Văn hóa

Tiếng chuông vọng giữa trời Nam

T.Thành 12/10/2023 - 07:40

Cứ mỗi dịp diễn ra Lễ Sen Dolta, Lễ dâng y Kathina hay Tết Chôl Chnăm Thmây..., người Khmer ở các tỉnh miền Tây lại tưng bừng mở hội. Trong những ngày lễ ấy, dòng người háo hức đổ về các ngôi chùa dường như bất tận. Và, tiếng chuông lại vang vọng khắp trời Nam.

Đặc sắc các sắc màu văn hóa

Phong tục, tập quán và lễ hội là di sản văn hóa phi vật thể, phản ánh nét đẹp sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư, mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Người Khmer ở Nam bộ nói chung và ở đồng bằng sông Cửu Long nói riêng có nền văn minh phát triển từ khá sớm, thế nên những phong tục, tập quán của họ đã và đang có nhiều đóng góp tích cực vào kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Theo số liệu thống kê, người Khmer ở Việt Nam có khoảng hơn 1,3 triệu người, sống tập trung ở một số tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như: Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Cần Thơ… Cộng đồng Khmer có ngôn ngữ và chữ viết riêng cùng với kho tàng thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười... phong phú.

Đặc biệt, nghệ thuật sân khấu truyền thống của Người Khmer hết sức độc đáo với Dù kê, Dì kê. Âm nhạc của họ ảnh hưởng rất lớn từ Ấn Ðộ. Nghệ thuật và kiến trúc chùa tháp được đánh giá là di sản đặc sắc của văn hoá Khmer. Trong các ngôi chùa, tượng Ðức Phật Thích Ca được tôn thờ, chiếm vị trí trung tâm khu chính điện, tồn tại một hệ thống linh thần, linh thú - những dấu ấn của Bà La Môn giáo và tín ngưỡng dân gian.

Theo các nhà nghiên cứu, khu vực Nam Bộ hiện có khoảng 600 ngôi chùa Khmer lớn, nhỏ với khoảng hơn 10.000 sư tăng, trong đó có những ngôi chùa được xây dựng cách đây vài thế kỉ, được công nhận là di tích văn hóa, di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia như: chùa Âng, chùa Mẹt, chùa Hang, chùa Dơi... Chùa và sinh hoạt Phật giáo có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần và xã hội, là nơi tu tập, truyền bá những giá trị văn hóa truyền thống.

anh-bai-tieng-chuong-vang-vong-giua-troi-nam-1.jpg
Ông La Lự: “Trong đời sống tinh thần của người Khmer, chùa có vai trò vô cùng quan trọng”.

Những ngày tháng học chữ ở chùa giúp các thanh niên Khmer học viết và phát âm chuẩn ngôn ngữ Khmer và Pali. Ngoài ra, các tăng sinh, học sinh còn được học về Phật pháp, hiểu biết thêm những điều hay lẽ phải, góp phần gìn giữ và phát triển chữ viết, tiếng nói, gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer.

Người Khmer có 4 đặc điểm cư trú chính là sinh sống trên đất giồng; đất ruộng; ven theo kênh, các con rạch nhỏ; và dọc theo trục lộ giao thông. Tổ chức xã hội truyền thống của dân tộc này được chia theo đơn vị nhỏ nhất là “Phum” và lớn hơn là “Srok”, hay còn trại đi là “Phum” và “Sóc”.

Nhà ở truyền thống của họ là nhà sàn, nhưng do quá trình cộng cư, giao tiếp lâu năm với người Kinh, Hoa, cũng như để thích ứng với điều kiện kinh tế, xã hội, địa lý, môi sinh tại chỗ nên nhà sàn của người Khmer dần được thay bằng nhà nền đất. Ngày nay chúng ta không còn thấy được nhà sàn của người Khmer, chúng hầu như chỉ tồn tại trong vài ngôi chùa cổ.

Về trang phục, trang sức thì người Khmer xưa nổi tiếng với kỹ thuật nhuộm vải từ quả mặc nưa gọi là “măc kh`loeur” để tạo màu đen tuyền bóng và lâu phai cho vải. Người đàn ông đi lễ mặc áo trắng, cổ tròn, hoặc đứng; bận quần âu dài, màu đen gọi là “Khô cheo, th`nê buôn”.

Riêng trang phục trong lễ cưới, chú rể mặc áo cổ đứng dài tay “Ao Koth” khoác thêm áo choàng dài “Ao Phai” ở ngoài, quấn khăn màu đỏ trên vai, không bận quần mà phải quấn tấm vải “Som poth Som loy” hoặc thắt “Kbân” tức là quấn tấm vải có một đường thắt ở giữa.

Người phụ nữ Khmer lớn tuổi, khi đi dự lễ ở phum, sóc hay chùa thường mặc kiểu áo cổ tròn màu trắng “Ao Bom pông, vêng”, hay gọi là “Tầm vông” có choàng chiếc khăn trắng, còn đối với các cô gái thì màu nào cũng được. Nhưng chủ yếu áo hành lễ là phải màu trắng, hoặc đen, riêng quần phải màu đen hoặc quấn sà rông.

Cô dâu thường mặc kiểu áo dài Khmer, quấn Sa rông với các loại vải “Pha muông” hoặc “Leat” (loại vải có 3 lằn ở dưới chân hoặc loại vải trơn), đầu đội “Mô koth” màu óng ánh, một loại mão đặc biệt được thêu đính bằng “Slap Kom phêm” (cánh của con bọ cam) như là đầu rồng “Neak”.

Ngôn ngữ chữ viết của người Khmer thuộc hệ Nam Á, nhóm Môn- Khmer, có chữ viết cổ “Pruhmi” ảnh hưởng vùng phía Nam của Ấn Độ. Đến nay chữ viết cổ này được người Khmer cải tiến qua 10 lần để sử dụng.

z4772362066379_39511440a34e345c424298a179973fec.jpg
Khung cảnh Lễ Dolta của người Khmer Nam Bộ

Người Khmer có tín ngưỡng thờ cúng “Arak” và thờ cúng “Neak Ta”, gồm 2 tôn giáo chính là Bà La Môn và Phật giáo theo phái Theravada (gọi là Phật giáo Nam tông Khmer). Trong một năm có 3 lễ hội quan trọng nhất là “Pithi Bon Chôl Chnăm Thmây” - Lễ vào năm mới, “Pithi Bon Sen Dolta” - Lễ cúng ông bà và “Pithi Bon Om Tuk - Thvai Pres khe - Ooc Om boc” – tức Lễ hội đua ghe ngo.

Những giá trị truyền đời

Do có nền văn minh phát triển từ rất lâu đời nên người Khmer có nhiều sinh hoạt văn hóa hết sức đa dạng và đặc sắc. Các phong tục, lễ hội của đồng bào thường được chia ra thành 4 nhóm gồm 13 nghi lễ theo vòng đời người Khmer; 8 lễ hội nghi lễ theo tính ngưỡng dân gian; 9 nghi lễ theo tín ngưỡng tôn giáo; 6 lễ hội dân tộc truyền thống.

Tín ngưỡng thờ cúng của người Khmer gồm thờ cúng Meeba, Arak, Neak Ta và Nàng Kong Hing - Kro pơ; tín ngưỡng Bà La Môn giáo thể hiện qua việc cúng tế các thần linh, thế lực huyền bí siêu nhiên; tín ngưỡng phật giáo gắn với nhà chùa sư sãi Nam Tông Khmer...

Phong tục lễ hội của người Khmer chứa đựng rất nhiều yếu tố văn hóa, bao gồm những giá trị xã hội, đạo đức, thẩm mỹ, nghệ thuật. Do mối quan hệ giao lưu, tiếp xúc văn hóa với các tộc người trong cộng đồng dân cư, sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, để phù hợp xu thế thời đại, sự cải tiến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, phong tục lễ hội người Khmer chịu nhiều ảnh hưởng và có những xu hướng biến đổi, như cách thức tổ chức trang phục lễ hội; không gian và thời gian tổ chức; lễ vật dâng cúng; nội dung và hình thức trong nghi lễ; về yếu tố nghệ thuật trình diễn trò chơi dân gian. Nhưng nhìn chung nó nhiều mặt tích cực bên cạnh một số ít mặt hạn chế.

Với người Khmer, chùa là nơi thiêng liêng, nơi thờ Phật, gửi gắm niềm tin qua những việc làm hiện tại, ước mong, hy vọng ở cõi Niết bàn trong tương lai. Ngôi chùa gắn bó với mỗi người dân Khmer gần như suốt cuộc đời, từ lúc sinh ra, trưởng thành cho đến khi lìa xa trần thế, bởi với họ, “Sống vào chùa gửi thân, chết vào chùa gửi cốt”.

Trong cộng đồng người Khmer có rất đông tín đồ theo Phật giáo Tiểu Thừa (Phật giáo Nam Tông). Dù vào chùa tu hay ở nhà thì người Khmer đều là con Phật. Người Khmer quan niệm đi tu không phải để trở thành Phật, mà tu để làm người, làm người có nhân cách, có phẩm chất đạo đức tốt.

anh-bai-tieng-chuong-vang-vong-giua-troi-nam-3.jpg
Dâng hương, đội lễ đến chùa

Có thể nói lý tưởng sống truyền thống của người Khmer là Đức Phật, cho nên trong cuộc sống hằng ngày dù sư sãi ở chùa hay dân chúng tại thế đều phải rèn luyện theo đạo pháp đó là: thọ giới, bố thí và niệm. Tùy theo đối với từng giới mà ba tiêu chuẩn trên được qui định một cách cụ thể hơn. Đối với dân chúng phải thọ đủ 5 giới là “không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu và các chất say”.

Đã nói đến ngôi chùa thì không thể không nói đến sư sãi và Achar luôn có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau. Achar cũng xuất thân từ người tu hành, sư sãi và Achar là người có học thức cao, hiểu biết chuyện đạo, chuyện đời, nhất là phong tục, tập quán, tín ngưỡng tôn giáo và lễ hội.

Hơn thế nữa sư sãi và Achar là những người uy tín trong cộng đồng, nên được người dân Khmer tôn kính, nghe lời và làm theo. Do vậy, sư sãi và Achar luôn chiếm một vị trí vai trò quan trọng trong đời sống xã hội của người Khmer trước đây cũng như hiện nay.

Ông La Lự, người dân tộc Khmer ở ấp Biển Tây B (xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), chia sẻ: Người Khmer có thói quen dâng cơm, cúng dường cho sư sãi. Đây hoàn toàn không phải là một qui định bắt buộc, mà là bằng sự tự nguyện và tấm lòng thành kính của đồng bào. Bởi đối với họ, việc được các vị sư chiếu cố dùng cơm họ dâng hay bất cứ vật dụng gì chính là một điều phước báu lớn.

Trong tất cả các ơn thì ơn Phật là cao cả nhất, vì có Đức Phật mới có chư tăng và có chùa. Chùa không những chỉ là biểu tượng tinh thần của cộng đồng mà còn đối với cá nhân, do đó việc xây dựng chùa là công việc tích đức, là con đường chắc chắn đưa đến sự thanh thản trong cuộc sống.

Cũng theo ông Lự thì người Khmer có thể đóng góp việc xây dựng chùa kể cả những lúc họ khó khăn và thiếu thốn. Phần lớn tài sản của họ đều đóng góp cho chùa, họ quan niệm “cuộc sống hiện tại chỉ là cái tạm bợ, không có cái gì là của họ, tất cả tiền, bạc, nhà lầu, xe hơi… không thể đi theo họ sau khi họ chết, mà phước đức họ làm hiện tại sẽ đi theo họ mãi mãi khi họ bước vào thế giới bên kia”...

Theo thời gian, trước những sự thay đổi to lớn của đất nước, đời sống vật chất và tinh thần của người Khmer cũng thay đổi theo chiều hướng ngày càng nâng cao. Song không phải vì thế mà những giá trị văn hóa của tổ tiên người Khmer mai một.

Tuy trong quá trình cộng cư với một số dân tộc khác như Kinh, Hoa... phần nào thúc đẩy sự biến đổi trong quan điểm, nhận thức của người Khmer, nhưng điều đáng mừng là những giá trị, các chuẩn mực trong phong tục, tập quán và lễ hội của dân tộc này vẫn vẹn nguyên.

Thế nên Tết Chôl Chnăm Thmây vẫn tưng bừng vào khoảng giữa tháng 4 âm lịch, còn Lễ Sen Dolta (giống như Lễ Vu lan của người Kinh) vẫn diễn ra vào những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9... Trong những ngày lễ ấy, dòng người đổ về các ngôi chùa dường như không bao giờ dứt. Và, tiếng chuông lại vang vọng khắp trời Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO