Giữa núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ, tiếng hát của nghệ nhân dân gian Y Nía cất lên hòa theo gió, không chỉ khiến lòng người đắm say mà đến cả cỏ cây cũng cựa mình rung động. Hát đối với nghệ nhân Y Nía là đang thỏa niềm đam mê, cũng là cách để bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống của cha ông mình để lại.
Dân bản gọi nghệ nhân dân gian Y Nía (SN 1968, làng Kon Bỉ, xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy, Kon Tum) là “họa mi núi rừng”. Tiếng hát trong trẻo của bà cất lên khiến người thưởng thức như quên đi hết những bộn bề của cuộc sống, hòa mình vào núi rừng Tây Nguyên. Bà nói, hát đối với mình vừa là niềm đam mê, vừa là cách để bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống.
Cây cầu treo độc đạo dẫn vào làng Kon Bỉ dưới một chiều nắng đẹp hắt lên như một bức tranh hữu tình níu chân người thưởng lãm. Đúng như tiếng hát của nghệ nhân Y Nía, “tiếng tăm” của bà cũng vang xa, chỉ cần nhắc đến tên, hỏi đến nhà thì không ai là không biết. Nói về nghệ nhân Y Nía, người dân cho hay bà ngoài tài ca hát còn là người năng nổ, tích cực với các hoạt động của thôn xóm.
Để đón khách, nghệ nhân Y Nía đã kết thúc công việc nương rẫy sớm hơn ngày thường. Nụ cười hiện hậu, sự mến khách cũng từ đó xóa đi khoảng cách của những người mới lần đầu gặp mặt. Những câu chuyện hay về văn hóa dân gian của bà con dân tộc Xơ Đăng nơi đây khiến chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, vô cùng thú vị.
Nghệ nhân Y Nía là người dân tộc Xơ Đăng (nhóm Tơ Đrá), sinh ra ở xã Măng Bút (huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum). Khi bà Y Nía được 6 tuổi, bố mất bà cùng mẹ mình và các anh em đến làng Kon Bỉ bây giờ để sinh sống.
Làng Kon Bỉ lúc ấy cũng đông anh em, bà con là dân tộc Xơ Đăng nên chẳng mấy chốc gia đình bà đã nhanh chóng hòa nhập, xem đây như quê hương thứ hai của mình.
Niềm đam mê của bà Y Nía với nghệ thuật ví như cây cỏ, không ngừng lớn lên theo năm tháng. Bà đã sống và cống hiến hết mình cho thôn làng bằng tài năng nghệ thuật, đặc biệt là hát dân ca truyền thống.
Cũng từ đó, nghệ nhân Y Nía nhanh chóng được mọi người yêu mến và gọi là “họa mi” của buôn làng. Mỗi dịp sinh hoạt cộng đồng, lễ hội văn hóa, văn nghệ tại thôn, tất nhiên không thể nào thiếu được tiếng hát của nghệ nhân Y Nía.
Bà Y Nía cho hay, từ nhỏ đã được nghe bà ngoại hát dân gian nên các giai điệu truyền thống như ăn sâu vào tâm hồn. Tuy nhiên, lúc nhỏ vì một chút rụt rè, một chút ngại ngùng trước đám đông, nên bà chưa dám thể hiện giọng hát của mình cho mọi người nghe. Cho nên, bà chỉ hát khi lên nương làm rẫy, hay hát cho đám bạn thân mỗi khi tụ tập cùng nhau.
Được bạn bè động viên, cộng với khao khát thể hiện mình, đến năm 14 tuổi, nghệ nhân Y Nía mạnh dạn cất tiếng hát của mình trong một đêm văn nghệ làng. Mọi người nghe xong ai cũng trầm trồ thán phục. Chính tiếng hát trong trẻo cất lên từ lần ấy, nghệ nhân Y Nía được các “đại thụ” về hát dân ca trong làng để ý và tìm đến nhận học trò.
Một trong những nghệ nhân đặt nền móng cho nghệ nhân Y Nía đến với hát dân ca chuyên nghiệp là bà Y Vang và ông A Tiên, đều là người trong làng. Chỉ sau 1 năm được cả 2 nghệ nhân cùng chỉ dạy, bà Y Nía được học cách hát bài bản các bài hát truyền thống của dân tộc Xơ Đăng để biểu diễn và hát ru trong các dịp lễ hội. Các bài hát như: hát mừng lúa chín, hát ru em, những bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ… là “sợi dây” nối quá khứ và hiện tại, làm nên tên tuổi của Y Nía. Từ ấy, bà tích cực tham gia vào đội văn nghệ của thôn, xã và đi giao lưu, biểu diễn khắp nơi tại các liên hoan văn hóa, văn nghệ của huyện, tỉnh tổ chức.
Đắm chìm trong câu chuyện kể của nghệ nhân Y Nía bao nhiêu, chúng tôi lại càng nóng lòng được thưởng thức tiếng hát họa mi rừng núi Kon Bỉ bấy nhiêu. Căn nhà nhỏ phút chốc yên ắng, rồi tiếng hát lảnh lót của nghệ nhân Y Nía cất lên trước sự ngạc nhiên của chúng tôi. Chúng tôi ngạc nhiên, bởi thời điểm hiện tại, nghệ nhân Y Nía đã ở tuổi ngoài 50 nhưng giọng hát của bà vẫn đầy nội lực.
Nghệ nhân Y Nía kể, với sự giới thiệu của ông A Tiên, khi ấy là cán bộ Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Kon Rẫy, bà được mời thu thanh cho huyện các chuyên mục giọng nói, hát dân ca để phát trên các loa truyền thanh, phương tiện thông tin đại chúng lúc bấy giờ. Ông A Tiên vốn là một nghệ nhân gạo cội về văn hóa dân gian của làng, nên thông qua công việc thu thanh ấy, bà Y Nía được ông A Tiên chỉ dạy thêm và đã học hỏi, trưởng thành hơn rất nhiều. Giọng hát của nghệ nhân Y Nía nhanh chóng đến với bà con khắp các buôn làng qua các kênh radio, phát thanh của huyện.
“Người Tơ Đrá chúng tôi cũng như các dân tộc khác đều có rất nhiều nghi lễ truyền thống. Trong mỗi dịp ấy không thể thiếu những bài hát dân ca, hát giao duyên đối đáp. Chính vì vậy, những bài hát dân ca một cách tự nhiên đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân Tơ Đrá khi lớn lên, giúp bà con được trải nghiệm cảm xúc, hiểu biết thêm một phần nguồn gốc của tổ tiên, văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Cũng vì thế mà tôi luôn muốn thế hệ trẻ trong làng học hát dân ca để hiểu thêm về nguồn cội, không bị mai một theo thời gian”, bà Y Nía nói.
Được biết, ngoài đam mê hát dân ca, bà Y Nía còn là một nghệ nhân đa tài khi biết múa xoang, đánh chiêng, đàn Klông Pút, đan dệt thổ cẩm rất đẹp. Mỗi khi có dịp, ngoài truyền dạy về hát dân ca, bà còn hỗ trợ các nghệ nhân khác trong làng dạy cồng chiêng, múa xoang cho những người khác. Bà Y Nía cũng có rất nhiều học trò ở những nơi khác, trong đó về hát dân ca đã truyền dạy cho 10 học trò thành thạo về lĩnh vực này.
“Mặc dù xã hội hiện đại phát triển nhanh chóng, những nghệ nhân dân gian như chúng tôi không thể sống bằng nghề được nhưng chỉ cần vẫn còn người muốn nghe, tìm hiểu văn hóa truyền thống thì tôi vẫn sẽ tiếp tục sáng tạo, cống hiến. Tôi vẫn sẽ luôn yêu nghề và đam mê với những làn điệu dân ca của dân tộc Tơ Đrá chúng tôi”, bà Y Nía bộc bạch.
Trời ngả chiều trên núi rừng Kon Bỉ đẹp và bình yên. Tiếng hát của nghệ nhân Y Nía vẫn vang vọng đâu đây, khiến cuộc chia tay của chúng tôi thêm phần dùng dằng. Trước khi chúng tôi rời đi, nghệ nhân Y Nía thâm tình bày tỏ, bà sẽ tiếp tục với niềm đam mê và cũng sẽ có trách nhiệm của một nghệ nhân dân gian thực thụ, truyền lửa cho nhiều thế hệ trẻ trên con đường bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn.