nghi lễ Then cổ được giới thiệu đến công chúng, như: Trích đoạn "Khảm hải" (Vượt biển) đoàn nghệ nhân Cao Bằng, trích đoạn "Quá hải" Then Nùng lời cổ của đoàn nghệ nhân Lạng Sơn...
Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Kim Tuế, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo tồn dân ca tỉnh Cao Bằng, cho biết: Chúng tôi rất vinh dự và phấn khởi được đến Bình Liêu biểu diễn. Trước đó, chúng tôi đã có 2 tuần theo lịch trình tập luyện cả thảy 5 tiết mục, vừa then cổ vừa then lời mới đậm đà bản sắc dân tộc. Chúng tôi đã hoàn thành chương trình luyện tập và biểu diễn tốt. Mỗi bài Then đều mang ý nghĩa ca ngợi mùa xuân quê hương, đất nước, ca ngợi cộng đồng. Chúng tôi mong rằng, có nhiều hơn nữa những dịp quảng bá làn điệu Then, học hỏi giao lưu với các bạn ở Quảng Ninh và Lạng Sơn.